- Những giá trị truyền thống lịch sử, văn hoá của con người Quảng Bình
2.1.2.1. Những đóng góp cơ bản
Với vai trò quan trọng của mình, trong nhiều năm qua đội ngũ trí thức của tỉnh Quảng Bình đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu và nhiệm vụ do Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân và UBND tỉnh đề ra trong từng thời kỳ. Dưới đây là một số đóng góp cơ bản và rõ nét nhất mà đội ngũ trí thức của tỉnh Quảng Bình đã thực hiện được:
Thứ nhất: Trong việc tiếp thu và truyền bá tri thức phục vụ tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá của tỉnh.
Trước hết, cũng như trí thức Việt Nam nói chung, đội ngũ trí thức Quảng Bình được đề cập trong luận văn này là lực lượng có đóng góp quan trọng trong việc tiếp thu và truyền bá những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, được thể hiện trong các Văn kiện, Nghị quyết và các văn bản quy phạm pháp luật đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lao động và quảng đại quần chúng nhân dân trong tỉnh, nhất là những vấn đề liên quan đến công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Nhiều năm qua, được sự quan tâm chăm sóc và rèn luyện của các cấp uỷ Đảng và chính quyền đội ngũ trí thức của tỉnh không ngừng lớn mạnh về mọi mặt. Trong đó phải nói đến sự vững vàng về lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị, tinh thần giác ngộ giai cấp. Đại bộ phận trí thức Quảng Bình tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhà nước và nhân dân và do vậy trung thành với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và luôn có ý tưởng phấn đấu xây dựng quê hương giàu mạnh. Nhờ có được những phẩm chất trên, cộng với năng lực trí tuệ đã được đào tạo nên trí thức Quảng
Bình tiếp thu nhanh được những chủ trương, đường lối, của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở Trung ương và địa phương mà không gặp một cản trở nào. Đặc biệt, những quan điểm, chủ trương, đường lối công nghiệp hoá, hiện đại hoá của Đảng và các quyết sách liên quan đến công nghiệp hoá, hiện đại hoá của Nhà nước, của tỉnh được nêu trong các văn kiện của Trung ương Đảng và Đảng bộ tỉnh, hay trong các văn bản quản lý nhà nước của Trung ương, của tỉnh là những vấn đề mang tính lý luận và thực tiễn sâu sắc không phải ai cũng dễ dàng tiếp thu được, kể cả một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Với vai trò của mình, một bộ phận trí thức ưu tú là lãnh đạo, quản lý trong đội ngũ trí thức Quảng Bình đã nắm bắt tinh thần các văn bản, các vấn đề lý luận nêu trên để từ đó thông qua hoạt động của mình truyền bá một cách chính xác và kịp thời ra toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và quảng đại quần chúng nhân dân. Đồng thời, với tư cách là lực lượng thừa hành, chấp hành, đội ngũ này không chỉ truyền bá các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước bằng lời nói mà còn bằng việc làm. Đó là trực tiếp triển khai thực hiện một cách cụ thể tại các cơ quan, đơn vị, đưa lý luận vào thực tiễn, biến lý luận thành hành động thực tiễn. Cũng chính qua hoạt động này mà các vấn đề lý luận nêu trên được chứng minh, được làm sáng tỏ, làm cho mọi người hiểu rõ hơn, nhận thức được một cách sâu sắc hơn, từ đó nó được nhân rộng, lan toả và phổ biến mạnh mẽ ra đời sống xã hội.
Cho đến nay, đại đa số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lao động và nhân dân trong tỉnh hiểu được chủ trương, đường lối công nghiệp hoá, hiện đại hoá của đất nước, của tỉnh là hoàn toàn đúng đắn và là một tất yếu, từ đó phấn khởi, tin tưởng và cùng quyết tâm nỗ lực thực hiện thành công sự nghiệp này. Kết quả đó đã phần nào phản ánh đóng góp to lớn của đội ngũ trí thức của tỉnh trong việc tiếp thu và truyền bá tri thức.
Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, cùng với việc làm trên, một bộ phận quan trọng trong đội ngũ trí thức yêu Bình còn có vai trò to lớn trong việc truyền bá tri thức thông qua hoạt động đào tạo nguồn lực con người đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của tỉnh hiện nay.
Như trước đây đã phân tích, trong đội ngũ trí thức của Quảng Bình trí thức thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo chiếm một số lượng đông đảo hơn cả và có chất lượng vượt
trội. Với một lực lượng khá đông, đội ngũ trí thức ngành Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình đóng vai trò chủ đạo trong lĩnh vực giáo dục nâng cao trình độ dân trí, hình thành thế giới quan khoa học, lý tưởng cách mạng, trình độ mọi mặt cho đội ngũ cán bộ, học viên, sinh viên, học sinh và công nhân; đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài trên địa bàn tỉnh cho nhiều thế hệ, góp phần to lớn trong việc nâng cao chất lượng nguồn lực lao động của tỉnh.
Trong nhiều năm qua, thực hiện Chỉ thị 40 CT-TW ngày 15 tháng 6 năm 2004 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về việc “ Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục” và Quyết định số 09/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục" và các Nghị quyết, Chỉ thị của Tỉnh uỷ, ủy ban nhân dân tỉnh về đổi mới giáo dục, đội ngũ trí thức ngành giáo dục và đào tạo Quảng Bình đã có những chuyển biến mạnh mẽ. Nhờ chú trọng thực hiện đổi mới nội dung, chương trình giáo dục và dạy nghề các cấp học và trình độ đào tạo, đồng thời đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo của người học, tăng cường thực hành, kỹ năng vận dụng, mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, dạy và học nên chất lượng và hiệu quả giáo dục - đào tạo ngày một nâng cao. Đóng góp của đội ngũ trí thức trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo đối với sự phát triển của xã hội, đặc biệt đối với sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của tỉnh ngày càng một lớn hơn, vai trò của họ ngày càng trở nên quan trọng hơn.
Những đóng góp to lớn đó được thể hiện qua chất lượng, kết quả giáo dục và đào tạo hàng năm của của các bậc học ngày càng tăng. Mặt bằng dân trí không ngừng được cải thiện, nạn mù chữ đã được xoá bỏ, 100% số xã được phổ cập giáo dục tiểu học, 98% số xã được phổ cập giáo dục trung học cơ sở, 50% số xã được phổ cập giáo dục trung học phổ thông. Đặc biệt, trong đào tạo nghề, đã thực hiện đa dạng hoá các phương thức dạy nghề, nâng tỉ lệ người lao động qua đào tạo lên 27,5%, trong đó qua đào tạo nghề là 14,2%. Quy mô giáo dục đại học ở Trường Đại học Quảng Bình được chú trọng phát triển trên cơ sở đảm bảo chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực trình độ cao, phù hợp với cơ cấu kinh tế xã hội của thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong xu thế hội
nhập toàn cầu. Trường đã góp phần nâng tỷ lệ sinh viên cao đẳng, đại học đạt 150/1vạn dân, cung cấp cho tỉnh một nguồn nhân lực đáng kể có trình độ đáp ứng đòi hỏi của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Đến nay, ngành giáo dục và đào tạo Quảng Bình là một trong số tỉnh được Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá có chất lượng cao, phát triển toàn diện với tất cả các hệ đào tạo từ giáo dục mầm non đến giáo dục đại học. Hàng năm tỷ lệ học sinh khá, giỏi ngày càng tăng, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông, thi vào cao đẳng, đại học luôn đứng trong những tỉnh có tỷ lệ đỗ cao; nhiều học sinh tham gia các kỳ thi quốc gia, quốc tế trong số đó nhiều em đã đạt những thứ hạng cao. Công tác xã hội hoá giáo dục, công tác khuyến học được đặc biệt quan tâm.
