Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển thị trường tài chính. Điều này một mặt xuất phát từ chức năng quản lý nền kinh tế của Nhà nước, mặt khác xuất phát từ yêu cầu đảm bảo cho thị trường tài chính vận hành an toàn và có hiệu quả.
1. Nhà nước tạo khuôn khổ pháp lý cho sự ra đời và hoạt động của thị trường đồng thời thực hiện giám sát đối với hoạt động của thị trường tài chính đồng thời thực hiện giám sát đối với hoạt động của thị trường tài chính
- Nhà nước xây dựng, ban hành hệ thống luật pháp tạo khuôn khổ pháp lý cho sự ra đời hoạt động của thị trường tài chính như quy chế pháp lý đối với các chủ thể tham gia thị trường, quy chế pháp lý về việc phát hành, mua bán các chứng khoán, quy chế về tổ chức phát hành... Đây chính là cơ sở pháp lý điều chỉnh các hành vi của người phát hành, người đầu tư và các tổ chức trung gian tài chính, giải quyết các tranh chấp và xử lý các vi phạm trong hoạt động của thị trường tài chính.
- Nhà nước cũng thông qua hệ thống pháp luật đã ban hành và các cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng quản lý giám sát thị trường để quản lý, giám sát, điều chỉnh sự hoạt động của thị trường tài chính. Cơ quan chuyên trách quản lý giám sát thị trường tài chính ở Việt nam là Uỷ ban chứng khoán Nhà nước.
2. Nhà nước tạo ra môi trường kinh tế cho sự hình thành và phát triển của thị trường tài chính trường tài chính
- Thông qua cơ chế và chính sách quản lý kinh tế, tài chính của mình, Nhà nước tạo ra cơ cấu kinh tế hợp lý với tốc độ tăng trưởng ổn định, kiểm soát được lạm phát, ổn định thị trường và giá cả. Đây là tiền đề cần thiết cho thị trường tài chính hoạt động.
Ví dụ:
+ Nhà nước có chính sách khuyến khích phát triển nền kinh tế nhiều thành phần; chính sách mở cửa nền kinh tế, đa dạng hoá, đa phương hoá các quan hệ kinh tế đối ngoại, từ đó thúc đẩy kinh tế hàng hoá phát triển, đảm bảo lưu thông tiền tệ ổn định tạo điều kiện cho thị trường tài chính hình thành và phát triển.
+ Chính sách thuế được áp dụng thống nhất, không phân biệt thành phần kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, tận dụng mọi thế mạnh của các thành phần kinh tế phục vụ cho sự phát triển của nền kinh tế.
- Bằng các chính sách thuế, lãi suất, tiền tệ... phù hợp có tác dụng thúc đẩy tăng cường tiết kiệm, khuyến khích đầu tư dưới nhiều hình thức đa dạng và phong phú. Điều này làm xuất hiện nhu cầu về vốn cũng như tăng khả năng cung ứng vốn trong nền kinh tế, thúc đẩy sự phát triển các hình thức huy động vốn bằng nhiều công cụ tài chính khác nhau, tạo ra hàng hoá cho thị trường tài chính hoạt động.
Ví dụ:
+ Việc tăng thuế suất đối với tiêu dùng và giảm thuế suất đối với hoạt động đầu tư sẽ tác động đến cung cầu nguồn tài chính trên thị trường.
+ Chính sách lãi suất tiền gửi thích hợp sẽ khuyến khích dân chúng tiết kiệm và đầu tư làm tăng khả năng cung ứng nguồn tài chính và nhu cầu hoạt động nguồn tài chính trong nền kinh tế.
+ Chính sách tài chính nhằm tận dụng nguồn tài chính và sử dụng các nguồn tài chính tiết kiệm, có hiệu quả cùng với các biện pháp huy động nguồn vay để bù đắp bội chi NSNN vừa góp phần kiềm chế lạm phát, vừa góp phần tạo công cụ cho thị trường tài chính.
- Nhà nước còn định hướng cho sự phát triển của thị trường tài chính thông qua việc vạch ra chính sách phát triển dài hạn cho thị trường. Bên cạnh đó Nhà nước còn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng những cơ sở vật chất cho thị trường, tạo ra hệ thống máy móc thiết bị, trụ sở làm việc, nơi giao dịch của thị trường tài chính tập trung.
3. Nhà nước đào tạo con người cung cấp cho thị trường tài chính
Cơ chế hoạt động của thị trường tài chính rất phức tạp, đòi hỏi một đội ngũ những người làm công tác quản lý, kinh doanh, môi giới...trên thị trường phải có kiến thức tương đối toàn diện cả về kinh tế, thương mại, luật pháp, ngoại ngữ, tin học và am hiểu thực hành. Việc tổ chức đào tạo con người là hết sức cần thiết, đòi hỏi phải tốn nhiều thời gian, công sức cũng như chi phí lớn với một kế hoạch đào tạo thật chặt chẽ và khoa học. Để đáp ứng nhu cầu đó, Nhà nước là người trực tiếp xác định nội dung, chương trình đào tạo theo một kế hoạch thống nhất và cần thiết phải bố trí một phần kinh phí quan trọng từ NSNN.
