Hoạt động của các làng nghề truyền thống

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Mối quan hệ giữa văn hoá và du lịch trong thời kỳ đổi mới ở nước ta hiện nay pdf (Trang 63 - 67)

Làng nghề truyền thống là nơi một cụm dân cư sinh sống và sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ cổ truyền. Họ tạo thành làng nghề hay phường hội, một cộng đồng nhỏ về kinh tế và văn hoá. Những phong tục, tập quán, đền thờ ông tổ nghề, những bí quyết ngành nghề thủ công truyền thống làm nên nét riêng trong văn hoá của mỗi làng nghề. Các sản phẩm mà các làng nghề truyền thống làm ra là sự kết tinh các giá trị văn hoá lâu đời của dân tộc. Nhiều người nước ngoài biết đến Việt Nam thông qua các mặt hàng thủ công truyền thống. Sản phẩm thủ công mỹ nghệ thể hiện khá đậm nét qua các hoạ tiết chạm trổ mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc. Những sản phẩm của làng nghề với những nét riêng biệt độc đáo là dấu ấn di sản văn hoá quý báu mà ông cha ta để lại cho thế hệ mai sau. Vì vậy trong quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá nếu không có ý thức bảo tồn nghề thủ công mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc thì những nét văn hoá độc đáo đó sẽ bị mai một. Việc duy trì các ngành nghề truyền thống, bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc trong các sản phẩm thủ công truyền thống là rất cần thiết vì các sản phẩm thủ công truyền thống có các giá trị văn hoá đặc biệt, nó mang trong mình bản sắc văn hoá dân tộc, nó là những thông điệp bền vững của văn hoá dân tộc được lưu truyền lại cho các thế hệ sau và du khách quốc tế.

Các làng nghề truyền thống ở Thăng Long - Hà Nội là nơi lưu giữ những giá trị văn hoá vật chất và tinh thần của dân tộc. Được hình thành và tồn tại trong lịch sử của dân tộc, của vùng văn hoá Bắc Bộ và tiểu vùng văn hoá Thăng Long, các làng nghề này đã có một quá trình tồn tại lâu dài như làng nghề giấy ở Bưởi, ở Yên Hoà, làng đúc đồng Ngũ Xã, làng mây tre Liên Ngạc, làng gỗ Thiết ứng - Vân Hà - Đông Anh, đặc biệt là làng gốm sứ Bát Tràng... Sự tồn tại và phát triển của làng nghề truyền thống hôm nay gắn liền với sự phát triển của hoạt động du lịch hiện tại và tương lai. Những sản phẩm được tạo ra bằng những bàn tay khéo léo của cư dân nơi đâyđược khách hàng ưa chuộng trong đó lực lượng đáng kể là khách du lịch trong nước và quốc tế. Đối với làng nghề, sự hấp dẫn của nó với khách du lịch ở chỗ nó thể hiện và bảo đảm những giá trị văn hoá dân tộc rất đặc sắc và độc đáo: Các lọ hoa, bình thậm chí cả những con vật trong huyền thoại được tạo dáng bởi chất men với hoa văn tinh tế khiến du khách ngạc nhiên và thán phục. Mây tre được đan bởi

những người thợ cần mẫn chăm chỉ, sản phẩm là những chiếc mũ, nón, túi, hộp, bàn ghế… vừa dân dã vừa độc đáo của làng nghề Liên Ngạc vẫn còn nguyên giá trị đến ngày nay.

Bên cạnh làng nghề có những ngôi đình, đền hay nhà thờ tổ nghề vào đầu năm du khách đến tham quan còn được chứng kiến và tham dự những lễ hội liên quan đến các vị tổ của nghề truyền thống ở các làng quê. Không khí ngày hội thật náo nhiệt, giàu tính nghệ thuật, du khách có thể tìm hiểu được cội nguồn của những nghề thủ công truyền thống, tìm hiểu bản sắc văn hoá của vùng cũng chính là bản sắc văn hoá Việt Nam một cách sinh động. Đồng thời du khách có cơ hội kinh doanh những sản phẩm ưa chuộng ra nước ngoài, đó cũng là một cách tạo đà cho sản phẩm trở thành hàng hoá nhiều hơn, làng nghề phát triển hơn.

Nhiều khách du lịch nước ngoài khi nhận xét về một số sản phẩm phục vụ kinh doanh đã đánh giá cao giá trị văn hoá của sản phẩm truyền thống bởi chất liệu hoàn toàn bằng nguyên liệu trong nước với: đất, mây, tre, song, gỗ… là biểu trưng cho các di sản văn hoá và họ coi đây là niềm thích thú trong du lịch. Mặt khác đến với những làng nghề Hà Nội, du khách đã được tiếp xúc với môi trường văn hoá của làng nghề từ đường đi lối lại, những hàng cây trái tốt tươi, lối ứng xử văn hoá xóm làng mộc mạc chân quê mang đậm nét Việt Nam.

Thăng Long Hà Nội có một nguồn tài sản văn hoá rất đa dạng và phong phú. Trong những năm qua, vấn đề phát triển du lịch văn hoá ở thủ đô và việc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc nói chung, sắc thái văn hoá nói riêng trong hoạt động du lịch ở Hà Nội đã bước đầu được quan tâm.

