II. Những nội dung chủ yếu của hoạt động TCDN
3. Nguồn vốn kinh doanh
3.1. Căn cứ vào nguồn hình thành vốn
Để tiến hành sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp cần có vốn: vốn đầu tư ban đầu và vốn bổ sung để mở rộng sản xuất kinh doanh. Đối với một doanh nghiệp, vốn đầu tư được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau:
3.1.1. Nguồn vốn từ NSNN: là nguồn vốn do NSNN cấp cho các doanh nghiệp Nhà nước
lúc mới hình thành doanh nghiệp. Đây là nguồn vốn được hình thành từ quỹ tích luỹ của NSNN và được dùng vào mục đích chi phát triển kinh tế.
Hiện nay, nguồn vốn NSNN cấp phát cho các doanh nghiệp Nhà nước có xu hướng giảm đáng kể cả về tỷ trọng và số lượng. Các doanh nghiệp Nhà nước phải chủ động bổ sung vốn bằng các nguồn tài trợ khác.
3.1.2. Nguồn vốn tự có: là nguồn vốn do chủ đầu tư bỏ ra. Nguồn gốc của vốn tự có là tiền
để dành, tích luỹ được từ lợi nhuận hàng năm của doanh nghiệp hoặc huy động vốn cổ phần do phát hành cổ phiếu.
3.1.3. Nguồn vốn liên doanh: là những nguồn đóng góp theo tỷ lệ giữa các chủ đầu tư cùng
kinh doanh và cùng hưởng lợi nhuận. Hình thức góp vốn liên doanh thích hợp với các công ty có quy mô nhỏ, tổ chức quản lý sản xuất và quản lý vốn, chia lãi đơn giản.
Việc góp vốn liên doanh có thể được hình thành từ nhiều nguồn tuỳ theo từng loại hình doanh nghiệp, ví dụ:
- Liên doanh giữa nguồn vốn ngân sách và các nguồn vốn tự có của tư nhân. - Liên doanh giữa ngân sách của quốc gia này với quốc gia khác.
3.1.4. Nguồn vốn tín dụng: là khoản vốn mà doanh nghiệp có thể vay dài hạn của các NHTM, công ty tài chính, công ty bảo hiểm hoặc các tổ chức tài chính trung gian khác; huy động của cán bộ công nhân viên làm việc trong doanh nghiệp; vay nước ngoài theo cơ chế tự vay, tự trả hoặc bằng hình thức doanh nghiệp phát hành trái phiếu để huy động vốn cho đầu tư kinh doanh.
- Trong nền kinh tế thị trường, song song với việc hình thành và phát triển của thị trường tài chính là sự ra đời của hàng loạt các tổ chức trung gian tài chính. Các tổ chức trung gian tài chính có vị trí trung tâm trong thu hút vốn và cung ứng vốn cho nền kinh tế thông qua thị trường tài chính. Điển hình là hệ thống các NHTM với sự phong phú và đa dạng các loại hình tín dụng: tín dụng ứng tiền qua tài khoản, tín dụng cầm cố hoặc thế chấp tài sản, tín dụng có bảo lãnh tín dụng thông qua chiết khấu, tín dụng thương mại...
- Doanh nghiệp cũng có thể phát hành trái phiếu để huy động vốn cho đầu tư kinh doanh. Trái phiếu là phiếu nhận nợ do doanh nghiệp phát hành khi vay vốn của người khác để kinh doanh, cam kết trả lợi tức và hoàn trả vốn vay theo thời hạn nhất định. Theo định kỳ, doanh nghiệp phải trả cho trái chủ một khoản lợi tức cố định và phải thanh toán tiền vay khi đến hạn thanh toán.
3.2. Căn cứ vào tính chất sở hữu nguồn vốn
3.2.1. Nguồn vốn chủ sở hữu: là nguồn vốn thuộc sở hữu của chủ doanh nghiệp. Các loại
hình doanh nghiệp khác nhau thì có nguồn vốn chủ sở hữu khác nhau chẳng hạn nguồn vốn do NSNN cấp ( đối với các doanh nghiệp nhà nước), nguồn vốn do chủ doanh nghiệp bỏ ra trong các doanh nghiệp tư nhân, nguồn vốn liên doanh, liên kết, nguồn vốn từ phát hành cổ phiếu; ngoài ra, nguồn vốn chủ sở hữu còn được bổ sung từ một số nguồn khác như lợi nhuận không chia, quỹ đầu tư phát triển, quỹ dự trữ tài chính ...
3.2.2. Các khoản nợ phải trả: là nguồn vốn mà doanh nghiệp khai thác, huy động từ các
chủ thể khác qua vay nợ, thuê mua, ứng trước tiền hàng ... Doanh nghiệp được quyền sử dụng tạm thời trong một thời gian sau đó phải hoàn trả cho chủ nợ.