DU LỊCH CỘNG ĐỒNG TRÊN ĐẢO CÁT BÀ
2.2.4.1 Cơ sở hạ tầng xã hộ
Có thể nói, cơ sở hạ tầng xã hội là điều kiện, là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển du lịch cộng đồng tại đảo Cát Bà. Hiện nay, về cơ bản, hệ thống đường giao thông trên đảo đã hoàn thành và hoạt động khá tốt. Do đặc thù địa hình đảo cách xa đất liền nên khách du lịch mỗi khi đến đảo thường phải qua nhiều loại phương tiện cả đường thủy và đường bộ, do đó khoảng thời gian khách đến đảo thường mất một buổi, chưa kể nếu khách muốn đến làng Việt Hải sẽ lại phải đi tàu khá lâu. Chính vì lẽ đó, thành phố đã đầu tư xây dựng đường xuyên đảo phục vụ việc vẩn chuyển khách du lịch thăm đảo. Vào này 31/3/2003 con đường xuyên đảo Hải Phòng – Đình Vũ – Cát Hải – Cát Bà dài trên 31km đã được khánh thành và đi vào hoạt động. Đây là con đường huyết mạch đóng vai trò động mạch chủ của Hải Phòng đối với Cát Hải – Cát Bà trên mọi lĩnh vực kinh tế biển, quốc phòng và phát triển du lịch. Từ thị trấn Cát Bà, con đường xuyên đảo thứ hai từ bãi tắm Cát Cò III chạy lên
phía Bắc của đảo lớn, đường đi xuyên giữa lòng đảo qua Vườn quốc gia Cát Bà tới bến Gia Luận cũng được đưa vào phục vụ khách du lịch từ 26/7/ 2003. Cũng từ bến Gia Luận du khách có thể tiếp tục qua phà để đến Tuần Châu – Quảng Ninh hoặc ngược lại từ Tuần Châu đến Cát Bà. Con đường này thực sự đã mở ra một hành lang rộng lớn nhằm khai thác có hiệu quả các tuyến du lịch trên đảo. Ngoài ra, trên đảo còn có con đường xuyên đảo chạy dọc đảo Cát Hải với 7km qua bốn xã nằm trong dự án và thị trấn Cát Bà. Đây cũng chính là con đường rất thuận tiện cho du khách thăm đảo theo hình thức du lịch cộng đồng, bởi từ các xã hoạt động du lịch theo mô hình này, du khách có thể tham gia vào các hoạt động khác tại khu trung tâm đảo. Để tạo điện kiện thuận lợi cho việc đi lại của khách du lịch, 6 đơn vị kinh doanh vận chuyển thuỷ bộ đã xây dựng các tuyến vận tải nối từ trung tâm 2 tỉnh, thành phố là Quảng Ninh và Hải Phòng với đảo Cát Bà thông qua các tuyến vận tải: Cát Bà – Hải Phòng bằng đường thuỷ; Tuyến liên vận (thuỷ, bộ) Cát Bà – Đình Vũ – Hải Phòng; Tuyến Cát Bà – Tuần Châu – Hạ Long (Quảng Ninh) và tuyến xe buýt nội đảo. Huyện còn bố trí 40 chiếc ô tô cho khách du lịch thuê đi lại trên đảo và hơn 70 chiếc thuyền du lịch cỡ lớn để phục vụ nhu cầu tham quan trên các vịnh Lan Hạ, Cái Bèo... Một phương tiện mà khách du lịch đến Cát Bà thường dùng, đó là xe máy. Đây là phương tiện rất thuận lợi cho việc di chuyển trong địa hình đồi núi và thuận tiện cho khách đi sâu vào trong các làng. Du khách có thể thuê xe khi đến đảo.
