dưa chuột…Trong đó mía và một số loại hoa quả đã và sẽ tiếp tục được sản xuất tại Sài Sơn. Sau khi xây nhà nghỉ, các loại rau sạch có thể tiêu thụ được. Trong vùng quy hoạch, trừ khu vực Đồng Mạc và khu chăn nuôi cũ, phần còn lại đưa vào trồng rau sạch, dưa chuột sạch và hoa. Mía sẽ được trồng ở vùng bãi. Các chương trình sản xuất trên sẽ thu hút 80 - 100 lao động của xã.
- Định hướng phát triển dịch vụ:
Các sản phẩm nông nghiệp phục vụ du lịch như trông giữ xe, cho thuê nhà nghỉ, phục vụ ăn uống, hướng dẫn viên, bán hàng, chụp ảnh…là những hoạt động thu hút nhiều lao động nhất và chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng doanh thu từ du lịch, ảnh hưởng đến chất lượng kinh doanh, phục vụ của khu du lịch. Vì vậy, để phát triển dịch vụ du lịch một cách có hiệu quả thì bên cạnh việc xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật (bãi xe, khu bán hàng, nhà nghỉ…) cần tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ hướng dẫn viên, tiếp viên, nhân viên, nghệ sỹ biểu diễn múa rối nước có trình độ chứng chỉ, chuyên môn nghiệp vụ cao.
2.4.Thực trạng khai thác và phát triển hoạt động du lịch tại Chùa Thầy
2.4.1. Thực trạng công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch tại Chùa Thầy Thầy
Chùa Thầy là một trong những di tích đặc biệt quan trọng của quốc gia, là tài sản vô giá của dân tộc. Dân tộc ta đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh ác liệt, nhiều di sản văn hóa của cha ông đã mất đi. Nhưng qua các thế hệ cho đến nay chúng ta vẫn gìn giữ được nhiều di tích quan trọng, trong đó có di tích lịch sử, văn hoá Chùa Thầy. Đây là một trong những minh chứng cho bề dày ngàn năm văn hoá của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay cảnh quan, không gian di tích Chùa Thầy đang bị ảnh hưởng, kiến trúc của di tích đang bị hòa lẫn với kiến trúc của nhà dân xung quanh, một số hạng mục di tích như nhà Thủy đình bị xuống cấp.
Nhà dân xây dựng kiên cố chung quanh Chùa Thầy
Hiện nay, toàn xã Sài Sơn có 200 hộ dân phát triển dịch vụ quanh khu Chùa Thầy. Đặc điểm nổi bật về hiện trạng sử dụng đất ở khu du lịch Chùa Thầy là cảnh quan, di tích đan xen trong khu dân cư. Trung tâm khu du lịch Chùa Thầy không lớn, chỉ có 25,442 ha trong đó gần 1 nửa là đất núi và trên 1 phần tư là đất khu dân cư. Xung quanh khu du lịch cũng chỉ có ở phía tây là giáp đất nông nghiệp, còn 3 bề (Bắc, Đông, Nam) đều là dân cư bao bọc, vì thế khá khó khăn cho quy hoạch, mở rộng khu du lịch Chùa Thầy.
Và một thực trạng nữa mà Chùa Thầy đang gặp phải là việc cạnh đó là một nhà máy xi măng. Nhà máy ngày đêm nhả ra một đám mây bụi che kín cả một thôn. Đến đây, du khách không tài nào chịu nổi bầu bụi quyển thiếu dưỡng khí này. Bụi chui vào quấn áo, đầu tóc, móng tay. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới du khách và cảnh quan Chùa Thầy. Nhưng có lẽ nguy hơn cả cho vùng Quốc Oai - Chùa Thầy là từ khi có con đường cao tốc Láng - Hòa Lạc. Con đường này đi đến đâu là kéo theo các công ty trách nhiệm hữu hạn, các nhà máy, nhà hàng, nhà nghỉ…Người nông dân và đặc biệt là chính quyền địa phương thì hồ hởi nhượng lại quyền sử dụng đất để lấy tiền bồi thường bởi đấy không phải là đất của họ, đằng nào cũng của nhà nước cả. Thế là những ngôi nhà cao tầng, ống khói thi nhau mọc lên.Tình trạng này nếu còn tiếp tục kéo dài thì chỉ vài năm nữa thôi, chúng ta không còn nhìn thấy được vẻ đẹp cổ kính nơi Chùa Thầy.
