Xu hướng biến đổi của nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số tỉnh KonTum trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở tỉnh Kon Tum ppt (Trang 59 - 62)

trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Cùng với xu thế chung, nguồn nhân lực các DTTS tỉnh Kon Tum cũng đang trong quá trình chuyển từ trạng thái nguồn nhân lực của một nền sản xuất nông nghiệp tiểu nông, trình độ thấp sang trạng thái nguồn nhân lực của xã hội công nghiệp hiện đại. Tuy nhiên, mặt bằng dân trí thấp, cơ sở hạ tầng kỹ thuật nhỏ bé manh mún, khả năng giao lưu và thông thương, cũng như khả năng xã hội hóa và hiện đại hóa còn chậm chạp. Điều đó dẫn đến cấu trúc nguồn nhân lực của tỉnh cũng có những biến đổi. Từ thực trạng của nguồn

nhân lực những năm gần đây có thể dự báo một số xu hướng sau:

- Xu hướng dịch chuyển nguồn lao động các DTTS từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp, dịch vụ song tốc chậm:

Qua số liệu thống kê 10 năm 1995 – 2005, dân số lao động đang làm việc trong các ngành như sau: nông lâm thủy sản: 49.763 người - 69.545 người, công nghiệp xây dựng 351 người - 1000 người. Từ đó cho thấy nếu năm 1995, số lao động nông nghiệp là 49.763 người, chiếm gần 100% tổng số lao động là người DTTS trong tỉnh thì sau 10 năm tỷ lệ này đã giảm xuống còn 90,65%. Tuy nhiên, số lượng lại tăng lên đến 76.720 người. Trong khi đó số lao động công nghệp, xây dựng có tăng nhưng không đáng kể, năm 1995 là 351 người sau 10 năm chỉ gần 1000 người lao động trong lĩnh vực này [4]. Về tỷ trọng trong cơ cấu lao động cũng tăng chậm.

Sự tăng nhanh về nguồn lao động, cho thấy trong thời gian qua tỉnh đã quan tâm đầu tư rất nhiều, nhưng về thực chất chỉ đầu tư cơ sở hạ tầng. Về mặt lợi thế so sánh trong phát triển kinh tế, Kon Tum rất khó cạnh tranh được với các vùng khác đối với các ngành công nghiệp không gắn với rừng. Trong khi đó, công nghiệp chế biến gỗ và các loại nông lâm sản ở Kon Tum lại không phát triển để tận dụng tiềm năng và lợi thế cũng như lực lượng lao động người DTTS dồi dào này. Do đó, tốc độ tăng trưởng của lao động người DTTS trong khu vực công nghiệp vì thế rất chậm và quy mô nhỏ bé.

Lao động nông nghiệp tăng 19.782 người. Như vậy, mức tăng dân số lao động là người DTTS ở khu vực nông nghiệp về số lượng tăng gấp nhiều lần so với lao động này trong khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Nhìn chung, tác động của quá trình CNH, HĐH ở Kon Tum đến nguồn nhân lực này còn yếu ớt, vì vậy việc chuyển lao động ra khỏi nông nghiệp và tạo việc làm ở khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chưa tạo ra sự chuyển biến đáng kể trong cơ cấu lao động xã hội. Do đó, về căn bản nguồn nhân lực tỉnh Kon Tum nói chung và nguồn nhân lực các DTTS nói riêng trong những năm tới vẫn có xu hướng tập trung chủ yếu ở lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

- Xu hướng nâng cao trình độ học vấn, trình độ chuyên môn kỹ thuật trong nguồn nhân lực các DTTS:

Trong những năm trở lại đây được sự quan tâm của tỉnh, trình độ học vấn của đông đảo người DTTS ở Kon Tum ngày càng được nâng lên. Tình trạng mù chữ của đồng bào DTTS được xóa bỏ, tỉ lệ đi học của dân cư cũng đạt mức phát triển nhanh, số người chưa bao giờ đến trường giảm. Học vấn phổ thông được cải thiện, số người tốt nghiệp theo thống kê giai đoạn 2000 - 2005 như sau: trình độ học vấn cấp II tăng, cấp III tăng không đáng kể, tuy vậy nhưng đây cũng là lực lượng lao động lớn trong tương lai.

