Biện pháp dân sự này thông thường sẽ được áp dụng cùng các biện pháp khác như: buộc chấm dứt hành vi xâm phạm, buộc bồi thường thiệt hại… ở đây phải hiểu xin lỗi công khai không phải là việc bên vi phạm gặp gỡ trực tiếp bên bị vi phạm để xin lỗi công khai mà việc xin lỗi, cải chính này phải được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhiều người biết đến như: báo chí, phát thanh truyền hình…
Biện pháp này được áp dụng như thế nào và được thể hiện công khai trên phương tiện thông tin đại chúng cụ thể nào là do các bên tranh chấp thoả thuận. Trường hợp không thoả thuận được thì toà án sẽ quyết định. Chế tài này rất có ý nghĩa đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả, đặc biệt là hành vi xâm phạm quyền nhân thân của tác giả nhằm khắc phục, hạn chế thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền tác giả gây ra.
Như đã trình bày ở chương trước, vụ kiện của nhà báo Hà Linh (tên thật là Phạm Thị Hà) kiện nhà xuất bản Văn hoá - Thông tin “chôm” tám bài báo của chị in thành sách không xin phép và không đề đúng tên tác giả. Hội đồng xét xử vụ án đã ra bản án kết luận hành vi của nhà xuất bản Văn hoá - Thông tin là vi phạm quyền tác giả. Theo đó, nhà xuất bản Văn hoá - Thông tin phải đăng báo công khai xin lỗi nhà bào Hà Linh trên ba số liên tiếp của báo Nhân Dân; không được phát hành toàn bộ số sách chưa được phát hành hoặc đang chuẩn bị phát
hành; không được phép tái bản cuốn sách “Doanh nhân thành đạt và bài học kinh nghiệm thương trường” có tác phẩm của Hà Linh, nếu không được sự đồng ý của nhà báo này.
4.2.3. Buộc bồi thường thiệt hại
Luật SHTT 2005 cho phép chủ thể quyền của quyền tác giả bị xâm phạm có thể yêu cầu toà án buộc bên vi phạm phải bồi thường thiệt hại cho mình. Quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại áp dụng tương tự theo các quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định tại mục 1,2 chương 21 phần 3 của BLDS. Khi có hành vi xâm phạm quyền tác giả xảy ra, chủ thể quyền sẽ được bên vi phạm bồi thường thiệt hại nếu chứng minh được có hành vi xâm phạm quyền tác giả xảy ra trên thực tế; có thiệt hại xảy ra; có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi xâm phạm quyền tác giả; có lỗi vô ý hoặc cố ý của người có hành vi vi phạm.
a. Hành vi xâm phạm quyền tác giả
Xét về lịch sử bảo hộ quyền tác giả trên thế giới thì hành vi đầu tiên bị ngăn cấm bởi luật bản quyền là việc “tái bản”. Tái bản có nghĩa là việc nhân tác phẩm thành nhiều bản khác nhau, thậm chí là sao chép một bản đã vi phạm. Tại Việt Nam hiện nay, luật thực định quy định: Đối với những quyền thuộc độc quyền của tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm, thì hành vi vi phạm pháp luật là hành vi sử dụng tác phẩm mà không được sự đồng ý của tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm. Các hành vi xâm phạm quyền tác giả bao gồm hành vi xâm phạm quyền nhân thân và hành vi xâm phạm quyền tài sản. Các hành vi này đều phải là hành vi trái pháp luật và được quy định tại Điều 28 Luật SHTT. Căn cứ vào Điều 28 này, chủ thể quyền có thể nhận biết được hành vi của cá nhân, tổ chức khác có vi phạm quyền tác giả của mình hay không.
b. Thiệt hại thực tế xảy ra
Thiệt hại do xâm phạm quyền tác giả bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần. Mức độ thiệt hại phải được xác định phù hợp với yếu tố xâm phạm quyền tác giả và phải là thiệt hại thực tế, không phải chung chung,
mơ hồ. Pháp luật Việt Nam coi là tổn hại thực tế, nếu có đủ các căn cứ sau: Lợi ích vật chất hoặc lợi ích tinh thần là có thực và thuộc về người có quyền tác giả; người bị thiệt hại có khả năng đạt được lợi ích vật chất hoặc tinh thần đó; có sự giảm sút hoặc mất lợi ích của người bị thiệt hại, sau khi hành vi xâm phạm xảy ra so với khả năng đạt được lợi ích đó khi không có hành vi xâm phạm.
