Nhóm giải pháp kinh tế

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở tỉnh Kon Tum ppt (Trang 69 - 73)

Một là, đầu tư cho phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng vùng DTTS có hiệu quả để tạo cơ sở kinh tế vật chất thích ứng cho sự phát triển của nguồn nhân lực các DTTS.

Hiện tại, kinh tế Kon Tum phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế thiếu vững chắc, biểu hiện ở tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn thấp kém, đầu tư manh mún, hiệu quả thấp, tính cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp (chất lượng sản phẩm hàng hóa chưa cao, chưa có sản phẩm chủ lực, chưa có những doanh nghiệp mạnh về sản xuất, kinh doanh và trong lĩnh vực xuất - nhập khẩu). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, chưa phù hợp với điều kiện đặc thù của tỉnh; tiềm năng, lợi thế cây trồng, vật nuôi chưa được khai thác, lựa chọn đầu tư phát triển hợp lý để mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội. Một số dự án trên địa bàn tỉnh triển khai không thành công, có dự án thất bại (nhà máy bột giấy). Các chương trình, dự án như 135, 134, 168, định canh định cư, xóa đói giảm nghèo..., từ nguồn vốn của địa phương và Trung ương chưa được tập trung chỉ đạo quyết liệt, không hoàn thành đúng tiến độ. Vì vậy chất lượng và hiệu quả nhiều công trình đầu tư vào nông thôn, các xã vùng sâu, vùng xa rất thấp, thậm chí có nơi không sử dụng được. Chính vì vậy, ngoài nguồn hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh Kon Tum cho đến nay vẫn chưa có cơ chế chính sách nhằm kêu gọi nguồn vốn đầu tư từ nơi khác. Do đó việc tìm kiếm ngân sách cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng đang là vấn đề đặt ra đối với tỉnh cần phải có giải pháp cụ thể và thiết thực hơn.

Tiếp tục đầu tư, phát triển mạnh thị xã Kon Tum, tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư hiệu quả các công trình đường, điện, thoát nước, mở rộng, phát triển thêm các khu đô thị mới, trước mắt là khu đô thị mới phía Nam của Đăkbla.... Hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng kinh tế, kỹ thuật thiết yếu gắn với các hoạt động xúc tiến kêu gọi đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp như Sao Mai, Hòa Bình..., phấn đấu thị xã Kon Tum được công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh.

Phát triển khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y. Xây dựng và triển khai quy chế phối hợp thực hiện Quyết định 217 của Thủ tướng Chính phủ về xúc tiến đầu tư quy hoạch chi

tiết và kế hoạch đầu tư vào khu kinh tế cửa khẩu trở thành trung tâm tăng trưởng và liên kết kinh tế của tam giác phát triển Việt Nam, Lào, Campuchia. Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng đô thị, phát triển thị trấn, huyện lỵ Ngọc Hồi, kết hợp với khu kinh tế cửa khẩu để trở thành đô thị loại IV miền núi vào năm 2010.

Khai thác có hiệu quả các tuyến đường giao thông quốc lộ và tỉnh lộ, hình thành các vùng dân cư dọc tuyến đường 14C, vùng phía Tây đường Hồ Chí Minh, tuyến đường Đông Trường Sơn, cũng như các tuyến đường giao thông từ Kon Tum đi Quảng Nam, Quảng Ngãi để thực hiện đầu tư hoàn thiện đường Hồ Chí Minh đoạn đi qua tỉnh Kon Tum, đoạn Ngọc Hồi - Tân Cảnh; hoàn chỉnh việc nâng cấp mở rộng Quốc lộ 24; huy động vốn từ trái phiếu chính phủ để đầu tư đường từ trung tâm huyện đi các xã. Ngoài ra huy động vốn ODA, vốn mục tiêu cụ thể đầu tư cho các công trình phúc lợi xã hội khác.

Xây dựng và phát triển thị trấn huyện KonLong trở thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng theo hướng hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc tỉnh Kon Tum, đồng thời dần trở thành khu du lịch lớn của khu vực Bắc Tây Nguyên.

Đẩy mạnh việc đầu tư phát triển một số huyện lỵ mới thành lập. Trước hết là tập trung xây dựng đồng bộ các công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu về bưu chính viễn thông, giao thông, cấp thoát nước, khu vui chơi giải trí tập trung và các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Đồng thời, huy động các nguồn lực để đầu tư hoàn thành cơ sở hạ tầng cho các vùng trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, nhất là các tuyến đường giao thông nông thôn, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển xã hội và mở rộng giao lưu kinh tế, văn hóa vùng đồng bào các DTTS.

Tạo môi trường thuận lợi về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính..., đồng thời tổ chức và tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư trong vùng, trong nước và nước ngoài, bảo đảm thuyết phục được các nhà đầu tư mạnh dạn bỏ vốn thực hiện các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng, các khu đô thị mới và đầu tư phát triển các vùng chuyên canh cây công nghiệp, chăn nuôi bò, trồng rừng nguyên liệu, cơ sở sản xuất công nghiệp, chế biến nông, lâm sản, khai thác khoáng sản, từ đó thu hút lực lượng lao động là người DTTS vào các lĩnh vực sản xuất này.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, phát triển kinh tế thị trường, kinh tế nhiều thành phần ở Kon Tum và ở vùng DTTS.

