Thông báo về việc thu hồi đất

Một phần của tài liệu Nghiên cứu các quy định về trình tự, thủ tục thu hồi đất và hướng hoàn thiện các quy định này (Trang 34 - 36)

Thông báo về việc thu hồi đất là công việc cần thiết và phải được tiến hành cụ thể nghiêm túc. Đây là giai đoạn thường bị bỏ qua trong thực tiễn thực hiện. Vì vậy, Nghị định 84/2007/NĐ-CP đã dành một điều khoản riêng, Điều 52 quy định về vấn đề này, trách nhiệm của các cơ quan chuyên trách cũng như quyền lợi của người dân đã được cụ thể hoá:

Sau khi phương án tổng thể được xét duyệt, tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm thông báo cho người đang sử dụng đất biết lý do thu hồi đất; dự kiến về mức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; biện pháp chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm; thời gian di chuyển và bàn giao đất bị thu hồi được nêu trong phương án tổng thể.

Người sử dụng đất có quyền căn cứ vào quy định của pháp luật để nhận xét, đề bạt hoặc yêu cầu Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng giải thích về những nội dung đã được thông báo.

Trước thời điểm Nghị định 84/2007/NĐ-CP có hiệu lực, hầu hết việc công khai chủ trương thu hồi đất, thông báo về việc thu hồi đất chưa được thực hiện nghiêm túc. Theo thời báo Kinh tế Việt nam số 9 ra ngày 10/1/2007 thì việc người dân phường Dịch Vọng Hậu – Cầu Giấy không bàn giao mặt bằng cho khu đô thị mới Cầu Giấy không chỉ đơn thuần là do tâm lý “tiếc của” mà còn có nguyên nhân từ sự thiếu rõ ràng của cơ quan chức năng trong việc công bố quy hoạch đến người dân. Có những thửa đất “chìa” ra Khu đô thị một cách vô lý nhưng không bị giải toả trong khi đó đất ở của nhiều hộ dân ở phía trong đường quy hoạch lại bị cắt xén với những hình thù dị dạng đến khó tin. “Nút thắt” chủ yếu trong vấn đề giải phóng mặt bằng tại khu đô thị mới Cầu Giấy là diện tích hơn 4.000m2 đất của hơn 30 hộ dân tổ 40 và tổ 41 của phường Dịch Vọng Hậu. Nguồn gốc của số đất này là đất phần trăm được hợp tác xã nông nghiệp Dịch Vọng Hậu cho người dân canh tác từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước. Đến cuối những năm 90 của thế kỷ trước do khó khăn về nhà ở, người dân thực hiện xây dựng nhà ở trên đất phần trăm và ở ổn định đến trước khi giải phóng mặt bằng.

Bà Thái Thuỷ Thu, xã viên hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Dịch Vọng Hậu quận Cầu Giấy cho biết: “chúng tôi không được cơ quan có thẩm quyền phổ biến hoặc thông báo nội dung dự án là thế nào, lấy đất để làm gì, bản đồ thu hồi đất ra sao, ranh giới thu hồi đất từ đâu đến đâu…”. Bà Thu bức xúc “chúng tôi chỉ thấy cán bộ đi cắm cuốc, rồi một thời gian lại di dời cột mốc. Cuối cùng thì ranh giới cắm mốc lượn như rắn bò. Bao nhiêu nhà kiên cố trên đất canh tác của cán bộ, chức sắc thì chìa ra ngoài. Có lô đất của dân dù ở xa đường quy hoạch nhưng cũng bị lôi vào diện tích đất bị thu hồi”.

Theo ông Nguyễn Kỳ Lân (tổ 40, phường Dịch Vọng Hậu), đây là đất ở ổn định trước khi có Luật đất đai năm 1993. Năm 2003, dự án Khu đô thị mới

Cầu Giấy mới thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, nhưng khi bồi thường, Ban Quản lý dự án chỉ coi là đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, công trình xây dựng trên đất bị coi là những công trình xây dựng trái phép và không được đền bù. Người dân không được hỗ trợ, tái định cư. “Nếu có được thì với giá đất đền bù là đất nông nghiệp, chúng tôi cũng không thể nào có đủ tiền để mua nhà”, ông Lân phân trần.

“Người dân sẵn sàng hiến đất đai – tài sản cho các công trình cơ sở hạ tầng của thành phố, nhưng cần được biết những đồng tiền từ đất đai của chúng tôi đi đâu, đóng góp vào công trình nào, hiệu quả ra sao? Chính quyền địa phương không hề công bố những thông tin này. Mặt khác, chính sách đền bù cũng không rõ ràng. Tiền đền bù cho nhiều hộ gia đình không có hoá đơn, mà chỉ ký sổ và nhận tiền. Ai đảm bảo được rằng, số tiền đó là đúng theo quy định của Nhà nước với thiệt hại về kinh tế và tinh thần của người dân khi bị thu hồi đất sản xuất và đất ở? Ai đảm bảo rằng, những lợi ích từ đất đai của người dân được đóng góp đúng và đủ vào ngân sách nhà nước?”. ông Lân nói.[14]

Như vậy, có thể nói công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng rất phức tạp. Việc cơ quan chức năng mập mờ trong quy hoạch ở Khu đô thị mới Cầu Giấy đã gây ra rất nhiều khó khăn trong vấn đề giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng tới quá trình phát triển kinh tế đất nước. Các cơ quan chức năng đã không thực hiện theo các trình tự, thủ tục cụ thể, chưa làm tròn trách nhiệm đối với bà con có đất bị thu hồi. Nếu có tác phong cầu thị, có thái độ nghiêm túc trước Đảng, trước dân, những người làm nhiệm vụ giải phóng mặt bằng phải giải thích cho những hộ gia đình có đất bị thu hồi thông suốt, tránh được những bức xúc không đáng có. Nghĩa là, trước khi ra quyết định thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, cần làm tốt công tác tư tưởng cho những gia đình có đất bị thu hồi.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu các quy định về trình tự, thủ tục thu hồi đất và hướng hoàn thiện các quy định này (Trang 34 - 36)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(62 trang)
w