II. ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG TẠO ĐỘNG LỰC CHO LAO ĐỘNG QUẢN LÝ TẠI VĂN PHÒNG TỔNG CÔNG TY THÉP VIỆT NAM.
1.3. Đánh giá thực hiện công việc.
Đánh giá thực hiện công việc là một hoạt động quản trị nhân lực có ý nghĩa rất quan trọng, kết quả của nó là căn cứ để cải tiến sự thực hiện công việc của người lao động và nó còn giúp các nhà quản lý đưa ra các quyết định về nhân sự như tiền lương, tiền thưởng, đào tạo,..
Việc đánh giá mức độ hoàn thành công việc của người lao động cấp dưới do người cán bộ lãnh đạo trực tiếp đánh giá, việc đánh giá này dựa vào khối lượng công việc mà người lao động cấp dưới đã được giao và kết quả thực hiện công việc của người lao động. Một năm Tổng công ty tổ chức đánh giá thực hiện công việc 4 lần vào cuối mỗi quý. Tổng công ty đã xây dựng các mẫu phiếu đánh giá thực hiện công việc cụ thể cho từng vị trí lao động quản lý và thực hiện đánh giá theo các mẫu phiếu này. Kết quả đánh giá sẽ được sử dụng để tính lương và sử dụng trong công tác khen thưởng, đào tạo,.. cho người lao động. Nhờ có hoạt động đánh giá mức độ hoàn thành công việc này mà người lao động trong Tổng công ty có ý thức hoàn thành công việc tốt hơn, vì kết quả này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của bản thân họ.
Tuy nhiên việc thực hiện công tác đánh giá thực hiện công việc ở Tổng công ty vẫn còn nhiều bất cập và hạn chế. Việc xây dựng hệ thống đánh giá thực hiện công việc vẫn chưa hiệu quả, các tiêu chí để đánh giá thực hiện công việc chưa cụ thể, rõ ràng. Tuy rằng các vị trí quản lý đều được xây dựng các mẫu phiếu đánh giá và tổ chức đánh giá, nhưng việc đánh giá chưa thật sự đạt hiệu quả cao. Việc đánh giá thực hiện công việc chưa đảm bảo chất lượng, có những trường hợp chỉ đánh giá qua loa, kém sự chính xác. Đặc biệt ở một số vị trí, việc đánh giá chỉ mang tính hình thức, thiếu chính xác, vẫn còn nhiều sai sót xảy ra. Việc đánh giá chưa thật sự công bằng và chính xác giữa những người lao động với nhau. Ở Tổng công ty vẫn tồn tại một thực tế là những cán bộ quản lý cấp cao, dù thực hiện công việc nhiều khi chưa tốt, chưa đảm bảo yêu cầu nhưng khi đánh giá hầu như vẫn ở mức tốt. Những người lãnh đạo này khi đánh giá vẫn được ưu tiên hơn là các cán bộ quản lý cấp dưới bình thường.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do Tổng công ty chưa xây dựng được hệ thống các bản tiêu chuẩn thực hiện công việc cho từng công việc cụ thể để làm căn cứ để đánh giá thực hiện công việc. Thêm vào đó là tâm lý e ngại, sợ làm mất lòng, “dĩ hòa vi quý” khiến đánh giá thực hiện công việc giảm tính chính xác. Điều này đã gây ảnh hưởng không tốt đến công tác tạo động lực làm việc cho người lao động. Tổng công ty cần xây dựng một hệ thống đánh giá và tổ chức quản lý thực hiện một cách có hiệu quả, chính xác và công bằng hơn nữa. Dưới đây là hai mẫu phiếu đánh giá kết quả thực hiện công việc do văn phòng Tổng công ty xây dựng (mẫu số 1 và mẫu số 2).