LỰA CHỌN CÔNG SUẤT

Một phần của tài liệu Giáo trình Quản trị dự án đầu tư (Trang 40 - 43)

Phân tích lựa chọn công suất nhằm dự trù khả năng sản xuất của dự án và là cơ sở để lựa chọn công nghệ, trang thiết bị.

a. Công suất lý thuyế.t

Là công suất lớn nhất mà dự án có thể đạt đến trong điều kiện sản xuất với các tiêu chuẩn lý thuyết: máy móc thiết bị làm việc 24h/ngày và 365 ngày/năm.

Công suất lý thuyết chỉ được dùng làm cơ sở xác định công suất thực tế của dự án.

b. Công suất thiết kế.

Là công suất mà dự án có thể đạt được trong điều kiện sản xuất bình thường, phù hợp với yêu cầu sản xuất như nguyên nhiên vật liệu đầu vào được cung cấp đầy đủ, đồng bộ, các yếu tố hỗ trợ cho sản xuất đảm bảo hoàn chỉnh, thời gian hoạt động bình thường, theo đúng quy trình công nghệ, không bị gián đoạn vì bất cứ lý do gì.

Công suất thiết kế trong năm của dự án được tính theo công thức:

W = w . T . n . N

W: Công suất thiết kế một năm.

w: Công suất thiết kế một giờ của máy móc thiết bị chính.

T: Thời gian hoạt động của thiết bị trong một ca, thường là 8 giờ trừ một số ngành nghề lao động nặng nhọc, độc hại…

n: Số ca làm việc trong một ngày (3 ca/ngày hoặc tuỳ theo dự kiến trong dự án). N: Số ngày làm việc trong một năm (quy ước là 300 ngày trong một năm).

c. Công suất thực tế.

Là công suất mà dự án đạt được trong điều kiện sản xuất thực tế, nghĩa là trong quá trình sản xuất có thể nảy sinh những vấn đề ngoài dự kiến như các đầu vào không được đảm bảo liên tục và đồng bộ, máy móc bị hư hỏng đột xuất, sự cố cúp điện, sự cố trong an toàn lao động,…

Thường trong khi lập dự án, người ta xác định công suất thực tế như sau:

- Năm thứ nhất: khoảng 50 đến 55% công suất thiết kế.

- Năm thứ hai: khoảng 70 đến 75% công suất thiết kế.

- Từ năm thứ ba trở đi: khoảng 90 đến 95% công suất thiết kế.

d. Công suất tối thiểu (công suất hòa vốn).

Công suất tối thiểu là công suất ứng với điểm hòa vốn. Không thể hoạt động dưới công suất hòa vốn vì như vậy dự án sẽ bị lỗ .

2. Lựa chọn công suất của dự án.

a. Căn cứ lựa chọn công suất.

Công suất của dự án được lựa chọn như thế nào tùy thuộc vào các yếu tố sau đây:

- Nhu cầu của thị trường đối với sản phẩm của dự án và khả năng chiếm lĩnh thị trường (thị phần của dự án).

- Khả năng đảm bảo các yếu tố đầu vào, đặc biệt là các loại nguyên vật liệu phải nhập khẩu hoặc phải tạo nguồn trong một thời gian dài.

- Khả năng mua được máy móc thiết bị có công suất phù hợp.

- Năng lực tổ chức, điều hành sản xuất, trình độ tay nghề của người lao động.

Khi các yếu tố về thị trường, về nguồn cung cấp các đầu vào có khả năng xảy ra các biến động, rủi ro hoặc không xác định được chính xác; hay khi có sự hạn chế về vốn đầu tư, về khả năng điều hành, khả năng sản xuất… người ta thường áp dụng phương pháp phân kỳ đầu tư: chia quá trình đầu tư thành nhiều giai đoạn và nâng dần công suất cho đến khi đạt công suất yêu cầu. Phương pháp phân kỳ đầu tư có những ưu điểm sau:

- Không phải bỏ vốn đầu tư một lúc quá lớn.

- Các yếu tố đầu vào, đầu ra được ổn định dần qua từng giai đoạn.

- Bộ máy điều hành cũng dần thích nghi; công nhân sản xuất được rèn luyện, đào tạo.

- Hạn chế được tổn thất khi có những biến động đột xuất bất lợi.

Do những ưu điểm trên nên phương pháp này được áp dụng rộng rãi hiện nay. Việc phân kỳ, chia ra bao nhiêu giai đoạn và mỗi giai đoạn đầu tư dài hay ngắn tuỳ thuộc từng dự án cụ thể. Thông thường người ta phân kỳ đầu tư thành 2 hoặc 3 giai đoạn, nếu phân ra quá nhiều giai đoạn sẽ gây khó khăn cho việc tổ chức thực hiện.

b. Trình tự xác định công suất của dự án bao gồm các bước sau đây.

- Thông qua việc xác định nhu cầu thị trường và thị phần mà dự án sẽ chiếm lĩnh, chúng ta xác định công suất bình thường có thể của dự án, đây chính là số sản phẩm dự án cần sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường. Chẳng hạn, một dự án sản xuất nước khoáng sau khi nghiên cứu thị trường đã xác định được nhu cầu thị trường là 43.800.000 lít một năm, trong đó phần thị trường mà dự án dự kiến chiếm lĩnh là 20%. Vậy công suất bình thường có thể của dự án này là:

43.800.000 lít x 20% = 8.760.000 lít/năm

Một năm có 8760 giờ, do đó công suất bình thường có thể của dự án là: 8.760.000 lít/năm

8760 giờ/năm = 1.000 lít/giờ

- Xác định công suất tối đa danh nghĩa. Công suất tối đa danh nghĩa bằng công suất bình thường có thể của dự án cộng thêm với số sản phẩm cần thiết để bù vào phần hao hụt, tổn thất trong quá trình sản xuất, lưu kho, vận chuyển và bốc dỡ.

Trong ví dụ trên chẳng hạn đã xác định được tỷ lệ hao hụt trong quá trình sản xuất và lưu kho là 5%, tỷ lệ hao hụt trong vận chuyển là 8% và trong bốc dỡ là 4% thì chúng ta có công suất tối đa danh nghĩa được tính như sau:

8.760.000 lít/năm (100% - 4%) = 9.125.000 lít/năm 9.125.000 lít/năm (100% - 8%) = 9.918.478 lít/năm 9.918.478 lít/năm (100% - 5%) = 10.440.503 lít/năm Sản lượng 10.440.503 lít/năm chính là công suất tối đa danh nghĩa.

- Xác định công suất sản xuất của dự án. Đây là lượng sản phẩm mà dự án cần sản xuất trong một giờ (hoặc một ca) để đảm bảo công suất tối đa danh nghĩa đồng thời có tính đên thời gian và chế độ làm việc của lao động, của máy móc thiết bị.

Trong ví dụ trên, giả sử dự án làm việc 250 ngày/năm, mỗi ngày làm 2 ca, mỗi ca 8 giờ, thì mỗi giờ cần sản xuất:

10.440.503 lít/năm

250 x 2 x 8 = 2.610 lít/giờ

Nếu thời gian nghỉ giữa ca không theo quy định là 5% thì mỗi giờ phải sản xuất: 2.610 lít/giờ

(100% - 5%) = 2.748 lít/giờ

Sản lượng 2.748 lít/giờ là công suất sản xuất của dự án. Đây là căn cứ để xác định công suất của máy móc thiết bị chính (theo công suất thiết kế một giờ của máy móc thiết bị).

Một phần của tài liệu Giáo trình Quản trị dự án đầu tư (Trang 40 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(154 trang)