Trà đạo (Sado hoặc Trado) là một trong những hình thức nghệ thuật truyền thống đặc sắc của Nhật Bản đã có lịch sử từ hàng nghìn năm nay. Nó không những là một cách thức uống trà hay cách chế tác trà hết sức độc đáo và được lưu truyền rộng rãi, mà là một cách thức để tu thân dưỡng tính, đề cao yếu tố trong sinh hoạt, là một phương pháp để tiến hành giao tiếp xã hội, nhằm góp phần tăng thêm chất ưu nhã, thanh lịch và làm cho tinh thần thư giãn.
Về nguồn gốc Trà đạo, theo sử sách thì những hạt giống chè đầu tiên được đưa vào Nhật Bản (theo lịch Hoàng cung của triều đình Nhật Bản là năm thứ 23 tức năm 804) do nhà sư Saicho lấy từ Trung Quốc về [15, tr. 15]. Từ đó về sau, nhiều chủng loại chè khác nhau cũng đã được đưa vào Nhật Bản và trồng trong các vườn chùa. Về sau, việc uống trà được xem như là một thứ tiêu khiển tao nhã và tập trung chủ yếu ở đẳng cấp quý tộc triều đình. Hơn nữa, việc uống trà hàng ngày được xem như là liều thuốc chữa bách bệnh và tạo nên sức khỏe cho con người. Đối với giới tu sĩ Phật giáo thì việc uống trà không chỉ có tác dụng chữa bệnh mà còn coi là động lực để hành đạo.
Như vậy, việc uống trà đặc biệt là ở thời Kamakura có quan hệ trước hết là với giới tu sĩ Phật giáo, khởi đầu là từ những nghi lễ dân trà lên Đức phật để thể hiện lòng tôn kính và sự thanh thái của tâm hồn. Về sau, từ giới sư sãi lan rộng ra trở thành đại chúng. Đến thế kỷ XV, do ảnh hưởng của phong cách Samurai, những nguyên tắc, thủ tục nhất định đã được đặt ra, buộc những người tham dự các tiệc trà phải tuân thủ. Từ đó, giá trị của nghi thức dùng trà được nâng lên thành một đạo giáo nghệ thuật gọi là Trà đạo.
Trà đạo là một nghi thức căn cứ vào sự tôn thờ vẻ đẹp thô sơ của cuộc sống hàng ngày, với tinh thần nghệ thuật ngày một được nâng cao, nó gây cho các tín đồ cảm hứng về sự thanh khiết, sự kỳ diệu và huyền bí của lòng tự ái tương thân, sự cảm thông chủ nghĩa lãng mạn của trật tự xã hội. Nó chỉ ra những vẻ đẹp của sự chưa hoàn hảo, tính bất quy tắc và sự giàu sang ẩn náu trong sự khắc khổ. Bởi nó là một cố gắng để làm tròn cái có thể được trong cái không thể được, đó là sự đời. Triết lý của Trà đạo không phải là sự thẩm mỹ giản dị như ý nghĩa thông thường của nó, "bởi vì nó giúp ta giãi bày những ý niệm với luân lý và tôn giáo, cái ý niệm của ta về con người và vũ trụ" [5, tr. 270].
Về cơ bản, "nghi lễ uống trà là sự nghi thức hóa việc pha trà và mời khách uống một loại nước giải khát được pha chế từ bột chè xanh và nước sôi" [36, tr. 13]. Nhưng để thực hiện được nghi thức ấy, phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt những nguyên tắc và quy định phức tạp của nó, không thể gọi là Trà đạo nếu như những nguyên tắc và quy định ấy không được thực hiện một cách nghiêm ngặt đúng theo nghi lễ. Cho dù thoạt nhìn có thể cho đó là những quy định nặng nề và quá kỹ càng đến mức buồn tẻ. Thật ra, cách thức tiến hành Trà đạo đã được sáng tạo, củng cố và phát triển qua nhiều thế hệ, mới trở thành nghệ thuật như vậy. Để thực sự lĩnh hội được nghệ thuật này là việc cực kỳ khó khăn, suốt đời theo đuổi học về Trà đạo cũng không thể cho rằng đã có thể hiểu và làm chủ được tất cả những gì thuộc về nghệ thuật này.
