Như ở chương 2 Luận văn này đã trình bày, Trường Đại học Luật Hà Nội đã thực hiện hành vi xâm phạm quyền tác giả khi cài đặt phần mềm máy tính bất hợp pháp, sao chép, dịch tác phẩm mà không xin phép tác giả, trả thù lao cho chủ sở hữu tác phẩm và một số hành vi xâm phạm khác. Nếu Trường Đại học Luật Hà Nội bị các cơ quan thanh, kiểm tra hoặc bị tác giả, chủ sở hữu tác phẩm khởi kiện ra TAND thì Trường Đại học Luật Hà Nội có thể bị áp dụng một hoặc các chế tài sau:
4.3.1. Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm quyền tác giả
Trường hợp các cơ quan chức năng, hay chính tác giả, chủ sở hữu tác phẩm phát hiện ra các hành vi xâm phạm quyền tác giả tại Trường Đại học Luật Hà Nội đều có quyền yêu cầu Trường Đại học Luật Hà Nội phải chấm dứt ngay hành vi xâm phạm, đặc biệt là việc photo giáo trình, sách tham khảo. Đối với các chủ thể quyền, nếu không tự mình yêu cầu thì có quyền khởi kiện yêu cầu toà án buộc Trường Đại học Luật Hà Nội phải chấm dứt ngay hành vi xâm phạm.
Ngoài ra, đối với các trường hợp ghi sai tên tác giả, không nêu tên tác giả, ghi sai tên tác phẩm thì Thư viện Trường Đại học Luật Hà Nội phải thực hiện ngay việc sửa tên tác giả, nêu tên tác giả và sửa tên tác phẩm.
4.3.2. Buộc xin lỗi, cải chính công khai
Trường Đại học Luật Hà Nội chỉ bị áp dụng chế tài này, nếu chủ thể quyền của tác phẩm phát hiện ra hành vi xâm phạm và thực hiện các biện pháp
mà pháp luật dành cho họ để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình. Chủ thể quyền của tác phẩm có thể trực tiếp thoả thuận với Trường Đại học Luật Hà Nội về hình thức xin lỗi, cải chính công khai sẽ được đăng, phát trên phương tiện thông tin đại chúng nào? Có thể là báo in, báo nói, hoặc báo hình. Số lần đăng thông tin xin lỗi, cải chính công khai là bao nhiêu lần? Trường hợp chủ thể quyền và Trường Đại học Luật Hà Nội không thoả thuận được với nhau về việc xin lỗi, cải chính công khai thì chủ thể quyền có thể yêu cầu TAND giải quyết. Mọi chi phí cho việc đăng báo xin lỗi, cải chính công khai này Trường Đại học Luật Hà Nội phải gánh chịu.
4.3.3. Buộc bồi thường thiệt hại
Nếu Trường Đại học Luật Hà Nội là bị đơn trong vụ kiện vi phạm quyền tác giả mà nguyên đơn chứng minh được đầy đủ các yếu tố sau: có hành vi xâm phạm quyền tác giả của Đại học Luật Hà Nội, có thiệt hại xảy ra với nguyên đơn, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi xâm phạm và thiệt hại, Trường Đại học Luật Hà Nội đã cố ý vi phạm quyền tác giả thì Trường Đại học Luật Hà Nội hoàn toàn có thể bị TAND buộc bồi thường thiệt hại cho chủ thể quyền. Mức bồi thường thiệt hại là bao nhiêu phụ thuộc vào mức độ vi phạm của Trường Đại học Luật Hà Nội và mức độ thiệt hại mà nhà trường đã gây ra cho chủ thể quyền.
Ví dụ:
- Nếu Trường Đại học Huế kiện Trường Đại học Luật Hà Nội ra toà yêu cầu bồi thường thiệt hại do Trường Đại học Luật Hà Nội đã vi phạm quyền tác giả đối với cuốn “Giáo trình luật Môi trường” thì ít nhất Trường Đại học Luật Hà Nội phải bồi thường số tiền là: 60 cuốn x 40.000 VNĐ = 2.400.000 VNĐ.
- Nếu tác giả Nguyễn Ngọc Điện kiện Trường Đại học Luật Hà Nội ra toà yêu cầu bồi thường thiệt hại do Trường Đại học Luật Hà Nội đã vi phạm quyền tác giả đối với cuốn sách tham khảo “Một số suy nghĩ về thừa kế trong luật Dân sự Việt Nam” thì ít nhất Trường Đại học Luật Hà Nội phải bồi thường số tiền là: 20 cuốn x 68.000 VNĐ = 1.360.000 VNĐ.
Nếu tác giả Nguyễn Sỹ Dũng và Nguyễn Đức Lam kiện Trường Đại học Luật Hà Nội ra toà yêu cầu bồi thường thiệt hại do Trường Đại học Luật Hà Nội đã vi phạm quyền tác giả đối với cuốn sách dịch “Những hệ thống pháp luật chính trong thế giới đương đại” thì ít nhất Trường Đại học Luật Hà Nội phải bồi thường số tiền là: 20 cuốn x 62.000 VNĐ = 1.240.000 VNĐ.
(Phương pháp tính giá áp dụng đối với các trường hợp này phương pháp tính giá dựa trên thị trường)
4.3.4. Phạt
Trong trường hợp các cơ quan chức năng phát hiện ra hành vi xâm phạm quyền tác giả tại Trường Đại học Luật Hà Nội thì các cơ quan này có quyền ra các Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Trường Đại học Luật Hà Nội. Pháp luật Việt Nam thực định trao quyền xử phạt vi phạm này cho các cơ quan thanh tra chuyên ngành của Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch, cơ quan Công an, các cơ quan Quản lý thị trường và Uỷ ban nhân dân các cấp. Hình thức xử phạt có thể là cảnh cáo hoặc phạt tiền, có thể bị áp dụng thêm các hình thức xử phạt bổ sung như: tịch thu, buộc tiêu hủy toàn bộ số tài liệu vi phạm quyền tác giả.
Thực tiễn áp dụng pháp luật và kiến nghị