C. TÓM TẮT CHƯƠNG
1. Thị trường tài chính là thị trường mà ở đó diễn ra các hoạt động trao đổi mua bán quyền sử dụng các nguồn tài chính thông qua những phương thức giao dịch và công cụ tài chính nhất định. Thị trường tài chính là một loại thị trường đặc biệt nên đối tượng mua bán trên thị trường tài chính là một loại hàng hoá đặc biệt: đó là quyền sử dụng vốn ngắn hạn và dài hạn. Giá cả của quan hệ mua bán trên thị trường tài chính chính là số lợi tức mà người mua quyền sử dụng nguồn tài chính trả cho người bán quyền sử dụng nguồn tài chính. Các công cụ chủ yếu được sử dụng trên thị trường tài chính là các chứng khoán. Chứng khoán được có nhiều loại theo các cách phân loại khác nhau: phân loại theo kỳ hạn huy động vốn, phân loại theo chủ thể phát hành, phân loại theo hình thức chứng khoán, phân loại theo lợi ích chứng khoán, phân loại theo tính chất người phát hành, phân loại theo tính chất chứng khoán.
2. Thị trường tài chính có nhiều loại khác nhau dựa trên các cách phân loại khác nhau: căn cứ theo phương thức huy động nguồn tài chính, căn cứ vào sự luân chuyển các nguồn tài chính, căn cứ vào tính chất pháp lý, căn cứ vào thời hạn sử dụng nguồn tài chính huy động được.
3. Thị trường tài chính có vai trò quan trọng trong việc thu hút, huy động các nguồn tài chính nhàn rỗi trong xã hội góp phần tài trợ cho nhu cầu phát triển kinh tê - xã hội. Thị trường tài chính thúc đẩy nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn tài chính trong xã hội, tạo điều kiện thuận lợi dễ dàng cho việc luân chuyển vốn và di chuyển vốn từ lĩnh vực kinh doanh kém hiệu quả sang lĩnh vực kinh doanh có hiệu quả. Thị trường tài chính đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện chính sách tài chính - tiền tệ của Nhà nước trong việc điều hoà các hoạt động kinh tê - xã hội.Thị trường tài chính góp phần tạo điều kiện thuận lợi thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Việc hình thành và phát triển thị trường tài chính đòi hỏi phải có các điều kiện nhất định.
4. Thị trường tiền tệ là một bộ phận của thị trường tài chính được chuyên môn hóa đối với các nguồn tài chính được trao quyền sử dụng ngắn hạn. Đối tượng của thị trường tiền tệ là quyền sử dụng các nguồn tài chính có thời hạn sử dụng ngắn. Trên thị trường tiền tệ có nhiều công cụ khác nhau. Thị trường tiền tệ bao gồm các bộ phận sau: Thị trường cho vay ngắn hạn trực tiếp, Thị trường hối đoái giao dịch các loại ngoại tệ, Thị trường liên ngân hàng, Thị trường chứng khoán ngắn hạn.
5. Thị trường vốn là một bộ phận của thị trường tài chính được chuyên môn hóa đối với các nguồn tài chính được trao quyền sử dụng trung và dài hạn. Đối tượng của thị trường vốn là quyền sử dụng các nguồn tài chính trung và dài hạn. Công cụ của thị trường vốn là các chứng khoán trung và dài hạn như cổ phiếu, trái phiếu dài hạn, chứng chỉ đầu tư,… Thị trường vốn bao gồm các bộ phận sau: Thị trường cho vay dài hạn, Thị trường tín dụng thuê mua (Thị trường cho thuê tài chính), Thị trường chứng khoán trung và dài hạn.
6. Thị trường chứng khoán bao gồm thị trường chứng khoán sơ cấp và thị trường chứng khoán thứ cấp.Thị trường chứng khoán sơ cấp là thị trường phát hành các loại chứng khoán, cho phép các chủ thể kinh tế có thể tiếp nhận được các nguồn tài chính bằng việc phát hành các chứng khoán mới. Thị trường chứng khoán thứ cấp là thị trường lưu thông, thị trường mua đi bán lại các chứng khoán đã được phát hành trên thị trường chứng khoán sơ cấp, làm thay đổi quyền sở hữu chứng khoán. Thị trường chứng khoán sơ cấp và thị trường chứng khoán thứ cấp có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.
7. Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển thị trường tài chính. Nhà nước tạo khuôn khổ pháp lý cho sự ra đời và hoạt động của thị trường đồng thời thực hiện giám sát đối với hoạt động của thị trường tài chính. Nhà nước tạo ra môi trường kinh tế cho sự hình thành và phát triển của thị trường tài chính. Nhà nước đào tạo con người cung cấp cho thị trường tài chính.