VI. VAI TRÒ ĐIỀU TIẾT CỦA NHÀ NƯỚC TRONG SỰ PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU
b. Những thách thức cơ bản
Thách thức cơ bản nhất và năng lực cạnh tranh và tính năng động của nền kinh tế còn yếu, cơ cấu kinh tế và cơ cấu đầu tư còn nhiều bất hợp lý, cơ chế thị trường vận hành chưa thật sự thông suốt; hệ thống tài chính - tiền tệ chậm được đổi mới; kết cấu hạ tầng còn thiếu và yếu; trình độ công nghệ còn lạc hậu; cải cách doanh nghiệp nhà nước tiến hành chậm; tư duy kinh doanh và tư duy quản lý còn thụ động.
Thách thức thứ hai là chúng ta vừa phải tìm mọi cách để khắc phục những yếu kém nội tại, đẩy nhanh quá trình CNH, vừa phải chủ động hội nhập kinh tế quốc tế - nơi đang diễn ra cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các nền kinh tế quốc gia, các công ty lớn, bé. Việc tham gia AFTA (hoàn tất vào năm 2006) và sắp tới là WTO sẽ làm cho các sản phẩm và công ty của chúng ta phải đối đầu với cạnh tranh không những trên thị trường bên ngoài, mà còn ngay cả trên thị trường nội địa. Đối thủ cạnh tranh khổng lồ là Trung Quốc đã vào WTO, gây khó khăn không nhỏ cho xuất khẩu của Việt Nam trong những năm tới, khi nước ta gia nhập WTO.
Nguồn lực phát triển tuy còn nhiều, nhưng môi trường và cơ chế phát huy nguồn lực lại chưa thật sự hoàn thiện, nên nguồn lực huy động được còn bị dàn trải vào nhiều mục tiêu. Sản lượng của một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực, chủ yếu là nông sản, lại đã tới giới hạn, nếu không có đầu tư mới để khắc phục những hạn chế mang tính cơ cấu. Thêm vào đó, tư duy kinh doanh, nghiệp vụ và phương thức kinh doanh, tiếp thị cũng như tổ chức kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam mới ở trình độ sơ khai, có khoảng cách khá xa so với trình độ của thế giới, gây ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng tiếp cận, thâm nhập và mở rộng thị trường.