MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ ĐỐI VỚI VIỆC GIAO KẾT VÀ THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG MUA BÁN DẦU MỠ NHỜN TẠ
3.1. Một số ý kiến về việc ban hành và thực hiện pháp luật
Để tạo một môi trường pháp lý ổn định và đón đầu sự phát triển của nền kinh tế, Nhà nước ta đã tiến hành rất nhiều cải cách và đổi mới về pháp luật. Hệ thống pháp luật đã dần được hoàn thiện nhằm tạo ra một hành lang pháp lý vững vàng cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh hiệu quả. Việc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật, đặc biệt là các văn bản trong lĩnh vực kinh doanh thương mại,được thực hiện theo hướng phù hợp với pháp luật quốc tế nhưng cũng đảm bảo những lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp trong nước.
Đối với hoạt động mua bán hàng hóa, đã có nhiều sửa đổi, bổ sung tại Luật Thương mại 2005 nhằm phù hợp với Công ước Viên 1980. Luật Thương mại 2005 và Bộ luật Dân sự 2005 đã có hiệu lực được hơn một năm nhưng trên thực tế chưa thực sự được các doanh nghiệp quan tâm. Nguyên nhân một phần là do thói quen chủ quan của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp hiện đang thực hiện theo các văn bản cũ nếu sửa đổi, bổ sung theo luật mới thì sẽ phải thay đổi cả một hệ thống các văn bản, đồng thời để tìm hiểu được đầy đủ quy định mới của pháp luật cũng cần mất nhiều công sức. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng cho rằng Luật Thương mại 2005 so với Luật Thương mại 1997 không có khác nhau gì nhiều nên vẫn tiến hành áp dụng theo luật cũ. Một nguyên nhân khác cũng là do nhà nước cũng chưa có sự tuyên truyền rộng rãi pháp luật cho nhân dân.
Vì vậy, để pháp huy hơn nữa từ những lợi ích của việc đổi mới, cải cách pháp luật, nhà nước ta cần phổ biến sâu rộng kiến thức pháp luật đến mọi người, nhất là đối với các doanh nghiệp, không chỉ về pháp luật Việt Nam mà cả pháp luật quốc tế thông qua các hội thảo, chuyên đề…
Đồng thời, Nhà nước cần có những kế hoạch triển khai thực hiện pháp luật đầy đủ, nhanh chóng. Mỗi đạo luật ban hành đều có các văn bản dưới luật kèm theo để quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện. Để việc thực hiện Luật Thương mại 2005 có hiệu quả, Chính phủ và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nên có những quy định cụ thể, rõ ràng hướng dẫn cho các doanh nghiệp thực hiện. Ví dụ, trong Luật Thương mại có quy định về vi phạm cơ bản là sự vi phạm hợp đồng của một bên gây thiệt hại cho bên kia đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng. Nhưng trong thực tế áp dụng rất khó xác định được mức độ vi phạm đến đâu mới được xét là vi phạm cơ bản.
Bên cạnh đó, cần xây dựng một hệ thống thông tin giữa cơ quan quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp. Thông tin phản hồi từ hai phía sẽ giúp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thi hành luật; đồng thời cũng thấy được những hạn chế, vướng mắc trong việc áp dụng luật tại doanh nghiệp.