Thực hiện việc điều tra, quy hoạch quỹ đất lâm nghiệp để có kế hoạch khai thác, sử dụng hợp lý. Triển khai thực hiện có hiệu quả việc giao đất, giao rừng, khoán quản lý, bảo vệ rừng cho hộ gia đình và cộng đồng dân cư sống gần rừng (chủ yếu là người DTTS) theo đúng chính sách của nhà nước và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Cần nghiên cứu để có giải pháp điều tiết, khai thác hợp lý diện tích rừng sản xuất, đồng thời có kế hoạch kêu gọi, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia trồng rừng nguyên liệu. Xác định rõ cây trồng vật nuôi có lợi thế phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, sinh thái của từng vùng, nhất là cây con thích ứng với điều kiện mùa khô như: cây cao su, rừng nguyên liệu, sắn mía, chăn nuôi bò, phát triển mạnh nghề nuôi cá nước ngọt, từ đó giải quyết việc làm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào DTTS.

Tổ chức thực hiện công tác khuyến nông, khuyến lâm, chú trọng việc biên soạn tài liệu hướng dẫn phương thức, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi phù hợp với trình độ dân trí và đặc điểm từng vùng, từng khu vực... phù hợp với phong tục tập quán của đồng bào DTTS. Đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả cây trồng, phấn đấu đạt 15 triệu đồng/1ha.

Phát triển mạnh chăn nuôi đại gia súc. Hiện nay, tỉnh đang triển khai dự án sản xuất bò lai lấy thịt Zebo để hỗ trợ nông dân nghèo giai đoạn 2005 - 2007 vay vốn phát triển chăn nuôi, phấn đấu đến năm 2010 đạt 128.000 đến 130.000 con [36].

Tiếp tục đầu tư xây dựng mới và nâng cấp các công trình thủy lợi, huy động và sử dụng vốn từ trái phiếu chính phủ một cách có hiệu quả cho việc đầu tư vào các công trình thủy điện có quy mô lớn như cụm công trình thủy lợi Đăkrông, Cụm ĐăkLong, Cụm Kon Rẩy... nhằm bảo đảm cung cấp đủ nước cho phát triển cây trồng, vật nuôi, nhất là trong mùa khô và phục vụ nước tưới cho các vùng mới khai thác.

Đầu tư phát triển mạnh công nghiệp chế biến một số loại nông sản, lâm sản như cao su, cà phê, bột giấy, các sản phẩm từ gỗ...; từng bước hình hành cơ sở chế biến thức ăn gia

súc, chế biến thực phẩm có công nghệ tiên tiến tạo ra sản phẩm tinh chế, có chất lượng cao, có thương hiệu và đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Hoàn thiện việc sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước. Đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, giải thể một số doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả.

Tạo môi trường thuận lợi về thể chế, đặc biệt là chính sách ưu đãi, chính sách khuyến khích các nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư vốn để sản xuất kinh doanh; biểu dương kịp thời những doanh nhân và hộ kinh doanh cá thể, nhất là hộ kinh doanh giỏi là người DTTS làm ăn có hiệu quả làm tấm gương sáng cho các hộ khác noi theo. Đề cao vai trò của các doanh nhân trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi trong việc hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp như tiếp cận thị trường trong và ngoài nước, tiếp cận các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ đầu tư. Tiếp tục đổi mới và phát triển kinh tế tập thể (tổ hợp tác, hợp tác xã), đầu tư hỗ trợ về vốn, tín dụng, đào tạo cán bộ, chuyển giao khoa học công nghệ, thông tin thị trường... cho các nhóm hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã.

Có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế, các nhà khoa học triển khai nghiên cứu, ứng dụng có hiệu quả các thành tựu khoa học, công nghệ phục vụ quản lý sản xuất và đời sống.

Ba là, tập trung phát triển mạnh một số ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh nhằm đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng DTTS và cơ cấu kinh tế nông thôn.

Phát triển khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y trở thành trung tâm tăng trưởng và liên kết của tam giác phát triển ba nước: Việt Nam, Lào, Campuchia, tạo ra bước phát triển đột phá quan trọng, tạo thuận lợi cho việc giao lưu buôn bán, trao đổi hàng hóa, phát triển dịch vụ... từ đó thay đổi dần lối sống cũ, phương thức sản xuất cũ, lạc hậu, nâng cao đời sống đồng bào các DTTS.

Phát triển toàn diện kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa trên cơ sở phát huy tốt nhất các tiềm năng về rừng, đất đai, tài nguyên nước.

Đầu tư mạnh và đưa vào sử dụng các công trình thủy điện. Đây là ngành thu hút nhiều nguồn lao động từ lao động phổ thông đến lao động chất lượng cao, tạo cơ hội cho đồng bào các DTTS tiếp cận đến phát triển.

Những giải pháp kinh tế được thực hiện tốt không chỉ thúc đẩy tiến trình phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động vùng đồng bào DTTS, từng bước cải thiện và và nâng cao đời sống vật chất cho đồng bào, mà còn là giải pháp quan trọng góp phần tích cực vào việc thay đổi dần tâm lý, thói quen cũ, lạc hậu; những phong tục tập quán cổ hũ vẫn tồn tại và các chế định đời sống của đồng bào DTTS từ bao đời nay, đồng thời đó cũng là cơ sở vật chất cần thiết để thực hiện tốt chiến lược phát triển nguồn nhân lực của tỉnh nói chung và nguồn nhân lực các DTTS nói riêng ở Kon Tum.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở tỉnh Kon Tum ppt (Trang 69 - 73)