Những kiến nghị nhằm hoàn thiện chế độ pháp lý trong Công ty cổ phần kết cấu thép cơ khí.

Một phần của tài liệu tc499 (Trang 94 - 99)

phần kết cấu thép cơ khí.

3.1 Kiến nghị về phía công ty.

Như đã nói ở trên, hiện nay luật pháp nước ta đã có nhiều sự thay đổi so với trước, việc nắm bắt luật và thay đổi tư duy luật vẫn chưa được cập nhật một cách kịp thời. Cụ thể như việc các doanh nghiệp đã áp dụng pháp lệnh hợp đồng kinh tế trong một thời gian dài, các hợp đồng mua bán hàng hóa, hợp đồng xây dựng, hợp đồng đấu thầu… đều là các hợp đồng kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay thì pháp lệnh hợp đồng kinh tế đã hết hiệu lực, các loại hợp đồng trên thuộc đối tượng điều chỉnh của luật Thương mại và Bộ luật Dân sự. Các doanh nghiệp chưa quen với điều nay và vì thế đã thể hiện ngày từ cách đặt tên hợp đồng của mình, gọi chung tất cả cả hợp đồng giao dịch trong hoạt động kinh doanh của mình là hợp đồng kinh tế mà chưa biết đặt tên để thể hiện rõ hoạt động giao dịch đó cụ thể là hoạt động gì. Ở công ty cổ phần kết cấu thép cơ khí, đã bước đầu có sự phân biệt trong cách đặt tên ở chỗ phân loại hợp đồng mua vật tư và hợp đồng xây dựng bằng hai tên gọi khác nhau là hợp đồng mua bán hàng hóa và hợp đồng kinh tế. Tuy nhiên, trong hợp đồng xây dựng vẫn chỉ có gọi bằng một tên chung là hợp đồng kinh tế mà chưa chỉ rõ đâu là hợp đồng thầu xây dựng, đâu là hợp đồng thi công lắp dựng, đâu là hợp đồng thiết kế… Thiết nghĩ doanh nghiệp nên mạnh dạn đặt tên cho hợp đồng của mình một cách cụ thể hơn, thể hiện đúng bản chất của loại hợp đồng mà không phải lo sợ liệu có tồn tại loại hợp đồng với tên gọi như vậy không.

Cũng về việc chưa kịp cập nhật pháp luật về hợp đồng mới, vẫn áp dụng theo pháp lệnh hợp đồng kinh tế quy định về mức phạt vi phạm hợp đồng. Theo như pháp lệnh hợp đồng kinh tế, mức tiền phạt vi phạm hợp đồng là từ 2% đến 12% giá trị phần hợp đồng kinh tế bị vi phạm. Nhưng theo điều 301 Luật Thương mại 2005 thì mức phạm vi phạm hợp đồng là do các bên tự thỏa thuận nhưng không được quá 8% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm. Tuy nhiên, trong hợp đồng của doanh nghiệp vẫn tiếp tục giữ mức phạt vi phạm là 12%, điều này cần được sớm sửa đổi cho phù hợp với luật mới.

Theo điều 95 Luật Doanh nghiệp 2005 quy định về cơ cấu tổ chức của công ty cổ phần thì nếu công ty có trên 11 cổ đông là cá nhân hoặc có cổ đông là tổ chức sở hữu trên 50% tổng số cổ phần của công ty thì phải có ban kiểm soát. Ban kiểm soát sẽ giám sát Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc trong việc quản lý và điều hành công ty; chịu trách nhiệm trước Đại hội đồng cổ đông trong thực hiện các nhiệm vụ được giao. Kiểm tra tính hợp lý, hợp pháp, tính trung thực và mức độ cẩn trọng trong quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh, trong tổ chức công tác kế toán, thống kê và lập báo cáo tài chính. Thẩm định báo cáo tình hình kinh doanh, báo cáo tài chính hằng năm và sáu tháng của công ty, báo cáo đánh giá công tác quản lý của Hội đồng quản trị. Trình báo cáo thẩm định báo cáo tài chính, báo cáo tình hình kinh doanh hằng năm của công ty và báo cáo đánh giá công tác quản lý của Hội đồng quản trị lên Đại hội đồng cổ đông tại cuộc họp thường niên. Xem xét sổ kế toán và các tài liệu khác của công ty, các công việc quản lý, điều hành hoạt động của công ty bất cứ khi nào nếu xét thấy cần thiết hoặc theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông hoặc theo yêu cầu của cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông trong thời hạn liên tục ít nhất sáu tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại điều lệ công ty. Khi có yêu cầu của cổ đông hoặc nhóm cổ đông trên, Ban kiểm soát thực hiện kiểm tra

trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày kết thúc kiểm tra, Ban kiểm soát phải báo cáo giải trình về những vấn đề được yêu cầu kiểm tra đến Hội đồng quản trị và cổ đông hoặc nhóm cổ đông có yêu cầu. Việc kiểm tra của Ban kiểm soát không được cản trở hoạt động bình thường của Hội đồng quản trị, không gây gián đoạn điều hành hoạt động kinh doanh của công ty. Kiến nghị Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông các biện pháp sửa đổi, bổ sung, cải tiến cơ cấu tổ chức quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh của công ty. Khi phát hiện có thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc vi phạm nghĩa vụ của người quản lý công ty thì phải thông báo ngay bằng văn bản với Hội đồng quản trị, yêu cầu người có hành vi vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm và có giải pháp khắc phục hậu quả. Ban kiểm soát có quyền sử dụng tư vấn độc lập để thực hiện các nhiệm vụ được giao.Ban kiểm soát có thể tham khảo ý kiến của Hội đồng quản trị trước khi trình báo cáo, kết luận và kiến nghị lên Đại hội đồng cổ đông. Chức năng của Ban kiểm soát là hết sức cần thiết và rõ ràng, đảm bảo được lợi ích của các cổ đông và của công ty cũng như người lao động, do đó công ty đã có đến 12 cổ đông là cá nhân, nên thành lập Ban kiểm soát vừa giúp cho hoạt động kinh doanh chặt chẽ hơn, vừa thực hiện đúng pháp luật.

3.2 Kiến nghị về phía nhà nước.

Đối với công ty cổ phần, ngoài việc chịu sự điều chỉnh của Luật Thương mại 2005 và Bộ luật Dân sự 2005 thì còn chịu sự chi phối của Luật Doanh nghiệp trong khi ký kết hợp đồng. Tại điều 120 Luật Doanh nghiệp 2005 đã quy về việc ký kết hợp đồng với cổ đông, người đại diện của cổ đông nắm giữ trên 35% tổng số cổ phần phổ thông của công ty và những người có liên quan của họ. Khi đó việc ký kết hợp đồng phải được Đại hội đồng cổ đông hoặc

Hội đồng quản trị chấp thuận. Điều này gây ra cho công ty sự bất cập khi hoạt động kinh doanh. Vào một số thời điểm, trong trường hợp đặc biệt công ty không có kế hoạch chi trả trước cần phải có sự huy động vốn ngắn hạn nhanh chóng để kịp thời xử lý, khi đó nếu làm đúng theo quy định của pháp luật thì sẽ dẫn đến nhiều điều bất cập. Vậy luật có nên linh động hơn khi quy định tại khoản 4 cùng điều 120 trên về việc quyết định hợp đồng, giao dịch là vô hiệu và bị xử lý theo quy định của pháp luật nếu hợp đồng được giao kết, giao dịch được thực hiện khi chưa có sự thông qua của Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông.

