Hợp đồng tái bảo hiểm

Một phần của tài liệu MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO NĂNG LỰC NHẬN TÁI CỦA VINARE TRONG BỐI CẢNH GIA NHẬP TỔ CHỨC THƯƠNG MẠI THẾ GIỚI – WTO (Trang 27 - 32)

Khái niệm: Hợp đồng tái bảo hiểm là thoả thuận được kí kết giữa công ty nhượng và nhà tái bảo hiểm cam kết bồi thường phần trách nhiệm mà công ty

nhượng phải gánh chịu trong hợp đồng khi sự kiện bảo hiểm xảy ra với điều kiện công ty nhượng phải chuyển giao một phần phí bảo hiểm tương ứng với trách nhiệm của nhà tái bảo hiểm.

4.1 Các loại hợp đồng tái bảo hiểm

4.1.1 Hợp đồng tái bảo hiểm tạm thời

Nét đặc trưng của tái bảo hiểm tạm thời là không có bất kỳ một sự bắt buộc nào trong việc nhượng và nhận tái. Cả hai bên đều có quyền tự do lựa chọn “nhận hay không” và “nhượng hay không”.

Tái bảo hiểm tạm thời ra đời sớm và được sử dụng rộng rãi trong những trường hợp như có phát sinh các dịch vụ lớn, vượt khỏi giới hạn trách nhiệm bởi hợp đồng cố định; nó cho phép công ty bảo hiểm gốc nhận những dịch vụ nằm ngoài phạm vi khai thác thông thường theo yêu cầu đặc biệt của khách hàng hoặc khi nhà bảo hiểm gốc không hiểu biết đầy đủ về một loại rủi ro nào đó và phải yêu cầu nhà tái bảo hiểm giúp đỡ.

Về mặt thủ tục, đối với mỗi dịch vụ muốn tái đi đều phải có thương lượng. Công ty bảo hiểm gốc cung cấp tất cả những thông tin có liên quan đến dịch vụ tái thông qua trao đổi hoặc bản đề nghị tái bảo hiểm. Người nhận tái có điều kiện xem xét từng rủi ro trước khi quyết định.

4.1.2 Hợp đồng tái bảo hiểm cố định

Nét đặc trưng của loại hợp đồng này là việc nhượng và nhận có tính chất bắt buộc dựa trên loại nghiệp vụ quy định. Trong thời gian hiệu lực của hợp đồng tất cả những dịch vụ gốc phát sinh phù hợp với những thoả thuận trong hợp đồng tái đều được tự động chuyển vào hợp đồng, không cần có thương lượng gì thêm.

Quan hệ tái bảo hiểm diễn ra theo nguyên tắc tin tưởng tuyệt đối. Khi đó nhà nhận tái phải hoàn toàn tin tưởng vào mọi quyết định của công ty nhượng trong việc chấp nhận rủi ro, định phí bảo hiểm.

Điểm hạn chế của hợp đồng cố định là với những thoả thuận cố định thì mọi sự thay đổi mong muốn về mức giữ lại, giới hạn trách nhiệm…đều cần có

sự chấp thuận từ phía bên kia. Hơn nữa, nhà nhận tái đôi khi cũng muốn hạn chế phạm vi hợp đồng cố định khi phải chấp nhận toàn bộ các dịch vụ có liên quan đến nghiệp vụ tái. Do đó vẫn có những dịch vụ nằm ngoài phạm vi bảo hiểm của hợp đồng và những quy định cố định trong hợp đồng không phải lúc nào cũng là khuôn mẫu hợp lý cho mọi tình huống phát sinh trong thực tế kinh doanh.

4.1.3 Hợp đồng tái bảo hiểm mở

Nét đặc trưng của hợp đồng này là việc nhượng rủi ro của người nhượng là tự nguyện, trong khi việc chấp nhận của người nhận tái lại có tính chất bắt buộc. Nói cách khác, người nhượng có quyền lựa chọn rủi ro và sắp xếp đưa vào các hợp đồng tái bảo hiểm mở đã kí kết, ngược lại người nhận tái buộc phải chấp nhận các dịch vụ mà người nhượng đưa vào hợp đồng.

Hợp đồng này được sử dụng khi người nhượng muổn giảm bớt những bất lợi của một hợp đồng cố định. Còn phía người nhận, dù có điểm bất lợi nhưng có thể vì mối quan hệ lâu dài, hoặc vì lý do cạnh tranh nên vẫn chấp nhận loại hợp đồng này.

4.2 Nội dung cơ bản của hợp đồng

4.2.1 Hoa hồng tái bảo hiểm - thủ tục phí tái bảo hiểm

a. Khái niệm và đặc điểm.

Hoa hồng tái bảo hiểm là khoản tiền mà nhà tái bảo hiểm phải trả cho công ty nhượng khi nhà tái bảo hiểm tham gia nhận hợp đồng tái bảo hiểm với công ty nhượng. Số tiền này bằng tỷ lệ phần trăm của số phí tái bảo hiểm.

