Công ty bảo hiểm

Một phần của tài liệu Hệ thống tài chính nước ta hiện nay (Trang 63 - 67)

II. Một số định chế tài chính trung gian chủ yếu trong nền kinh tế 1 Ngân hàng thương mạ

4. Công ty bảo hiểm

Công ty bảo hiểm là một định chế tài chính trung gian thực hiện việc huy động vốn bằng cách bán các hợp đồng bảo hiểm, đồng thời sử dụng vốn vào các hoạt động đầu tư, bù đắp cho người mua bảo hiểm khi có rủi ro xảy ra theo các điều khoản ký kết trong hợp đồng bảo hiểm. Các hợp đồng bảo hiểm có thể do các công ty bảo hiểm nhân thọ hoặc công ty bảo hiểm phi nhân thọ cung cấp.

Công ty bảo hiểm thực hiện trung gian tài chính bằng cách sử dụng phí bảo hiểm đã thu được thông qua việc bán các hợp đồng bảo hiểm để đầu tư kinh doanh sinh lời. Từ kết quả hoạt động đầu tư, công ty bảo hiểm sử dụng thanh toán cho các khoản tổn thất do rủi ro bất ngờ trong phạm vi được quy định trong hợp đồng bảo hiểm.

- Các loại hình bảo hiểm

* Căn cứ theo đối tượng bảo hiểm:

+ Bảo hiểm tài sản: là loại hình bảo hiểm có đối tượng bảo hiểm là giá trị tài sản. Các nghiệp vụ bảo hiểm tài sản phổ biến hiện nay như:

- Bảo hiểm hàng hoá xuất nhập khẩu. - Bảo hiểm thân tàu, thuyền, ô tô... - Bảo hiểm cháy...

+ Bảo hiểm con người: là bảo hiểm toàn bộ thân thể của người được bảo hiểm. Đối tượng bảo hiểm là đời sống sức khoẻ, tính mạng, khả năng lao động của con người. Các nghiệp vụ bảo hiểm con người phổ biến hiện nay:

- Bảo hiểm nhân thọ.

- Bảo hiểm tai nạn chết người và mất khả năng lao động. - Bảo hiểm tai nạn cá nhân bất ngờ.

- Bảo hiểm trẻ em. - Bảo hiểm hành khách...

+ Bảo hiểm trách nhiệm dân sự: là hình thức bảo hiểm có đối tượng bảo hiểm là trách nhiệm dân sự. Các nghiệp vụ bảo hiểm trách nhiệm dân sự phổ biến hiện nay:

- Bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ tàu. - Bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới. - Bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ doanh nghiệp... * Căn cứ theo phương thức hoạt động:

+ Bảo hiểm tự nguyện: là bảo hiểm theo ý muốn của người tham gia bảo hiểm được thực hiện trên cơ sở hợp đồng ký kết tự nguyện giữa người tham gia bảo hiểm với công ty bảo hiểm. Người tham gia bảo hiểm có quyền lựa chọn loại hình bảo hiểm, lựa chọn nhà bảo hiểm hoặc không tham gia bảo hiểm. Nguyên tắc tham gia bảo hiểm tự nguyện là mỗi thể nhân hay pháp nhân muốn tham gia loại hình hoạt động nào thì mua phí bảo hiểm của hoạt động đó. Bảo hiểm tự nguyện có hiệu lực trong phạm vi và thời gian theo hợp đồng bảo hiểm đa ký kết, sau khi đã đóng phí bảo hiểm.

+ Bảo hiểm bắt buộc: là loại bảo hiểm do pháp luật quy định tổ chức, cá nhân phải tham gia bảo hiểm, điều kiện, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu mà bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ thực hiện.

Bảo hiểm bắt buộc chỉ áp dụng đối với một số loại bảo hiểm nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng và an toàn xã hội như bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của tổ chức luật sư, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm...

- Nguồn vốn hoạt động của công ty bảo hiểm

* Nguồn vốn tự có

Công ty bảo hiểm có thể là công ty Nhà nước, công ty cổ phần, công ty liên doanh, chi nhánh của tổ chức bảo hiểm nước ngoài, công ty 100% vốn nước ngoài hay tổ chức môi giới bảo hiểm. Mỗi loại hình doanh nghiệp có thể có các cách thức khác nhau để huy động nguồn vốn ban đầu của mình.

Muốn được phép hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bảo hiểm thì phải đảm bảo mức vốn pháp định cần thiết. Doanh nghiệp bảo hiểm có thể quy định mức vốn điều lệ cao hơn mức vốn pháp định. Trong quá trình hoạt động, vốn của doanh nghiệp có thể được bổ sung thêm từ kết quả hoạt động kinh doanh mang lại.

* Doanh thu và thu nhập

Doanh thu của công ty bảo hiểm là toàn bộ số tiền công ty bảo hiểm thu được trong một giai đoạn kinh doanh nhất định, thường là một năm.

+ Doanh thu bao gồm:

- Thu kinh doanh bảo hiểm như doanh thu của các nghiệp vụ bảo hiểm gốc, thu từ hợp đồng nhận tái bảo hiểm.