Nguyên đơn trong vụ án xâm phạm quyền tác giả phải chứng minh được hành vi xâm phạm quyền tác giả đã gây thiệt hại về vật chất và về tinh thần (nếu có). Nguyên đơn có thể dựa vào một trong các căn cứ sau để yêu cầu toà án quyết định mức bồi thường:
• Tổng thiệt hại vật chất tính bằng tiền cộng với khoản lợi nhuận mà bị đơn đã thu được do hành vi xâm phạm quyền tác giả, nếu khoản lợi nhuận bị giảm sút của nguyên đơn chưa được tính vào tổng thiệt hại vật chất.
• Giá chuyển giao quyền sử dụng đối tượng quyền tác giả với giả định bị đơn được nguyên đơn chuyển giao quyền sử dụng đối tượng đó theo hợp đồng sử dụng đối tượng của quyền tác giả tương ứng với hành vi xâm phạm đã thực hiện.
Trường hợp không thể xác định được mức bồi thường về vật chất theo các căn cứ trên thì mức bồi thường này sẽ do toà án ấn định, tuỳ thuộc vào mức độ thiệt hại nhưng không quá năm trăm triệu đồng (điểm c khoản 1 Điều 205 Luật SHTT).
c. Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi xâm phạm và thiệt hại
Cùng với việc phải chứng minh có hành vi xâm phạm quyền tác giả, có thiệt hại thực tế xảy ra, nguyên đơn phải chứng minh giữa hành vi và thiệt hại này có mối quan hệ nhân quả với nhau. Nghĩa là, hành vi xâm phạm quyền tác giả phải có trước khi thiệt hại xảy ra, hành vi xâm phạm này là nguyên nhân trực tiếp, cơ bản dẫn đến thiệt hại; thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi đó và ngược lại, hành vi này nguyên nhân gây ra thiệt hại.
Lỗi là trạng thái ý thức của con người nhận thức được hành vi của mình và hậu quả do hành vi đó gây ra, thực hiện hành vi ấy một cách vô ý hoặc cố ý.
Lỗi vô ý gây thiệt hại là trường hợp một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn, hoặc tuy không mong muốn nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra. Vô ý gây thiệt hại là trường hợp một người không thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, mặc dù phải biết hoặc có thể biết trước thiệt hại xảy ra, hoặc thấy trước hành vi của mình có thể khả năng gây thiệt hại nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được(1).
Người yêu cầu bồi thường thiệt hại phải có nghĩa vụ chứng minh lỗi của người vi phạm quyền tác giả. Đối với quyền tác giả, lỗi của người vi phạm chủ yếu là lỗi cố ý. Cố ý in sách, phát hành sách, cố ý sao chép băng đĩa, sao chép phần mềm… mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả. Cố ý nêu sai tên tác giả, thay đổi tên tác phẩm, thay đổi hình thức thể hiện tác phẩm. Riêng một số hành vi xâm phạm quyền tác giả, bắt buộc lỗi phải là cố ý: Cố ý huỷ bỏ hoặc làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình; Cố ý xoá, thay đổi thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử có trong tác phẩm. Tuy nhiên, hành vi xâm phạm quyền tác giả vẫn có thể xảy ra trường hợp lỗi vô ý.
Ví dụ: Một chủ cửa hàng sách ở phố A cho biết: chị nhập sỉ các đầu sách mỗi lần mấy trăm cuốn, cho nên, không thể kiểm soát được việc sách lậu trà trộn với sách thật trong lô hàng. Hành vi này khác nào tiếp tay cho những kẻ in sách lậu. Hành vi đó bị coi là hành vi xâm phạm quyền tác giả. Lỗi của chủ cửa hàng là lỗi vô ý.