Hoa hồng tái bảo hiểm thường xuất hiện trong các dạng tái bảo hiểm theo tỷ lệ, rất hiếm khi xuất hiện trong các dạng tái bảo hiểm phi tỷ lệ. Số tiền hoa hồng mà các nhà tái bảo hiểm trả sẽ giúp cho công ty nhượng điều hành chi phí bảo hiểm gốc. Nên nó rất linh hoạt và phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tỷ lệ bồi thường của nghiệp vụ đem tái, mức độ lãi của các nhà tái bảo hiểm, cung và cầu trên thị trường tái bảo hiểm cũng như bản thân thị trường tái bảo hiểm của từng nước. Ngoài ra kết quả thực tế của năm tài chính đối với công ty nhượng cũng ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ hoa hồng. Cụ thể, nếu kết quả thực tế xấu hơn dự

kiến công ty nhượng vẫn mong muốn có lãi nhờ hoa hồng. Khi đó kết quả của các nhà tái bảo hiểm là chắc chắn rất xấu và ngược lại.

b. Các loại hoa hồng tái bảo hiểm

Thực tế hiện nay trên thế giới người ta đang áp dụng các loại hoa hồng là hoa hồng cố định, hoa hồng theo thang luỹ tiến và hoa hồng theo lãi. Tất cả các loại hoa hồng này đều được áp dụng linh hoạt ở tất cả các thị trường. Tuy nhiên áp dụng loại nào vào lúc nào, người ta thường căn cứ vào các yếu tố như phương thức tái bảo hiểm, phí tái bảo hiểm trên cơ sở phí bảo hiểm gốc và xem đó là phí toàn phần hay có khấu trừ, trong phí tái bảo hiểm gốc có những qui định đặc biệt hay không, chi phí hành chính quản lý của công ty nhượng cao hay thấp, thống kê kết quả bồi thường của các năm nghiệp vụ và kết quả đầu tư phí nhàn rỗi.

Hoa hồng cố định: là một khoản tiền mà nhà tái bảo hiểm phải trả cho công ty nhượng, được tính toán bằng tỷ lệ phần trăm cố định so với phí tái bảo hiểm

Hoa hồng theo thang luỹ tiến: Cơ sở để xác định loại hoa hồng này là lấy hoa hồng cố định làm chuẩn, dựa vào mức tăng giảm tỷ lệ bồi thường trong từng nghiệp vụ, sau đó xây dựng một thang luỹ tiến và thang này được khống chế ở mức tối đa, tối thiểu. Theo đó, nếu tỷ lệ bồi thường càng thấp bao nhiêu thì tỷ lệ hoa hồng càng tăng lên bấy nhiêu và ngược lại.

Hoa hồng theo lãi: đây là loại hoa hồng được tính toán phụ thêm cho hoa hồng cố định. Theo phương pháp này, nhà tái bảo hiểm phải trả thêm cho công ty nhượng một khoản lợi nhuận nhất định được tính bằng tỷ lệ phần trăm của lợi nhuận thực tế mà nhà tái bảo hiểm được hưởng khi kết quả của hợp đồng tái bảo hiểm có lãi.

4.2.2 Phí tạm giữ

Phí tạm giữ là một khoản dự phòng riêng giúp cho công ty nhượng có thuận lợi trong việc giải quyết bồi thường cho nghiệp vụ bảo hiểm gốc trước khi quyết toán đòi bồi thường của nhà tái bảo hiểm.

Đây chính là một trong những điều kiện theo quy định của một số nước buộc công ty nhượng phải giữ lại một phần phí để dự trữ. Tuy nhiên mức phí tạm giữ là bao nhiêu và thời gian tạm giữ là bao lâu còn tuỳ thuộc vào luật lệ của từng nước. Thông thường khoản dự phòng này được tính bằng một tỷ lệ phần trăm cố định của phí tái bảo hiểm toàn phần ( khoảng 30 – 40 %)

Thời gian giữ lại thường được tính đến khi hợp đồng bảo hiểm kết thúc. Tuy nhiên cũng có những trường hợp quy định cho đến hết năm nghiệp vụ bảo hiểm.

Xác định phí tạm giữ cần xem xét đến mức độ rủi ro của nghiệp vụ bảo hiểm đó, mức độ phức tạp của nghiệp vụ…và thường được áp dụng với những nhà tái bảo hiểm có quan hệ lần đầu với công ty nhượng.

4.2.3 Bồi thường tạm giữ

Đây là khoản tiền mà công ty nhượng tính toán trên cơ sở những vụ tổn thất đã xảy ra nhưng chưa được giải quyết trong năm. Khoản tiền này công ty nhượng sẽ giữ lại mà không thanh toán cho người tham gia bảo hiểm vào thời điểm quyết toán năm tài chính. Mục đích là để thanh toán cho các vụ tổn thất trong các kỳ tiếp theo.

Phần bồi thường tạm giữ cũng phụ thuộc vào 3 yếu tố là khả năng và tiến độ bồi thường của các nhà tái bảo hiểm cho công ty nhượng; quy mô mức độ tổn thất cũng như những dự báo tổn thất cho thời gian còn lại của chu kỳ sau; khả năng tài chính và thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh của người tham gia bảo hiểm.

4.2.4 Bồi thường trả ngay

Đây là khoản tiền bồi thường mà nhà tái bảo hiểm phải thanh toán ngay cho công ty nhượng. Khoản tiền này không dùng để đối trừ trong các kỳ thanh toán mà phải thanh toán ngay. Thông thường thời gian thanh toán trong vòng 15 ngày từ khi nhận được thông báo của công ty nhượng.

Khoản tiền này hoàn toàn phụ thuộc vào các qui định của nội bộ giữa các công ty bảo hiểm chứ không lệ thuộc vào pháp luật. Tuy nhiên, thông thường các công ty nhượng qui định từ 50 – 70 % số tiền bồi thường.

Một phần của tài liệu MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO NĂNG LỰC NHẬN TÁI CỦA VINARE TRONG BỐI CẢNH GIA NHẬP TỔ CHỨC THƯƠNG MẠI THẾ GIỚI – WTO (Trang 27 - 32)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(90 trang)
w