Qua các mục trên ta đã thấy được bản chất của rủi ro tín dụng, các biểu hiện của rủi ro tín dụng và các nguyên nhân xảy ra chúng. Chúng ta đã biết rằng rủi ro tín dụng là điều các ngân hàng không hề mong muốn, vậy chúng thực sự có tác hại ra sao? Trước hết, rủi ro tín dụng làm cho các ngân hàng khó khăn trong hoạt động kinh doanh của mình dẫn đến quá trình tìm kiếm lợi nhuận của họ sẽ không còn dễ dàng nữa. Khi rủi ro tín dụng xảy ra họ phải có thời gian, công sức, tiền bạc để khắc phục chúng. Điều này tất yếu sẻ ảnh hưởng đến các hoạt động khác trong đó hoạt động tín dụng chịu ảnh hưởng lớn nhất. Rủi ro tín dụng cũng làm cho số vốn của ngân hàng giảm đi gây ảnh hưởng xấu đến lợi nhuận, sự an toàn, tính ổn định của hoạt động ngân hàng. Khi mà rủi ro tín dụng xảy ra thì ở bất cứ cấp độ nào đối với các ngân hàng họ cũng có khả năng hoặc chắc chắn mất đi một lượng vốn nhất định làm cho những dự tính và kế hoạch của họ với lượng vốn đó thay đổi. Rõ ràng mất vốn dẫn đến mất đi một cơ hội để sử dụng nguồn vốn đó cho những hoạt động kinh tế khác. Hơn nữa, khi mất vốn các ngân hàng phải có kế hoạch để bù đắp làm cho quy mô kinh doanh khó phát triển hơn. Rủi ro tín dụng khi xảy ra ở
mức độ nhẹ có thể kiểm soát, phòng ngừa được nhưng khi nó ở mức trầm trọng thì ngân hàng khi đó rất khó để quản lý, kiểm soát chúng dẫn đến những hậu quả khó lường đối với ngân hàng. Rủi ro tín dụng làm cho uy tín của ngân hàng giảm sút, làm giảm khả năng cạnh tranh của ngân hàng. Khi một ngân hàng nào đó thường xuyên có rủi ro tín dụng ở mức độ cao thì trước hết khách hàng sẽ không còn tin tưởng vào ngân hàng làm cho họ mất đi một lượng khách hàng. Hơn nữa, ngân hàng cũng khó khăn trong việc thu hút đội ngũ nhân viên có năng lực cao bởi lẽ phép so sánh sẽ luôn tồn tại đặc biệt đối với các nhân viên trình độ cao. Họ sẽ không chọn một ngân hàng có mức độ rủi ro cao bởi lẻ khi đó họ cũng khó có môi trường phát triển và thu nhập mà họ có được cũng mang tính “rủi ro” cao. Rủi ro tín dụng ở một mức cao không chỉ có ảnh hưởng đến một hai ngân hàng mà có ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống, đó là rủi ro hệ thống, rủi ro dây chuyền. Khi một ngân hàng sụp đổ do không phòng ngừa và hạn chế được rủi ro tín dụng thì hiệu ứng dây chuyền diễn ra và các ngân hàng khác cũng lâm vào tình trạng nguy kịch khi khách hàng lúc này không còn lòng tin vào ngân hàng nữa. Ngân hàng thương mại là một trung gian tài chính quan trọng bật nhất ở nước ta hiện nay khi mà thị trường chứng khoán còn chưa thực sự phát triển. Nó cung cấp tiền cho gần như toàn bộ nền kinh tế, chính vì thế ở tầm vĩ mô khi ngân hàng gặp rủi ro tín dụng thì hoạt động của toàn bộ nền kinh tế cũng chịu ảnh hưởng nhất định.
Tóm lại, rủi ro tín dụng ở mức độ thấp có thể ảnh hưởng đến hoạt động, thu nhập của ngân hàng nhưng khi nó đã tiến lên một mức độ cao thì không chỉ ảnh hưởng đến ngân hàng có rủi ro mà nó còn có ảnh hưởng đến cả hệ thống ngân hàng thậm chí là cả nền kinh tế quốc dân. Các ngân hàng phải ý thức được vấn đề này để phòng ngừa và hạn chế rủi ro tín dụng, điều này không những có lợi cho họ mà còn có lợi cho những chủ thể kinh tế khác trong nền kinh tế.