Ngay sau khi thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Chính phủ Trung Quốc đã tiến hành một loạt những biện pháp có hiệu quả giải quyết thành công tình trạng thất nghiệp nghiêm trọng do chính quyền Trung Quốc cũ để lại và đảm bảo cuộc sống cơ bản cho người dân. Để tăng cường phát triển kinh tế và ổn định xã hội, dần dần nâng cao mức sống và lợi ích an toàn xã hội của công dân nói chung, Chính phủ Trung Quốc đã rất cố gắng thiết lập một hệ thống an toàn xã hội vững chắc và phù hợp với kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Sau những năm tìm tòi và thực hiện, một hệ thống an toàn xã hội về cơ bản đã được thiết lập, chủ yếu bao gồm BHXH, cứu trợ xã hội, phúc lợi xã hội và trợ giúp xã hội; trong đó chính sách BHXH giữ một vai trò quan trọng.
Về cải cách hệ thống BHXH, ngày 5/7/1994, ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thông qua Luật Lao động và có hiệu lực từ 1/1/1995, trong đó có chương IX quy định về bảo hiểm và phúc lợi xã hội, gồm 7 điều. Điều 73 quy định 5 chế độ BHXH là: hưu trí, bệnh tật, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp và sinh đẻ. Luật chỉ quy định những nguyên tắc chung nhất, còn quy định cụ thể
thì giao cho chính quyền các tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc Trung ương đề ra những biện pháp thực hiện phù hợp với điều kiện của từng địa phương.
Các chế độ BHXH nói trên chỉ áp dụng ở khu vực thành thị và ở các doanh nghiệp. Đến nay, các địa phương ở Trung Quốc đã cụ thể hóa các chế độ, trong đó có hai chế độ là hưu trí (nay là dưỡng lão) và bảo hiểm thất nghiệp đã được xây dựng thành điều lệ. Các chế độ khác về cơ bản còn là các quy định tạm thời nhưng hiệu lực cũng khá cao. Về nguyên tắc, mỗi chế độ có một quỹ riêng. Nguồn quỹ gồm hai khoản: Một khoản do chủ sử dụng lao động nộp và một khoản do người lao động đóng. Riêng quỹ bảo hiểm tai nạn lao động thì do chủ doanh nghiệp đóng, người lao động không phải đóng. Chỉ khi nào mất cân đối thu, chi do các nguyên nhân bất khả kháng, Nhà nước mới hỗ trợ từ ngân sách cho các quỹ, còn bình thường các doanh nghiệp và người lao động phải tự đảm bảo. Nói chung, các quỹ đều được chia làm hai phần: Phần thứ nhất được đưa vào tài khoản cá nhân gồm toàn bộ số tiền do người lao động đóng và một phần do chủ sử dụng lao động đóng; phần thứ hai là số tiền do chủ doanh nghiệp đóng sau khi đã trích một phần đưa vào tài khoản cá nhân của người lao động, đây là phần quỹ chi chung trong những trường hợp cần thiết.
Ta có thể hiểu được hoạt động BHXH ở Trung Quốc qua một chế độ cụ thể: Chẳng hạn chế độ hưu trí (chế độ dưỡng lão). Với nguyên tắc như trên, thành phố Thượng Hải qui định như sau:
- Mức đóng vào quỹ: Hàng tháng chủ doanh nghiệp đóng 22,5% tiền lương của người lao động, người lao động đóng 6% tiền lương của mình. Như vậy, trong tài khoản riêng (tài khoản cá nhân) của mỗi người lao động có 6% do họ đóng và 5% được trích từ 22,5% do chủ doanh nghiệp đóng, tất cả là 11%. Khoản sử dụng chung còn lại là 17,5% (22,5% - 5%). Người lao động khi về hưu hàng tháng được hưởng như sau: 20% mức lương trung bình trong cả thời gian làm việc, cộng với 1/120 số tiền có trong tài khoản cá nhân (dự kiến người về hưu hưởng trung bình khoảng 10 năm, tức 120 tháng). Nếu những người "tiếp nối" giữa hai chế độ (trước cải cách và từ cải cách trở đi) thì cộng thêm phần quá độ, vì chế độ hiện hành mới có từ sau năm 1992 trở lại đây. Trường hợp người về hưu chết, nhưng tiền trong tài khoản cá nhân vẫn còn, thì vợ, chồng, con
cái (người thừa kế) được hưởng; nghĩa là, tiền còn trong tài khoản cá nhân, thì họ và gia đình họ sẽ được hưởng hết.
Sau nhiều năm thực hiện chương trình Bảo hiểm tuổi già (hưu trí), ở Trưng Quốc, các cán bộ, công nhân viên chức tham gia đã tăng từ 86,7 triệu người vào năm 1977 đến 108,02 triệu người vào năm 2001. Vì vậy, con số những người được nhận lương hưu cơ bản cũng tăng lên từ 25,33 triệu đến 33,81 triệu, với mức lương hưu cơ bản trung bình hàng tháng của từng người tăng từ 430 tệ lên 556 tệ (khoảng 950.000 Việt Nam đồng) vào các năm tương ứng.
