DU LỊCH CỘNG ĐỒNG TRÊN ĐẢO CÁT BÀ
2.2.4.2 Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch
Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất – kỹ thuật là một trong hai điều kiện để phát triển du lịch tại một vùng. Nếu như cơ sở hạ tầng mang tính nền tảng cơ bản thì cơ sở vật chất – kỹ thuật lại mang tính thực tiễn và trực tiếp. Nó tạo ra sản phẩm du lịch và quyết định mức độ khai thác sản phẩm. Đây là yếu tố cơ bản có vai trò quan trọng trong việc thu hút và kéo dài thời gian lưu trú của du khách khi đến các điểm du lịch. Trong những năm gần đây, hệ thống cơ sở vật chất – kỹ thuật phục vụ du lịch của Cát Bà đã được cải thiện đáng kể.
Nhìn chung về cơ sở vật chất của các hộ gia đình đăng ký tham gia dự án đều đã được thẩm định. Hầu hết các trang thiết bị trong gia đình đều là do các hộ tự sắm. Tại các xã Hiền Hào và Trân Châu là do các hộ tự sắm trang thiết bị. Mỗi hộ lại tùy vào điều kiện kinh tế gia đình đầu tư sắm trang thiết bị riêng, không chỉ phục vụ khách du lịch mà bên cạnh đó còn phục vụ ngay
chính sinh hoạt hàng ngày của mình. Hiện tại các hộ tại các xã đều có tivi, truyền hình cáp, nhiều hộ còn có cả tủ lạnh, máy giặt, có công trình vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo phục vụ được các nhu cầu cần thiết của du khách. Tại xã Xuân Đám các hộ tham gia dự án còn được hỗ trợ về giường, màn,... đã tạo điều kiện phục vụ du khách tốt hơn. Đặc biệt, xã Xuân Đám hiện nay còn có khu du lịch sinh thái cộng đồng Suối Gôi Xuân Đám. Với điều kiện cơ sở vật chất phục vụ du khách rất đẹp và khang trang, đây hứa hẹn là một điểm đến của du lịch cộng đồng trong tương lai. Các cơ sở lưu trú trong khu du lịch được thiết kế theo kiểu nhà sàn giống mô hình nhà tại khu du lịch cộng đồng tại Mai Châu – Hòa Bình, với các trang thiết bị tiện nghi đầy đủ tiêu chuẩn ba sao với giá 60USD/ phòng/ đêm. Nhà hàng của khu du lịch có thể đáp ứng nhu cầu của 200 khách. Khu du lịch còn tổ chức các hoạt động ăn, uống, đốt lửa trại, tiệc,... Ngoài ra, khu du lịch còn đang xây dựng thêm các phòng nghỉ phục vụ khách và hoàn thiện thêm các hạng mục để thời gian tới sẽ tổ chức các tour moto xe đạp địa hình ven núi. Mặc dù không nằm trong dự án phát triển du lịch cộng đồng của thành phố nhưng đây thực sự là một điểm thu hút một lượng đông khách du lịch đến với Cát Bà theo loại hình du lịch cộng đồng.
Trên thực tế, ban đầu, khi dự án mới bắt đầu, mỗi xã có đến hơn hai mươi hộ đăng ký nhưng qua thẩm định, hiện tại các xã này chỉ còn lại chưa đến mười hộ có đủ điều kiện cơ sở vật chất để đón khách. Xã Hiền Hào lúc đầu khi dự án mới đi vào hoạt động cũng có rất nhiều hộ đăng ký tham gia những sau một thời gian, hiện nay cũng chỉ còn lại 4 hộ có đủ điều kiện đón khách. Thực tế cho thấy các hộ này cũng chỉ có 2 đến 3 giường để phục vụ khách. Xã Xuân Đám hiện nay cũng chỉ còn lại 8 hộ, xã Việt Hải hiện nay còn 4 hộ làm dịch vụ lưu trú cho khách, 7 hộ làm dịch vụ giải khát, bán hàng và ăn uống, 20 phương tiện xe gắn máy làm dịch vụ chuyên chở khách ra vào thăm
quan xã, 70 xe đạp địa hình phục vụ cho khách hoạt động trên toàn tuyến của địa bàn.
Một điều đáng nói là các hộ trong dự án du lịch cộng đồng đều xây nhà theo kiểu nhà ở khu vực đồng bằng, nhà kiên cố nên không tạo ra không gian thoải mái, thoáng đãng và hoang sơ nên không hấp dẫn du khách muốn tìm hiểu, khám phá. Bên cạnh đó, các hộ này cũng không có những sản phầm dệt hay các sản phẩm thủ công địa phương. Trong xã cũng chưa có khu bán hàng lưu niệm hay khu vui chơi cho khách nên hoạt động du lịch tại các xã này còn mang tính địa phương, đơn điệu và chưa hấp dẫn du khách. Đây cũng là vấn đề cần quan tâm đầu tư hơn nữa không chỉ của các cơ quan quản lý mà còn của riêng các hộ gia đình trong quá trình tạo ra sự hài lòng của khách.