1 () Kịch bản đánh máy: Thái hậu Dương Vân Nga của Trúc Đường
3.2.3.5 Hình tượng nhân vật Chèo cổ được chỉnh lý cải biên dưới ánh sáng văn hóa mớ
ánh sáng văn hóa mới
Đạo diễn NSND.GS Trần Bảng đã ba lần dựng lại vở Quan Âm Thị
Kính, lần thứ nhất dựng lại, thân phận Thị Kính được chú ý tới nhưng cũng chỉ được coi như một nạn nhân xã hội, một tính cách thụ động phải chịu đựng hết oan trái này đến oan trái khác. Thị Kính trở thành một hình tượng "dầm dề nước mắt, đầy chất bi thương"- theo cách nói của đạo diễn.
Nhân vật Thị Kính trong lần thứ hai dựng lại không phải là người phụ nữ mềm yếu, chịu đựng một cách thụ động những oan trái cuộc đời. Thị Kính yêu cuộc sống, bị mẹ chồng đuổi ra khỏi nhà vẫn không buông bỏ đời mình
mà đi tìm sự giải thoát ở cửa Phật. Thị Kính ngộ ra đức nhẫn của đạo Phật, đức nhẫn bắt nguồn tử tình yêu thơng rộng lớn. Và chính từ tình yêu thương này mà người tu đạo có dũng khí vượt lên trên tất cả những đau khổ tinh thần và vật chất của bản thân để cứu độ người đời. Đức nhẫn này biểu hiện rõ rệt nhất trong sự việc Thị Kính bồng bế con Thị Màu đi xin sữa giữa những tiếng chửi rủa của dư luận xã hội. Sau ba năm nuôi đứa bé Thị Kính kiệt sức mà chết. Đạo diễn đã tìm được hình tượng cho nhân vật Thị Kính: một bông sen ngát hương vươn lên từ đám bùn đen.. Bùn đen biểu tượng cho cái xã hội phong kiến suy đồi đầy rẫy những tàn bạo bất công. Bông sen biểu tượng cho Thị Kính đồng thời cũng là của đạo Phật.
Và, cho đến lần thứ ba dựng lại thì hình tượng nhân vật Thị Kính mới
trở nên hoàn chỉnh. Nhân vật Thị Kính không còn là một Thị Kính sướt
mướt buồn thảm trong suốt vở diễn. Nỗi đau tột cùng khi mất hết hạnh phúc gia đình đã khiến Thị Kính vào chùa giác ngộ nhanh chóng đạo lý nhà Phật. Nàng bình thản trở lại và đối xử với người đời bằng tấm lòng từ bi hỷ xả. Thị Kính không những không thù hận mà còn tự nguyện nuôi dưỡng hạt máu rơi của Thị Màu thành con người. Thị Kính chịu trận đòn oan của làng và rời chùa ra ở mái tam quan không một lời cầu xin than khóc.
Ở đây xuất hiện một vấn đề lý luận từ góc nhìn văn hóa, đó là việc vở diễn Quan Âm Thị Kính trở thành một vở diễn mẫu mực, hình tượng nhân vật Thị Kính được nâng lên một cấp độ cao hơn cả về nội dung lẫn hình thức biểu hiện, cả về giá trị tư tưởng lẫn giá trị thẩm mỹ. Ở đây, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến cái trình độ (niveau de culture). Chính cái trình độ này kết hợp với cái bản sắc đã tạo nên tính chất tiên tiến trong xây dựng nhân vật.
Các nhân vật Châu Long, Lưu Bình, Dương Lễ cũng được nhìn nhận lại qua vở Châu Long dệt gấm do tác giả Hàn Thế Du chấp bút theo ý đồ của Ban nghiên cứu Chèo (mà sau này, khi đi biểu diễn Nhà hát Chèo Việt Nam lấy tên là Lưu Bình - Dương Lễ)
Không thụ động như nàng Châu Long, cũng không còn là vợ ba như trong Chèo cổ, nàng Châu Long ở vở này khi biết được tâm sự day dứt của chồng, đã chủ động đề nghị với chồng cho mình được đi giúp bạn - cũng chính là cách giúp chồng- vì tình bạn của chồng.
Cùng khai thác từ vở Chèo cổ Kim Nham, Nhà hát Chèo Việt Nam có vở Súy Vân từ năm 1962, hơn 40 năm sau, Đoàn Chèo Ninh Bình cũng lại dựng vở Kim Nham để tham dự Liên hoan sân khấu truyền thống năm 2001. Từ nhận thức, từ quan niệm khác nhau về chủ đề, về nhân vật nên mỗi vở diễn có một cách lý giải khác nhau tạo nên những hình tượng Súy Vân không giống nhau.
Nhân vật Súy Vân trong vở Chèo cùng tên của Nhà hát Chèo là một tâm hồn mãnh liệt, yêu cuộc sống sôi nổi, dám đứng lên chống lại với sức mạnh - của dư luận, của tập quán phong kiến. Súy Vân là người con gái mà xã hội phong kiến xếp vào hàng nghịch nữ nhưng trước con mắt ta ngày nay thì lại là một tính cách hiếm có, nó như ngọn đuốc sáng ngời lên trong đêm tối mịt mùng của xã hội cũ.Ở vở cải biên này, Súy Vân đã trở thành một nhân vật trung tâm mang tâm mang tính triết lý của vở. Ngọn lửa của một tấm lòng yêu thương khao khát cuộc sống bùng lên nhưng liền bị sức mạnh của bóng tối dập tắt. Tính bi kịch của nhân vật Súy Vân cũng là ở chỗ này
Khi xây dựng nhân vật Trương Viên, tác giả Vinh Mậu (vở Đôi ngọc truyền kỳ) đã nhấn mạnh vào sự thủy chung của Trương Viên bằng cách để cho Trương Viên sau khi thắng trận trở về được Nhà vua tin dùng và được công chúa yêu tha thiết. Trong hoàn cảnh ấy Trương Viên đã hơi ngả về công chúa nhưng viên ngọc xuất hiện: cứ lòng xấu thì viên ngọc tối dần, chính nhờ viên ngọc ấy mà Trương Viên thức tỉnh, nhớ lại tất cả, quyết từ bỏ mọi vinh hoa để trở về tìm mẹ và vợ.
