Tác động của “song hành lưỡng chế” trong thời kỳ phong kiến Nhật Bản đối với lịch sử Nhật Bản.

Một phần của tài liệu "Song hành lưỡng chế” Nhật Bản từ thế kỉ XII đến thế kỉ XIX (Trang 40 - 49)

Bản đối với lịch sử Nhật Bản.

Cơ chế “song hành lưỡng chế” ở Nhật Bản tồn tại khá dài trong lịch sử Nhật Bản với nhiều biến động lớn và cũng được xem là giai đoạn phát triển đỉnh cao và cũng là cuối cùng của chế độ phong kiến của Nhật Bản. Thời kì này, Thiên hoàng hầu như không có vai trò chính trị gì, mà là biểu tượng dân tộc, thống nhất đất nước, giữ gìn kỉ cương, ổn định trật tự trong nước. Mạc phủ với tất cả quyền lực của nó đã ảnh hưởng tích cực và hạn chế đến toàn bộ chế độ phong kiến qua các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, quân sự…trong lịch sử Nhật Bản nói chung và thời kì phong kiến nói riêng.

Sự ra đời của chính quyền Mạc phủ Kamakura đã mặc nhiên công nhận sự tồn tại của nó cùng với triều đình Thiên hoàng ở Kyoto. Và tất nhiên chính quyền Mạc

phủ nằm trong tay Tướng quân với quyền lực vô cùng to lớn không chỉ bó hẹp ở Kamakura mà còn vươn ra phạm vi cả nước. Vì vậy, khi đã có được vị trí vững chắc, Tướng quân bước đầu thể hiện vai trò của mình để củng cố và mở rộng quyền hành của Mạc phủ. Chẳng hạn, Tướng quân Yoritomo đã thiết lập một tổ chức bộ máy nhà nước phong kiến được điều hành qua nhiều thế hệ. Hơn nữa, tổ chức chính quyền cũng phát triển theo chiều hướng mở rộng thế lực của Tướng quân cho nên hệ thống này nằm dưới sự điều phối và tập trung trong tay người đứng đầu chính quyền. Nhờ vậy, quyền lực của Tướng quân càng mở rộng và bộ máy chính quyền đó hoạt động theo hướng độc lập với cơ quan của triều đình. Nhìn toàn cục, tổ chức chính quyền của Tướng quân hoạt động ngày càng hiệu quả đến mức được xem như là chính quyền trung ương mà không phải là triều đình ở Kyoto.

Trong xu thế đó, hệ thống các quan chức do Thiên hoàng cử đến các địa phương mất hiệu lực, xa rời triều đình và dần phục tùng chính quyền của Tướng quân. Do đó, chính quyền Mạc phủ ngày càng thu hút được nhiều người tài giỏi trong công việc nhà nước như chính trị, hành chính, luật pháp rời bỏ kinh đô, góp phần vào việc di chuyển quyền lực đến Kamakura. Hơn nữa, các chức vụ quan trọng như chỉ huy quân đội, quản lý đất đai đều do những người thân cận của Tướng quân nắm giữ. Như vậy, dưới thời chính quyền của Tướng quân Yoritomo tuy có gặp ít nhiều chống đối song vẫn được hầu hết các thủ lĩnh quân sự và giới quý tộc địa phương ủng hộ. Chính nhờ vậy mà chính quyền Mạc phủ đã duy trì được sự ổn định xã hội.

Ngoài mối quan hệ với triều đình luôn giữ phương châm mềm dẻo, thuyết phục hơn là sức mạnh, Tướng quân còn thể hiện vị trí, vai trò của mình qua các chính sách về luật pháp, kinh tế thời bấy giờ. Chẳng hạn như bộ luật Toei ra đời năm 1232 nhằm củng cố, bảo vệ quyền lợi của Mạc phủ, quan lại phong kiến quân sự.

Các chính sách của chính quyền Mạc phủ cũng góp phần làm cho nền kinh tế khởi sắc với sự mở rộng và phát triển của tầng lớp thương nhân, thợ thủ công. Các tầng lớp này đã phát triển thành các tổ chức chung được gọi là Za ở các lãnh địa, đô thị lớn thời bấy giờ. Đương nhiên, để có được thế độc quyền sản xuất và bán ra một sản phẩm nào đó ở một vùng nhất định, họ phải được phép của chính quyền. Đổi lại,

các tổ chức này phải nộp thuế cho những người bảo vệ mình như lãnh chúa phong kiến, chính quyền nhà nước.