- Thu từ hợp đồng nhượng tái bảo hiểm.

+ Doanh thu có ý nghĩa quan trọng đối với các công ty bảo hiểm:

Thông thường, lượng vốn ban đầu nhiều hay ít chỉ là tiền đề hoạt động của công ty. Doanh thu mới là yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển của công ty bảo hiểm. Doanh thu càng lớn chứng tỏ số lượng khách hàng càng lớn, đảm bảo nguyên tắc “ lấy số đông bù số ít” của hoạt động bảo hiểm và là cơ sở để giàn trải, san sẻ rủi ro.

Ngoài ra, còn có thu từ hoạt động đầu tư là nhân tố quan trọng làm gia tăng lợi nhuận của doanh nghiệp bảo hiểm ngoài phần thu nhập từ hoạt động bảo hiểm. Trong nền kinh tế thị trường, bảo hiểm là nhà đầu tư quan trọng, một công ty tài chính thực thụ, một tụ điểm tài chính quan trọng giữ tài sản lớn của xã hội.

Nguồn thu này bao gồm các khoản lãi tiền gửi ngân hàng, thu từ lợi tức cổ phần, lãi từ đầu tư trái phiếu, cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, thu từ kinh doanh tiền tệ, bất động sản... Nguồn thu này có tác dụng to lớn trong việc bảo toàn và phát triển vốn để bổ sung, tăng cường quỹ bồi thường; đồng thời có điều kiện để giảm phí bảo hiểm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường bảo hiểm trong và ngoài nước.

Ngoài các nguồn thu trên còn có các khoản khác cấu thành trong cơ cấu thu nhập của công ty bảo hiểm như thu từ dịch vụ giám định, xét bồi thường...

- Hoạt động sử dụng vốn của công ty bảo hiểm: + Bồi thường tổn thất và trả tiền bảo hiểm Chi trả của các nhà bảo hiểm thường là:

• Trả tiền bảo hiểm trong các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ khi đến hạn hợp đồng hoặc khi sự cố bảo hiểm xảy ra. Số tiền chi trả cũng như các nghiệp vụ phát sinh của các bên được quy định trước trong hợp đồng.

• Trả tiền bảo hiểm trong bảo hiểm tai nạn, bệnh tật, ốm đau cần phải khám chữa, điều trị, phẫu thuật. Số tiền chi trả có thể được xác định trên cơ sở chi phí thực tế phát sinh có tính đến chế độ bảo trợ xã hội hoặc trên cơ sở số tiền bảo hiểm đã được ấn định trên hợp đồng.

• Trả tiền bồi thường tổn thất trong các hợp đồng bảo hiểm thiệt hại khi các rủi ro xảy ra. Người được bảo hiểm chỉ được bồi thường hoặc được trả tiền bảo hiểm khi đã thanh toán phí và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của hợp đồng đã ký kết.

Ngoài phần chi bồi thường, các công ty bảo hiểm còn phải thực hiện các nội dung chi phí kinh doanh khác như chi hoàn phí bảo hiểm gốc, chi lương, dịch vụ mua ngoài, đề phòng hạn chế tổn thất, chi hoa hồng, chi đại lý, giám định...

+ Hoạt động đầu tư vốn của công ty bảo hiểm

Công tybảo hiểm được phép sử dụng các nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi của mình để tham gia vào các hoạt động đầu tư.

Để đảm bảo quyền lợi cho những người được bảo hiểm, các công ty bảo hiểm khi đầu tư phải thực hiện các cam kết của mình bằng các tài sản Có thể hiện trên bảng tổng kết tài sản. Khi sử dụng quỹ của những người được bảo hiểm, các công ty bảo hiểm bắt buộc phải tuân theo những nguyên tắc nhất định để đảm bảo sự an toàn, sự sinh lời và tính thanh khoản của các khoản vốn đầu tư:

• An toàn về mặt tài chính để thực hiện chắc chắn những cam kết của công ty bảo hiểm đối với những người được bảo hiểm.

• Sinh lời nhằm bảo đảm nguyên tắc hạch toán trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm của các công ty bảo hiểm và tạo điều kiện giảm phí bảo hiểm đối với người tham gia bảo hiểm.

• Khả năng thanh toán để công ty bảo hiểm có thể thanh toán các khoản bồi thường tổn thất cho các chủ nợ vào bất kỳ thời điểm nào.

Chính vì lý do này mà Nhà nước quy định danh mục các hoạt động mà công ty bảo hiểm có thể đầu tư và tỷ lệ đầu tư cho mỗi loại.

Các lĩnh vực đầu tư chủ yếu:

• Các giá trị bất động sản: như nhà cửa, đất đai,... Hình thức đầu tư này có thể là chắc chắn và sinh lời nhưng tính thanh khoản lại rất thấp.

• Các giá trị động sản: chủ yếu là trái phiếu và cổ phiếu.

