Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, ở Quy Nhơn chỉ có 2 trường công (trường College Quy Nhơn chung cho các tỉnh miền nam Trung bộ và trường Elémantaire đến lớp 3) và một số trường tư thục; ở mỗi huyện có một trường tiểu học, ở mỗi làng có trường làng vỡ lòng, lớp 1, lớp 2 do hương sư dạy.
Ngay sau ngày cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh phong trào chống giặc dốt được phát động rộng rãi và chỉ sau một năm, trong tỉnh có hàng vạn người biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Trong 9 năm kháng chiến, sự nghiệp giáo dục-đào tạo của tỉnh Bình Định tuy gặp khó khăn nhưng vẫn tiếp tục được Đảng và chính quyền các cấp quan tâm với nhiều hình thức học tập, đặc biệt
là phong trào bình dân học vụ, bổ túc văn hóa tạo nên phong trào thi đua yêu nước sôi nổi của toàn dân.
Từ tháng 7 năm 1954 đến trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/1975), hệ thống giáo dục ở tỉnh Bình Định do chính quyền Sài Gòn quản lý, đã biến giáo dục trở thành công cụ nô dịch và lệ thuộc nước ngoài, thực hiện chủ nghĩa thực dân mới, nhằm phục vụ cho âm mưu xâm lược lâu dài của đế quốc Mỹ với mục tiêu đào tạo những người phục vụ trong bộ máy chính quyền Mỹ-Nguỵ. Trong vùng giải phóng của cách mạng lúc bấy giờ, bên cạnh phong trào thi đua giết giặc, hăng hái sản xuất phục vụ kháng chiến, việc học tập cũng được Đảng quan tâm, nhiều lớp học tập trung, bổ túc văn hoá được tổ chức, tạo nên một phong trào hoạt động sôi nổi và rộng khắp trong toàn tỉnh.
Sau thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử , cách mạng nước ta đã chuyển sang giai đoạn mới: cả nước độc lập, thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội. Hoà vào bối cảnh đó, công tác giáo dục- đào tạo của cả nước nói chung và của tỉnh Bình Định nói riêng đã phát triển cả về qui mô, hình thức và chất lượng. Nhân dân trên tất cả các vùng miền có điều kiện học tập để nâng cao sự hiểu biết, thực sự vươn lên làm chủ xã hội, làm chủ thiên nhiên, tham gia tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Từ khi có Nghị quyết Trung ương 2 (khoá VIII) và Luật Giáo dục (1998), giáo dục nước ta tiếp tục được đề cao và có sự phát triển vượt bậc. Đặc biệt quan điểm giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu được tiếp tục khẳng định trong Nghị quyết Đại hội toàn quốc của Đảng lần thứ IX và Nghị quyết Trung ương 6 và 9 (Khóa IX). Đây có thể coi là mốc son đánh dấu cho sự phát triển sự nghiệp giáo dục-đào tạo nước nhà trong thời kỳ mới nhằm đáp ứng cho yêu cầu về nguồn nhân lực để tiến hành sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, thực biện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh..
Thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng về giáo dục và đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước được thể chế hóa bằng Luật Giáo dục của Quốc hội và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong thời
gian qua, tỉnh Bình Định đã tổ chức xây dựng hệ thống giáo dục phát triển đều khắp, góp phần tích cực vào việc đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, thực hiện mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà. Việc tổ chức và thực hiện ấy được thể hiện là Tỉnh ủy đã có nhiều nghị quyết và chỉ thị, ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định đã ban hành nhiều văn bản quy phạm nhằm cụ thể hóa quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước về giáo dục và đào tạo để áp dụng phù hợp với đặc thù của địa phương mình.
Đến nay, qui mô giáo dục và đào tạo ở tỉnh Bình Định được phát triển ở tất cả các ngành học, cấp học trên các vùng miền của tỉnh, năm 2000 đạt mức bình quân 3,5 người dân có 1 người đi học. Tỉnh Bình Định đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra và công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học vào tháng 7/1998 và hoàn thành phổ cập trung cập cơ sở vào tháng 5/2004. Mặt bằng dân trí và chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên.
Các đặc điểm về tự nhiên kinh tế-xã hội và một số tình hình chung về giáo dục và đào tạo được nêu trên đã có ảnh hưởng nhất định đến việc thực hiện pháp luật về giáo dục và đào tạo ở tỉnh Bình Định hiện nay.
Về mặt thuận lợi, tích cực: Đó là vị trí địa lý khá thuận lợi trong việc giao lưu; truyền thống cần cù, sáng tạo trong lao động và đoàn kết, dũng cảm trong đấu tranh; truyên thống thượng võ và hiếu học của người dân Bình Định; là sự ổn định về chính trị và phát triển về kinh tế-xã hội, đời sống của nhân dân được cải thiện…đã có những ảnh hưởng tích cực đối với việc thực hiện giáo dục pháp luật về đào tạo.
Về mặt hạn chế, trở ngại: Đó là địa hình khá phức tạp, địa bàn rộng, dân cư đông, nhưng lại phân bố không đều; tình hình kinh tế-xã hội có phát triển nhưng còn chậm; thói quen và ý thức pháp luật của nhân dân chưa cao…đã có ảnh hưởng làm hạn chế việc thực hiện pháp luật nói chung và về giáo dục và đào tạo nói riêng.