Để hiểu được những nét cơ bản của nghi lễ uống trà, chúng ta hãy bắt đầu từ ngôi nhà, nơi tiến hành nghi lễ đó.
Trước hết ngôi nhà phải được dựng theo kiến trúc truyền thống Nhật Bản, phòng trà phải hẹp thể hiện sự khiêm tốn, nguyên liệu xây dựng và các đường nét phải giản dị,
trang trọng, sử dụng các dụng cụ bằng tre hoặc các vật liệu tầm thường khác. Vào phòng trà phải bò qua một cửa hẹp, kể cả tầng lớp quý tộc cũng như thường dân. Nguyên nhân của việc thu nhỏ phòng là do con người muốn tăng thêm sự cách biệt về không gian với thế giới trần tục, sự riêng tư và sự bình đẳng giữa chủ nhà và khách cũng như về sự thanh bạch, tĩnh mịch tuyệt đối. "Như vậy tâm hồn mới đi vào trạng thái khiêm tốn và tĩnh tại" [13, tr. 31]. Xung quanh ngôi nhà có vườn cảnh, chậu hoa, cây cảnh, lối đi lại quang đãng... tất cả đều liên quan đến Trà đạo, khách đến dự trong lúc đợi chủ nhà nghênh đón vào nhà có thể ngắm cảnh hoặc đi dạo sân vườn.
Trong phòng trà, trang trí cân đối và cắm hoa theo phong cách Nhật Bản, khi bước vào phòng phải thực hiện nghi lễ bái kiến trước nơi câu đối treo ở bức tường (ở đây cũng treo hoặc đặt lọ hoa) rồi về vị trí của mình theo đúng nghi thức, không làm ảnh hưởng đến người khác. Trong lúc chủ nhà và những người phục vụ chuẩn bị trà, mọi người có thể bình phẩm khen ngợi cách bài trí phòng trà.
Quá trình chuẩn bị trà của chủ nhà phải được thực hiện theo một quy tắc nghiêm ngặt, chính xác, tỷ mỷ như: Cách bước vào và ra khỏi phòng, cách mời trà, cách đặt dụng cụ liên quan đến Trà đạo được coi là khâu quan trọng. Vì câu chuyện diễn ra trong buổi trà phụ thuộc vào khâu chuẩn bị dụng cụ pha trà bao gồm; Bát đựng trà, đồ đựng nước, lọ hoa, chổi đánh trà... Những dụng cụ đó cũng phải được chọn cẩn thận. Về cơ bản thì chọn những dụng cụ có hoa văn hợp lý với thời tiết và thời điểm pha trà. Nếu là mùa xuân, người ta chọn cành mai, hoa Sakura, chim oanh, hoa trà. Nếu mùa thu sẽ là hoa cúc, hoa hồng... những cái đó nói lên vẻ đẹp bốn mùa ở Nhật Bản.
Về phía khách cũng đòi hỏi phải thực hiện chính xác theo đúng nghi lễ của Trà đạo. Trước khi bước vào phòng trà, khách thường phải rửa tay, uống nước mạch trong vườn, phải xếp giày dép theo đúng quy định. Khi được mời trà cần chú ý những động tác đợi đến lượt mình uống trà như: Phải dùng hai tay nâng bát trà, xoay từ trái qua phải trước cũng như sau khi uống, cách chuẩn bị giấy lau miệng sau khi uống. Khi uống cần phải uống ba ngụm là cạn hết, ngụm cuối cùng phải phát ra tiếng "khà" để biểu thị tán thưởng khen ngợi. Thường thì trước hoặc sau khi uống, khách bình luận về giá trị thẩm
mỹ, đồ quý hiếm của các dụng cụ uống trà. Sau khi uống xong, khách sẽ được chủ nhà mời ăn bánh ngọt được sắp xếp rất đẹp và có cảm giác được làm rất cầu kỳ.