Trước cuộc kháng chiến chống Mông – Nguyên xâm lược, Nhật Bản có quan hệ nhiều mặt về kinh tế, văn hóa với Trung Quốc, theo đó du nhập và ảnh hưởng từ quốc gia này khá sâu đậm. Dễ nhận thấy là nền ngoại thương phát triển kéo theo sự phát triển sự phát triển về văn hóa – xã hội, tôn giáo trong bối cảnh chính quyền Mạc phủ và Tướng quân đều theo chiều hướng mở rộng các mối quan hệ với nước ngoài. Chính vì lẽ đó, không thể phủ nhận những thành tựu đã đạt được chính là sự tác động của chính quyền Mạc phủ, hay nói cách khác là của “song hành lưỡng chế” Nhật Bản.

Trong khi Nhật Bản phát triển khá ổn định thì vào thế kỷ XIII, quốc gia này phải hai lần đương đầu với sự xâm lược của quân Mông – Nguyên, lần thứ nhất năm 1274, lần thứ hai năm 1281. Qua hai cuộc kháng chiến chông Mông – Nguyên, kết quả cuối cùng thắng lợi thuộc về phía Nhật Bản đã cho thấy vai trò tích cực của Tướng quân trong giai đoạn lịch sử này. Thật vậy, trước sự tàn bạo và khắc nghiệt của cuộc kháng chiến, chính quyền Mạc phủ chuẩn bị lực lượng sẵn sàng chiến đấu chống xâm lược bảo vệ đất nước.

Sang thời kì Muromachi, đất nước Nhật Bản rơi vào nội chiến, cát cứ liên miên song khách quan mà nói với một số chính sách, biện pháp của chính quyền Mạc phủ làm cho nền kinh tế và văn hóa có nhiều khởi sắc. Nông nghiệp phát triển cùng với việc áp dụng các kỹ thuật tưới nước, canh tác mới đã tạo nên sự phong phú về chủng loại cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh đó, nhờ chính sách khai khẩn đất hoang mà diện tích trồng trọt được mở rộng đáng kể. Cùng với nông nghiệp, thì thủ công nghiệp và ngoại thương cũng góp phần to lớn trong việc hình thành các đô thị và khu vực buôn bán trong phạm vi cả nước. Kinh tế phát triển cùng quan hệ ngoại thương mở rộng với Trung Quốc cũng góp phần làm “nở rộ” văn hóa. Nhiều tướng quân thời Ashikaga không chỉ là những nhà lãnh đạo quân sự và chính trị mà còn là người hâm mộ và thúc đẩy nghệ thuận phát triển. Chẳng hạn như Tướng quân Yoshimitsu

(1358-1408) là người khởi xướng việc xây dựng Lầu vàng đẹp nổi tiếng cho đến ngày nay.

Trong số ba Mạc phủ Kamakura, Muromachi và Tokugawa thì Mạc phủ Tokugawa là nổi tiếng hơn cả và có nhiều chính sách tác động đến sự phát triển của lịch sử Nhật Bản. Thời kì Tokugawa (1600 – 1868) là giai đoạn phát triển cuối cùng và cao nhất của chế độ phong kiến Nhật Bản. Diễn trình của giai đoạn lịch sử này hết sức đa dạng và phức tạp. Đó vừa là thời kì mà chính quyền trung ương đạt được sự quản chế tương đối thống nhất bao trùm toàn bộ lãnh thố, vừa là thời kì trỗi dậy của các han tập trung ở vùng Tây Nam. Đó vừa là thời kì mà cơ sở kinh tế của đất nước vẫn chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp tự nhiên vừa có sự dung dưỡng những nhân tố phát triển của kinh tế hàng hóa, giao lưu giữa các trung tâm thương mại trong nước và quốc tế. Đó vừa là thời kì chính quyền trung ương cố gắng duy trì trật tự xã hội bằng hệ thống giáo lý Nho giáo, đề cao Shinto giáo, lạnh nhạt với Phật giáo, từng bước chống lại Cơ Đốc giáo vừa là thời kì xuất hiện những khuynh hướng tư tưởng đồng thời là trường phái học thuật mới, tác động đến nhiều đẳng cấp trong xã hội như: Quốc học, Khai quốc học, Hà Lan học…

Qua đó, đủ thấy rằng đây là thời kì chuyển mình mạnh mẽ của dân tộc Nhật Bản trên tất cả mọi phương diện đồng thời chuẩn bị những tiền đề, điều kiện hết sức quan trọng để rồi vào nửa sau thế kỷ XIX, Nhật Bản có thể “Đuổi kịp và vượt phương

Tây”. Do đó, trong phần này, tôi chỉ xin đi sâu vào tìm hiểu tác động của Mạc phủ

Tokugawa đối với lịch sử Nhật Bản trên phương diện chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa.