Đặc biệt mấy năm trở lại đây các trung tâm đào tạo có trình độ cao như trường Cao đẳng sư phạm, trường Kinh tế tổng hợp đã đóng góp không nhỏ đến việc đào tạo con em đồng bào DTTS. Vì thế trình độ cao đẳng - đại học của người DTTS bước đầu đã tăng nhanh về số lượng cũng như chất lượng. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực ở các tỉnh khác chuyển đến đã góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.

Hiện nay, nhu cầu về lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật rất lớn, nhất là từ khi tỉnh Kon Tum thực hiện bước phát triển “nhảy vọt” nhiều cụm công nghiệp, khu công nghiệp các nhà máy thủy điện, cửa khẩu quốc tế v.v.. thì nhu cầu này ngày càng lớn, trong khi đó, trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động DTTS còn rất thấp và số lượng rất ít. Phần lớn, lực lượng này mới chỉ được đào tạo cơ bản với thời gian ngắn chưa có kinh nghiệm, chưa có thói quen làm việc ở khu vực công nghiệp dịch vụ, khó khăn trong quá trình lao động. Nhìn chung, khu vực công nghiệp mới chỉ sử dụng rất ít lao động người DTTS (những nơi này không muốn nhận lao động là người DTTS).

Xuất phát từ những vấn đề trên, quán triệt sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, ủy ban nhân dân, hiện nay các cơ quan ban ngành, không ngừng triển khai việc đào tạo con em người DTTS bằng nhiều hình thức như chính sách cử tuyển vào các trường trong cả nước. Chính sách này bước đầu đã tạo cho tỉnh một lực lượng lao động có chất lượng cao và trong tương lai không xa đó là nguồn lao động quan trọng thúc đẩy phát triển sự nghiệp CNH, HĐH của tỉnh.

Kết luận chương 2

Từ đặc điểm tình hình kinh tế xã hội, điều kiện tự nhiên thực trạng và xu hướng vận động của nguồn nhân lực các DTTS ở Kon Tum, có thể rút ra một số kết luận sau:

Nguồn nhân lực các DTTS của Kon Tum tồn tại và phát triển trên vùng đất có điều kiện địa lý tự nhiên không thuận lợi, kinh tế nghèo nàn lạc hậu, nguồn nhân lực trẻ, trong đó DTTS chiếm số đông nhưng chưa được khai thác và sử dụng có hiệu quả. Mặt khác dưới tác động của quá trình CNH, HĐH, của cơ chế thị trường và cơ chế chính sách của Đảng và Nhà nước..., nguồn nhân lực các DTTS ở Kon Tum đang vận động và biến đổi theo xu hướng giảm dần lao động trong khu vực nông nghiệp, tăng dần trong khu vực công nghiệp và dich vụ (tuy còn chậm) và gia tăng chất lượng của nguồn nhân lực này.

Trong những năm tới, cùng với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nguồn nhân lực các DTTS ở Kon Tum tiếp tục có nhiều biến đổi phức tạp cả về số lượng và chất lượng. Qua phân tích xu hướng vận động nhìn chung nguồn nhân lực các DTTS sẽ phát triển ngày càng mạnh hơn về số lượng, cao hơn về chất lượng và ngày càng phù hợp với xu thế phát triển và yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của quá trình CNH, HĐH. Hướng đó tạo cho Kon Tum nguồn nội lực mới, thúc đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập với sự phát triển chung của cả nước.

Phân tích thực trạng và xu hướng vận động phát triển của nguồn nhân lực các DTTS Kon Tum giúp các cấp, các ngành có cơ sở đánh giá một cách đầy đủ hơn về nguồn nhân lực này, từ đó có những chính sách và giải pháp nhằm khai thác và sử dụng nguồn nhân lực này một cách có hiệu quả vào quá trình CNH, HĐH của tỉnh.

Chương 3

quan điểm cơ bản và giải pháp chủ yếu nhằm phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số

của tỉnh kon tum

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở tỉnh Kon Tum ppt (Trang 59 - 62)