Tiềm năng về di tích lịch sử văn hoá

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Mối quan hệ giữa văn hoá và du lịch trong thời kỳ đổi mới ở nước ta hiện nay pdf (Trang 35 - 43)

Các thế hệ người Việt Nam, ngay từ buổi đầu dựng nước, đã biết tôn trọng và giữ gìn các giá trị văn hoá, đặc biệt là đã biết sáng tạo và huy động sức mạnh văn hoá vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trước những thử thách của thời gian và lịch sử, của thiên tai và địch hoạ để tồn tại và phát triển. Ông cha ta đã biết sớm khơi nguồn sức mạnh từ chiều sâu của nền văn hoá dân tộc, biết chắt lọc tinh hoa từ nền văn hoá của nhân loại để tạo nên những giá trị văn hoá cao đẹp, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, thắm đượm tính nhân văn.

Từ những giá trị truyền thống của văn hoá Việt Nam, Thăng Long - Hà Nội, mảnh đất ngàn năm văn hiến đã hình thành nên những di sản văn hoá (di sản văn hoá vật thể và phi vật thể) vô cùng phong phú và đa dạng.

Ngày nay Hà Nội đã trở thành biểu tượng cho các giá trị văn hoá của dân tộc, là niềm tự hào của mỗi người Việt Nam. Câu thơ quen thuộc của Huỳnh Văn Nghệ, một nhà thơ một vị tướng quân trên đất Nam Bộ:

“Từ thuở mang gươm đi mở cõi

Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”

Đã nói thay tấm lòng của nhân dân cả nước đối với Hà Nội, mọi người dân cả nước “đều thương nhớ”, đều mong ước được đến thăm Hà Nội. Du khách nước ngoài đến Việt Nam cũng không thể bỏ qua Hà Nội bởi vì Hà Nội có bề dày lịch sử nghìn năm tồn tại, là thủ đô của nước Việt Nam anh hùng và mến khách.

Thăng Long - Hà Nội” đã sớm trở thành điểm hội tụ văn hoá của mọi miền đất nước. Lý Công Uẩn đã mang về Thăng Long những giá trị văn hoá của vùng Kinh Bắc vốn là quê hương của mình. Sau thời Lý, văn hoá Thăng Long lại được bổ sung những nhân tố mới kể từ khi triều Lý trị vì ở Thăng Long… Cứ thế, với vị trí là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hoá của cả nước, văn hoá Hà Nội đã trở thành bản giao hưởng các giá trị đó đã được nâng cao và có ý nghĩa phổ quát trong mỗi giai đoạn lịch sử [11, tr.12].

Nghiên cứu về văn hoá Thăng Long - Hà Nội, một câu hỏi đã đặt ra: gần 1000 năm qua, Hà Nội đã là nơi hội tụ tài hoa và trí tuệ của cả nước, trong suốt chiều dài lịch sử đó, Hà Nội đã để lại những giá trị văn hoá gì cho ngày nay?

Hà Nội có rất nhiều di tích lịch sử, văn hoá truyền thống, các công trình kiến trúc của đình chùa, miếu mạo, những khu phố cổ, những dinh thự, những quần thể kiến trúc của nền văn hoá phương Đông vừa tự nhiên, thơ mộng huyền bí, đẹp đẽ. Theo báo cáo năm 2002 của Ban quản lý danh thắng và di tích, Hà Nội có khoảng 2.727 di tích lịch sử văn hoá bao gồm 775 ngôi chùa, 216 ngôi đền, 252 ngôi miếu, 679 ngôi đình, 12 lăng, 66 nhà thờ họ, 32 quán am.

Di sản văn hoá Thăng Long- Hà Nội đa dạng và phong phú, có niên đại từ trước thời Lý đến thời Nguyễn, những viên ngọc quí trong kho tàng văn hoá của dân tộc. Mật độ di tích của Hà Nội thuộc loại cao nhất nước. Những di sản này được sinh ra và nuôi dưỡng bằng đạo lý, tín ngưỡng và phong tục truyền thống của dân tộc nên có sức sống mãnh liệt, lâu bền. Có khách du lịch nước ngoài đã nêu nhận xét về Hà Nội:

Với tư cách là khách du lịch mến yêu Hà Nội, bản thân tôi rất mong Hà Nội ngày càng hiện đại, nhưng điều quan trọng hơn cả là việc lưu giữ các di tích lịch sử, những thắng cảnh mạng giá trị nhân văn vốn có từ lâu đời của các bạn. Theo tôi chính những yếu tố ấy mới tạo nên được sức sống, nét đặc trưng rất riêng của Hà Nội [59, tr.32].