Trước hết là phương diện chính trị, Tokugawa đã xây dựng một thiết chế chính trị hòa bình, ổn định và thống nhất. Tác động đầu tiên của Mạc phủ Tokugawa chính là hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước. Tình trạng đất nước thời kì Chiến quốc không những làm cho nhân dân thêm khốn khổ mà gây trở ngại lớn cho sự phát triển xã hội. Vì vậy, xuất phát từ những lợi ích khác nhau, các tầng lớp nhân dân Nhật Bản đều mong muốn hòa bình và thống nhất. Trong vòng 40 năm từ năm 1560 đến năm 1600, ba nhà lãnh đạo quân sự Oda Nobunaga (1534 – 1582), Toyotomi

Hideyoshi (1536 – 1598), Tokugawa Ieyasu (1542 – 1616) đã kế tục nhau hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước.

Sau cái chết của Hideyoshi, Ieyasu với tư cách là lãnh chúa lớn bước lên vũ đài chính trị ở Nhật Bản. Với thắng lợi trong trận Sekigahara năm 1600, dẹp yên các thế lực chống đối, ông đã thâu tóm được quyền lực thực tế về tay mình, xưng “tướng quân”, lập Mạc phủ Togukawa. Bằng nhiều chính sách khôn khéo những cũng rất thận trọng, các tướng quân của Mạc phủ Tokugawa xây dựng được một cơ chế vận động song song là Chế độ Mạc phủ - công quốc hay còn được gọi là Mạc – phiên thể chế, dựa vào sự phục tùng và trung thành tuyệt đối của các võ sĩ. Mạc phủ Tokugawa còn giải quyết thành công mối quan hệ hết sức tinh tế với Thiên hoàng và Hoàng gia mà vẫn bảo vệ được chủ thuyết của mình. Trong suốt hơn hai thế kỷ mối quan hệ giữa hai thế lực chính trị đó diễn ra khá phẳng lặng và chỉ bắt đầu có dấu hiệu rạn vỡ khi các cường quốc phương Tây đem đại bác đến gõ cửa Nhật Bản vào giữa thế kỷ XIX.

Qua đó, Tokugawa đã củng cố được sức mạnh của chính quyền phong kiến trung ương với các địa phương, củng cố vững chắc sự thống trị của mình, đồng thời duy trì được hòa bình và sự ổn định chính trị trong một thời gian dài suốt 250 năm của thời đại Tokugawa (1600 – 1868).

Tiếp theo là phương diện kinh tế, xã hội. Đất nước thống nhất, hòa bình và ổn định đã tạo những điều kiện hết sức thuận lợi cho các ngành kinh tế phát triển. Sau khi nắm thực quyền thống trị ở Nhật Bản, Tokugawa Ieyasu đã chủ trương cấm hoạt động của các tổ chức buôn bán độc quyền trước đây, kêu gọi thương nhân vào sống và làm ăn trong các thành thị, tiếp tục khuyến khích phát triển ngoại thương . “Mạc phủ bãi bỏ thuế quan nội địa, tạo ra cơ sở hạ tầng cho sự phát triển của thị trường quốc gia. Chính quyền Edo đã cố gắng thay thế một loạt đơn vị đo lường ở các địa phương và xác lập những đơn vị chuẩn mực trên toàn quốc; đã tạo ra một đơn vị tiền tệ chung; khuyến khích xây dựng các trục đường giao thông nối liền các vùng đất xa xôi nhất, từ những hải đảo, với thủ phủ của shogun ở Edo…Những biến đổi

tình hình đó đã tạo nên mạng lưới liên kết kinh tế trong toàn quốc cũng như tạo ra tác nhân kích thích cho sự tăng trưởng kinh tế”[4,281]

Sau một thời kì mở cửa, đẩy mạnh quan hệ giao thương với bên ngoài, từ những năm 1630 chính quyền Edo đã từng bước thực thi chính sách đóng cửa đất nước và chỉ cho phép một số lượng hạn chế tàu và thuyền buôn Hà Lan, Trung Quốc được tiếp tục buôn bán, trao đổi hàng hóa. Đó là quyết định có tính chất chiến lược của chính quyền Edo nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, thống nhất đất nước, khắc phục tình trạng mất cân đối nghiêm trọng trong cán cân thương mại. Chính sách đó còn đưa Nhật Bản từ một thị trường tiêu thụ hàng hóa ngoại quốc thành một nước tự chủ về sản xuất. Vì vậy, có thể khẳng định chính sách đóng cửa của Nhật Bản không phải chỉ hoàn toàn là ý nghĩa tiêu cực, tự tách biệt Nhật Bản ra khỏi những biến đổi chung của thế giới. Trên thực tế, chính sách đóng cửa đã góp phần bảo vệ cho quyền dân tộc, duy trì địa vị thống trị của dòng họ Tokugawa đồng thời khuyến khích sự phát triển của một nền kinh tế hướng nội, chủ yếu là sản xuất và tiêu thụ trong nước. Nhưng nó cũng có tác động tiêu cực là “..Nhưng chế độ này đã bất lực trong việc

ngăn chặn tiến trình thay đổi xã hội trong một đế chế Nhật Bản bị cô lập, mặc dù nó đã cố gắng làm cho hệ thống phong kiến được thừa hưởng từ thời biến loạn trước đó, thành một tổ chức vĩnh viễn”[4,270].

