Nhóm giải pháp về chính trị

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở tỉnh Kon Tum ppt (Trang 73 - 76)

Qua 15 năm phát triển và trưởng thành, Kon Tum đã có những bước phát triển vượt bậc, kinh tế - xã hội phát triển nhanh, đời sống mọi mặt của đồng bào các dân tộc trong tỉnh không ngừng được nâng lên, thành công của công cuộc đổi mới góp phần củng cố lòng tin của quần chúng đối với Đảng, chính quyền. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn những khó khăn và thách thức: kinh tế tuy có phát triển, đời sống của đồng bào được nâng lên nhưng vẫn còn ở mức độ thấp, tỷ lệ đói nghèo còn cao; nạn tham nhũng vẫn còn tồn tại; các thế lực thù địch và bọn phản động ngày càng ráo riết, quyết liệt thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ”, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền chống phá cách mạng Vì vậy, việc bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội, ổn định chính trị nhất là ở vùng DTTS bảo đảm cho phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ quan trọng cần có phương hướng và giải pháp cụ thể để nhân dân yên tâm chăm lo đời sống phục vụ cho sự nghiệp cách mạng.

Một là, nâng cao nhận thức chính trị và định hướng XHCN cho các dân tộc ở tỉnh Kon Tum, đặc biệt là các DTTS.

Nâng cao nhận thức tư tưởng chính trị cho nhân dân và đồng bào các DTTS, làm cho mọi tầng lớp nhân dân ý thức được cách mạng là sự nghiệp của dân, do dân và vì dân, để nhân dân hiểu và thấy được quyền lợi và nghĩa vụ công dân đối với xã hội, với đất nước. Công dân có quyền tự do dân chủ, quyền được hưởng các thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội; đồng thời, có nghĩa vụ đối với đất nước, làm cho người dân ý thức được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với sự nghiệp cách mạng, phát huy mọi năng lực của

mình, không trông chờ ỷ lại, phấn đấu vươn lên trong mọi lĩnh vực, nhất là xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho gia đình, xóa mù chữ lạc hậu. Cần coi trọng công tác tuyên truyền giáo dục truyền thống, trong đó chú trọng gìn giữ truyền thống dân tộc nói chung với truyền thống của mỗi dân tộc, mỗi dòng họ, mỗi gia đình, từ đó xây dựng khối đoàn kết giữa các dân tộc ở Kon Tum.

Hai là, thực hiện dân chủ hóa đời sống xã hội trong khuôn khổ của pháp luật để tạo động lực thúc đẩy phát triển những tiềm năng, những năng lực của các DTTS ở Kon Tum.

Cần nắm vững các nội dung dân chủ nói chung và dân chủ cơ sở nói riêng trong các chỉ thị, văn bản của Đảng và Nhà nước, từ đó tuyên truyền giải thích cho nhân dân hiểu rõ bản chất của dân chủ XHCN, làm cho dân hiểu dân chủ không phải là vô kỷ luật mà gắn với kỷ cương, phép nước. Triển khai việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở bằng cách biên soạn tài liệu tuyên truyền đến các buôn làng, ngắn gọn, rõ ràng, đầy đủ các nội dung về dân chủ, không trích dẫn nhiều về lý luận cũng như các văn bản quy phạm pháp luật mà chỉ tóm lược cốt lõi tinh thần của pháp luật, sử dụng các tài liệu đó được thường xuyên trong các cuộc họp thôn, làng, sinh hoạt đoàn thể, sinh hoạt cộng đồng, lễ hội... Các tài liệu hướng dẫn này sẽ đến với đồng bào dễ dàng hơn thông qua việc sử dụng ngôn ngữ của họ. Từ đó nhân dân hiểu để tự mình thực hiện dân chủ. Bên cạnh đó cần nâng cao dân trí cho nhân dân các dân tộc; nâng cao khả năng nghiên cứu và công tác tuyên truyền vận động quần chúng của cán bộ cơ sở.

Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân. Xây dựng hệ thống các hương ước, quy ước thôn, làng với nội dung gồm các phong tục, chuẩn mực làng xã tốt đẹp, kết hợp với nội dung quy chế dân chủ của nhà nước. Từ đó giúp người dân hiểu rõ, thực hiện đúng quy định của pháp luật chính là cách tốt nhất đảm bảo cá nhân thực hiện dân chủ và được hưởng các quyền tự do dân chủ, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, trì trệ, trái với thuần phong mỹ tục và trái pháp luật, hình thành các tập tục mới phù hợp với đời sống hiện đại và truyền thống dân tộc, pháp luật của Nhà nước. Đẩy mạnh việc xây dựng hương ước, quy ước, đảm bảo xây dựng dựa trên các quy định của pháp luật và phải bảo đảm sự tự nguyện thảo luận, thống nhất của cộng đồng, không được áp đặt bởi ý chí chủ quan của bất kỳ cá nhân nào.

Xây dựng các tiền đề cơ sở kinh tế - xã hội để thực hiện tốt dân chủ cơ sở. Đó là hoàn chỉnh hệ thống trường lớp để thực hiện phổ cập giáo dục nhằm nâng cao dân trí, thực hiện tốt chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đẩy lùi và ngăn chặn các loại dịch bệnh... Thực hiện việc phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần một cách thích hợp với từng cơ sở, nhất là vùng sâu, vùng xa. Phải xác định rõ ràng xây dựng và thực hiện dân chủ theo định hướng XHCN, làm cho bản chất dân chủ XHCN thấm sâu vào suy nghĩ, tâm tư tình cảm, nếp sống, phong tục và khả năng sáng tạo của mỗi người dân, mỗi cộng đồng; phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân, xóa đói giảm nghèo; nâng cao dân trí... là tạo tiền đề điều kiện cho việc thực hiện tốt dân chủ cơ sở.

Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đảng vừa là thành viên của hệ thống chính trị cơ sở vừa là lãnh đạo hệ thống chính trị cơ sở, xây dựng đảng cơ sở vững mạnh mới thực sự bảo đảm phát huy và thực hiện tốt dân chủ cơ sở. Nâng cao vai trò giám sát của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức thành viên, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc để có giải pháp kịp thời nhằm khắc phục những vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện quy chế dân chủ.

Ba là, đấu tranh chống âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc vấn đề tôn giáo để kích động quần chúng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số nhằm chống chính quyền địa phương, chống chế độ, đòi ly khai.

Phải tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và vai trò điều hành của chính quyền các cấp đối với công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Các cấp ủy Đảng phải chỉ đạo việc tuyên truyền, giáo dục, làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức sâu sắc công tác bảo vệ an ninh trật tự có vị trí quan trọng, liên quan trực tiếp đến sự tồn vong của chế độ, sự ổn định phát triển của đất nước.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, nâng cao dân trí và đời sống vật chất, văn hóa của nhân dân. Gắn công tác vận động quần chúng với việc triển khai các chính sách kinh tế; đi sâu nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của quần chúng, vận động giáo dục đồng bào các DTTS phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, tình làng nghĩa xóm, bình đẳng giúp đỡ lẫn

nhau để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, xây dựng buôn làng an toàn, vững mạnh và không tin theo sự tuyên truyền kích động của các thế lực phản động.

Tập trung chỉ đạo việc củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị ở cơ sở, ở những địa bàn trọng điểm, phức tạp. Từng bước xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền cơ sở vững mạnh, nhất là việc đào tạo, lựa chọn, bố trí và phát huy cán bộ người DTTS tại chỗ. Củng cố, nâng cao năng lực, khả năng điều hành, đảm bảo tiếp thu và triển khai thực hiện đúng đắn, có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ở địa phương, cơ sở; bám dân, bám làng nắm được tình hình, phát hiện và giải quyết kịp thời thỏa đáng những mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu kiện trong nhân dân.

Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và khả năng tự bảo vệ của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân trước âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Cần tập trung chỉ đạo công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong nội bộ và tuyên truyền vận động nhân dân, nhất là trong đồng bào DTTS, làm cho mọi người nhận thức sâu sắc, và đề cao cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch và bọn phản động trong việc thực hiện “diễn biến hòa bình” đối với nước ta. Kịp thời, kiên quyết, tấn công, phản bác những luận điệu kích động đòi “ly khai”, “độc lập, tự do”, “tự do tôn giáo” kích động, bài xích chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở tỉnh Kon Tum ppt (Trang 73 - 76)