Về cung cấp điện và nước: ngày 12/5/1998, lễ khánh thành mạng điện quốc gia 35KV ra đải Cát Bà đã trở thành một dấu ấn khó phai, một niềm ao ước bấy lâu của người dân trên đảo đã thành hiện thực. Ngoài ra, ngày 19 tháng 8 năm 2009, đường điện quốc gia đã được đưa về xã Việt Hải, xã nằm trong vùng lõi của Vườn quốc gia. Sự kiện này đã góp phần nâng cao chất lượng của các cơ sở dịch vụ tại đây tạo điều kiện phục vụ khách du lịch ngày
một tốt hơn. Việc đưa điện về đảo có ý nghĩa lớn trong việc hoàn thiên cơ sở hạ tầng xã hội, phát triển hơn nữa du lịch cộng đồng trong tương lai của đảo Cát Bà. Tuy nhiên, một điều đáng quan tâm là hiện tại các xã trong dự án vẫn chưa có điện đường nên buổi tối khách du lịch thường chỉ ở nhà các hộ gia đình mà không thể đi đến các xã khác cũng như đến trung tâm thị trấn bởi địa hình đồi núi và cũng cách xa khu trung tâm. Đây cũng là một khó khăn cho hoạt động du lịch cộng đồng của Cát Bà trong việc phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí cho khách về đêm.
Từ năm 1979, đảo Cát Bà đã có một trạm cung ứng điện nước, nay là Xí nghiệp cấp nước và dịch vụ xây lắp. Với tốc độ tăng trưởng “nóng” của ngành du lịch trong những năm gần đây, sản lượng tiêu thụ điện trong các năm vẫn không ngừng tăng. Trong số các xã tham gia vào dự án du lịch cộng đồng trên đảo Cát Bà, xã Việt Hải được coi là xã gặp khó khăn nhất về nguồn nước ngọt cho sinh hoạt, sản xuất và phục vụ du lịch thì đến nay cũng đã đáp ứng được nhu cầu của du khách. Việc đảm bảo nước sạch cho sinh hoạt và nước hợp vệ sinh cho sản xuất là một vấn đề cần được quan tâm để Cát Bà ngày càng phát triển hơn nữa du lịch cộng đồng để Cát Bà không chỉ là điểm đến của du lịch sinh thái mà còn là điểm đến của những ai muốn khám phá về đời sống cư dân trên đảo, để Cát Bà luôn là một trung tâm du lịch của thành phố Hải Phòng, của vùng và của cả nước.
Về thông tin liên lạc: Mặc dù vẫn còn ở mức thấp so với các điểm du
lịch khác của thành phố Hải Phòng, song gần đây, ngành bưu chính viễn thông Cát Bà đã có rất nhiều tiến bộ. Các xã trong dự án hiện tại đã phủ sóng điện thoại, các hộ gia đình tổ chức đón khách đều có điện thoại liên lạc, các trang thiết bị như ti vi, truyền hình cáp đều được các hộ sắm đầy đủ. Tuy vậy, nhưng tại các xã này, hiện tại mới có sóng điện thoại của mạng Viettel, đặc biệt tại
khu du lịch sinh thái cộng đồng Suối Gôi Xuân Đám tại xã Xuân Đám hiện tại đã có sóng Viettel và đang triển khai lắp đặt cột thu sóng của mạng mobifone trong thời gian tới sẽ đi vào hoạt động. Hiện tại, khu du lịch còn phủ sóng wifi đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, hứa hẹn là điểm đến của du lịch cộng đồng tại xã Xuân Đám nói riêng và của đảo Cát Bà nói chung.
Hiện nay, tại các xã, hệ thống các trạm y tế cũng được chính quyền quan tâm trong việc theo dõi sức khỏe của người dân và khách du lịch. Tại các xã đều có các trạm y tế, riêng xã Trân Châu có tới 2 trạm y tế. Tuy nhiên, để phục vụ tốt hơn nữa sức khỏe của người dân cũng như du khách trong thời gian khách lưu trú trên đảo, Cát Bà cần đa dạng hóa và nâng cao chất lượng phục vụ các dịch vụ y tế, đưa vào sử dụng các trang thiết bị hiện đại nhằm chuẩn đoán và điều trị tốt hơn nhất là cho các khách du lịch người nước ngoài chưa quen với điều kiện khí hậu và môi trường rừng núi.