Trong các di tích kiến trúc cổ, chùa có số lượng lớn nhất.

Chùa Trấn Quốc là chùa cổ vào loại bậc nhất nước ta được xây dựng từ thời Lý Nam Đế. Chùa ở phía đông Hồ Tây, xây dựng trên hòn đảo xưa có tên gọi là Kim Ngư. Chùa như một hòn đảo được sóng vỗ quanh năm. Ngôi chùa kết hợp được vẻ đẹp cổ kính của di tích lịch sử lâu đời với vẻ đẹp thanh nhã của thắng cảnh ven hồ. Qua nhiều niên đại, chùa vẫn được coi là một danh thắng đẹp nhất kinh thành, đã đi vào lịch sử như một niềm tự hào của văn hoá dân tộc.

Chùa Kim Liên được xây dựng từ năm 1639, có tên gọi là chùa Sen Vàng, cũng ở Hồ Tây, nằm trên bán đảo Nghi Tàm. Ngôi chùa như nổi trên mặt nước, kiến trúc độc đáo, mỗi nếp nhà có hai tầng mái, cả bốn mặt tường đều xây gạch trần, với ba nếp nhà liên tiếp nhau thành hình chữ tam vừa lộng lẫy vừa trang nghiêm. Chùa với bề dày lịch sử, và những giá trị kiến trúc nghệ thuật lớn được đặt vào vị trí trang trọng trong kho di sản văn hoá, chùa lại nằm trong quần thể của Hồ Tây, một tuyến tham quan du lịch liên khu di tích Quan Thánh - Trấn Quốc - Yên Phụ - Kim Liên.

Chùa Một Cột được xây dựng năm 1041, chùa nằm ở phố Chùa Một Cột, quận Ba Đình, nằm trong quần thể di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chùa Một Cột còn có tên chữ Hán là “Nhất Trụ Cột”. Chùa có kiến trúc độc đáo trên một trụ đá trong hồ nước. Chùa Một Cột còn gọi là Toà Đài Sen, vì hình dáng của chùa như là một bông sen nhô lên trên mặt nước. Chùa hình vuông làm bằng gỗ, lợp ngói ta. Nóc chùa có mặt nguyệt bốc lửa, hai đầu rồng chầu về mặt nguyệt. Trong chùa đức phật Quan Âm toạ lạc (có nhiều tay), sơn màu vằng. Phía trên tượng phật là hoành phi “Liên hoa đài” (đài Hoa Sen). Tượng phật Quan Âm cũng ngồi trên một bông sen bằng gỗ sơn son thiếp vàng, ở vị trí cao nhất. Chùa có bốn mái, bốn đầu đao cong được đắp hình đầu rồng.

Chùa Một Cột được xây ở giữa hồ thả sen. Khách trong nước và quốc tế tới vãn cảnh, cầu nguyện, ngắm sen nở. Trong hồ tương phản với chùa cũng là bông sen lớn, toát lên sự thanh cao của đức phật Quan Âm.

Ngoài ra Hà Nội còn rất nhiều chùa nổi tiếng về sự tích lịch sử, và kiến trúc độc đáo như chùa Lý Quốc Sư, Chùa Hà, chùa Thiên Phúc, chùa Vạn Ngọc, chùa Phúc Khánh.

Ngoài hệ thống chùa còn có các đình, đền thờ phụng các anh hùng dân tộc, các thánh mà trong tiềm thức của dân gian cho là linh thiêng.

Như đình Giảng Võ thờ bà Lý Châu Nương, một nữ tướng thời Trần phụ trách kho lương thực của quân đội và có công đánh giặc, được triều đình phong làm phúc thần.

Đình Linh Đàm thờ Thành Hoàng là Bảo Ninh Vương. Theo truyền thuyết, Bảo Ninh Vương vốn là thuỷ thần học trò của Chu Văn An đã có công làm ra mưa chống hạn cho nhân dân bảy làng quanh vùng.

Đình Thanh Hà nơi tưởng niệm Trần Lựu, người có công trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc dưới triều Trần ở thế kỷ XIII được nhân dân thờ làm Thành Hoàng.

