Bán cổ phần lần đầu ra thị trường

Một phần của tài liệu Thực trạng cổ phần hóa các ngân hàng thương mại nhà nước ở nước ta hiện nay và các vấn đề phát sinh trong thực tế (Trang 32 - 35)

Trước khi chào bán cổ phần lần đầu ra thị trường, ngân hàng thương mại nhà nước phải công bố thông tin rộng rãi. Cụ thể là trước khi chào bán cổ phần lần đầu tối thiểu 20 ngày, Ban chỉ đạo cổ phần hóa ngân hàng phải tiến hành công bố thông tin tại ngân hàng, tại nơi bán đấu giá cổ phần và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các thông tin công bố bao gồm: Thông tin về ngân hàng cổ phần hóa (bao gồm cả kết quả xác định giá trị ngân hàng); Nội dung cơ bản của phương án cổ phần hóa đã được phê duyệt; Các thông tin có liên quan đến việc chào bán cổ phần (bao gồm cả các thông tin về việc bán cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược); Dự thảo Điều lệ của ngân hàng cổ phần. Nội dung cụ thể của việc công bố thông tin sẽ do Bộ Tài chính quy định cụ thể. ở đây, quy định thời hạn công bố thông tin như vậy chưa hẳn đã là hợp lí. Khoảng thời gian tối thiểu 20 ngày dành cho ngân hàng công bố thông tin có thể nói là rất ít. Việc công bố thông tin là nhằm mục đích quảng bá cho công chúng, các nhà đầu tư biết được kế hoạch cổ phần hóa để từ đó xem xét có tham gia vào quá trình này hay không. Sau thời hạn này, ngân hàng phải tiến hành bán cổ phần lần đầu ra thị trường và như vậy liệu các nhà đầu tư đã có đủ thời gian để cân nhắc một cách đúng đắn việc có nên đầu tư hay không? Trong khi đó, bản thân ngân hàng cũng phải chịu sức ép về mặt thời gian và liệu chất lượng thông tin được công bố có được đảm bảo hay không? Mặc dù luật quy định đó là khoảng thời gian tối thiểu nhưng thiết nghĩ nên kéo dài khoảng thời gian đó ra nhằm tạo điều kiện cho ngân hàng thực hiện tốt việc công bố thông tin cũng như các nhà đầu tư có thể xử lí thông tin tốt hơn.

Việc bán cổ phần lần đầu ra thị trường của ngân hàng thương mại có thể diễn ra bằng nhiều phương thức khác nhau và giá bán cổ phần cũng được xác định khác nhau tùy và từng phương thức. Theo các quy định của pháp luật hiện hành thì có ba phương thức chào bán cổ phần lần đầu: Đấu giá, bảo lãnh phát hành và thỏa thuận trực tiếp.

Phương thức thứ nhất là phương thức đấu giá. Nó được áp dụng trong trường hợp bán đấu gía ra công chúng mà không có sự phân biệt nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài. Việc tổ chức đấu giá công khai cổ phần của ngân hàng được thực hiện tại Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm Giao dịch chứng khoán. Cơ quan quyết định cổ phần hóa quyết định việc lựa chọn Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm Giao dịch chứng khoán hoặc thuê tổ chức tài chính trung gian để thực hiện đấu giá; Đăng kí kế hoạch đấu giá với Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm giao dịch chứng khoán, đồng thời báo cáo Bộ Tài chính để quyết định kế hoạch đấu giá trên thị trường chứng khoán. Khi thực hiện bán cổ phần theo phương thức này thì giá bán được xác định là giá đấu thành công của từng nhà đầu tư. Theo đó, các nhà đầu tư trúng thầu ở mức nào thì mua cổ phần ở mức giá đó. Trình tự tổ chức đấu giá bán cổ phần lần đầu cụ thể do Bộ Tài chính quy định. Khi tiến hành đấu giá, nếu nhà đầu tư trúng thầu mà từ chối mua cổ phần thì sẽ bị mất số tiền đặt cọc tương ứng với số cổ phần từ chối mua. Số cổ phần bị từ chối mua đó nếu nhỏ hơn 30% tổng số cổ phần chào bán thì Ban chỉ đạo cổ phần hóa ngân hàng xem xét và quyết định bán tiếp cho các nhà đầu tư đã tham dự đấu giá có nhu cầu mua tiếp, nếu lớn hơn 30% tổng số cổ phần chào bán thì Ban chỉ đạo tổ chức đấu giá bán tiếp.

