Yêu cầu đặt ra đối với hoạt động điều tiết thị trường xuất khẩu của Nhà nước

Một phần của tài liệu TÌM HIỂU VAI TRÒ CỦA NHÀ NƯỚC TRONG NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG (Trang 49)

VI. VAI TRÒ ĐIỀU TIẾT CỦA NHÀ NƯỚC TRONG SỰ PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU

b. Yêu cầu đặt ra đối với hoạt động điều tiết thị trường xuất khẩu của Nhà nước

Yêu cầu quan trong đặt ra đối với hoạt động điều tiết thị trường xuất khẩu của Nhà nước là phải đảm bảo mục tiêu chủ động hội nhập thị trường quốc tế theo nguyên tắc đa phương hoá. Ở đây, mục tiêu chủ động hội nhập và nguyên tắc đa phương hoá được hiểu như sau:

- Chủ động hội nhập thị trường quốc tế - trong chừng mực nào đó - đó là khía cạnh của nâng cao sức cạnh tranh. Do môi trường kinh doanh quốc tế chưa thật hoàn hảo, rào cản thương mại còn tồn tại khá nhiều, nên chỉ riêng sự chủ động từ phía các doanh nghiệp thì chưa đủ. Nhà nước cần có sự trợ giúp thông qua việc hoạch định chiến lược và tổ chức thâm nhập thị trường một cách có bài bản.

- Đa phương hoá không có nghĩa là dàn đều tỷ trọng của các thị trường theo hướng “trăm hoa đua nở”, bởi chỉ riêng các yếu tố góp phần xác định luồng chu chuyển của hàng hoá như vị trí địa lý, truyền thống thương mại, văn hoá… đã không cho phép chúng ta làm như vậy. Đa phương hoá cần hiểu theo nghĩa rộng là cân bằng quan hệ với các đối tác chủ yếu, tránh quá lệ thuộc vào một trung tâm kinh tế nào đó. Vì vậy, cần tránh mở rộng thị trường một cách quá mức về những hướng tiềm ẩn nguy cơ bất lợi về lâu dài.

Một nguyên tắc nữa của đa phương hoá là duy trì tốc độ tăng trưởng trên tất cả các thị trường. Nói chung, cần đạt được tỷ trọng thị trường hợp lý thông qua kích thích tốc độ tăng trưởng trên tất cả các thị trường trọng điểm, không phải đơn thuần dịch chuyển kim ngạch từ nơi này sang nơi khác.

Bên cạnh việc chủ động thâm nhập thị trường, Nhà nước cần chú ý mặt chất của xuất khẩu, đó là: chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của xuất khẩu. Hoạt động xuất khẩu sẽ được coi là có chất lượng cao khi nó tiến hành một cách trật tự, bài bản, dựa trên chiến lược phát triển dài hạn. Hiệu quả của hoạt động xuất khẩu được thể hiện qua các chỉ số như hiệu quả sử dụng yếu tố đầu vào, mức độ đóng góp cho GDP và mức độ “đầu tàu” trong việc lôi kéo, thúc đẩy các ngành khác cùng phát triển. Để nâng cao sức cạnh tranh, cần kết hợp các lợi thế sẵn có như lao động, tài nguyên, vị trí địa lý với các lợi thế có được thông qua việc cắt giảm chi phí bình quân và hợp lý hoá quy trình sản xuất kinh doanh.

Một phần của tài liệu TÌM HIỂU VAI TRÒ CỦA NHÀ NƯỚC TRONG NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG (Trang 49)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(84 trang)
w