Di chúc bằng văn bản có giá trị như di chúc được công chứng, chứng thực

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Các điều kiện có hiệu lực của di chúc theo quy định của Bộ luật dân sự pptx (Trang 68 - 73)

- Quan điểm thứ hai cho rằng, những người thừa kế theo pháp luật không phải là người bị truất quyền hưởng di sản trong trường hợp di chúc đã định đoạt di sản cho những

2.4.1.4. Di chúc bằng văn bản có giá trị như di chúc được công chứng, chứng thực

thực

Đây là những trường hợp đặc biệt mà pháp luật dự liệu, người lập di chúc không có điều kiện để yêu cầu công chứng nhà nước hoặc ủy ban nhân dân cấp xã chứng nhận, chứng thực. Theo quy định tại Điều 663 Bộ luật dân sự năm 1995 (Điều 660 Bộ luật dân sự năm 2005) có những trường hợp sau đây:

a) Di chúc của quân nhân tại ngũ có xác nhận của thủ trưởng đơn vị từ cấp đại đội trở lên, nếu quân nhân không thể yêu cầu công chứng nhà nước chứng nhận hoặc ủy ban nhân dân cấp xã chứng thực.

Người lập di chúc phải là quân nhân đang tại ngũ, tức là đang ở một đơn vị nhất định trong quân đội. Người quân nhân này lập di chúc, nhưng không có điều kiện để yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng nhận, chứng thực di chúc. Ví dụ, trường hợp người quân nhân đóng quân ở hải đảo, nơi chỉ có quân đội, không có cơ quan công chứng, chứng thực. Hoặc trường hợp người quân nhân đang làm nhiệm vụ đặc biệt, cần che giấu thân phận như đang là quân nhân của cơ quan an ninh quân đội…

Trong trường hợp này, pháp luật không quy định rõ, không bắt buộc người lập di chúc phải tự viết bản di chúc. Vì vậy, người quân nhân lập di chúc theo quy định của điều

luật này có thể tự viết di chúc hoặc nhờ người khác viết hộ, nhưng cũng như bất kỳ di chúc nào, người lập di chúc buộc phải ký vào di chúc.

Người có thẩm quyền xác nhận vào di chúc của những quân nhân này phải thỏa mãn hai điều kiện: phải là thủ trưởng đơn vị của chính người quân nhân đó và người thủ trưởng này phải từ cấp đại đội trở lên. Ví dụ: Đại đội trưởng, sư đoàn trưởng, lữ đoàn trưởng…

Vậy một số vấn đề đặt ra là:

- Nếu người quân nhân có điều kiện để yêu cầu cơ quan công chứng hoặc chính quyền cơ sở chứng nhận, chứng thực nhưng họ không yêu cầu, mà lại đề nghị thủ trưởng đơn vị của mình từ cấp đại đội trở lên xác nhận thì di chúc có phát sinh hiệu lực pháp luật hay không.

- Trường hợp thủ phó đơn vị từ cấp đại đội trở lên của người lập di chúc xác nhận hoặc thủ trưởng đơn vị dưới cấp đại đội xác nhận thì di chúc có phát sinh hiệu lực hay không.

Đây là vấn đề mà thực tiễn có thể xảy ra mà nhà làm luật cần phải dự liệu, các nhà áp dụng pháp luật phải tính đến để hướng dẫn việc áp dụng pháp luật thống nhất trong cả nước, tránh những cách hiểu khác nhau.

Như đã phân tích thì cả hai trường hợp nêu trên không thỏa mãn những yêu cầu đặt ra theo quy định tại khoản 1 Điều 663 Bộ luật dân sự năm 1995 (khoản 1 Điều 660 Bộ luật dân sự năm 2005). Mặt khác, di chúc này cũng chưa thỏa mãn Điều 659 Bộ luật dân sự năm 1995 (Điều 656 Bộ luật dân sự năm 2005) vì chưa đủ số người làm chứng cho việc lập di chúc. Tuy nhiên, việc đánh giá di chúc này không có hiệu lực pháp luật cũng là không đúng, mà có hai khả năng phát sinh, quyết định đến hiệu lực pháp luật của di chúc:

- Nếu như di chúc do chính người lập di chúc (quân nhân) tự tay viết và ký vào bản di chúc thì đã thỏa mãn quy định tại Điều 658 Bộ luật dân sự năm 1995 (Điều 655 Bộ luật dân sự năm 2005) về di chúc bằng văn bản không có người làm chứng. Vì vậy, việc có thêm xác nhận như hai trường hợp nêu trên sẽ là xác nhận với tư cách của nhân chứng

và do vậy, nó lại càng tăng thêm giá trị pháp lý của di chúc. Trường hợp này, chúng tôi cho rằng, di chúc có hiệu lực pháp luật.

- Nếu di chúc lại do người lập di chúc nhờ người khác viết, sau đó người lập di chúc ký hoặc điểm chỉ thì di chúc không có hiệu lực pháp lý vì chỉ có một người làm chứng (thủ trưởng đơn vị từ cấp đại đội trở lên xác nhận trong trường hợp người có điều kiện yêu cầu công chứng, chứng thực nhưng không yêu cầu, thủ phó đơn vị từ cấp đại đội trở lên và thủ trưởng đơn vị dưới cấp đại đội nếu có xác nhận thì chỉ có ý nghĩa như người làm chứng cho việc lập di chúc).

b) Di chúc của người đang đi trên tàu biển, máy bay có xác nhận của người chỉ huy phương tiện đó.