Quan hệ giữa du lịch và văn hoá ngày càng gắn bó hơn. Sự phối hợp với nhau ngày càng chặt chẽ, đồng bộ và thiết thực nhằm quảng bá du lịch thông qua các hoạt động văn hoá như triển lãm, hội thảo, hội chợ, liên hoan du lịch quốc tế. Rất nhiều các lễ hội văn hoá đã được tổ chức nhân kỷ niệm 990 năm ThăngLong - Hà Nội. Tài nguyên du lịch nhân văn được khai thác trong quan hệ với tài nguyên du lịch tự nhiên để hình thành các tuyến du lịch sinh thái văn hoá hấp dẫn và trở thành sản

phẩm du lịch bước đầu mang rõ nét tính đặc thù như tuyến du lịch phố cổ, tuyến du lịch dọc sông Hồng, các làng nghề truyền thống…

Những năm gần đây do đường lối đổi mới của Đảng và Nhà Nước, nhiều lễ hội văn hoá truyền thống được phục hồi. Hàng ngàn các di tích lịch sử văn hoá và các ngôi đền, chùa, đình… ở Hà Nội được trùng tu, sửa chữa và xây dựng lại. Đó là điều kiện thuận lợi cho việc thu hút khách du lịch. Nội dung và hình thức của các lễ hội được quan tâm tổ chức phù hợp với yêu cầu của đời sống xã hội hiện đại và nhu cầu của khách trong và ngoài nước. Thực tế cho thấy trong lễ hội truyền thống không chỉ phục hồi các nghi lễ, trò cổ truyền mà còn có sự đan xen một số nghi thức mới một cách hài hoà. Hơn nữa việc tổ chức lễ hội cũng có tác dụng làm cho các di tích lịch sử văn hoá được bảo vệ, sửa chữa, tôn tạo kịp thời, tránh được sự hoang phế hoặc xuống cấp. Việc tổ chức lễ hội thu hút được nhiều khách thập phương, họ là những người tự nguyện đóng góp kinh phí hoặc công đức để tôn tạo, bảo vệ di tích và các chi phí cho lễ hội được phong phú hơn.

Lễ hội truyền thống giữ vai trò làm cầu nối từ quá khứ đến hiện tại và tương lai, giữa cái linh thiêng cao cả với cái đời thường dân dã. Lễ hội đã làm cân bằng về mặt tâm lý, tâm linh cho mọi tầng lớp nhân dân, lễ hội góp phần vào việc giáo dục lối sống, phong tục, tập quán tốt đẹp của truyền thống lịch sử văn hoá dân tộc, hướng con người vươn tới chân - thiện - mỹ góp phần làm cân bằng môi trường sinh thái và môi trường văn hoá xã hội cho các cộng đồng từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền ngược… tạo điều kiện phát triển cả về cả trí tuệ và tinh thần cho con người.

Hoạt động du lịch trong thời gian qua làm cho bộ phận văn hoá phi vật thể như lễ hội dân gian, văn nghệ dân gian, sinh hoạt tín ngưỡng, được phục hồi và sống lại thường xuyên phục vụ du khách.

Nhìn chung những giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể trên đất Thăng Long - Hà Nội được sử dụng, khai thác và phát huy ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn cho việc phát triển du lịch. Đó là bước đi đúng đắn, hợp lý trong việc phát triển du lịch bền vững ở nước ta.

Song thực tế còn rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết trong việc khai thác, sử dụng các giá trị di sản văn hoá như là tài nguyên chủ yếu của du lịch.

Chúng ta chưa khai thác hết tiềm lực của tài nguyên hiện có, còn rất nhiều tài nguyên du lịch nhân văn vẫn còn nằm ngoài môi trường hoạt động của du lịch, nằm ngoài các tua du lịch được tổ chức lâu nay.

Mỗi di sản văn hoá đều chứa đựng trong đó những nội dung riêng biệt, độc đáo, ở đó là sự phản ánh, là sự kết tinh, là sự lưu giữ đặc trưng lịch sử dân tộc, qua các thời kỳ lịch sử, là nét đặc sắc của phong tục tập quán của dân tộc. Nhưng chúng ta chưa truyền tải hết được nó, do đó khách du lịch chỉ tìm mới nhận thấy cái vỏ bề ngoài, cái vỏ kiến trúc, cái vỏ ngôn ngữ của một số di sản. Điều đó vừa làm nghèo đi các giá trị văn hoá dân tộc trước khách du lịch, vừa hạn chế tính đa dạng của du lịch, du lịch chỉ còn là một thứ giải trí thư giãn mà giảm đi ý nghĩa tinh thần, tình cảm, thẩm mỹ của khách du lịch. Vấn đề này liên quan trực tiếp đến tầm hiểu biết về văn hoá của người lãnh đạo, quản lý du lịch đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên du lịch.

Đối với các di sản văn hoá - lịch sử - kiến trúc, các danh thắng, hoạt động du lịch có quyền khai thác để thu lời. Nhưng hoạt động du lịch không phải chỉ là đưa các đoàn khách đến rồi đi.Việc bảo vệ, tôn tạo và tu bổ các di tích phó mặc cho các ngành khác mà trực tiếp là ngành văn hoá. Đã đến lúc du lịch không thể không quan tâm tới công tác đầu tư, tu bổ di tích, bảo vệ môi trường văn hoá, di tích, danh lam thắng cảnh. Đó chính là nhằm mục tiêu phát triển bản thân hoạt động du lịch. Sự nhận thức của ngành du lịch và văn hoá nếu còn khác nhau sẽ dẫn đến việc mất cân đối giữa khai thác và tu bổ di tích, những giá trị của các di sản văn hoá sẽ chưa thực sự được chú trọng bảo tồn, tôn tạo phát huy trong quá trình hoạt động kinh tế du lịch.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Mối quan hệ giữa văn hoá và du lịch trong thời kỳ đổi mới ở nước ta hiện nay pdf (Trang 63 - 67)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(108 trang)