Nội dung giáo dục đặc thù như giáo dục văn hóa dân tộc, dạy chữ dân tộc, còn lúng túng trong tổ chức thực hiện

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả giáo dục - đào tạo ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (Trang 38 - 40)

dạy chữ dân tộc, còn lúng túng trong tổ chức thực hiện

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, dân tộc nào cũng có tiếng nói riêng tồn tại cùng với tiếng nói trong vùng và tiếng phổ thông, nhưng không phải dân tộc nào cũng có ký tự ghi lại tiếng nói của dân tộc mình, trong 31 dân tộc đang sinh sống ở các tỉnh phía Bắc chỉ có 4 dân tộc có chữ viết: Tày, Thái, Nùng, H'Mông. Do đặc điểm về địa bàn cư trú, trình độ dân trí không đồng đều, sự đan xen ngôn ngữ và phát triển kinh tế xã hội còn thấp làm cho giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số gặp rất nhiều khó khăn. Trong quá trình phát triển giáo dục ở vùng này có những yếu tố đặc thù riêng. Như là giáo dục văn hóa dân tộc, dạy chữ dân tộc, còn đang lúng túng trong khâu tổ chức thực hiện. Nhiều nội dung dạy học mang tính địa phương tuy được bổ sung, nhưng mới dừng ở các tài liệu tham khảo, đọc thêm, chứ chưa đưa vào dạy học chính khóa. Việc dạy chữ dân tộc cho đồng bào các dân tộc thiểu số chưa được tiến hành liên tục, chưa theo một kế hoạch chương trình đồng bộ, thống nhất, mới tập trung ở những nơi thuận lợi, những dân tộc đông người. Đối với các dân tộc có dân số ít, địa

bàn khó khăn chưa làm được nhiều. Nội dung sách giáo khoa, tài liệu dạy học về tiếng dân tộc chưa được chỉnh lý, bổ sung cho phù hợp với đặc điểm học sinh dân tộc.

Đối với ngành học mầm non chưa có chương trình chăm sóc, giáo dục trẻ 5 tuổi bằng nội dung phù hợp với điều kiện giáo viên, cơ sở vật chất và đối tượng là trẻ em vùng cao, vùng sâu, vùng hẻo lánh. Nội dung dạy nói tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi ở vùng này chưa được tăng cường. Việc triển khai dạy học tiếng nói, chữ viết dân tộc trong các trường tiểu học ở những vùng dân tộc không đồng bộ, mới chỉ tập trung ở thị trấn, thị xã. Dạy tiếng dân tộc xen kẽ với tiếng phổ thông trong tất cả các môn học trong chương trình còn lúng túng và thiếu các loại tài liệu dạy học song ngữ dân tộc - Việt, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt... chưa thực hiện được theo nguyên tắc không lấy việc dạy học tiếng dân tộc thay cho việc dạy học ngôn ngữ phổ thông ngày càng thuận lợi và có hiệu quả.

Trong nhiều năm, ngành giáo dục đã triển khai việc dạy chữ dân tộc đối với các dân tộc đã có chữ viết. Nhưng công cuộc này trong những năm qua đạt hiệu quả chưa cao, vì tài liệu tham khảo, sách giáo khoa dạy tiếng dân tộc còn thiếu, nội dung chưa được điều chỉnh cho phù hợp. Đội ngũ giáo viên ở miền núi và vùng dân tộc thường ở tình trạng mất ổn định, bởi phần lớn giáo viên là người Kinh từ các nơi khác đến, không biết tiếng dân tộc và thiếu hiểu biết về tập quán, phong tục của đồng bào địa phương, sau một vài năm công tác lại có nhu cầu chuyển vùng.

Việc giáo dục văn hóa dân tộc thông qua chữ viết, và các bài giảng chưa được phát huy. Qua đó chất lượng dạy tiếng Việt và chất lượng giáo dục văn hóa, giáo dục nhân cách chưa được nâng cao. Một số tài liệu học thêm và đọc thêm được biên soạn chưa khai thác hết theo hướng các tinh hoa văn hóa dân tộc nhằm giúp học sinh dân tộc hiểu biết và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Việc giáo dục văn hóa dân tộc cho học sinh dân tộc trong các trường phổ thông chưa được chú trọng, vì vậy ở trong nước các dân tộc thiểu số có xu hướng ngày một "Kinh hóa". Đã có nhiều bài viết đăng trên một số báo báo động tình trạng này. Ví dụ: Người Mường ở Hòa Bình và một số dân tộc ở Trường Sơn đang từ bỏ kiểu nhà sàn truyền thống làm nhà đất kiểu dáng như nhà ở của người Kinh. Lễ cưới của nhiều dân tộc đang bị "Kinh hóa" từ nghi thức, ăn mặc cho đến các món ăn trên mâm cỗ. Chữ viết là tài sản vô giá của một số dân tộc có nguy cơ trở thành "đồ cổ" cất giữ trong bảo tàng. Đặc biệt ở một số dân tộc như: Phù Lá, Lô Lô, Chứt, Rục, Brâu... có nguy cơ mất tiếng mẹ đẻ. Do vậy, trong những năm tới, cần tiếp tục triển khai nghiên cứu các đề tài khoa học về giáo dục song ngữ để tìm ra phương pháp giảng dạy thích hợp, cải tiến tài liệu, cách đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, tạo điều kiện tốt hơn cho người dạy và học. Tiếp tục đào tạo đội ngũ chuyên gia giỏi về tiếng dân tộc có tri thức sâu về giáo dục làm nòng cốt trong đội ngũ tác giả biên soạn các tài liệu giáo khoa và giảng dạy song ngữ. Ngành giáo dục tiếp tục khai thác tinh hoa văn hóa truyền thống đang được lưu giữ trong cộng đồng, soạn thành tài liệu đọc có hình ảnh minh họa giúp học sinh dân tộc học tiếng Việt, học tiếng dân tộc có hiệu quả, giúp các em thêm yêu, thêm hiểu biết về cộng đồng mình và có ý thức giữ gìn, phát huy các tinh hoa văn hóa ấy.

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả giáo dục - đào tạo ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (Trang 38 - 40)