Vì vậy, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cần phải tiến hành quy hoạch tổng thể di tích Chùa Thầy. Đó là cơ sở pháp lý quan trọng để quản lý, đầu tư, bảo tồn và phát huy giá trị di tích có hiệu quả, theo đó đẩy mạnh công tác xã hội hoá trong công tác bảo tồn di tích nhằm làm cho di tích này không chỉ là nơi giáo dục truyền thống lịch sử, văn hoá dân tộc mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương thông qua du lịch, dịch vụ.
Để khắc phục những tình trạng trên, xã Sài Sơn đã tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của TW, tỉnh và huyện xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch như: Làm đường giao thông vào chùa nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của du khách và hạn chế ách tắc giao thông... Bên cạnh đó, xác định việc phát triển du lịch phải đồng nghĩa với bảo vệ cảnh quan di tích lịch sử và bảo vệ môi trường sinh thái nên mỗi năm xã phối hợp với Sở Du lịch mở từ 1-2 lớp tập huấn về Luật Bảo vệ di sản văn hóa cho cán bộ và nhân dân trong xã, tập huấn về nghiệp vụ du
lịch, thái độ đón tiếp phục vụ khách trong mùa lễ hội. Từ nguồn kinh phí của TW, địa phương và các nhà hảo tâm những năm vừa qua, đã có nhiều công trình được trùng tu như: Sửa lại 2 nhà tổ, lát lại sân chùa, phối hợp với Công ty cổ phần Du lịch Tuần Châu - Hà Tây tu bổ lại 2 cây cầu Nhật Nguyệt, Tiên Kiều với kinh phí 900 triệu đồng... Gần đây nhất, vào cuối năm 2007, xã đã tiến hành tôn tạo lại nhà Thủy đình gồm đảo lại ngói, gia cố lại nền móng, làm vệ sinh lòng hồ Long Trì. Đầu tư 700 triệu đồng và thêm 700 triệu đồng vốn đối ứng của nhà chùa, hai hành lang biên ở chùa Cả - nơi thờ 24 vị La Hán đã được tu bổ, đến nay gần xong; một số chỗ hư hại cũng đã được sửa chữa. Và đặc biệt nếu như hội năm 2004, người ta còn thấy trong sân chùa có các quầy hàng bày bán đủ thứ, từ đồ lưu niệm đến mực khô... thì nay, việc quy hoạch hàng quán được sắp xếp gọn gàng, văn minh từ sân chùa đến cổng chùa. Hơn bốn mươi quầy hàng lưu niệm đã được dịch chuyển ra bên ngoài sân từ cuối năm 2004, trả lại cho Chùa Thầy không gian thoáng đạt và môi trường trong lành
Cùng với phát huy thế mạnh của di tích thắng cảnh Chùa Thầy, trên địa bàn xã Sài Sơn còn có một số dự án phát triển du lịch đã được UBND tỉnh chấp thuận như: Dự án du lịch sinh thái Tuần Châu - Hà Tây trên diện tích 198 ha với số tiền đầu tư 4.000 tỷ đồng, vừa được khởi công; Dự án du lịch sinh thái Tây Thiên Minh rộng 30ha; Dự án khu biệt thự cao cấp rộng 54ha… Những dự án du lịch, dịch vụ trên hoàn thành sẽ góp phần to lớn vào thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển.