IV. SỰ CẦN THIẾT PHẢI NÂNG CAO NĂNG LỰC NHẬN TÁI CỦA VINARE
1. Đánh giá chung
1.1 Những mặt đạt được:
Với lịch sử 15 năm hoạt động kinh doanh, VinaRe vẫn luôn chứng tỏ vai trò quan trọng của mình trên thị trường bảo hiểm Việt Nam - một công ty hàng đầu trong lĩnh vực nhận và nhượng tái bảo hiểm. Đặc biệt trong vòng 4 năm trở lại đây, vai trò đó ngày càng được củng cố một cách chắc chắn. Nhận định trên có thể được thể hiện tóm tắt qua những mặt đạt được của công ty từ năm 2004 đến năm 2007 như sau:
Doanh thu phí nhận tái bảo hiểm của VinaRe nhìn chung có xu hướng tăng và tốc độ tăng bình quân là 8,55%/ năm. Trong đó phí nhận tái từ cam kết/bắt buộc ngày càng chiếm tỷ trọng cao, đặc biệt là các hợp đồng nhận tái cam kết từ các công ty là cổ đông lớn của VinaRe. Nguồn thu này rất có ý nghĩa với VinaRe vì nó đóng góp ổn định vào tổng phí nhận tái hàng năm của công ty. Để đạt được những kết quả đó phải kể đến những nỗ lực không mệt mỏi của cán bộ tái bảo hiểm VinaRe trong việc thay đổi điều kiện, điều khoản của hợp đồng
nhận tái một cách linh hoạt, phù hợp với những diễn biến mới của thị trường để thu hút nhiều hơn khách hàng thu xếp nhượng tái cho VinaRe.
Khả năng tài chính của công ty ngày càng được cải thiện. Với việc tiến hành cổ phần hoá thành công, lượng vốn VinaRe sở hữu đã tăng lên đáng kể. Nếu như trước đó vốn điều lệ mới chỉ dừng lại ở con số khiêm tốn là 40 tỷ đồng thì đến năm 2005, vốn điều lệ đã góp tại thời điểm mới thành lập là 343 tỷ đồng sau tăng lên 500 tỷ đồng. Và với việc phát hành bổ sung vốn (phát hành cổ phiếu ra công chúng) được hoàn tất vào đầu năm 2008, con số này đã lên tới 672,184 tỷ đồng. Đây sẽ là động lực để nâng cao năng lực kinh doanh của công ty.
Với tiềm lực tài chính được tăng cường, công ty đã chủ động nâng dần mức giữ lại và tỉ trọng của phí giữ lại trong tổng doanh thu phí nhận tái ngày càng tăng qua các năm, với tỷ lệ trung bình đạt 19,23%. Tốc độ tăng trưởng bình quân của phí giữ lại trung bình đạt 23,08%/năm. Kết quả này cho thấy năng lực nhận tái của VinaRe đã tăng thêm một bước đáng kể so với giai đoạn trước.
Lượng phí bảo hiểm giữ lại cho thị trường trong nước ngày càng tăng, đồng nghĩa với nó là việc giảm dần lượng phí nhượng tái ra thị trường nước ngoài. Đặc biệt, năm 2007 lượng phí nhượng tái trong nước đã tăng 93,92% so với năm 2004. Điều đó càng củng cố thêm vai trò quan trọng của công ty trong việc điều tiết thị trường, nâng phần giữ lại dịch vụ bảo hiểm trong nước, hạn chế tối đa lượng dịch vụ bằng ngoại tệ chảy ra nước ngoài, như mong muốn ban đầu của Chính phủ khi thành lập VinaRe.
Việc thanh toán bồi thường, chi trả bảo hiểm cho các rủi ro gặp tổn thất thuộc trách nhiệm của hợp đồng nhận tái luôn được VinaRe tiến hành một cách nhanh chóng, kịp thời và đầy đủ. Để có được thành công đó là do VINARE luôn trích lập đầy đủ các quỹ dự phòng theo quy định của pháp luật, đó là các quỹ dự phòng phí, dự phòng bồi thường và dự phòng dao động lớn. Chính vì vậy mà các chỉ tiêu về khả năng thanh toán của VINARE nhìn chung qua các năm là khá an toàn.
Bảng 11: Chỉ tiêu về khả năng thanh toán của VINARE
Đơn vị: Lần
Chỉ tiêu 2004 2005 2006 2007
Tỷ số thanh toán hiện tại 0,8 1,23 2.21 2,34
Tỷ số thanh toán nhanh 0,41 0,73 1,53 1,78
(Nguồn: Bản cáo bạch của VINARE)
Với những chỉ tiêu trên khả năng của VINARE giải quyết bồi thường hay chi trả bảo hiểm kịp thời cho khách hàng ngày càng được củng cố, tạo điều kiện để khách hàng giải quyết hậu quả rủi ro nhanh chóng, từ đó tăng uy tín của VINARE trên thị trường bảo hiểm cũng như tái bảo hiểm.
