I. Điều tra nông dân
7. Thảo luận chung
Kết quả điều tra nông dân, ghi nhận: nông dân trồng lúa ở 2 mô hình độc canh và luân canh đều có sự hiểu biết và kinh nghiệm trồng lúa đa số thuộc loại khá (theo đánh giá của điều tra viên). Nông dân biết khá nhiều loại dịch hại, trên 50% nông dân biết từ 4-5 loại dịch hại như rầy nâu, sâu cuốn lá, sâu đục thân, bệnh đốm vằn, bệnh đạo ôn,…Đối với thiên địch: có trên 60% nông dân nhận biết nhện, bọ rùa, kiến 3 khoang, ngoài các loài này thì nông dân hoàn toàn không biết đến sự hiện diện của các loài khác, đặc biệt là nhóm ruồi và nhóm ong ký sinh. Và khi hỏi về biện pháp bảo vệ thiên địch thì hầu hết nông dân đều không có và không biết về các biện pháp bảo vệ. Có thể vì thế mà nông dân còn sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật trong một vụ. So với khuyến cáo không nên sử dụng thuốc trừ sâu từ 0- 40 NSS đã được phổ biến từ nhiều năm nay của các trạm BVTV, trạm khuyến nông thì đa số nông dân vẫn còn sử dụng thuốc trừ sâu vào giai đoạn đầu của cây lúa, nhiều nhất vào 25 – 30 NSS để trừ sâu cuốn lá. Trên 50% nông dân phun thuốc trừ sâu khi sâu xuất hiện và 40% nông dân phun thuốc định kỳ ở cả 2 mô hình độc canh và luân canh. Số lần phun thuốc trung bình vụ-1: 4 lần thuốc trừ sâu, 4 lần thuốc trừ bệnh. Một trong những nguyên nhân khiến nông dân sử dụng nhiều thuốc trừ sâu bệnh so với khuyến cáo có thể là do:
- Nông dân bón nhiều phân (nhất là N) so với mức khuyến cáo.
32 - Trên 80% nông dân áp dụng biện pháp sạ lan, lượng giống cao hơn sạ hàng mặc dù phương pháp sạ hàng có nhiều ưu điểm đã được khuyến cáo từ lâu (1995).
Với kiểu canh tác như trên làm cho ruộng lúa sẽ dầy, nhiệt độ, ẩm độ trong ruộng cao, cây lúa non, mềm yếu do bón nhiều N, điều này có thể làm cho sâu bệnh phát triển nhiều hơn và nông dân lại tiếp tục phải phun thuốc nhiều hơn.
Tóm lại, qua kết quả điều tra nông dân cho thấy: nông dân ở 2 mô hình độc canh và luân canh không có sự khác biệt lớn về tập quán canh tác, biện pháp quản lý dịch hại. Tình hình dịch hại trên lúa năm 2009 giữa 2 mô hình canh tác không có sự khác biệt rõ nét. Theo chúng tôi được biết, trên địa bàn xã Bình Thủy huyện Châu Phú tỉnh An Giang có cả hai mô hình canh tác lúa, trong đó mô hình độc canh có 121 ha, mô hình luân canh có 510 ha. Chính vì thế dịch hại có thể từ mô hình độc canh di chuyển sang mô hình luân canh do thời điểm xuống giống vụ Thu đông ở mô hình luân canh sớm hơn ở mô hình độc canh.
Qua đó, chúng tôi nhận thấy nếu canh tác xen kẽ mô hình độc canh với mô hình luân canh trong tình hình sản xuất lúa hiện nay, trên cùng một địa bàn trong cùng một xã thì hiệu quả của mô hình luân canh nhằm giảm áp lực sâu bệnh gây hại cho lúa sẽ khó đạt hiệu quả như mong muốn.