Hiện nay trên sông Đồng Nai nhà máy thủy điện Trị An đã đi vào hoạt động ổn định. Lượng nước của sông Đồng Nai sau khi có đập Trị An, ngoài việc tưới cho nông nghiệp và cung cấp nước cho các khu đô thị, công nghiệp của tỉnh Đồng Nai và khu trục đường 51 Bà Rịa -Vũng Tàu vẫn còn tối thiểu 181,6 m3/giây. Theo công văn ngày 5/2/1982 của Bộ Thủy lợi gửi Bộ Điện lực, trả lời yêu cầu về thủy lợi để lập luận chứng kinh tế kỹ thuật công trình thủy điện Trị An cho biết Thành phố có thể lấy nước dùng cho sinh hoạt, dịch vụ và sản xuất công nghiệp 25 m3/giây, tức khoảng 2.200.000 m3/ngày. Vấn đề là chất lượng nước có sự thay đổi đáng kể, độ đục có xu hướng giảm, tuy nhiên độ màu, độ pH, độ nhiễm bẩn hữu cơ lại gia tăng, rong tảo phát triển làm bít nhanh lưới quay. Vì vậy, cần có những biện pháp xử lý để đảm bảo chất lượng nguồn nước đạt tiêu chuẩn cấp cho sinh hoạt.
Bộ Thủy lợi cũng đảm bảo lưu lượng khai thác nước sông Sài Gòn cho nhà máy nước sông Sài Gòn cả hai giai đoạn với công suất 600.000 m3/ngày. Khả năng lấy nước có thể tăng dần sau khi có hồ Phước Hòa. Chất lượng nguồn nước sông Sài Gòn tại Bến Than đạt tiêu chuẩn nguồn nước cấp cho sinh hoạt, trừ độ pH thấp, lượng cặn và chất hữu cơ cao cần phải được xử lý. Khi có công trình Thác Mơ, tổng lượng nước cấp cho sông Sài Gòn là 42 m3/giây thỏa mãn mọi yêu cầu cấp nước cho vùng hạ lưu sông Sài Gòn.
Hồ Phước Hòa (đã có luận chứng trình Chính phủ) ngoài nhiệm vụ tưới cho 42.876 ha đất nông nghiệp, còn chuyển qua sông Thị Tính cung cấp cho sông Sài Gòn làm ngọt hóa vùng Lái Thiêu - Rạch Tra càng đảm bảo an toàn cho vị trí lấy nước tại Bến Than trên sông Sài Gòn. Ngoài ra còn có thể cấp nước cho sinh hoạt và công nghiệp của Thành phố bước 1 là 5,5 m3/giây và bước 2 là 15 m3/giây.
Kênh Đông - Củ Chi qua tính toán cân bằng của Sở Thủy lợi cho việc tưới tiêu nông nghiệp Thành phố, còn thừa khoảng 2,5 m3/giây có thể cấp nước cho một nhà máy có công suất 100.000 m3/ngày.