Đền Ngọc Sơn nằm trong lòng Hồ Gươm lịch sử. Đền là quần thể kiến trúc liên hoàn tinh tế giữa Tháp bút, Đài Nghiên, cầu Thê Húc, Lầu Đắc Nguyệt, đình Trấn Ba. Từ xưa nơi đây là nơi thưởng ngoạn của các vua chúa. Tháp Bút là một công trình kiến trúc đẹp, điểm tô thêm vẻ đẹp của thắng cảnh Hồ Gươm và đền Ngọc Sơn. Từ Tháp Bút đi vào gần phía hồ, trên nền núi Ngọc Sơn xưa, Nguyễn Văn Siêu đã cho xây một Đài Nghiên. Khu đền chính Ngọc Sơn được xây dựng ở trung tâm Đảo Ngọc, ẩn mình dưới những tán cây cổ thụ quanh năm xanh tốt. Có bài thơ khuyết danh được người đời ca tụng nói về Hồ Gươm và Cầu Thê Húc đã in trong Nam Thi hợp tuyển do đốc học Nguyễn Văn Ngọc biên tập.

Bóng Tháp lô nhô lấp sóng cồn Nhịp cầu nho nhỏ ghếch sườn non Nước trong chưa vẩn tăm thầm kiếm Đường rộng còn trơ dấu phép môn, Kim cổ treo chung tranh thuỷ mặc

Tang thương chớp nhoáng bóng hoàng hôn Nghìn thu suy thịnh gương còn đó,

Ngày nay đền được tu sửa lại càng trở nên đẹp và đầy ý nghĩa nhân bản. Đền được soi mình dưới nước như những hạt ngọc lung linh huyền diệu cho tất cả khách thập phương đến thăm cảnh hồ.

Đền Hai Bà Trưng, thờ hai nữ anh hùng đầu tiên của lịch sử chống giặc ngoại xâm ở nửa đầu thế kỷ I sau công nguyên: Trưng Trắc và Trưng Nhị. Sự ra đời của ngôi đền đã được kể lại rằng: Vào đời Lý Anh Tông niên hiệu Đại Đinh Ba (1142) có pho tượng đá nổi trên dòng Nhị Hà toả sáng cả một đoạn sông, thuyền bè không dám đến gần. Vua Anh Tông biết chuyện bèn sai người ra đón rước nhưng không được. Theo ý các bô lão, người ta lấy vải đỏ làm lễ buộc vào tượng rồi rước vào, một pho tượng cao lớn, đầu đội mũ trụ, thân mặc áo giáp, hai tay chỉ lên trời, một chân quì, một chân ngã ra…

Đền được dựng ở bãi Đồng Nhân, thời nhà Lý do đất lở nên đã di chuyển vào vị trí ngày nay. Đền là trung tâm của quần thể di tích với đình thờ Thần Hoàng làng và chùa thờ phật. Trước mặt đền có hồ bán nguyệt, cây cối tốt tươi, dưới bóng cây đa cổ thụ có tấm bia đá đặt trên lưng Rùa. Trong đền có tượng Hai Bà mặc áo vàng, áo đỏ.

Hà Nội còn có khu di tích văn hoá mang đậm dấu ấn của lịch sử như khu di tích Cổ Loa, Văn Miếu Quốc Tử Giám, khu di tích Hoả Lò…

Khu di tích Cổ Loa là một vùng thành trì lớn, một dấu tích vật chất về kiến trúc quân sự và đô thị cổ cách đây gần hai thiên niên thành Cổ Loa gắn liền với câu chuyện An Dương Vương và Nhà nước Âu Lạc. Câu chuyện xây thành đã trở thành huyền thoại. Thành cứ ngày xây, đêm đổ nên chỉ khi vua được Thần Kim Qui (Rùa Vàng) cho người mách kế diệt Tinh Bạch Kê (Gà Trắng) thì thành mới xây xong. Chiếc Nỏ Thần mà lẫy nỏ chính là móng Rùa Vàng, trăm phát trăm trúng đã giúp vua tiêu diệt giặc, giữ được thành.

Cổ Loa là di tích lớn và là di tích duy nhất còn lại đến nay về một thủ phủ lớn. Một thủ phủ mà cha ông ta đã thiết lập trên đồng bằng Bắc bộ, thoạt đầu hẳn là thủ

phủ của thủ lĩnh quân sự lớn. Đây là di tích duy nhất về kiến trúc quân sự thời cổ ở nước ta. Trong khu vực thành vẫn còn tượng An Dương Vương bằng đồng. Dấu tích kiến trúc quan trọng còn lại đến nay nằm ở khu vực thành trong, có đền thờ An Dương Vương. Phía trước đền thờ có giếng Ngọc (nơi tự vẫn của Trọng Thuỷ). Cổ Loa nếu được đầu tư phục chế lại thì sẽ là di tích rất đáng tự hào của thủ đô.

Văn Miếu Quốc Tử Giám được xây dựng từ thời Lý Thánh Tông (1070) là trường đại học đầu tiên của nước ta. Sau gần ngàn năm tồn tại, trải qua bao nhiêu biến cố, Văn Miếu Quốc Tử Giám ngày nay vẫn là khu di tích lịch sử văn hoá quan trọng, một thắng cảnh độc đáo. Ngoài giá trị lịch sử, văn hoá, nó còn có giá trị về kiến trúc nghệ thuật, là công trình kiến trúc tiêu biểu của nho giáo và trải qua nhiều triều đại được trùng tu sửa chữa. Toàn bộ khu vực có diện tích hình chữ nhật, chiều dài 306 mét, chiều rộng 75 mét, đường vào qua cổng Tam Quan, trong sân có “Khuê Văn Các” soi bóng xuống mặt hồ nước nhỏ hình vuông mang tên Thiên Quang Tinh (giếng nước mang ánh sáng của bầu trời) được coi là hình ảnh tiêu biểu của nền văn hoá Việt Nam cũng như của Thăng Long - Hà Nội. Trong số nhiều hiện vật cổ quí hiếm, chứng tích của ngàn năm văn hiến có 82 bia tiến sỹ được dựng từ năm 1484 đến năm 1780. Bia tiến sỹ là những phiến đá đặt trên lưng những con Rùa đá khắc văn bia và ghi rõ họ tên, quê quán của những người thi đỗ. Ngày nay, Văn Miếu Quốc Tử Giám là di tích nổi tiếng được bảo tồn khá nguyên vẹn giữa lòng Hà Nội. Đây không chỉ là di tích, một danh thắng cuốn hút khách vào thăm mà còn là trung tâm hoạt động văn hoá khoa học của thủ đô.

Hà Nội còn nhiều gò tích như Gò Đống Đa, Ngọc Hồi … gắn với các chiến công anh hùng của cha ông.

Hà Nội có khu phố cổ 36 phố phường được hình thành từ xa xưa với những tên phố thân quen: Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Bạc, Hàng Đường…

Các ngôi nhà cổ theo kiểu nhà ống thường làm theo kiểu gian ngoài là chỗ bán hàng, tiếp đó là khoảng sân lộ thiên để lấy ánh sáng. Khu phố cổ Hà Nội là hạt nhân

của phần “thị" này bao gồm 76 tuyến phố thuộc phạm vi mười phường trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.

Trong phạm vi phố cổ đã từng có trên một trăm di tích tôn giáo tín ngưỡng, là nơi thờ tự của các làng, thôn, phường cũ là nơi thờ tổ nghề, thờ thần Hoàng Hà Nội gốc như: Đền Bạc Mã, đình Thanh Hà, …

Trải qua những biến động của thời gian, của lịch sử khu phố cổ có nhiều biến dạng, song bóng dáng của thời xưa vẫn còn lưu lại trên những khu phố cổ kính, cái không gian văn hoá đậm đà màu sắc cổ truyền của vẻ đẹp đô thị phản ánh gốc gác của dân cư kinh thành… Các loại mứt, ô mai và các món ăn đặc biệt hương vị “Tràng An” đã thu hút trí tuệ, tình cảm của các nhà văn, nhà nghiên cứu đã nhận xét:

“Những nhà ống nhỏ bé lại xen với những mái chùa cong mềm mại hoà trong không gian cây xanh với vẻ đẹp yêu kiều. Một nét độc đáo nữa của Hà Nội mà ở thủ đô nhiều nước không có đó là những phố nghề, làng nghề như làng giấy, làng hoa, làng gốm, Hàng Bạc, Hàng Đường… mà chúng ta đang và sẽ giữ gìn và phát huy để trở thành những tuyến du lịch tham quan hướng dẫn du khách. Và với sự đầu tư của Nhà nước, sự tài trợ của quốc tế và trách nhiệm của người dân, khu phố cổ hy vọng sẽ được bảo tồn, tôn tạo trở thành khu sầm uất sẽ được phát triển theo hướng phố cổ trong thời đại mới”.

Hàng chục di tích lịch sử cách mạng với những cơ sở cách mạng thời kỳ 1929 - 1930, 1936 - 1939, nhà tù Hoả Lò, nơi giam cầm các chiến sỹ yêu nước và cách mạng. Ngôi nhà 48 Hàng Ngang - nơi Bác Hồ viết Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, khu di tích lịch sử Ba đình nơi sống, làm việc và yên nghỉ của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Hệ thống các bảo tàng ở Hà Nội (Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Cách mạng, Bảo tàng Lịch sử Quân sự, Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Dân tộc học…) cũng là những địa điểm lý tưởng cho khách du lịch đến thăm quan, thưởng ngoạn ở thủ đô.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Mối quan hệ giữa văn hoá và du lịch trong thời kỳ đổi mới ở nước ta hiện nay pdf (Trang 35 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(108 trang)