Trên thực tế, Trà đạo có ý nghĩa rất sâu xa nhưng nó không phải là cái gì mới lạ. Đằng sau những nghi lễ hết sức cầu kỳ trong buổi trà, người ta còn đưa vào những nhu cầu nghệ thuật khác nữa. Điều đó đòi hỏi cả khách lẫn chủ đều phải có vốn kiến thức nhất định về thơ ca, hội họa, văn học cổ điển, nghệ thuật cắm hoa và các nghề thủ công khác. Cho nên, để có một buổi Trà đạo chứa đựng nội dung sâu sắc, những dụng cụ pha trà phải được chuẩn bị kỹ lưỡng. Hơn nữa, nghi lễ Trà đạo không chỉ tạo ra cho con người những giá trị về thẩm mỹ trong sự giản dị thuần khiết mà còn làm cho tâm hồn hòa quyện với thiên nhiên. Nghi lễ Trà đạo là thế giới của sự coi trọng kiến thức, là nhu cầu vươn tới cái đẹp trong cái thuần phác của sự thanh nhã và lịch sự. Nó được thể hiện ở "Cái hồn trong trà, trung thực giữ lấy cái tâm, trong sạch tiến hành công việc, hòa hợp giao thiệp với mọi người, lấy cái giản dị làm mục đích" [21, tr. 58]. Nghi lễ uống trà chỉ tồn tại trong thế giới vĩ mô nơi mà người ta không tính đến tiền tài, giai cấp, địa vị xã hội. Trong thế giới ấy, được phản ánh qua làn nước màu hổ phách đựng vào những chén sứ sắc ngà, kẻ thụ giới có thể nếm cái thanh tao kín đáo của Khổng Phu Tử, ý nghĩa thâm trầm của Lão Tử và cả làn hương thuần khiết của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Nói chung là các giáo chủ lỗi lạc và cao siêu của phương Đông và cả châu á nghìn năm thiêng liêng. Qua việc nghiên cứu nghi lễ cho thấy Trà đạo được hình thành bởi 4 yếu tố: Chủ khách, dụng cụ uống trà, phòng trà và trà. Toàn bộ quá trình của một cuộc uống trà cần thời gian từ 3 đến 4 giờ và được chia làm 4 giai đoạn, đó là: Hoài Thạch, sau khi những vị khách đã an vị, chủ nhà sẽ mời khách dùng một ít thức ăn điểm tâm; sau khi khách dùng món điểm tâm xong sẽ đi xuống trà đình và ngồi nghỉ ở đó; Ngự tòa nhập - là lúc khách sẽ được dâng trà; bước cuối cùng là dùng trà loãng.
Ngoài 4 bước đó ra trong nghi lễ uống trà còn có 4 quy định và 7 phép tắc. Bốn quy định đó là: Hòa - hòa hợp; Kính - tôn kính với người khác; Thanh - thuần khiết u tĩnh; Tịch - làm cho tinh thần ý chí trầm lắng an tĩnh và trong lòng thanh thản. Bốn quy định nêu trên được coi là những tư tưởng căn bản của Trà đạo. Còn bảy phép tắc của cuộc trà lễ đó là: Trà cần đậm nhạt vừa miệng; Lửa chú ý to nhỏ vừa phải; Tùy theo thời tiết bốn
mùa mà để cho độ nóng của trà vừa phải thích ứng; Hoa cắm tỉa trong phòng phải tươi mới; Người đến thưởng thức trà phải đến sớm một chút (thông thường khách được mời phải đến trước từ 20 đến 30 phút so với thời gian mời); Dù trời có mưa hay không cũng phải mang theo áo mưa; Cần phải quan tâm đến khách một cách chu đáo kể cả khách của khách [1, tr. 1868].
