Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý nông dân

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Bệnh kinh nghiệm ở đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở Long An pdf (Trang 28 - 33)

Với điều kiện sinh sống và hoạt động trong môi trường nông nghiệp, nông thôn thậm chí hầu hết đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở Long An đều xuất thân từ nông dân.

Do đó, họ không thể không chịu ảnh hưởng của tâm lý nông dân. Xu hướng chủ đạo trong tâm lý của người nông dân sản xuất nhỏ là tuyệt đối hóa kinh nghiệm. Bởi lẽ, nền sản xuất nhỏ là nền sản xuất manh mún, tự cấp tự túc và đặc biệt ít biến động. Từ đời này qua đời khác, những người nông dân sản xuất nhỏ vẫn làm trên cùng mảnh ruộng, với những công cụ mà cha ông họ đã từng làm, theo phương thức mà cha ông họ đã đúc kết rồi truyền lại. Quá trình sản xuất cứ lặp đi, lặp lại theo chu kỳ mùa vụ với những cây con, những sản phẩm định sẵn làm cho người nông dân không cần thiết phải trăn trở, suy nghĩ để tổng kết, khái quát đã tạo cho họ thói quen, hoạt động sản xuất theo kinh nghiệm cũ. Các thế hệ sau chỉ cần lặp lại theo những kinh nghiệm của thế hệ trước là họ có thể sản xuất và tồn tại. Điều kiện sản xuất như vậy đã không đòi hỏi kích thích sự sáng tạo, cải tiến công cụ lao động. Nó cũng không đòi hỏi phải phát triển tư duy lý luận, áp dụng khoa học kỹ thuật mới. Và do đó, nó cũng góp phần củng cố thêm thói quen tiến hành hoạt động sản xuất theo kinh nghiệm. Nhất là đối với đồng bằng sông Cửu Long nói chung, Long An nói riêng có điều kiện thiên nhiên ưu đãi thì cách làm ăn, sản xuất ít đòi hỏi phải trăn trở, tìm tòi, sáng tạo. Trong điều kiện đó, tâm lý "làm chơi ăn thật" lại được nảy sinh, tồn tại, củng cố. Cùng với nó là tâm lý nông dân đã góp phần làm cho bệnh kinh nghiệm thêm trầm trọng, thêm kéo dài. Chúng ta đã rõ, con người sáng tạo ra lịch sử nhưng con người cũng đồng thời là kết quả của lịch sử. Con người không tách rời với điều kiện sống của họ và trước sau bao giờ cũng là một sản phẩm của hoàn cảnh. Xuất thân và sống trong một môi trường sản xuất nông nghiệp nhỏ là phổ biến thì tất yếu phải chịu ảnh hưởng của điều kiện và môi trường đó. Trong thực tế, ta thấy nhiều cán bộ chủ chốt cấp cơ sở, nhất là những người có tuổi, từng trải, qua nhiều năm công tác thường có tư tưởng tự hào với những kinh nghiệm công tác, kinh nghiệm xử lý các công việc của mình và coi thường lớp trẻ được đào tạo cơ bản về lý luận và chuyên môn. Theo họ chỉ cần có kinh nghiệm là có thể hoàn thành được nhiệm vụ chứ không cần phải học hành lý luận.

Một ảnh hưởng tiêu cực nữa của tâm lý nông dân sản xuất nhỏ đối với bệnh kinh nghiệm ở đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở Long An là tính thiển cận, hẹp hòi. Nếu tính thiển cận làm cho nhận thức dừng lại ở kinh nghiệm thì người nông dân sản xuất nhỏ với

tính thiển cận lại say sưa với kinh nghiệm cũ với những hiểu biết cũ thỏa mãn với kinh nghiệm, coi kinh nghiệm như là một kiến thức trọn vẹn, đầy đủ, hoàn chỉnh. Những yếu tố này lại được bồi đắp củng cố trong một thời gian dài bởi cơ chế quản lý hành chính tập trung quan liêu bao cấp - cơ chế tạo cho con người thói quen ỷ lại mọi cái trông chờ vào cấp trên. Do đó, đã tạo cho họ thói quen lười suy nghĩ, lười động não, ngại phức tạp, ngại khó khăn, làm cho cách suy nghĩ nông cạn, hạn hẹp, phiến diện, một chiều tuyệt đối hóa kinh nghiệm bản thân càng được củng cố thêm. Tính thiển cận của người nông dân sản xuất nhỏ làm cho việc nắm bắt lý luận một cách hời hợt, không nắm bắt được thực chất của vấn đề. Chính điều này, đã làm cho bệnh kinh nghiệm có điều kiện tồn tại và phát triển trong đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở Long An.