Từ năm 1991, Trung Quốc bắt đầu triển khai hệ thống bảo hiểm tuổi già ở một số vùng nông thôn, với nguyên tắc cơ bản là tiền đóng BHXH chủ yếu do người lao động phải tự đóng, ngoài ra được phụ thêm bằng quỹ vốn chung của tập thể và được hỗ trợ bởi các chính sách khác của Chính phủ. Tuổi nghỉ hưu ở Trung Quốc tương tự ở
nước ta, nam đủ 60 tuổi, nữ đủ
55 tuổi; riêng công nhân thì nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi.
- Về tổ chức quản lý hoạt động BHXH, từ năm 1990 các chế độ BHXH bị phân tán và do nhiều cơ quan của Chính phủ đảm nhiệm, chỉ từ năm 1998 trở lại đây mới thành lập Bộ Lao động và An sinh xã hội để quản lý chế độ, chính sách BHXH, còn việc thực hiện cụ thể lại do từng địa phương thực hiện.
Qua kinh nghiệm thực tiễn hoạt động BHXH ở Cộng hòa Liên bang Đức, Thái Lan và Trung Quốc, có thể rút ra một số nhận xét sau:
- Các nước luôn cố gắng thực hiện ngày càng nhiều và tốt hơn các chế độ BHXH nhằm đáp ứng những yêu cầu thiết yếu của người lao động khi gặp rủi ro, bị giảm hoặc mất thu nhập.
- Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội khác nhau, các nước có những quy định cụ thể khác nhau về mức đóng, điều kiện được hưởng và mức hưởng.
- Tổ chức quản lý hoạt động BHXH ở các nước khác nhau cũng khác nhau, không có mô hình chung cả các nước; thông thường mỗi chế độ BHXH đều do một tổ chức thực hiện, ít có tổ chức thực hiện cùng một lúc nhiều chế độ khác nhau.
- Riêng đối với Trung Quốc, mặc dù mới chỉ áp dụng một số chế độ BHXH ở khu vực thành thị và các doanh nghiệp, nhưng chính sách BHXH của họ đã thể hiện rõ một số mặt tích cực sau:
+ Đối với người lao động từ khi bắt đầu đi làm cho đến một thời gian nào đó, họ hoàn toàn có thể biết được mình có bao nhiêu tiền trong tài khoản cá nhân của họ về BHXH. Số tiền đó dù trước, dù sau (nhất là trong tài khoản dưỡng lão) họ hoàn toàn được hưởng, nên tự họ có sự điều chỉnh, sử dụng thế nào cho nó có hiệu quả nhất, do đó cơ bản tránh được tình trạng phân bì người đóng ít hưởng nhiều, đóng nhiều hưởng ít hoặc không hưởng. Người lao động biết được, ngoài số tiền do họ đóng thuộc sở hữu cá nhân của họ, họ còn được hưởng một phần từ đơn vị sử dụng lao động và từ quỹ chung, nên họ hăng say làm việc và đóng góp, hiện tượng chậm nộp hoặc trốn tránh nghĩa vụ đóng BHXH là rất hãn hữu.
+ Về chi trả, vì mỗi người đã có một tài khoản cá nhân, nên khi đủ các điều kiện để được hưởng BHXH, họ chỉ việc đến Ngân hàng hoặc Bưu điện để nhận tiền. Nói cách khác, ngân hàng và bưu điện chịu trách nhiệm chi trả các khoản BHXH, không cần đến một hệ thống chi trả đông người, nhiều biên chế, khó bảo đảm an toàn tiền mặt.
+ Mặc dù giao quyền trực tiếp cho các địa phương chủ động thực hiện chính sách BHXH, nhưng Nhà nước vẫn có vai trò rất quan trọng trong quản lý hoạt động BHXH, thông qua việc định hướng, xây dựng pháp luật, chính sách, khi cần thiết mới hỗ trợ từ Ngân sách cho các quỹ. Đồng thời, thực hiện nghiêm ngặt việc thanh tra, kiểm tra.
Với cách quy định mức nộp, mức hưởng, tài khoản cá nhân, quỹ sử dụng chung như đã trình bày, Nhà nước, chủ doanh nghiệp và người lao động đều thấy khá rõ phần nào thuộc về ai, nên đã cơ bản khắc phục được tình trạng sử dụng sai mục đích, lẫn lộn giữa các quỹ của chế độ này sang quỹ của chế độ khác, hoặc bị thất thoát.
Chương 2
Thực trạng pháp luật
về quản lý Thu, Chi Bảo hiểm xã hội