MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ ĐỐI VỚI VIỆC GIAO KẾT VÀ THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG MUA BÁN DẦU MỠ NHỜN TẠ
3.2. Một số khuyến nghị đối với việc giao kết và thực hiện hợp đồng mua bán dầu mỡ nhờn tại Công ty.
đồng mua bán dầu mỡ nhờn tại Công ty.
Quá trình giao kết và thực hiện các hợp đồng mua bán dầu mỡ nhờn với các đối tượng khách hàng trên đều được áp dụng theo "Thủ tục xem xét hợp đồng bán hàng" mã số TT - 07-1 của Công ty được ban hành 01/08/2004, có hiệu lực từ ngày 01/01/2005. Tuy nhiên, đến năm 2005, các quy định của
pháp luật về thương mại đã có sự thay đổi nên văn bản này có một số quy định không còn phù hợp nữa. Nhưng hiện nay, Công ty vẫn chưa có văn bản mới để hướng dẫn việc giao kết - thực hiện hợp đồng mua bán dầu mỡ nhờn, nên các hợp đồng mới được giao kết trong thời gian qua cũng có những điều khoản không phù hợp. Ví dụ: "Hợp đồng mua bán" số 07/DMNCN-HĐ (phụ lục 1):
Hợp đồng này gồm được giao kết và có hiệu lực kể từ ngày 15/03/2006. Trong phần cơ sở pháp lý của hợp đồng lại căn cứ vào Luật Thương mại 1997. Căn cứ này là sai với quy định vì Luật Thương mại 1997 đã hết hiệu lực từ ngày 01/01/2006. Mặt khác, tại điều khoản chung cũng quy định văn bản áp dụng khi có tranh chấp xảy ra là Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế 1989. Quy định này là không đúng pháp luật vì Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế 1989 đã hết hiệu lực từ ngày 01/01/2006. Vì vậy nếu có mâu thuẫn về lợi ích giữa hai bên thì các căn cứ này không có ý nghĩa, mà phải áp dụng theo quy định hiện hành là Luật Thương mại 2005 và Bộ luật Dân sự 2005.
Hợp đồng được giao kết giữa bên bán là Công ty cổ phần Hóa dầu Petrolimex (bên A) và bên mua là Công ty TNHH Phong Nam (bên B). Hai bên thỏa thuận Công ty cổ phần Hóa dầu Petrolimex bán tất cả các loại dầu mỡ nhờn của PLC theo yêu cầu cho Công ty TNHH Phong Nam. Chủng loại, số lượng, giá cả được kèm theo trong bản phụ lục hợp đồng và trong các tháng tiếp theo sẽ căn cứ vào đơn đặt hàng, Fax hoặc điện thoại mà các bên trao đổi với nhau. Với thỏa thuận như vậy, các hoạt động mua bán dầu mỡ nhờn trong những lần tiếp theo sẽ không phải soạn thảo bản hợp đồng hoàn chỉnh, giảm bớt được những chi phí không cần thiết cho hai bên. Khi đó, bên A sẽ bán dầu mỡ nhờn cho bên B theo những đơn đặt hàng hàng tháng mà bên
B gửi tới, dựa trên cở sở những điều khoản mà hai bên đã thỏa thuận trong hợp đồng này.
Tiêu chuẩn dầu mỡ nhờn mà bên A cung cấp đáp ứng đủ tiêu chuẩn sản xuất của PLC và BP (phụ lục 2). Tiêu chuẩn này chính là những thông tin kỹ thuật về sản phẩm mà bên A đã đưa cho bên B tìm hiểu khi chào hàng; đồng thời cũng là cam kết của bên A sẽ đáp ứng đúng theo chỉ tiêu kỹ thuật đã ghi trong bảng tiêu chuẩn đó.
Điều khoản về giao hàng và phương thức thanh toán được quy định phù hợp với điều kiện thực tế của hai bên. Tuy nhiên, không có quy định cụ thể về trách nhiệm vi phạm hợp đồng và giải quyết tranh chấp (nếu có), mà đưa vào điều khoản cuối cùng - điều khoản chung.
Trong điều khoản chung có quy định: "…Trong quá trình thực hiện nếu có phát sinh vướng mắc, hai bên sẽ chủ động gặp nhau giải quyết trên cơ sở đảm bảo lợi ích của nhau. Việc giải quyết này tuân theo quy định của Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế. Nếu không đàm phán được hai bên sẽ lấy phán quyết của Tòa án kinh tế tại Hà Nội làm phán quyết cuối cùng". Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế 1989 hiện nay không còn hiệu lực vì thế quy định giải quyết tranh chấp sẽ tuân theo Pháp lệnh này là không có cơ sở. Thực tế nếu có vi phạm hợp đồng hoặc phát sinh tranh chấp thì hai bên phải theo quy định của Luật Thương mại 2005. Đối với việc lựa chọn Tòa án kinh tế Hà Nội là nơi giải quyết cuối cùng khi có tranh chấp xảy ra là không được hợp lý lắm bởi hợp đồng được thực hiện chủ yếu tại Vĩnh Phúc, nơi có kho hàng của bên B. Trong trường hợp này, hai bên có thể thỏa thuận lựa chọn Tòa án tỉnh Vĩnh Phúc là nơi giải quyết tranh chấp hoặc cũng có thể đưa ra giải quyết tại một trung tâm trọng tài. Phương án giải quyết tranh chấp tại trọng tài là thích hợp
hơn bởi phương án này có nhiều ưu điểm vượt trội. So với giải quyết tranh chấp theo con đường Tòa án, giải quyết tranh chấp tại trọng tài thường được tiến hành nhanh chóng, các bên không phải trải qua nhiều thủ tục cũng như thời gian chờ đợi. Đồng thời, thông qua trọng tài, là cách xử kín so với xét xử công khai tại tòa, các bên có thể giữ được bí mật kinh doanh cũng như không làm cho mối quan hệ bạn hàng trở nên căng thẳng.