Như đã biết, Mạc phủ Tokugawa đã xây dựng một chính quyền phong kiến theo kiểu quân phiệt mà lịch sử gọi là Bakuhan taisei. Chế độ Bakuhan taisei đã luật lệ hóa thiết chế chính trị, tạo ra sự vận hành hữu hiệu, trực tiếp từ chính quyền trung ương với các địa phương nhưng đồng thời nó cũng có những điểm mở cần thiết cho sự phát triển độc lập, bảo đảm một số quyền tự chủ của các han. Với tư cách là

những người đứng đầu han, trên cơ sở điều kiện tự nhiên, xã hội cụ thể, các daimyo có thể tự đề ra các chính sách, chủ trương tương đối độc lập với chính quyền trung ương cho sự phát triển kinh tế ở han mình đồng thời xây dựng một nguồn lực tài chính đủ sức gánh vác nghĩa vụ với chính quyền trung ương. Cơ chế đó đã tạo điều kiện cho sự phát triển năng động của các lãnh địa về kinh tế, làm nảy sinh những biến chuyển đa dạng giữa các lãnh địa với nhiều nội dung và cấp độ khác nhau. Về bản chất, cơ chế chính trị đó còn tạo ra sức cạnh tranh giữa các công quốc. Thực tế

cho thấy, vào thời kỳ Edo nhờ có những chính sách thích hợp, mà ở nhiều nơi đặc biệt là các công quốc vùng Tây Nam đã có sự phát triển vượt trội về năng lực và trình độ sản xuất, về nội dung và phương thức kinh doanh..Những hoạt động kinh tế đó đã từng bước tác động đến các địa phương, khuyến khích sự tăng trưởng chung và tạo ra sự hòa đồng giữa các vùng khác nhau trên cả nước.

Để khẳng định uy quyền của mình, từ năm 1634, Mạc phủ chính thức ban hành chế độ sankin kotai (Luân phiên trình diện). Thông qua chính sách này, Mạc phủ có thể kiểm soát chặt chẽ các lãnh chúa địa phương và làm giảm khả năng chống đối của các lực lượng võ sĩ ở lãnh địa. Và sự giao thương thường xuyên với một tỷ lệ lớn tầng lớp thống trị giữa Edo và các tỉnh đã làm tăng cường tính đồng nhất về văn hóa, tri thức, tư tưởng ở Nhật Bản hơn bất cứ một quốc gia nào khác trên thế giới.

Điều quan trọng là, cùng với những chuyển biến trong đời sống kinh tế - xã hội, chế độ sankin kotai đã tạo ra những nhân tố khách quan thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành kinh tế, giao thông vận tải và là nhân tố xúc tác đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, biến các thành thị thành trung tâm sản xuất, thương mại và tiêu thụ của cả nước khuyến khích kinh tế phát triển. Thời Edo, Nhật Bản có tới 200 thành thị, hàng trăm cảng thị, trung tâm thương nghiệp, sản xuất thủ công nghiệp. Thành thị đã trở thành nhân tố quan trọng trong đời sống Nhật Bản, trong vấn đề chính quyền và kinh tế, trong sự hình thành nền văn hóa đại chúng và các trào lưu tri thức.

Là một quốc gia châu Á, nền tảng kinh tế chủ yếu của Nhật Bản thời Edo vẫn chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp tự nhiên. Nhận thức rõ tầm quan trọng đó, chính quyền Togukawa đã ban hành nhiều chính sách và thực thi những biến pháp tích cực nhằm khuyến khích ngành kinh tế này phát triển. Nhờ đẩy mạnh khai hoang mà diện tích đất canh tác không ngừng được mở rộng. Nhiều vùng đất hoang khô cằn, đầm lầy…trước đây đã biến thành đất sản xuất cùng với việc hoàn thiện không ngừng hệ thống tươi tiêu. Việc sử dụng các loại nông cụ cải tiến và bắt đầu hình thành tập quán sử dụng phân bón trong canh tác đã đem lại một sản lượng lương thực cao hơn nhiều so với những thế kỷ trước. Thêm vào đó, do thóc giống được cải tạo nên nhiều nơi nông dân đã cấy được hai vụ lúa. Tại nhiều địa phương, người ta

Một phần của tài liệu "Song hành lưỡng chế” Nhật Bản từ thế kỉ XII đến thế kỉ XIX (Trang 40 - 49)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(59 trang)
w