Điều kiện kinh tế xã hội

Một phần của tài liệu Vấn đề giáo dục đạo đức cho thanh niên ở Thanh Hoá trong giai đoạn hiện nay (Trang 44 - 46)

7. Kết cấu của luận văn

2.1.3.Điều kiện kinh tế xã hội

Tổng dân số của Thanh Hoá là 3,67 triệu người (2005), có các dân tộc anh em cùng chung sống (Kinh, Mường, Thái, HMông, Dao, Khơ Mú, Tày...). Mật đô dân số trung bình: 325,5 người/km2. Về tổ chức hành chính gồm 24 huyện, 1 thành phố, (thành phố Thanh Hoá) 2 thị xã (Bỉm Sơn và Sầm Sơn), với tổng số 582 xã, 30 thị trấn, 18 phường, trong đó 220 xã thuộc miền núi (có 205 xã thuộc vùng núi cao) [61, tr 121]. Ngoài ra, Thanh Hoá còn là nơi có quy mô diện tích lớn với nhiều vùng sinh thái khác nhau và nguồn tài nguyên phong phú.

Với tiềm năng đa dạng và phong phú về tài nguyên như con người, đất đai, khoáng sản, khí hậu,... những yếu tố đó là điều kiện thuận lợi để Thanh Hoá phát triển du lịch, dịch vụ và một nền sản xuất hàng hoá đa dạng với những ngành mũi nhọn đặc thù, phát triển mạnh kinh tế, mở rộng giao lưu trong nước và quốc tế.

Cùng với sự phát triển của cả nước, mặc dù phải vượt qua những yếu kém của nền kinh tế, những tác động của cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ khu vực và mặt trái của nền kinh tế thị trường, từ năm 1990 đến nay tỉnh Thanh Hoá đã có những thay đổi đáng kể trong lĩnh vực phát triển kinh tế góp phần nâng cao đời sống của nhân dân. Theo báo cáo chính trị của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI: "tốc độ tăng GDP bình quân đầu người năm 2005 đạt 430 USD, tăng 1,5 lần so với năm 2000" [14, tr.17].

Bên cạnh những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, chúng ta có thể thấy những khó khăn thử thách đặt ra với nhân dân Thanh Hoá nói chung và thế hệ thanh niên ở Thanh Hoá nói riêng trong quá trình xây dựng cuộc sống mới, con người mới.

Là tỉnh có địa hình khá phức tạp chia cắt nhiều, với diện tích đồng bằng ít chỉ có 16%, vùng ven biển chiếm 10,7%, trong khi đó địa hình trung du, miền núi chiếm 73,3% trong tổng diện tích toàn tỉnh. Khí hậu Thanh Hoá cũng thường xuất hiện các hiện tượng thời tiết đặc biệt như bão, lụt, áp thấp nhiệt đới về mùa mưa và hạn hán về mùa khô, ảnh hưởng của gió Tây làm cho khí hậu khô và nóng. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, dẫn đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân còn thấp. Theo tài liệu thống kê của tỉnh năm 2004 so với cả nước và một số tỉnh khác về tốc độ GDP, và GDP bình quân trên đầu người còn thấp. Ví dụ, tốc độ GDP của Thanh Hoá tính theo phần trăm là 8,5%, trong khi đó cả nước là 7,7%, Ninh Bình tỉnh giáp với Thanh Hoá là 11,8%, Thái Bình là 10,3%, Nghệ An là 10,1%, Quảng Nam là 11,6%, Hải Phòng là 11,1%. GDP bình quân đầu người của Thanh Hoá tính theo VNĐ là 5100, cả nước là 8649, Ninh Bình 4182, Thái Bình 4495, Nghệ An 4879, Quảng Nam 1454, Hải Phòng 1816,4. Máy điện thoại bình quân cho 1000 dân thì Thanh Hoá là 42 cái, trong khi đó cả nước là 121, Ninh Bình 49, Thái Bình 39, Nghệ An 50, Quảng Nam 55. Mức so sánh này cho thấy điều kiện kinh tế của tỉnh còn thấp so với mặt bằng chung của xã hội. Bên cạnh đó là vấn đề dân số, dân số Thanh Hoá đông nhưng mật độ dân số phân bố không đều giữa các huyện thị (Xem Phụ lục1).

Điều kiện tự nhiên, văn hoá, lịch sử, kinh tế - xã hội đã góp phần tạo nên nét tính cách riêng của con người Thanh Hoá nói chung và thế hệ thanh niên ở Thanh Hoá nói riêng. Đồng thời, nó cũng tác động không nhỏ đến việc giáo dục đạo đức cho thanh niên ở Thanh Hoá trong giai đoạn hiện nay.

Một phần của tài liệu Vấn đề giáo dục đạo đức cho thanh niên ở Thanh Hoá trong giai đoạn hiện nay (Trang 44 - 46)