Đối với Công ty cổ phần Hóa dầu Petrolimex hiện nay đang hoạt động kinh doanh rất hiệu quả, nhưng để tránh những cho quyền lợi của Công ty bị xâm phạm trong các hoạt động kinh doanh nói chung và cụ thể là trong kinh doanh mua bán dầu mỡ nhờn, Công ty nên có một số điều chỉnh về tổ chức quản lý hoạt động này cho phù hợp với sự thay đổi của pháp luật. Nhất là các vấn đề pháp lý về giải quyết vi phạm cũng như tranh chấp trong hợp đồng mua bán dầu mỡ nhờn.
Trước hết là phần căn cứ của hợp đồng, đây là cơ sở pháp lý để hai bên tiến hành giao kết và thực hiện hợp đồng mua bán dầu mỡ nhờn. Căn cứ này phải dựa trên Luật Thương mại 2005 và Bộ luật Dân sự 2005, đồng thời dựa trên những thỏa thuận phù hợp với quy định của pháp luật mà hai bên đã thống nhất trong quá trình giao kết hợp đồng.
Nên đưa thêm vào hợp đồng điều khoản về trách nhiệm pháp lý khi vi phạm hợp đồng vì hiện nay hệ thống pháp luật chưa được hoàn chỉnh, nhiều quy định không rõ ràng. Hai bên thỏa thuận cụ thể các biện pháp giải quyết trên tinh thần đảm bảo lợi ích của cả hai bên sẽ tránh được những khó khăn trong quá trình áp dụng luật.
Trong quan hệ mua bán hàng hóa quốc tế đã có rất nhiều vụ việc xảy ra đối với các doanh nghiệp Việt Nam do sự khác biệt về ngôn ngữ cũng như hệ
thống luật pháp, do đó pháp luật trong thương mại quốc tế là vấn đề rất quan trọng. Hiện nay, Công ty có quan hệ bạn hàng với rất nhiều đối tác trên thế giới. Do vậy, Công ty nên tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật quốc tế cho các cán bộ trực tiếp thực hiện để việc giao kết và thực hiện hợp đồng mua bán dầu mỡ nhờn được dễ dàng và thuận lợi, tránh được những rủi ro trong kinh doanh. Công ty có thể tổ chức những khóa học về pháp luật quốc tế với sự giúp đỡ của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, Trung tâm hộ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, các tổ chức pháp lý…Ngoài ra các cơ quan đại diện ngoại giao, các lãnh sự Việt Nam đặt tại các nước cũng là cơ quan hỗ trợ cho doanh nghiệp rất nhiều cả về mặt pháp lý, nghiên cứu, đầu tư hợp tác kinh doanh.
Qua việc giao kết và thực hiện hợp đồng mua dầu mỡ nhờn tại Công ty cổ phần Hóa dầu Petrolimex đã cho thấy Công ty cố gắng thực hiện tốt các hợp đồng này để mang lại kết quả kinh doanh cao hơn nữa, khẳng định vị trí của Công ty tại thị trường Việt Nam cũng như trong khu vực. Thực hiện thành công các hợp đồng mua bán dầu mỡ nhờn là cơ cở để Công ty tạo sự uy tín và có những bạn hàng thân thiết. Tuy vậy cũng có một số công tác Công ty nên thực hiện nhằm hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh dầu mỡ nhờn ngày càng hiệu quả.
Thời gian tìm hiểu thực tế tại Công ty cổ phần Hóa dầu Petrolimex vừa qua đã giúp em có cơ hội nâng cao nhận thức thực tiễn về pháp luật kinh doanh và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Do thời gian nghiên cứu và khả năng nhận thức còn hạn chế, chuyên đề này không tránh khỏi những thiếu sót, em rất mong được sự đóng góp từ phía thầy giáo hướng dẫn và các cán bộ tại Công ty cổ phần Hóa dầu Petrolimex.
Em xin gửi tới thầy giáo Trần Văn Nam, người đã hướng dẫn em hoàn thành tốt chuyên đề này lời cảm ơn sâu sắc. Em cũng chân thành cảm ơn sự giúp đỡ nhiệt tình của các cô chú cán bộ Phòng Kinh doanh Dầu mỡ nhờn công nghiệp đã tạo điều kiện thuận lợi cho em trong suốt quá trình thực tập tại Công ty.