Song song với tính thiển cận thì tập quán tự do, tùy tiện không quen sống theo pháp luật cũng góp phần làm cho bệnh kinh nghiệm nảy sinh, tồn tại và phát triển. Hơn nữa, bản thân tính chất nền sản xuất nhỏ đã không đòi hỏi người ta phải tiến hành sản xuất trong khuôn khổ pháp luật. Sản xuất là tự phát, chủ yếu phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên chứ ít phụ thuộc vào những điều kiện xã hội. Nền sản xuất nhỏ kéo dài trong một thời gian dài cùng với những điều kiện xã hội khác đã làm cho thói quen tự do, tùy tiện trở thành một tập quán, một thói xấu mà cho đến nay vẫn chưa dễ gì xóa bỏ được ở các tầng lớp nhân dân cũng như ở đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở Long An. Bởi lẽ, hoạt động lao động sản xuất của con người, một mặt nhằm duy trì đời sống của họ. Mặt khác, chính là phương thức biểu hiện nội dung sống, hoạt động sáng tạo của con người. Những cá nhân là như thế nào điều đó do sản xuất, nền kinh tế của họ quy định. Chẳng hạn, trong sản xuất công nghiệp, những công nhân có mối quan hệ phụ thuộc, lệ thuộc lẫn nhau rất chặt chẽ, sự phụ thuộc lệ thuộc đó do tính chất của sản xuất máy móc quy định. Trái lại, đối với những con người sản xuất nhỏ lại tự do, tùy tiện, tính chất lao động sản xuất lại tách họ thành những con người riêng biệt. Mác cho rằng: Những người lao động cá biệt đã không tránh khỏi ít nhiều tính chất ngẫu nhiên và họ chưa bị tất yếu kỹ thuật chi phối ràng buộc. ở nông thôn Việt Nam nói chung và ở Long An nói riêng, trên mảnh đất nhỏ bé của mình, người nông dân hoàn toàn tự do trong việc canh tác, trồng lúa, chăn nuôi v.v... Do điều kiện tự nhiên, Long An là một vùng được thiên nhiên ưu đãi, đất đai

màu mỡ, phì nhiêu, hàng năm được bồi đắp phù sa, những người dân sản xuất nhỏ ở đây không thể hoàn toàn dửng dưng với nhau. Ngoài hình thức lao động cá thể cũng có hình thức lao động theo tập đoàn, tập thể của xã, ấp. Nhưng lao động chung vẫn mang tính chất thủ công phân tán. Tính chất, điều kiện của lao động sản xuất đó chưa đủ làm cho những người nông dân hướng theo ý chung. Nông dân tự do trong phạm vi gia đình. Nhưng mỗi gia đình ấy lại là một thành phần của gia đình mở rộng, có những luật lệ riêng tự đặt ra. Thực tế cho thấy, tính tự do vô kỷ luật còn thể hiện rõ trong đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở ở Long An là việc tổ chức họp hội không đúng giờ giấc, đi muộn về sớm.Người dân ở đây gặp rất nhiều phiền toái. Có những người dân ở xa cách ủy ban nhân dân xã hàng chục cây số, tận vùng sâu, vùng xa, biên giới. Nhân dân đi lại bằng thuyền, đến để xin chữ ký vay tiền, xác nhận lý lịch v.v... Người dân đến thì cán bộ lãnh đạo chưa đến hoặc có khi người dân đến, chờ mãi thì cán bộ lãnh đạo lại không đến. ở nhiều xã, cán bộ chủ chốt tự đặt những luật lệ riêng của địa phương mình, bất chấp luật pháp của Nhà nước. Chẳng hạn; lấy đất của nhà nước đem phân phối cho cán bộ lãnh đạo, tiền của nhân dân đóng góp để xây dựng trường học, trạm xá v.v... họ lại bỏ vào túi riêng. ở xã, những cán bộ lãnh đạo chủ chốt phải thường xuyên xử lý những công việc cụ thể từ nhỏ đến lớn. Trong quá trình đó, họ đã xử lý công việc một cách tùy tiện không có văn bản, quy định mà "nhất thân nhì quen", chẳng hạn, người dân ở đây đang thiếu vốn, thiếu đói cần có tiền để giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo. Khi các quỹ này được cấp trên chuyển xuống thì người được nhận đầu tiên là gia đình, thân thuộc của cán bộ chủ chốt ở đây. Thậm chí, những cán bộ lãnh đạo chủ chốt bỏ vào túi riêng của mình hàng chục triệu, tiền cứu trợ của nhân dân bị lụt (ví dụ: Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân của thị trấn Mộc Hóa). Trong việc ra các văn bản, Nghị quyết của cán bộ chủ chốt cấp cơ sở còn mang tính chất tùy tiện, thể hiện ở chỗ văn bản đôi khi chồng chéo, mâu thuẫn nhau giữa chỉ thị của Bí thư Đảng ủy xã và Chủ tịch ủy ban nhân dân xã gây nên nhiều khó khăn trong chỉ đạo tổ chức thực hiện. Trong xu hướng phát triển nền kinh tế nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước ở nước ta hiện nay, một trong những yêu cầu vô cùng quan trọng là phải xây dựng nếp sống kỷ cương theo luật pháp. Tập

quán tự do tản mạn, vô kỷ luật là một đối tượng cần xóa bỏ nhằm góp phần từng bước khắc phục bệnh kinh nghiệm ở đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở.