• Các khoản cho vay và tiền gửi: các khoản cho vay thông qua việc cấp tín dụng, hay mua trực tiếp các trái phiếu, tín phiếu kho bạc của Nhà nước, của các cấp chính quyền Nhà nước, của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, các khoản tiền gửi trong các ngân hàng, các tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc nhà nước để thu lãi. Đây là hình thức có tính thanh khoản cao và chắc chắn, tuy nhiên độ sinh lời thấp.

• Chỉ đầu tư nguồn vốn từ các khoản dự phòng nghiệp vụ theo các danh mục do Nhà nước quy định.

• Nguyên tắc phân chia rủi ro trong đầu tư: các khoản đầu tư từ phần vốn nhàn rỗi của các công ty bảo hiểm không được vượt quá mức trần Nhà nước quy định đối với một số loại hình đầu tư. Tỷ lệ bắt buộc theo quy định được xác định căn cứ vào số tiền cam kết đối với người được bảo hiểm của công ty bảo hiểm ( dự phòng nghiệp vụ) được thể hiện trên tài sản Có của bảng tổng kết tài sản.

• Nguyên tắc phân tán rủi ro: các công ty bảo hiểm phải phân tán rủi ro trong đầu tư của họ. Việc đầu tư của công ty bảo hiểm dưới mọi hình thức động sản hay bất động sản vào trong một doanh nghiệp, một tổ chức kinh tế nào đó không được vượt quá tỷ lệ phần trăm nhất định trên tổng giá trị tài sản Có của mình.

Ngoài ra theo quy định của nhà nước, trong quá trình hoạt động, các công ty bảo hiểm phải trích lập các quỹ dự phòng nghiệp vụ, quỹ dự trữ bắt buộc, nộp thuế… Có thể hiểu:

Ký quỹ

Công ty bảo hiểm phải thực hiện ký quỹ tại ngân hàng và hưởng lãi trên số tiền đó. Trong trường hợp khó khăn về khả năng thanh toán, công ty bảo hiểm được tạm thời sử dụng tiền ký quỹ và phải bổ sung chúng trong vòng 90 ngày kể từ ngày sử dụng. Đây là phương tiện quan trọng để Nhà nước kiểm tra khả năng thanh toán của công ty để thực hiện các cam kết của mình đối với người được bảo hiểm.

Dự phòng nghiệp vụ

Hợp đồng bảo hiểm là một hợp đồng song phương, trong đó người được bảo hiểm và công ty bảo hiểm phải có nghĩa vụ qua lại. Người được bảo hiểm phải trả phí bảo hiểm và công ty bảo hiểm cam kết bồi thường khi có thiệt hại quy định trong hợp đồng xảy ra. Vì vậy, các công ty bảo hiểm phải lập quỹ dự phòng nghiệp vụ nhằm thực hiện các cam kết của mình đối với người được bảo hiểm và người được hưởng hợp đồng bảo hiểm. Tuy nhiên, mức độ bồi thường thường là không biết được chính xác mà phải qua đánh giá mang tính chất ước đoán. Trong trường hợp việc ước tính thiếu chính xác thì công ty bảo hiểm phải sử dụng ngay các khoản phí thu giành để bồi thường cho những tổn thất trong tương lai để bồi thường cho những tổn thất từ những năm trước.

Các quỹ dự phòng phải lập là dự phòng rủi ro tổn thất phải trả, dự phòng rủi ro tăng lên, dự phòng cam kết chia lời, dự phòng giảm giá tài sản hiện có...

Quỹ dự trữ bắt buộc

Các công ty bảo hiểm và môi giới bảo hiểm phải trích một tỷ lệ phần trăm nhất định trên lãi ròng hàng năm để lập quỹ dự trữ bắt buộc. Nó đảm bảo bổ sung cho các quỹ dự phòng trong trường hợp các quỹ dự phòng lập không đủ và nó làm tăng quy mô vốn của công ty.

Nộp thuế

*Thuế giá trị gia tăng

Tính cho các đối tượng phát sinh doanh thu như tính trên các khoản phí bảo hiểm gốc, phí nhận tái bảo hiểm, từ kinh doanh bất động sản, từ hoạt động cho vay; từ giám định, xét bồi thường và các hoạt động kinh doanh khác.

Các dịch vụ bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm học sinh, bảo hiểm con người, bảo hiểm vật nuôi, cây trồng và các dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp khác không thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng.

*Thuế thu nhập doanh nghiệp: tính trên các khoản lợi tức thu được từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm, hoạt động đầu tư và các hoạt động khác. Thu nhập chịu thuế được xác định:

Thu nhập = Doanh thu hoạt động - Chi phí hợp lý của + Thu nhập chịu thuế kinh doanh bảo hiểm hoạt động KDBH chịu thuế khác

Ngoài ra, các công ty bảo hiểm còn phải nộp các loại thu khác trong phạm vi hoạt động của mình cho NSNN như lệ phí môn bài, thuế nhà đất, thu sử dụng vốn NSNN ( nếu có)...

Một phần của tài liệu Hệ thống tài chính nước ta hiện nay (Trang 63 - 67)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(106 trang)
w