Ngoài nhiệm vụ là trung tâm thông tin thị trường bảo hiểm, tái bảo hiểm, với một đội ngũ cán bộ tái bảo hiểm giàu kinh nghiệm VinaRe luôn chủ động phối hợp chặt chẽ với các công ty bảo hiểm gốc trong việc tư vấn đánh giá rủi ro, giám định tổn thất…nhằm giảm thiểu rủi ro cho khách hàng tham gia bảo hiểm.
Công ty rất linh động trong việc lựa chọn hình thức và phương pháp tái bảo hiểm, cấu trúc mức giữ lại/ tái đi một cách hợp lý, phù hợp với những diễn biến trên thị trường cũng như khả năng tài chính. Đây là một trong những nguyên nhân giúp cho kết quả kinh doanh nghiệp vụ của VinaRe liên tục có lãi qua các năm.
1.2 Những mặt hạn chế:
Bên cạnh những thành tích đạt được trong 4 năm qua, cũng cần phải thẳng thắn thừa nhận rằng trong công ty vẫn tồn tại khá nhiều mặt hạn chế như:
Doanh thu phí nhận tái toàn công ty có xu hướng tăng nhưng thiếu tính ổn định (doanh thu phí năm 2006 giảm 5,12% so với năm 2005). Trong đó nguồn phí từ nhận tái bảo hiểm tự nguyện lại giảm cả về số tuyệt đối và tương đối. Phải chăng chất lượng dịch vụ mà VinaRe cung cấp không còn hấp dẫn các nhà nhượng tái bảo hiểm. Vậy yêu cầu đặt ra lúc này chính là nâng cao chất lượng dịch vụ của VinaRe đối với các nhà nhượng tái.
Mặt khác, doanh thu phí nhận tái giữa các nghiệp vụ có sự chênh lệch lớn. Phần lớn lượng phí nhận tái lại chỉ do một số ít nghiệp vụ mang lại. Chính vì thực trạng này mà khi doanh thu phí nhận tái của một trong những nghiệp vụ đó giảm sẽ ảnh hưởng lớn đến doanh thu phí nhận tái của cả công ty trong năm đó. Và điều đó đã được chứng minh trong năm 2006, mặc dù doanh thu phí nhận tái tất cả các nghiệp vụ khác đều tăng so với năm 2005 nhưng chỉ một nghiệp vụ hàng không giảm đã kéo theo sự giảm sút của tổng doanh thu phí nhận tái trong năm đó.
Mặc dù mức phí bảo hiểm giữ lại công ty có xu hướng tăng qua các năm nhưng tỷ trọng của nó trong tổng doanh thu phí nhận tái còn quá khiêm tốn, trung bình trong 4 năm mới chỉ chiếm 19,23%. Điều đó cũng có nghĩa là phần lớn dịch vụ khai thác được đều chuyển nhượng tái bảo hiểm. Nó làm tăng chi nghiệp vụ tái bảo hiểm của VinaRe, từ đó làm giảm kết quả kinh doanh nghiệp vụ tái bảo hiểm giai đoạn 2004 – 2007.
Tỷ lệ phí nhượng tái ra thị trường nước ngoài có xu hướng giảm song tỷ trọng của lượng phí này so với phí nhận tái qua các năm vẫn còn rất cao. Bình quân phí nhượng tái bảo hiểm nước ngoài đạt 58,36% tổng phí nhận tái. Điều này cũng cho thấy năng lực nhận tái của thị trường bảo hiểm trong nước còn thấp, làm lãng phí một nguồn ngoại tệ lớn của đất nước.
Trong khi phí nhượng tái nước ngoài vẫn chiếm tỷ trọng cao trong doanh thu phí nhận tái thì nguồn thu phí nhận tái từ thị trường nước ngoài còn chiếm một tỷ lệ rất khiêm tốn. Đó là tình trạng bất cân đối giữa nhận và nhượng tái bảo hiểm nước ngoài không chỉ của riêng VinaRe mà còn là của chung các DNBH trên thị trường bảo hiểm Việt Nam.
Tỷ lệ bồi thường từ các hợp đồng nhận tái cũng như tỷ lệ bồi thường thuộc trách nhiệm giữ lại của VinaRe đều tăng qua các năm. Trong đó tỷ lệ bồi thường thuộc trách nhiệm giữ lại là cao nhất, trung bình trong 4 năm là 42,25% lớn hơn tỷ lệ thuộc hợp đồng nhận tái và hợp đồng nhượng tái.