Việc quy định như trên giúp cho hoạt động giao dịch của công ty đảm bảo công khai, minh bạch nhưng cũng tạo ra sự cứng nhắc và rườm rà. Hệ quả này cũng đã tạo ra cho doanh nghiệp cách làm “thừa hơn thiếu”, làm “dự phòng”. Cụ thể đó là trong đăng ký kinh doanh của công ty cũng như điều lệ công ty đã ghi: “ngành nghề kinh doanh của công ty là sản xuất kinh doanh các sản phẩm kết cấu thép và cơ khí; nhà thép tiền chế, dầm tổ hợp, kết cấu nhà thép phi tiêu chuẩn, cột điện cao – hạ thế, cột vi ba truyền hình, các thiết bị xây dựng, phục vụ các công trình công nghiệp dân dụng, cớ sở hạ tầng. Xây dựng, lắp đặt các công trình công nghiệp, dân dụng, cơ sở hạ tầng; xây lắp đường dây và trạm biến áp. Kinh doanh kim khí và vật tư tổng hợp. Tư vấn đầu tư xây dựng và thiết kế, lập dự án đầu tư, thiết kế, lập tổng dự toán và dự toán các công trình công nghiệp và dân dụng; thiết kế thiết bị phi tiêu chuẩn; tư vấn giám sát đầu tư công trình. Đầu tư kinh daonh nhà ở và bất động sản. Sản xuất sản phẩm bê tông đúc sẵn. Kinh doanh các sản phẩm khác theo quy định cảu pháp luật.” Tuy nhiên công ty mới thực hiện một số lĩnh vực trong đang ký kinh doanh. Đây cúng là tình trạng chung của hầu hết các doanh nghiệp khi đăng ký kinh doanh. Hầu như không có doanh nghiệp nào kinh doanh hết tất cả các ngành nghề đã đăng ký. Do việc đăng ký bổ sung ngành nghề kinh

doanh là rất rườm rà, phức tạp nên doanh nghiệp thường đăng ký ngày từ đầu mặc dù chưa kinh doanh lĩnh vực này, để khi thực hiện kinh doanh thì không phải đăng ký bổ sung, thậm chí đăng ký lại. Điều này tạo ra việc quản lý vĩ mô nền kinh tế không thực sự nhạy bén và chính xác. Do đó, việc cải tổ thủ tục hành chính, đặc biệt là trong các lĩnh vực liên quan đến kinh tế là một vấn đề cần thiết.

Kết luận.

Trong điều kiện nền kinh tế hiện nay, với xu hướng phát triển và hôi nhập đã tạo ra nhiều thời cơ cũng như thách thức cho những người kinh doanh. Có thể thấy rằng việc quy định chặt chẽ về pháp luật trong tổ chức quản lý công ty cổ phần nói riêng và các loại hình doanh nghiệp nói chung cũng như pháp luật quy định về hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng đã làm cơ sở

cho các nhà quản lý thực hiện công ciệc của mình một cách dễ dàng hơn. Nắm bắt được những điều đó, công ty cổ phần kết cấu thép cơ khí HT – Steel đã thực hiện tổ chức quản lý một cách khoa học, tạo điều kiện cho công ty tham gia kinh doanh trên thị trường một cách thuận lợi, đạt được những thành tựu đáng kể, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần nhỏ vào hoạt động sôi động của thị trường xây dựng công nghiệp tại Việt Nam và tương lai sẽ còn dặt ra những cơ hội để công ty có thể tăng cường ảnh hưởng của mình hơn nữa trên thị trường.

Bài viết đã thể hiện khái quát về tình hình áp dụng pháp luật trong cơ cấu tổ chức, quản lý và hoạt động kinh doanh của công ty, những thành tựu, hạn chế và một số giải pháp trong áp dụng pháp luật tại công ty cổ phần kết cấu thép cơ khí HT – Steel. Bài viết này được hòan thành dưới sự giúp đỡ nhiệt tình của ban lãnh đạo Công ty cổ phần Kết cấu thép cơ khí, và sự hướng dẫn của TS.Trần Thị Hòa Bình và ThS.Nguyễn Anh Tú. Xin chân thành cảm Ơn!

Một phần của tài liệu tc499 (Trang 94 - 99)