Những thành quả đó góp phần khẳng định chắc chắn hơn nữa vai trò quan trọng không thể thiếu được của đội ngũ trí thức Quảng Bình trong việc tiếp thu và truyền bá tri thức, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của tỉnh hiện nay.
Thứ hai, trong việc nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ vào quy trình sản
xuất tạo ra của cải vật chất cho xã hội, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của tỉnh
Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đội ngũ trí thức Quảng Bình đã đi đầu trong việc nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ ở nhiều lĩnh vực khác nhau trên địa bàn tỉnh. Mặc dù trong điều kiện kinh tế và môi trường làm việc còn nhiều khó khăn nhưng đội ngũ trí thức đã có nhiều cố gắng bám sát mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh, nêu cao ý chí tự cường và tinh thần lao động sáng tạo, nghiên cứu, tiếp thu và ứng dụng nhiều thành tựu khoa học và công nghệ mới, góp phần đáng kể vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Nhiều đề tài, đề án khoa học, kỹ thuật, công nghệ đã được đội ngũ trí thức của tỉnh thực hiện và khi ứng dụng vào thực tiễn đạt hiệu quả khả quan. Nhiều thành tựu khoa học và tiến bộ kỹ thuật đã được áp dụng vào sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, giao thông vận tải, bưu điện, y tế, giáo dục, thương mại, du lịch và dịch vụ.
Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, việc nghiên cứu và ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi, bảo vệ thực vật, thú y, cơ cấu mùa vụ và thời vụ, về thuỷ lợi và thâm canh đã góp phần làm tăng đáng kể sản lượng lương thực, góp phần chuyển đổi ngành nghề, từng bước nâng cao đời sống nhân dân. Trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, đã chú trọng cải tiến các thiết bị kỹ thuật, công nghệ tiên tiến như công nghệ sinh học, hoá thực phẩm, vật liệu xây dựng để sản xuất và chế biến các sản phẩm có chất lượng cao, ổn định, phục vụ trong nước và xuất khẩu như phân bón hữu cơ, sản phẩm đông lạnh, thực phẩm đóng hộp, đá ốp lát, xi măng, bia, nước khoáng, nước giải khát…
Có thể kể ra đây một số đề tài, đề án quan trọng, điển hình đã được thực hiện trong thời gian gần đây, kể từ khi có Quyết định số 05/2006/QĐ-UBND ngày 09/3/2006 của ủy ban nhân dân tỉnh về “Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ hội nhập giai đoạn 2006-2010”, như: “ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình nuôi ong công nghiệp ở vùng núi huyện Quảng Ninh”; “Nuôi thử nghiệm cá Hồng Mỹ tại Quảng Bình”; “Trồng thử nghiệm các giống mây nhập nội sản xuất nguyên liệu phục vụ nghề mây, tre đan xuất khẩu”; “Xây dựng mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm hướng nạc với quy mô trang trại”; “Xây dựng mô hình sản xuất Sa Nhân vùng miền núi tỉnh Quảng Bình”; “Xây dựng mô hình chăn nuôi bò thương phẩm khép kín với quy mô trang trại”; “Nghiên cứu khảo nghiệm và xây dựng quy trình sản xuất một số loại rau cao cấp (cải ngọt, đậu Hà Lan, đậu cô-ve leo) phù hợp với sinh thái Quảng Bình”; “Xây dựng mô hình sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Bình”; “Xây dựng mô hình phát triển kinh tế hộ vùng cát ven biển và ven đường Hồ Chí Minh (nhánh Đông)”; “Xây dựng mô hình cánh đồng 50 triệu đồng/ha ở Quảng Bình”; “Nghiên cứu khảo nghiệm sản xuất giống cây đay trên địa bàn huyện Lệ Thuỷ”; “ứng dụng công nghệ mô hom trong sản