Kết quả kinh doanh nghiệp vụ hàng năm đều có lãi song tốc độ tăng của kết quả đó là không ổn định, khó dự đoán do còn phụ thuộc nhiều vào diễn biến của tổn thất trên thị trường cũng như việc lựa chọn hình thức, phương pháp tái bảo hiểm.
1.3 Nguyên nhân:
Mặc dù khả năng tài chính của VinaRe đã được tăng cường đáng kể so với giai đoạn trước từ nguồn vốn góp của các cổ đông và vốn tích luỹ song vẫn còn quá nhỏ so với quy mô vốn của một công ty chuyên tái.
Cạnh tranh không lành mạnh là một vấn đề nan giải của thị trường bảo hiểm Việt Nam, mặc dù đã được nêu lên rất nhiều lần trong các bài tổng kết thị trường cũng như tại các cuộc họp chuyên ngành song dường như cơn sốt này vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Hình thức là giảm phí phi kỹ thuật, mở rộng điều kiện điều khoản hợp đồng trong khi công tác đánh giá rủi ro lại bị các DNBH xem nhẹ… làm không chỉ ảnh hưởng đến doanh thu phí nhận tái mà còn làm tăng trách nhiệm bồi thường của công ty bảo hiểm nói chung và của VinaRe nói riêng.
Sự tăng trưởng nhanh chóng về vốn dẫn đến hầu như các công ty bảo hiểm gốc đều tăng mức giữ lại, do đó lượng dịch vụ tái bảo hiểm chuyển sang VinaRe không tăng tương ứng với tốc độ tăng trưởng chung của thị trường.
Phần lớn những tổn thất lại rơi vào hợp đồng cố định nên yêu cầu đặt ra cho công ty lúc này là phải tiến hành rà soát lại các điều kiện trong hợp đồng này một cách cẩn trọng và chặt chẽ hơn, có những điều chỉnh phù hợp với tình hình mới để loại bỏ được những rủi ro xấu được chuyển nhượng cho VinaRe.
Tình hình tổn thất trên thị trường bảo hiểm nhìn chung đang diễn biến theo chiều hướng xấu. Rủi ro xảy ra ngày càng nhiều với tổn thất ngày càng nghiêm trọng. Có những vụ tổn thất toàn bộ ước thiệt hại lên đến hàng chục triệu USD. Thêm vào đó, nước ta lại thường xuyên bị tàn phá bởi thiên tai như lũ lụt, hạn hán, mưa bão…lại là một trong những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến động khí hậu toàn cầu. Và thực tế mỗi năm, bão lụt đã cuốn đi của nước
ta hàng trăm tỷ đồng, làm thiệt hại nghiêm trọng nền kinh tế cũng như của ngành bảo hiểm. Và VinaRe cũng không nằm ngoài khỏi những tiêu cực đó.
Mặc dù có nhiều năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực tái bảo hiểm, song với yêu cầu về trình độ chuyên môn của một cán bộ chuyên tái là tinh thông nghiệp vụ bảo hiểm gốc, nghiệp vụ tái bảo hiểm - giỏi ngoại ngữ - giỏi quản lý và tác nghiệp theo yêu cầu của chuẩn mực quốc tế thì dường như khả năng đáp ứng của các cán bộ tại VinaRe là còn thấp. Đa phần cán bộ tốt nghiệp ở các khối chuyên ngành khác nên cũng bị hạn chế trong khâu đánh giá rủi ro hợp đồng nhận tái cũng như việc lựa chọn hình thức, phương pháp tái bảo hiểm phù hợp, an toàn và mang lại hiệu quả cao. Việc đào tạo chuyên ngành bảo hiểm, tái bảo hiểm cho đội ngũ cán bộ này là hết sức cần thiết song thị trường lại chưa có tổ chức đào tạo cán bộ chuyên tái, cũng là một hạn chế lớn cho VinaRe.
Mặt khác bản thân công ty mặc dù đã hoạt động được trong nhiều năm, đi đầu thị trường về lĩnh vực tái bảo hiểm song vẫn chưa đưa ra được một “qui trình hướng dẫn nghiệp vụ” cụ thể nào. Phần lớn việc chấp nhận hợp đồng nhận tái là dựa trên kinh nghiệm của cán bộ tái mà không căn cứ theo số liệu thống kê của công ty về tình hình tổn thất, tỉ lệ bồi thường hay hạn mức trách nhiệm, mức giữ lại…đối với từng rủi ro cụ thể. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh nghiệp vụ của công ty trong thời gian tới khi mà tổn thất ngày càng có diễn biến thất thường và khó dự đoán.