2. Giải pháp xây dựng thương hiệu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam
2.3.1 Xây dựng thương hiệu sản phẩm
Một sản phẩm muốn tồn tại và phát triển trong tâm trí người tiêu dùng thì ngoài chất lượng tốt còn cần có một hình thức đẹp. Do đó việc thiết kế các bộ phận cấu thành thương hiệu là điều mà các doanh nghiệp phải quan tâm chú ý.
Đặt tên thương hiệu
Nguyên tắc chung khi đặt tên thương hiệu là phải dễ phân biệt, không trùng lặp với tên khác; tên thương hiệu cần ấn tượng, ngắn gọn, đơn giản, dễ đọc, dễ nhớ, thể hiện tính chất và loại sản phẩm; hỗ trợ cho biểu tượng và khẩu hiệu sản phẩm; tạo sự liên tưởng mạnh, khác biệt, mang đặc tính văn hóa và hợp pháp.
Tên thương hiệu phải có khả năng phân biệt cao, tránh trùng lặp và nhầm lẫn. Khi tên thương hiệu bị trùng lặp sẽ không được pháp luật bảo hộ hoặc sẽ dẫn đến tranh chấp. Đây là điều mà không doanh nghiệp nào muốn, vì vậy cần phải rà soát và chọn lọc kỹ càng trước khi đặt tên thương hiệu. Bên cạnh đó cũng cần phải thận trọng khi lựa chọn các danh từ làm tên thương hiệu vì có thể trong ngôn ngữ bản địa đó là một từ rất đẹp nhưng sang một ngôn ngữ khác lại là từ có ý xấu, bậy bạ.
Tên thương hiệu càng ấn tượng sẽ càng dễ gần với người tiêu dùng, gây được cảm tình cho công chúng. Người ta thường dùng các từ ngữ đẹp như Dream, Hồng Ngọc, Dove, Future... để đặt tên thương hiệu. Cũng có thể sử dụng cách ghép từ để tạo ra tên thương hiệu, khi đó thương hiệu sẽ có tính đặc sắc và khó trùng lặp (ví dụ Plano- được tạo nên từ “phẳng là nó”; Favi- từ “màn hình phẳng cho người Việt”; Bino- “bỉm nội”...). Cũng có những thương hiệu rất độc đáo nhờ sử dụng cách chơi chữ (như 4U- for you; Ezup- easy up). Thông thường, tên thương hiệu có 2 âm tiết được coi là ngắn gọn ( Trung Nguyên, Phú Quốc...), 3 âm tiết là trung bình (Bibica, Gimiko...), 4 âm tiết là thương hiệu dài (Vinacafe, Electrolux, Hanosimex...). Về nguyên tắc thì không nên đặt tên thương hiệu quá dài và khó
phát âm vì như thế sẽ khó đọc, khó nhớ, làm suy giảm đáng kể hiệu quả tuyên truyền nhất là truyền miệng.
Biểu trưng của thương hiệu (logo)
Biểu trưng của thương hiệu (logo) là dấu hiệu rất quan trọng để nhận dạng và phân biệt thương hiệu, nó cần được thiết kế sao cho đơn giản và dễ thể hiện trên các chất liệu khác nhau để nâng cao hiệu quả tuyên truyền quảng bá. Logo cũng cần gắn với ý tưởng của doanh nghiệp trong kinh doanh. Tuy nhiên,cũng không nên quá gạn lọc và nhồi nhét các ý tưởng và lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp vào logo, như vậy dẫn đến rối rắm, khó hiểu. Có rất nhiều cách để thể hiện sự khác biệt và đặc sắc của logo như sử dụng các kiểu chữ khác nhau, màu sắc khác nhau, cách điệu các chữ viết hoặc hình vẽ... Thay đổi và cách điệu nét chữ viết là cách thể hiện khôn ngoan của thương hiệu, nó vừa tạo ra sự cá biệt hấp dẫn, vừa đơn giản trong cách thể hiện (ví dụ: Dell với chữ E bị đẩy nghiêng, Samsung với chữ A thiếu nét, Sony với chữ có vạch ngang...)
Khẩu hiệu
Một thương hiệu hoàn chỉnh thường có thêm phần khẩu hiệu. Đây là phần không được pháp luật bảo hộ nhưng nó lại là dấu hiệu quan trọng để thể hiện ý tưởng và thông điệp mà doanh nghiệp muốn đưa tới người tiêu dùng. Thông qua khẩu hiệu, khách hàng có thể cảm nhận phần nào chiến lược và định hướng của doanh nghiệp cũng như những lợi ích đích thực và tiềm năng mà hàng hoá mang lại cho họ. Khẩu hiệu của thương hiệu về nguyên tắc phải ngắn gọn, chứa đựng thông điệp quan trọng cần truyền tải và tốt nhất là khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tạo cảm giác sang trọng hoặc tò mò khi tiêu dùng sản phẩm (ví dụ: vinamilk- sức khỏe và trí tuệ, Biti’s- nâng niu bàn chân Việt....).Cần tránh đưa ra khẩu hiệu dài dòng, lồng ghép các nội dung quảng cáo thông thường vì như thế sẽ hạn chế tác dụng tuyên truyền và đôi khi làm khách hàng khó chịu. Khi tạo khẩu hiệu cần chú ý rằng, tập khách hàng của doanh nghiệp và của hàng hoá là khác nhau; mục tiêu của doanh nghiệp và của hàng hàng hoá cũng khác nhau, vì thế khẩu hiệu của hàng hoá cũng phải khác khẩu hiệu của doanh nghiệp.