xuất giống cây lâm nghiệp cao sản phục vụ phát triển trồng rừng tại Quảng Bình”; “Xây dựng một số mô hình nông hộ áp dụng cơ giới hoá nông nghiệp trên địa bàn Lệ Thuỷ và Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình”; “Nghiên cứu khôi phục, bảo tồn và phát triển cây cam mật bản địa tỉnh Quảng Bình”; “Điều tra, nghiên cứu mùa vụ xuất hiện giống cá chình tại các cửa sông, đề xuất giải pháp thu vớt và ương nuôi cá chình tại Quảng Bình”; “Đánh giá tiềm năng nguồn nước và hướng khai thác sử dụng phục vụ sản xuất công
nghiệp và sinh hoạt Khu Công nghiệp cảng biển Hòn La, tỉnh Quảng Bình”; “Điều tra đánh giá tình hình sử dụng chất phụ gia, bảo quản thực phẩm và đề xuất các giải pháp quản lý tại các cơ sở sản xuất và lưu thông thực phẩm trên địa bàn tỉnh Quảng Bình”; “Xây dựng cơ sở dữ liệu và giải pháp nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin tỉnh Quảng Bình”.v.v…
Trong số các đề tài trên chỉ có một số ít do các tổ chức khoa học ngoài tỉnh đảm nhận hoặc có sự hợp tác nghiên cứu giữa trí thức của tỉnh với các tổ chức, cá nhân ở ngoài tỉnh (chủ yếu là các giáo sư, tiến sĩ, các nhóm nghiên cứu ở các trường đại học trong nước như Đại học Vinh, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng…), còn lại chủ yếu là do đội ngũ trí thức trong tỉnh đảm nhận thực hiện. Các đề tài, đề án nói trên đã được các cấp, các ngành và nhân dân ứng dụng vào sản xuất, bước đầu mang lại những kết quả khả quan và nhiều trong số đó hiện đang được triển khai nhân rộng.
Hiện nay có khá nhiều đề tài, dự án nghiên cứu khoa học đang được triển khai hoặc đang mời gọi các chủ thể có năng lực nghiên cứu tham gia, trong đó có 02 đề tài được ưu tiên để khai thác nguồn lợi thuỷ sản là: “Nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ sinh sản nhân tạo cá lóc và cá rô đồng tại Quảng Bình” và “Nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm Ghẹ biển tại Quảng Bình”. Lãnh đạo tỉnh cũng tạo điều kiện cho đội ngũ trí thức của tỉnh tăng cường kết hợp nghiên cứu với các nhà khoa học ở ngoài tỉnh để qua đó đúc rút, học tập kinh nghiệm.
Cùng với nhiệm vụ trên, đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Bình còn thực hiện vai trò là lực lượng tuyên truyền, phổ biến tới từng địa phương, người dân trong tỉnh những phát minh khoa học, kỹ thuật, những thành tựu mới của khoa học và công nghệ để người dân triển khai vào quá trình sản xuất. Để thực hiện nhiệm vụ này, nhiều trí thức đã xuống các cơ sở sản xuất, trực tiếp tổ chức hướng dẫn người lao động, cùng tham gia lao động sản xuất, nhờ vậy tạo ra nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh tế ngày càng cao, tạo ra sự gắn bó giữa trí thức với đông đảo người lao động.
Thứ ba: Một bộ phận trí thức Quảng Bình tham gia vào các hoạt động lãnh đạo, quản lý xã hội góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá trên địa bàn tỉnh
Sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của tỉnh Quảng Bình hiện nay đòi hỏi phải có sự tham gia của đội ngũ trí thức, không chỉ trong hoạt động chuyên môn, khoa học mà cả trong lãnh đạo, quản lý xã hội, nhất là quản lý các quy trình kinh tế - kỹ thuật, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh.
Chính vì vậy, một bộ phận không nhỏ trí thức Quảng Bình được Đảng, chính quyền và nhân dân trân trọng giao phó nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý xã hội. Bộ phận này phần lớn