Hoàn thiện pháp luật về nội dung

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về thủ tục bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại Tòa án nhân dân Việt Nam hiện nay doc (Trang 83 - 85)

* Hoàn thiện pháp luật hình sự:

Nghiên cứu BLHS năm 1999 quy định về các tội xâm phạm QSHTT ch thấy quy định này chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, chưa đúng với đối tượng khách thể cần được bảo vệ. Trong 7 tội phạm xâm phạm QSHTT có 1 tội quy định trong Chương VIII (Các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân) (Điều 131); có 5 tội quy định tại Chương XVI (Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế) (Điều 156, 157, 158, 170 và Điều 171); có 1 tội quy định tại Chương XX (Các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính) (Điều 271).

Theo quy định tại Điều 61 của Hiệp định TRIPs thì:

Các thành viên phải quy định việc áp dụng các thủ tục hình sự và các hình phạt để áp dụng ít nhất đối với các trường hợp cố tình giả mạo nhãn hiệu hàng hóa hoặc xâm phạm bản quyền với quy mô thương mại. Các biện pháp chế tài theo quy định phải bao gồm cả phạt tù và/ hoặc phạt tiền đủ để ngăn ngừa xâm phạm, tương ứng với mức phạt được áp dụng cho các tội

phạm có mức độ nghiêm trọng tương đương trong những trường hợp thích hợp, các biện pháp chế tài cũng phải bao gồm cả việc bắt giữ, tịch thu và tiêu hủy hàng hóa xâm phạm và bất cứ vật liệu và các phương tiện nào khác được sử dụng chủ yếu để thực hiện tội phạm. Các thành viên có thể quy định các thủ tục hình sự và các hình phạt áp dụng cho các trường hợp khác xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là trường hợp cố ý xâm phạm và xâm phạm với quy mô thương mại [35].

Từ các lý do trên đây, chúng tôi kiến nghị cần có một chương riêng trong Phần các tội phạm của BLHS quy định các tội xâm phạm QSHTT.

- Đối với các tội đã được quy định trong BLHS cần phải hoàn thiện hơn về cấu thành tội phạm, đặc biệt là các hành vi xâm phạm.

- Cần quy định bổ sung một số hành vi xâm phạm QSHTT là nguy hiểm cho xã hội và phải coi là tội phạm như: nhân bản, sản xuất bản sao, phân phối, trưng bày hoặc truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu QTG; sản xuất, lắp ráp, biến đổi, phân phối, nhập khẩu, xuất khẩu, bán hoặc cho thuê thiết bị khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị đó làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu QTG thực hiện để bảo vệ QTG đối với tác phẩm của mình; phát sóng, phân phối, nhập khẩu để phân phối đến công chúng cuộc biểu diễn, bản sao cuộc biểu diễn đã được định hình...; sản xuất, lắp ráp, biến đổi, phân phối, nhập khẩu, xuất khẩu, bán hoặc cho thuê thiết bị khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị đó giải mã trái pháp luật một tín hiệu vệ tinh mang chương trình đã được mã hóa...

Những hành vi trên đây cần phải quy định là tội phạm khi gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính hoặc được thực hiện với quy mô thương mại.

* Hoàn thiện pháp luật chuyên ngành về SHTT:

Luật SHTT mới có hiệu lực thi hành từ ngày 01-7-2006. Tuy nhiên, qua quá trình đàm phán Việt Nam gia nhập WTO cũng như qua nghiên cứu để ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành, cho thấy sau khi nước ta gia nhập WTO chắc chắn chúng ta phải sửa đổi, bổ sung Luật SHTT. Chúng tôi kiến nghị ngay từ bây giờ chúng ta phải

nghiên cứu các điều ước quốc tế về SHTT mà nước ta là thành viên và sẽ là thành viên để có sự sửa đổi, bổ sung Luật SHTT cho phù hợp. Đặc biệt cần phân biệt cụ thể ranh giới giữa xử lý hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự. Cần bổ sung vào Luật SHTT những quy định thông dụng của pháp luật quốc tế như quy mô thương mại, thực hiện hành vi xâm phạm QSHTT một cách cố ý.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về thủ tục bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại Tòa án nhân dân Việt Nam hiện nay doc (Trang 83 - 85)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(134 trang)