*Vụ án về bốn bài viết nghiên cứu về “Truyện Kiều”
Năm 2001, PGS.TS Đào Thái Tôn cho in bốn bài viết của ông Nguyễn Quảng Tuân trong cuốn “Văn bản Truyện Kiều - Nghiên cứu và thảo luận” do ông Tôn đứng tên tác giả. Bốn bài viết gồm: “Một vài nhận xét về nghiên cứu
Truyện Kiều của cố học giả Hoàng Xuân Hãn”, “Trả lời ông Đào Thái Tôn về bài nhân một bài nhận xét về việc nghiên cứu Truyện Kiều”, “Hãy trở lại đúng vấn đề nhận xét về việc nghiên cứu Truyện Kiều”, “Về bài Hoàng Xuân Hãn và việc khôi phục nguyên tác Truyện Kiều”. Ông Nguyễn Quảng Tuân nói mình không được xin phép và “bị chiếm đoạt quyền tác giả” (nguyên chữ trong đơn khởi kiện của ông Tuân). Sáng ngày 25/12/2006, TAND Thành phố Hà Nội mở phiên toà sơ thẩm, ông Tuân là nguyên đơn và ông Tôn là bị đơn. Hành vi của ông Đào Thái Tôn là hành vi xâm phạm nghiêm trọng quyền tác giả được quy định tại khoản 6 và khoản 8 Điều 28 Luật SHTT. Đề nghị của ông Nguyễn Quảng Tuân là: ông Đào Thái Tôn phải bồi thường thiệt hại vật chất là 75 triệu đồng và xin lỗi, cải chính công khai trên phương tiện thông tin đại chúng; trong 75 triệu gồm tiền thuê luật sư (50 triệu đồng), và tiền bồi thường bản quyền (25 triệu đồng). Luật SHTT(khoản 3 Điều 25) có quy định mức bồi thường thiệt hại gồm cả tiền thuê luật sư, nhưng phải là “chi phí hợp lý”, số tiền 50 triệu đồng khó có thể coi là hợp lý. Vì thế, sáng ngày 26/12/2006, TAND Thành phố Hà Nội đã ra phán quyết:
1. Ông Đào Thái Tôn đã vi phạm quyền tác giả của ông Nguyễn Quảng Tuân. Ông Đào Thái Tôn phải có trách nhiệm bồi thường cho ông Nguyễn Quảng Tuân là 25 triệu đồng;
2. Bác bỏ yêu cầu của bên nguyên đơn đòi ông Đào Thái Tôn phải trả 50 triệu cho luật sư. Lý do: Đây là hợp đồng cá nhân của ông Nguyễn Quảng Tuân với luật sư. Ông Tôn không có nghĩa vụ thanh toán hợp đồng này.
4.2.4. Buộc hoàn trả khoản lợi trái pháp luật
Trường hợp nguyên đơn không chứng minh được thiệt hại thực tế xảy ra cho mình (không thể yêu cầu bồi thường thiệt hại) thì có quyền yêu cầu toà án buộc chủ thể vi phạm phải hoàn trả khoản được lợi trái pháp luật.
Trong pháp luật dân sự, nếu việc sử dụng tài sản không ngay tình mà thu được những khoản lợi nhất định thì phải hoàn trả những lợi ích đó cho chủ sở
hữu. Tương tự như vậy, những chủ thể thực hiện hành vi xâm phạm quyền tác giả quy định tại Điều 28 Luật SHTT phải hoàn trả cho chủ thể quyền khoản lợi mà họ thu được do hành vi xâm phạm quyền tác giả mà có.
4.2.5. Buộc tiêu huỷ vật phẩm xâm phạm
Hành vi xâm phạm quyền tác giả rất đa dạng, trong đó phổ biến nhất là hành vi sao chép lậu. Các vật phẩm vi phạm này chất lượng kém hơn hẳn so với hàng thật. Sách in lậu trang giấy thường mỏng, chữ lem nhem khó đọc, sai lỗi chính tả rất nhiều… Vì thế, đối với các vật phẩm này, nguyên đơn trong vụ án vi phạm quyền tác giả có quyền yêu cầu toà án cho tiêu huỷ.
Bên cạnh đó, các hành vi xâm phạm khác như: bán các tác phẩm mà chữ ký của tác giả bị giả mạo, sửa chữa, cắt xén, xuyên tạc tác phẩm… thì các sản phẩm này cũng có thể bị toà án tuyên buộc tiêu huỷ, nếu thấy cần thiết.