Các tác giả đặc biệt chú ý đến vai trò của viên ngọc gia bảo của dân tộc, từ cha ông truyền lại. Thừa tướng trao cho con là trao cái biểu tượng, viên
ngọc đã tác động vào sự phát triển của vở diễn. Các nhân vật trong vở cũng được khắc họa rõ nét hơn về tính cách. Ví như nhân vật mẹ Trương Viên cũng là một nhân vật lạ - là một bà nông dân hài hước, rất dân gian, dí dỏm và chan chứa lòng yêu thương mộc mạc chân thành. Giống nhưng cũng khác hẳn với trăm nghìn bà mẹ nông dân khác. Nhân vật Quỷ cũng lạ, Quỷ cái giắt đầy con quanh thắt lưng và hát bài hát của tiên. Quỷ chỉ là hình thức nhưng lòng tiên. Cả nhân vật hổ cũng vậy, hổ cũng bỗng hiền từ nhân hậu trước tình thương yêu của Thị Phương đối với mẹ chồng. Ông Tiên cũng là ông tiên với bầu rượu, túi thơ chơi mây, chơi gió. Các tác giả đã đặc biệt chú ý đến sự ngộ nghĩnh của các tính cách, đã phát huy đến tối đa sự tinh túy của cái cổ, đã tạo nên được những lớp diễn hay: lớp Thị Phương dắt mẹ tới hang Quỷ, Lớp Sơn thần khoét mắt, lớp gia đình đoàn tụ...
Nhân vật Chu Mãi Thần vở Nàng Thiệt Thê của tác giả Lương Tử Đức cũng vẫn là hiện thân của một nhân vật nho sinh đẹp nhất trong Chèo cổ, quyết vượt lên mọi khó khăn để đạt được mục đích của mình về sự học, Chu Mãi Thần còn xử sự "đúng như một người quân tử" Việt Nam theo cách nói của giáo sư Vũ Khiêu. Bát thuốc ân tình mà chàng sắc cho Thiệt Thê sau lần gặp lại đã khiến nhiều khán giả rơi nước mắt. Nhân vật Thiệt Thê trong vở diễn được khắc họa một cách hồn nhiên, có nét gì đó giống hình tượng một con bướm, nhởn nhơ khoe sắc không biết nghĩ xa xôi gì về tương lai. Nàng nói thẳng lý do bỏ Chu Mãi Thần một cách hồn nhiên, nàng hồn nhiên lấy Tuần Ty, hồn nhiên ra đi... cho đến khi cuộc sống vật chất đã đầy đủ, cầm trên tay tấm áo của ngày xưa nghèo khó, nàng mới hiểu ra rằng cái mà nàng cần hơn cả, là một tình yêu cao đẹp với Chu Mãi Thần ngày xưa. Nàng ốm, ốm về tinh thần lẫn thể xác. Khi gặp lại Chu Mãi Thần, khán giả tưởng sẽ được chứng kiến một cảnh đoàn viên đầm ấm và cao thượng, nhưng Thiệt Thê nhìn gương mặt mình trong bát thuốc ân tình đầy xúc động, rồi nàng nghiêng cái bát, dòng thuốc từ từ chảy, nàng hát điệu sử rầu chuyển sang vãn cầm trong tiếng nấc nghẹn ngào:
Đời em như bát thuốc này Vụng suy cạn nghĩ tự tay đổ rồi
Em nay đánh mất đời người
Bàng hoàng thương tiếc một đời xuân xanh
Và đó cũng chính là thông điệp mà các tác giả muốn gửi đến khá giả, bài học về một lối sống không có lý tưởng, chỉ vì những ham muốn vật chất tầm thường trước mắt, một cái giá phải trả cho những sai lầm nông nổi lúc tuổi trẻ. Hình tượng Thiệt Thê bỗng đẹp hẳn lên, hằn sâu trong tâm trí người xem - một số phận Thiệt Thê rất Chèo nhưng đầy âm hưởng hiện đại.
Cái được lớn nhất, thành công nhất của các tác phẩm Chèo này là đã gìn giữ và phát huy được tinh thần, đạo lý (esprit, éthique) của người xưa trên cả phương diện nghệ thuật lẫn nội dung. Trong các vở diễn này tinh thần nhân bản (chủ nghĩa nhân văn) xuất hiện như một thiên hướng, một lực "trội", một tỷ trọng chi phối thường xuyên và sâu xa cách nghĩ, cách làm, cách ứng xử của các nhân vật. Cũng giống như nói đến tinh thần Việt Nam, tính cách Việt Nam, giáo sự Cao Xuân Huy trước đây nói đến "tính nước". Trong chiến tranh chống Mỹ, ta thường nói đến "sức mạnh tổng hợp". Tinh thần Việt, tính cách Việt luôn có thiên hướng, có khả năng kết hợp các mặt đối lập, khác biệt; cái cũ và cái mới; quá khứ, hiện tại và tương lai; cộng đồng và cá thể; tình và lý; nhân và nghĩa; tinh thần và vật chất; cứng và mềm; tự nhiên và xã hội. Tinh thần Việt Nam, tính cách Việt Nam là một dạng riêng với chữ "hòa" chung cho nhiều dân tộc phương Đông.