Cùng với ảnh hưởng của tâm lý nông dân sản xuất nhỏ thì tư tưởng Nho giáo cũng ảnh hưởng rất lớn đến sự tồn tại và phát triển của bệnh kinh nghiệm. Mặc dù, vùng đất Long An cũng chỉ mới được khai phá khoảng trên dưới 300 năm nhưng lại là những cư dân có nguồn gốc từ miền Bắc, miền Trung và cả người Trung Quốc sang vào đời Minh - Thanh. Do đó, khi đến vùng đất mới cũng mang theo cả phong tục tập quán và tư tưởng của các vùng đó vào đất Long An. So với Bắc Bộ và Trung Bộ, ảnh hưởng của Nho giáo ở Long An có phần "nhẹ" hơn, nhưng dù sao vẫn ảnh hưởng tới các mặt đời sống của nhân dân. Tất nhiên, Nho giáo cũng có tác động tích cực đến sự ổn định xã hội. Nhưng ở đây, chúng tôi chỉ xem xét ảnh hưởng tiêu cực của Nho gia tới sự phát triển và tồn tại của bệnh kinh nghiệm. Có thể nói ảnh hưởng rõ nét nhất của Nho giáo tới bệnh kinh nghiệm là ở chỗ đề cao tinh thần phục cổ một cách thái quá mà kinh nghiệm như chúng ta đã biết nó là cái gắn liền với những cái đã qua. Mặc dù có lúc Khổng Tử cũng đã nói "ôn cố tri tân. Khả dĩ vi sư dã (ôn việc cũ để biết việc mới thì có thể làm thầy mọi người). Nhưng ông lại khẳng định rằng "thuật nhì bất tác, tín nhi hiếu cố" (tôi chỉ thuật lại chứ không sáng tạo gì cả, tôi tin và yêu cái cổ) [71, tr. 173]. ở đây ta cần nhận thức rằng, tôn trọng quá khứ là điều đáng quý, nhưng từ đó phải biết rút ra những bài học lịch sử. Nhưng Nho giáo chỉ dạy người ta tôn trọng quá khứ với tinh thần sùng bái. Tôn thờ quá khứ một cách tuyệt đối và tinh thần phục cổ ấy sẽ dẫn người ta đi đến chỗ chỉ biết suy nghĩ và hành động theo kinh nghiệm cũ, điều gì trái với kinh sách, thánh hiền, thì không phải là chân lý. Chính tinh thần phục cổ ấy đã dẫn người ta đi đến chỗ biến những kinh nghiệm cũ thành tiêu chuẩn, chuẩn mực thước đo mọi giá trị của hiện đại và tương lai. Từ đó dẫn tới chỗ người ta luôn hoài nghi với cái lạ, dè dặt với cái mới, nên thường hành động theo những kinh nghiệm của thế hệ trước cũng như của bản thân mình [54, tr. 52]. Nho giáo coi nghĩa trọng hơn lợi, đức trọng hơn tài, giáo hóa hơn thành chính, nghĩa tình hơn lẻ phải, cộng thêm với điều kiện tự nhiên của vùng đất Nam Bộ đã góp phần nâng tình cảm lên trên coi nhẹ mặt "lý", nghĩa là coi nhẹ mặt chính xác, chặt chẽ khi giải quyết một công việc gì đó nặng tình hơn lý. Trong thực tế, khi tổ chức thực hiện đường lối, chính sách của Trung

ương, của Tỉnh thì đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp cơ sở thực hiện không nhất quán. Chẳng hạn cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp cơ sở ở xã Bình Hiệp (huyện Mộc Hóa), xã Tân Mỹ (huyện Đức Hòa), họ vẫn biết rằng buôn lậu thuốc lá là một sai phạm pháp luật Nhà nước nhưng họ vẫn lờ đi để người dân ở những vùng này buôn bán thuốc trái phép. Bởi lẽ, những cán bộ chủ chốt cấp cơ sở thấy đời sống của nhân dân quá khó khăn, thiếu ăn, không có việc làm v.v... Họ đã để tình cảm lên trên lý mà không thấy được việc làm đó góp phần gây xáo trộn thị trường, vi phạm pháp luật. ở đây, phải nói đến vùng đất Nam Bộ nói chung và Long An nói riêng bị thực dân, đế quốc xâm lược. Chúng dùng chính sách ngu dân để dễ bề cai trị nhân dân ta. Sau chiến thắng năm 1975. Long An cùng cả nước bước vào chiến tranh bảo vệ biên giới phía Tây Nam. Trong hoàn cảnh như vậy thì hầu hết nhân dân Long An không có điều kiện để học tập đầy đủ. Trong những điều kiện như vậy, những tư tưởng của Nho giáo không những không được khắc phục mà còn có cơ hội để kéo dài sự tồn tại và ảnh hưởng. Nó cũng góp phần làm cho bệnh kinh nghiệm tồn tại và phát triển ở cán bộ và nhân dân Long An, trong đó có đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Bệnh kinh nghiệm ở đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở Long An pdf (Trang 28 - 33)