Tóm lại: Trong toàn bộ diễn biến của một cuộc trà, bắt đầu từ lúc vào phòng trà, ngồi xuống chiếu, xem các thao tác pha trà đến khi ăn bánh. Sau đó uống trà và xem các dụng cụ pha trà đã mang lại tinh thần đầm ấm hòa hợp, thân mật và đem lễ nghi để đãi khách.
Từ khi hình thành Trà đạo đã dần dần trở thành một môn nghệ thuật truyền thống, nó không ngừng được củng cố, phát triển và hoàn thiện qua các thời kỳ lịch sử. Mặc dù có những thay đổi hay cải cách một mặt nào đó của Trà đạo, nhưng về bản chất của nó vẫn không thay đổi. Quá trình đó, luôn gắn liền với tên tuổi của các bậc tài danh nghệ thuật mà các thời đại đó đã sản sinh ra. Một trong những nhân vật quan trọng nhất của thời đại Momo Yama (1568-1603) là Sennorikyu (1522-1591). Ông là một trà sư, một chuyên gia bày hoa, một bậc thầy về các vấn đề nghệ thuật, là một người đóng vai trò quan trọng trong việc sáng tạo, cải cách và nâng cao giá trị của nghi lễ dùng trà thông thường lên thành trà đạo. Từ nhỏ ông đã dày công nghiên cứu về con đường và cách thức uống trà. Bốn quy định, bảy phép tắc của Trà đạo chính là do ông đặt ra, truyền thống Trà đạo của ông được con cháu ông và người đời sau lưu truyền rộng rãi.
Ngày nay ở Nhật Bản có rất nhiều trường phái Trà đạo, nó có thể khác nhau về hình thức, tên gọi cụ thể nhưng về bản chất vẫn không thay đổi như nó vẫn có từ khi mới hình thành. Trong đó, Trà đạo do người thầy vĩ đại Sennorikyu sáng tạo ra hầu như đã áp đảo các trường phái Trà đạo khác và được hậu thế về sau lưu truyền đến ngày nay. Hơn nữa, cách thức uống trà mà ngày nay vẫn đang phổ biến rộng rãi chính là do ông sáng tạo ra. Linh hồn của Trà đạo vẫn là sự giản dị, thanh nhã, sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên, điều đó hoàn toàn phù hợp với nền tảng của văn hóa Nhật Bản truyền thống, và mãi mãi là một thành phần quan trọng trong toàn bộ nền văn hóa Nhật Bản.
Kể từ khi ra đời, biết bao thời gian đã trôi quan, nghi lễ uống trà vẫn tồn tại và dường như ngày nay nó còn phổ biến hơn bất cứ thời kỳ nào trong lịch sử phát triển của mình. Trên thực tế của xã hội hiện đại, đối với một số người, đó là những cuộc gặp gỡ quan trọng trong kinh doanh, là nhu cầu giao tiếp, học hỏi không thể thiếu được trong mọi tầng lớp xã hội. Nó đã ảnh hưởng đến phong cách sống và lối ứng xử của người Nhật Bản hàng ngày. Có những người coi "nghệ thuật uống trà là một tài năng nghệ thuật còn cao hơn cả tài nghệ chơi Pianô hay hội họa thuốc nước của các cô gái tài ba thời Vichtoria nữa" [36, tr. 14].
Nghi lễ uống trà không chỉ đơn thuần là một tài năng nghệ thuật thông thường, mà còn là một thành phần quan trọng trong toàn bộ nền văn hóa Nhật Bản. Bởi lẽ, nó chứa đựng trong mình một tập hợp nghệ thuật tổng hợp. Để thực sự lĩnh hội được nghệ thuật này, mỗi người phải học tập trong cả cuộc đời mình, thậm chí kể cả như vậy họ cũng chưa thể hoàn toàn làm tất cả những gì chứa đựng trong nghệ thuật ấy. "Nghi lễ uống trà là một nền giáo dục mà trong đó không có người tốt nghiệp" [36, tr. 14].