Phương thức thứ hai là phương thức bảo lãnh phát hành. Phương thức này được áp dụng trong trường hợp bán cổ phần lần đầu cho một số lượng nhà đầu tư nhất định theo những điều kiện cam kết nhất định sau khi đã tổ chức bán đấu giá công khai. Nó đòi hỏi phải có một tổ chức đứng ra bảo lãnh cho việc phát hành cổ phiếu của ngân hàng thương mại nhà nước. Tổ chức đó phải đảm

bảo đầy đủ các điều kiện: Có chức năng bảo lãnh phát hành cổ phiếu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép; Cam kết bán hết số cổ phần nhận bảo lãnh và nếu không bán hết thì phải có trách nhiệm mua hết số cổ phần còn lại theo giá bảo lãnh. Theo phương thức này, giá bán cổ phần được xác định theo kết quả thương thảo giữa Ban Chỉ đạo cổ phần hóa ngân hàng với tổ chức bảo lãnh phát hành và không thấp hơn giá đấu thành công bình quân cổ phần.

Phương thức thứ ba là phương thức thỏa thuận trực tiếp. Nó áp dụng trong hai trường hợp là bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược sau khi đã thực hiện đấu giá ra công chúng và bán cho các nhà đầu tư đã tham dự đấu giá có nhu cầu mua tiếp số lượng cổ phần do các nhà đầu tư khác đã từ chối mua. Trong hai trường hợp đó, cách thức bán cổ phần cũng diễn ra khác nhau. Việc bán cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược phải có sự thương thảo giữa Ban chỉ đạo cổ phần hóa ngân hàng và các nhà đầu tư chiến lược để từ đó xác định giá bán của cổ phần. Còn bán cho các nhà đầu tư đã tham dự đấu giá có nhu cầu mua tiếp cổ phần thì thực hiện đấu giá công khai.

Sau khi đã thực hiện bán cổ phần lần đầu theo các phương thức trên, nếu số lượng cổ phần vẫn chưa được bán hết thì ngân hàng phải xử lí chúng. Nếu số lượng cổ phần còn lại dưới 50% số lượng cổ phần chào bán (trừ số lượng cổ phần được bảo lãnh phát hành) thì điều chỉnh quy mô, cơ cấu vốn điều lệ (tăng phần vốn nhà nước góp tại ngân hàng) để chuyển ngân hàng thành ngân hàng cổ phần. Nếu còn lại từ 50% số lượng cổ phần chào bán trở lên (trừ số lượng cổ phần được phát hành) thì Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh giá khởi điểm( tối đa bằng mệnh giá cổ phần) và tổ chức bán đấu giá số cổ phần còn lại. Trong trường hợp đã điều chỉnh giá khởi điểm bằng mệnh giá cổ phần mà vẫn không bán hết thì lúc đó Thủ tướng Chính phủ sẽ điều chỉnh quy mô, cơ cấu vốn điều lệ để chuyển ngân hàng thành ngân hàng cổ phần.

Thời hạn để hoàn thành việc bán cổ phần lần đầu nói trên tối đa là 03 tháng.

Một phần của tài liệu Thực trạng cổ phần hóa các ngân hàng thương mại nhà nước ở nước ta hiện nay và các vấn đề phát sinh trong thực tế (Trang 32 - 35)