4.2.6. Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự
Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự là loại TNDS do cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng những biện pháp cưỡng chế buộc người có hành vi vi phạm nghĩa vụ phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ đối với bên có quyền. Thông thường, biện pháp dân sự này được áp dụng khi bên có quyền và bên có nghĩa vụ có quan hệ hợp đồng với nhau. Bởi vậy, vấn đề buộc thực hiện nghĩa vụ không thuộc phạm vi nghiên cứu của luận văn này.
4.2.7. Phạt
Phạt là một chế tài của pháp luật hành chính. Biện pháp chế tài này được áp dụng khi chủ thể vi phạm quyền tác giả không chấm dứt hành vi xâm phạm quyền tác giả mặc dù đã được chủ thể quyền thông báo bằng văn bản yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm đó. Các hình thức xử phạt bao gồm hình thức xử phạt chính và hình thức xử phạt bổ sung. Có hai hình thức xử phạt chính là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền. Với mỗi hành vi vi phạm, chủ thể vi phạm chỉ bị áp dụng một hình thức xử phạt chính, hoặc phạt cảnh cáo, hoặc phạt tiền; ngoài ra, tuỳ thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm chủ thể vi phạm còn có thể bị áp dụng thêm một hoặc một số hình thức xử phạt bổ sung như: tịch thu hàng hoá xâm
phạm quyền tác giả, tịch thu nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá xâm phạm quyền tác giả. Đối với quyền tác giả, hình thức xử phạt được áp dụng chủ yếu là phạt tiền. Mức tiền phạt là bao nhiêu do người có thẩm quyền quyết định trong khung đã được quy định, tuỳ thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm.
4.3. Xử lý xâm phạm tại Đại học Luật Hà Nội
Như ở chương 2 Luận văn này đã trình bày, Trường Đại học Luật Hà Nội đã thực hiện hành vi xâm phạm quyền tác giả khi cài đặt phần mềm máy tính bất hợp pháp, sao chép, dịch tác phẩm mà không xin phép tác giả, trả thù lao cho chủ sở hữu tác phẩm và một số hành vi xâm phạm khác. Nếu Trường Đại học Luật Hà Nội bị các cơ quan thanh, kiểm tra hoặc bị tác giả, chủ sở hữu tác phẩm khởi kiện ra TAND thì Trường Đại học Luật Hà Nội có thể bị áp dụng một hoặc các chế tài sau:
4.3.1. Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm quyền tác giả
Trường hợp các cơ quan chức năng, hay chính tác giả, chủ sở hữu tác phẩm phát hiện ra các hành vi xâm phạm quyền tác giả tại Trường Đại học Luật Hà Nội đều có quyền yêu cầu Trường Đại học Luật Hà Nội phải chấm dứt ngay hành vi xâm phạm, đặc biệt là việc photo giáo trình, sách tham khảo. Đối với các chủ thể quyền, nếu không tự mình yêu cầu thì có quyền khởi kiện yêu cầu toà án buộc Trường Đại học Luật Hà Nội phải chấm dứt ngay hành vi xâm phạm.
Ngoài ra, đối với các trường hợp ghi sai tên tác giả, không nêu tên tác giả, ghi sai tên tác phẩm thì Thư viện Trường Đại học Luật Hà Nội phải thực hiện ngay việc sửa tên tác giả, nêu tên tác giả và sửa tên tác phẩm.
4.3.2. Buộc xin lỗi, cải chính công khai
Trường Đại học Luật Hà Nội chỉ bị áp dụng chế tài này, nếu chủ thể quyền của tác phẩm phát hiện ra hành vi xâm phạm và thực hiện các biện pháp
mà pháp luật dành cho họ để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình. Chủ thể quyền của tác phẩm có thể trực tiếp thoả thuận với Trường Đại học Luật Hà Nội về hình thức xin lỗi, cải chính công khai sẽ được đăng, phát trên phương tiện thông tin đại chúng nào? Có thể là báo in, báo nói, hoặc báo hình. Số lần đăng thông tin xin lỗi, cải chính công khai là bao nhiêu lần? Trường hợp chủ thể quyền và Trường Đại học Luật Hà Nội không thoả thuận được với nhau về việc xin lỗi, cải chính công khai thì chủ thể quyền có thể yêu cầu TAND giải quyết. Mọi chi phí cho việc đăng báo xin lỗi, cải chính công khai này Trường Đại học