Căn cứ vào các hình thức thực hiện pháp luật về giáo dục và đào tạo, chúng ta xác định được các chủ thể thực hiện pháp luật là các cá nhân hoặc tổ chức.
Tại Điều 1 Luật Giáo dục qui định phạm vi điều chỉnh như sau: "Luật Giáo dục qui định về hệ thống giáo dục quốc dân; nhà trường, cơ sở giáo dục khác của hệ thống giáo dục quốc dân, của cơ quan hành chính nhà nước, của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị- xã hội, của lực lượng vũ trang nhân dân; tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giáo dục" [44, tr.1].
Mọi công dân đều là chủ thể cuả thực hiện pháp luật về giáo dục và đào tạo. Thật vậy, trẻ em từ 3 tháng đến 36 tháng tuổi được vào nhà trẻ, từ 37 tháng đến 6 tuổi được vào mẫu giáo; học sinh tiểu học từ 6 đến 11 tuổi; học sinh trung học cơ sở từ 11 đến 14 tuổi; học sinh trung học phổ thông từ 15 tuổi đến 19 tuổi...
Nhà nước ta chủ trương xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập, một nền giáo dục cho mọi người, học tập suốt đời. Với cách thức tổ chức và phương thức học tập đó đã tạo điều kiện cho mọi công dân có thể tham gia học tập tuỳ theo điều kiện, hoàn cảnh, lứa tuổi... của mỗi người. Cho nên đối với cá nhân là chủ thể của thực hiện pháp luật về giáo dục và đào tạo rất đa dạng và đông đảo chiếm tuyệt đại bộ phận trong xã hội. Trong thực hiện pháp luật về giáo dục và đào tạo, một loại chủ thể là các cá nhân không thể thiếu đó là đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp, đây được xem là lực lượng nòng cốt, đóng vai trò chủ lực, có trách nhiệm thường xuyên tiếp cận, phổ biến, giáo dục và thực hiện những qui định của pháp luật về giáo dục và đào tạo.
Chủ thể của thực hiện pháp luật về giáo dục và đào tạo còn có các tổ chức rất đa dạng và phong phú. Trước hết phải nói đến các tổ chức Đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, lãnh đạo sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Do đó tổ chức Đảng phải gương mẫu thực hiện và thông qua tổ chức của mình, giáo dục đảng viên tự giác thực hiện pháp luật về giáo dục và đào tạo một cách nghiêm túc và triệt để. Các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội nghề nghiệp … có trách nhiệm thực hiện những qui pháp luật về giáo dục và đào tạo. Chủ thể có tầm quan trọng đặc biệt trong việc thực hiện pháp luật về giáo dục và đào tạo là Nhà nước; thông qua các cơ quan nhà nước, các qui định của pháp luật về giáo dục và đào tạo được hướng dẫn và tổ chức thực hiện một cách đầy đủ và nghiêm túc. Các chủ thể thực hiện pháp luật về giáo dục và đào tạo không thể thiếu đó là các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, các cơ sở đào tạo, trường học được xem là các chủ thể nòng cốt, chủ đạo trong việc đưa pháp luật về giáo dục và đào tạo đi vào cuộc sống.
Để đảm bảo thực hiện pháp luật về giáo dục và đào tạo, các chủ thể cần nắm vững nội dung, tư tưởng, ý nghĩa của những qui định của pháp luật về giáo dục và đào tạo, tuỳ thuộc điều kiện, hoàn cảnh và đối tượng cụ thể mà có những hình thức thực hiện phù hợp, đảm bảo những yêu cầu của pháp luật được thực hiện một cách nghiêm túc và đầy đủ, góp phần đưa sự nghiệp giáo dục và đào tạo nước nhà phát triển đúng theo quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước.