đoàn thể chính trị - xã hội
- Lãnh đạo kinh tế - xã hội: sau ngày miền Nam giải phóng, kinh tế Vĩnh Long sản xuất tự cấp tự túc, manh mún, phát triển rất chậm, không đồng bộ giữa các ngành kinh tế, chủ yếu trồng lúa nước, đời sống nhân dân gặp khó khăn, phải đi làm thuê xứ khác. Nhưng từ khi thực hiện công cuộc đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đến nay, dưới sự lãnh đạo của Ban chấp hành tỉnh Đảng bộ Vĩnh Long, Ban chấp hành Đảng bộ các huyện, thị và các Đảng bộ cơ sở xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã chủ động tiếp thu khoa học kỹ thuật và áp dụng vào đời sống sản xuất, thâm canh, tăng vụ, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, quy hoạch vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi một cách hợp lý thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển (xem phụ lục 1). Qua đó cho thấy, các Đảng bộ cấp xã tỉnh Vĩnh Long đã lãnh đạo nhân dân thực hiện tốt các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, các chỉ tiêu phát triển theo hướng tăng dần. Sản lượng lương thực có tốc độ phát triển nhanh, cây lúa vẫn giữ vai trò chủ lực, năng suất bình quân đạt trên 4,4 tấn/ha/vụ. Kinh tế vườn tiếp tục phát triển, tốc độ tăng bình quân 10,41%/năm; năm 2000 vườn chuyên canh và vườn đặc sản chiếm 78% tổng diện tích, giá trị sản xuất tăng 64% so với năm 1995 và chiếm trên 36% giá trị ngành trồng trọt. Chăn nuôi gia súc, gia cầm tiếp tục tăng trưởng, bình quân tăng 8,67%/năm, bình quân lương thực đầu người 665 kg/năm. Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp tiếp tục giữ được nhịp độ tăng trưởng, giá trị sản xuất tăng bình quân hàng năm 11%, góp phần quan trọng giải quyết công ăn việc làm cho người đến tuổi lao động hàng năm từ 20.000 - 25.000 người, tăng thu nhập xã hội, cơ sở kinh tế - xã hội được tăng cường, nhất là đầu tư các mục tiêu chương trình: điện, đường, trường, trạm, nước sạch, thủy lợi... đến nay có 80% hộ dân được sử dụng điện, có 89,3% ấp xe hai bánh chạy thông suốt; có 58/94 có đường ô tô tới trung tâm; thực hiện tốt phương châm xã hội hóa giáo dục, năm 1997 đã xóa xong phòng học ca 3, năm 2000 có 99% trường phổ thông được xây dựng kiên cố và bán kiên cố; có
104/107 xã, phường, thị trấn có trạm y tế kiên cố; có trên 50% số dân trong toàn tỉnh sử dụng nước sạch cho sinh hoạt, tổng diện tích đất trồng lúa được khép kín thủy lợi lên trên 55.000 ha, chiếm 70% diện tích đất, năm 2000 tỷ lệ nhà kiên cố chiếm 15%, nhà bán kiên cố chiếm 36% và nhà khác chiếm 49%, tổng số nhà ở của tỉnh so với năm 1995 thì nhà kiên cố tăng 0,9%, nhà bán kiên cố tăng 6,5% và nhà khác giảm 7,30%. Từ đó, làm cho bộ mặt nông thôn có sự thay đổi căn bản.
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, những vấn đề bức xúc trong xã hội được giải quyết, đời sống nhân dân được ổn định và dần dần cải thiện nhiều mặt, bình quân thu nhập đầu người năm 2000 là 4,468 triệu đồng (năm 1995 là 2,700 triệu đồng); tỷ lệ tăng dân số tự nhiên còn 1,24%, giảm 0, 32% so với năm 1995; tỷ lệ hộ nghèo năm 2000 còn 4,70%, giảm 8,3% so với năm 1995, không còn hộ đói; làm tốt công tác với các đối tượng chính sách, tất cả mẹ Việt Nam anh hùng đều được các đơn vị cơ quan phụng dưỡng, vận động 5,5 tỷ đồng để xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa; xây dựng và bàn giao 2.132 ngôi nhà tình nghĩa; giáo dục đào tạo toàn tỉnh được công nhận đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục tiểu học năm 1997; đời sống văn hóa cơ sở được nâng cao, mức hưởng thụ văn hóa cao gấp 5 lần so với 5 năm trước; an ninh chính trị được giữ vững, quốc phòng được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế theo hướng toàn diện diễn ra không đồng đều giữa các xã. Tốc độ phát triển kinh tế hàng năm từ năm 1996 đến năm 2000 chỉ đạt 6,6% (chưa đạt chỉ tiêu tỉnh Đảng bộ đề ra). Hiệu quả sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, khai thác chưa hết tiềm năng sẵn có; thế mạnh kinh tế nông nghiệp phát triển chưa toàn diện, chăn nuôi, vườn cây ăn trái phát triển không đồng đều, do giá cả đầu ra không ổn định khi vào mùa thu hoạch, mô hình VAC chưa phát triển đều khắp, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng CNH, HĐH diễn ra chậm; một số vấn đề xã hội bức xúc, nhất là các tệ nạn ma túy, mại dâm, cờ bạc, rượu chè hiệu quả chưa cao, có những mặt có xu hướng gia tăng.