Một trong những yếu tố để nâng cao chất lượng và hiệu quả lãnh đạo của đảng bộ xã ở Vĩnh Long là phải bảo đảm thường xuyên tính phù hợp giữa tổ chức đảng với cơ chế quản lý mới, việc cải cách bộ máy hành chính ở cơ sở. Vì nếu giải quyết đúng vấn đề tổ chức sẽ nhân sức mạnh và tạo ra chất lượng mới của tổ chức đảng, đồng thời là yếu tố cơ bản bảo đảm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị đề ra. Việc củng cố tổ chức các đảng bộ xã ở Vĩnh Long hiện nay gắn liền với việc tổ chức các chi bộ theo ấp, khóm và theo chuyên môn, với số đảng viên phù hợp, tạo điều kiện cho các chi bộ thực hiện có hiệu
quả nhiệm vụ lãnh đạo sản xuất, công tác, gắn bó với nhân dân, xây dựng nông thôn mới và làm tốt công tác xây dựng Đảng.
Nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, chi, đảng bộ ở xã là điều kiện cần thiết trong sinh hoạt Đảng. Song tình trạng khá phổ biến của các đảng bộ hiện nay là: còn lúng túng trong sinh hoạt chi, đảng bộ, nội dung nghèo nàn, gò bó, hình thức, ít thiết thực, làm cho không ít đảng viên ngại sinh hoạt chi, đảng bộ. Vì vậy để nâng cao chất lượng các đảng bộ xã ở Vĩnh Long thì phải cần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi, đảng bộ phải đúng kỳ, có nội dung phong phú thiết thực và phải bảo đảm tính chất sinh hoạt Đảng.
Sinh hoạt thường lệ mỗi tháng một lần, đó là một trong những hình thức hoạt động chủ yếu của chi bộ, là khâu công tác đầu tiên tạo sự thống nhất về nhận thức, làm tiền đề hoạt động tiếp theo. Đồng thời sinh hoạt chi, đảng bộ cũng là khâu hoạt động cuối cùng để đánh giá kết quả, những mặt làm được và những tồn tại thiếu sót trong hoạt động của chi, đảng bộ, vì vậy chất lượng sinh hoạt của chi, đảng bộ quyết định sức sống, sự tồn tại của chi, đảng bộ với tư cách là hạt nhân lãnh đạo chính trị tại đơn vị. Thực tiễn đã chứng minh chi, đảng bộ đạt trong sạch vững mạnh là những chi, đảng bộ luôn bảo đảm được nề nếp sinh hoạt định kỳ, có nội dung thiết thực với hình thức phong phú. Để bảo đảm nội dung sinh hoạt thiết thực đòi hỏi phải phát huy trách nhiệm của cấp ủy trong việc lựa chọn nội dung sinh hoạt thiết thực với hình thức phong phú. Để đảm bảo sinh hoạt có nội dung thiết thực, đòi hỏi phải phát huy trách nhiệm của cấp ủy trong việc lựa chọn nội dung sinh hoạt, tránh tình trạng sinh hoạt chi, đảng bộ bàn và quyết định những nội dung thuộc chức năng nhiệm vụ của các tổ chức khác, mà bỏ sót nội dung thuộc phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của chi, đảng bộ. Căn cứ vào tình hình thực tế của đơn vị trong từng thời gian mà xác định nội dung sinh hoạt thiết thực, song cần tập trung vào những công tác trọng tâm và những vấn đề mới nảy sinh cần giải quyết ở đơn vị, trong tình hình hiện nay, nội dung sinh hoạt của chi, đảng bộ cần đi sâu quán triệt Nghị quyết Đại hội IX của Đảng và các Nghị quyết tiếp theo của cấp trên, quán triệt chủ trương CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, bàn kế hoạch thực hiện Nghị quyết, chủ trương đó cho sát hợp tình hình của cơ sở, kiểm điểm việc thực hiện nhiệm vụ và phân công công tác cho đảng viên, thực hiện tốt các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng. Cấp ủy cần thông báo trước nội dung
sinh hoạt đến từng đảng viên để đảng viên suy nghĩ tham gia ý kiến. Trong mỗi kỳ họp cấp ủy phải chọn từ một đến hai nội dung trọng tâm để giải quyết trong tháng để thảo luận và quyết nghị, không dàn đều, dài thời gian, bàn bạc những vấn đề mà đem lại kết quả không cao, hình thức sinh hoạt chi, đảng bộ cần phong phú linh hoạt, phù hợp với nội dung. Sinh hoạt đảng bộ phải bảo đảm tính chất của sinh hoạt đảng, thể hiện được tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu. Nghị quyết của Đảng bộ phải định hướng được những hoạt động của đơn vị, bảo đảm cho đơn vị phát triển đúng đắn, giải quyết kịp thời những vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn. Qua sinh hoạt chi, đảng bộ, đảng viên có thêm thông tin và kiến thức mới bổ ích, những kinh nghiệm thiết thực trong hoạt động thực tiễn, trưởng thành về mọi mặt trong công tác và thấy rõ những tồn tại khuyết điểm để có hướng sửa chữa kịp thời. Muốn bảo đảm tính chất của sinh hoạt đảng thì trong sinh hoạt chi, đảng bộ phải thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Mỗi vấn đề đưa ra thảo luận dân chủ phải thực hiện theo đúng điều lệ Đảng quy định, nhằm phát huy tính tích cực, sáng tạo của từng đảng viên, thực tế các quyền của đảng viên. Song mở rộng dân chủ phải đi liền với tăng cường sự lãnh đạo tập trung thống nhất và củng cố kỷ cương, kỷ luật Đảng. Mọi đảng viên được quyền dân chủ thảo luận trong sinh hoạt, nhưng khi nghị quyết đã thông qua thì phải tuân thủ chấp hành vô điều kiện, nói và làm bằng được theo nghị quyết của Đảng. Chống các hiện tượng gia trưởng, độc đoán, dân chủ hình thức trong sinh hoạt chi, đảng bộ.
Thực hiện nghiêm nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi, đảng bộ, vì đây là biện pháp quan trọng để nâng cao trí tuệ, giải quyết các mâu thuẫn trong nội bộ, củng cố sự đoàn kết trong chi, đảng bộ, bảo đảm tính giáo dục và tính chiến đấu trong sinh hoạt đảng. Các chi, đảng bộ xã ở Vĩnh Long đã tiến hành tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương sáu lần hai khóa VIII và đã đạt được kết quả bước đầu, song vẫn còn hạn chế theo yêu cầu đề ra. Vì vậy, cần thực hiện nghiêm túc chế độ tự phê và phê bình trong sinh hoạt chi, đảng bộ, cho đến nay vẫn là vấn đề không thể thực hiện, nhất là các chi bộ trực thuộc đảng bộ xã, nhiều đảng viên có quan hệ xóm làng, họ hàng với nhau cho nên dễ người, dễ ta. Để khắc phục tình trạng đó, các chi bộ cần phân công nhiệm vụ phù hợp cho từng đảng viên, để đảng viên xem xét bản thân mình và đồng
chí của mình, khắc phục tình trạng phê bình, tự phê bình sa vào những chuyện nhỏ nhen, bảo đảm tự phê bình và phê bình thẳng thắn trung thực, làm rõ đúng, sai, bám sát yêu cầu công tác xây dựng Đảng. Cấp ủy phải gương mẫu trong tự phê bình và phê bình và tiếp thu nghiêm túc các ý kiến đóng góp, chủ động duy trì thường xuyên tự phê bình và phê bình ở chi, đảng bộ, không để cuối năm hoặc có khuyết điểm trầm trọng mới đem ra phê bình, sẽ làm ảnh hưởng đến lòng tin của quần chúng nhân dân, đồng thời loại bỏ tình trạng trả thù người phê bình, làm mất đi sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ đảng.