Kiến nghị đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng cho vay đối với Doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Sở Giao dịch 1 – Ngân hàng Công thương Việt Nam (Trang 70 - 71)

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, tầm quan trọng của các DNV&N đối với phát triển kinh tế ngày càng được nâng cao và nhận được sự khuyến khích từ phía Nhà nước và các cơ quan quản lý kinh tế. Để có thể nâng cao chất lượng cho vay giữa Sở giao dịch I với các DNV&N thì các DNV&N cũng cần phải có những thay đổi tích cực hơn để đáp ứng được yêu cầu từ phía Ngân hàng cũng như của nền kinh tế. Đó là:

Thứ nhất, minh bạch hóa tình hình tài chính của doanh nghiệp. Để nâng cao tính minh bạch đối với tình hình tài chính thì các DN cần phải triệt để tuân theo các quy định, chế độ kế toán hiện hành và nếu có đủ điều kiện thì các DNV&N nên thuê các công ty kiểm toán để kiểm tra và xác thực tình hình tài chính của DN mình.

Thứ hai, nâng cao khả năng lập và nghiên cứu dự án. Như đã phân tích ở trên, một thực trạng đối với các DNV&N hiện nay là sự yếu kém trong khâu thiết lập các dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh. Điều này phần nào gây ảnh hưởng đến uy tín của DN và gây khó khăn cho các CBTD của ngân hàng trong việc thẩm định dự án đầu tư. Nâng cao khả năng thiết lập và nghiên cứu dự án sẽ giảm thiểu được những rủi ro trong kinh doanh của DN, nâng cao uy tín của DN trong mắt ngân hàng và quan trọng là nếu dự án khả thi, mang lại lợi nhuận thì DN sẽ hoàn trả được nợ ngân hàng đúng hạn.

Thứ ba, chú trọng đến đào tạo đội ngũ cán bộ công nhân viên. Nâng cao trình độ cán bộ, công nhân viên có tầm quan trọng rất lớn đối với các DNV&N để có thể cạnh tranh và nâng cao vị thế của DN trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

Thứ tư, các DNV&N cần nâng cao hơn nữa năng lực kinh doanh của doanh nghiệp, cụ thể là các vấn đề về công nghệ và năng lực tài chính để không chỉ đáp ứng yêu cầu từ phía Ngân hàng mà còn từ phía nền kinh tế. Để nâng cao năng lực tài chính, trước hết DN cần phải xây dựng được cơ cấu vốn hợp lý, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tự có, xác định và duy trì các khoản phải thu và hàng tồn kho ở mức hợp lý, xác định tỷ lệ lợi nhuận giữ lại hàng năm hợp lý với yêu cầu phát triển, mở rộng quy mô sản xuất, thực hiện nghiêm túc chế độ quản lý doanh nghiệp và đảm bảo các chế độ tài chính kế toán theo quy định của cơ quan quản lý Nhà nước. Bên cạnh đó, DN cần phải quan tâm đến việc đổi mới và phát triển hệ thống công nghệ thông tin cũng như hệ thống công nghệ, dây chuyền sản xuất để sản xuất ra được những sản phẩm có chất lượng, phù hợp với nhu cầu của khách hàng, nhằm từng bước nâng cao năng lực kinh doanh của DN trên thị trường và nâng cao vị thế của DN trong mối quan hệ với các NHTM.

Như vậy, bằng việc nâng cao năng lực quản lý điều hành đối với đội ngũ lãnh đạo, tích cực đào tạo nguồn nhân lực, chủ động trong sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng hồ sơ phương án sản xuất kinh doanh, đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc về kế toán doanh nghiệp, các DNV&N sẽ nâng cao được khả năng thuyết phục ngân hàng cho vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh, đáp ứng yêu cầu phát triển và cạnh tranh trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng cho vay đối với Doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Sở Giao dịch 1 – Ngân hàng Công thương Việt Nam (Trang 70 - 71)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(83 trang)
w