Đây cũng là trường hợp mà người lập di chúc không thể yêu cầu cơ quan công chứng, chứng thực xác nhận vào di chúc. Trong hoàn cảnh cụ thể này thì người có thẩm quyền xác nhận vào di chúc chính là người chỉ huy của tàu biển, máy bay. Vậy "đang đi trên tàu biển, máy bay" được hiểu như thế nào cho đúng? Đây là một vấn đề mà các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng chưa có hướng dẫn. Phải chăng "đang đi trên tàu biển, máy bay" là việc đi lại hoặc làm việc trên máy bay, tàu biển khi những phương tiện giao thông này đã rời sân bay, bến cảng, nhưng chưa hạ cánh, cập bến nói chung (tức là của bất cứ nước nào) hay phải là đã rời sân bay, bến cảng, nhưng chưa hạ cánh, cập bến của Việt Nam. Đưa ra tình huống này, các nhà làm luật dự phòng người lập di chúc không có điều kiện để yêu cầu cơ quan công chứng, chứng thực xác nhận vào di chúc. Vì vậy, sân bay, bến cảng mà máy bay, tàu biển hạ cánh, cập bến quy định ở điều luật này phải là sân bay, bến cảng của Việt Nam.

Trường hợp máy bay, tàu biển đã hạ cánh, cập bến tại sân bay, bến cảng của Việt Nam rồi mà di chúc vẫn chỉ được xác nhận của người chỉ huy máy bay, tàu biển thì việc xác nhận này coi như xác nhận của nhân chứng, tương tự như phân tích ở phần di chúc của quân nhân tại ngũ.

c) Di chúc của người đang điều trị tại bệnh viện, cơ sở chữa bệnh, điều dưỡng khác có xác nhận của người phụ trách bệnh viện, cơ sở đó.

Người đang điều trị tại bệnh viện, cơ sở chữa bệnh, điều dưỡng có thể được điều trị nội trú hoặc được điều trị ngoại trú. Vì pháp luật không quy định cụ thể, chi tiết cho nên "người đang điều trị tại bệnh viện, cơ sở chữa bệnh, điều dưỡng khác" có thể được hiểu là cả hai trường hợp trên.

Thực tế cho thấy bệnh viện, cơ sở chữa bệnh thường có địa điểm tại nơi thuận lợi giao thông, nơi trung tâm dân cư và thường gần nơi công chứng hoặc chứng thực. Mặt khác, trường hợp những người được điều trị ngoại trú thường là những người bệnh còn nhẹ, khả năng đi lại vẫn tốt. Việc pháp luật dân sự quy định như trên là tạo điều kiện thuận lợi cho người lập di chúc.

d) Di chúc của người đang làm công việc khảo sát, thăm dò, nghiên cứu ở vùng rừng núi, hải đảo có xác nhận của người phụ trách đơn vị.

Người lập di chúc theo quy định này có thể là những cán bộ thuộc cơ quan nhà nước, nhưng cũng có thể là cá nhân đi làm theo hợp đồng lao động được cử đến rừng núi, hải đảo để làm công việc khảo sát, thăm dò, nghiên cứu về một vấn đề gì đó theo quy định của pháp luật. Do điều kiện công tác ở vùng sâu, vùng xa nên những người này gặp nhiều khó khăn trong việc đi đến cơ quan công chứng, chứng thực. Vì vậy, pháp luật đã cho phép di chúc của những người đang làm công việc khảo sát, thăm dò, nghiên cứu ở vùng rừng núi, hải đảo chỉ cần có xác nhận của người phụ trách đơn vị thì di chúc đó đã có giá trị như di chúc được chứng nhận, chứng thực.

e) Di chúc của công dân Việt Nam đang ở nước ngoài có chứng nhận của cơ quan lãnh sự, đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước đó.

Công dân Việt Nam đang ở nước ngoài là những công dân đã từng mang quốc tịch Việt Nam mà chưa thôi quốc tịch Việt Nam, bao gồm rất nhiều đối tượng như: Người Việt Nam đang làm việc tại nước ngoài do cơ quan cử đi, người Việt Nam sang lao động tại nước ngoài bằng các con đường khác nhau, sinh viên Việt Nam sang học tập ở nước ngoài, người vượt biên, xuất cảnh trái phép, người Việt Nam lưu vong và kể cả người Việt Nam chưa thôi quốc tịch Việt Nam, mặc dù đã nhập quốc tịch nước ngoài. Do pháp luật Việt Nam không cấm công dân Việt Nam muốn ra nhập quốc tịch nước ngoài phải

thôi quốc tịch Việt Nam nên đã có một số lượng không nhỏ những người vừa là công dân Việt Nam, vừa là công dân nước ngoài (người mang hai quốc tịch).

Vì vậy, khi những công dân Việt Nam đang ở nước ngoài lập di chúc thì di chúc của họ phải có chứng nhận của cơ quan lãnh sự, đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước đó mới có giá trị như di chúc được công chứng, chứng thực.

g) Di chúc của người đang bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh có xác nhận của người phụ trách cơ sở đó.

Theo quy định của pháp luật, những người đang bị tạm giam đang chấp hành hình phạt tù, người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh là những người bị hạn chế những quyền dân sự nhất định, nhưng họ vẫn được quyền lập di chúc. Do những đối tượng này bị hạn chế quyền tự do đi lại, nên khi họ lập di chúc chỉ cần có xác nhận của người phụ trách cơ sở đó thì di chúc có giá trị như di chúc được công chứng, chứng thực.

Với sáu loại di chúc bằng văn bản có giá trị như di chúc được công chứng, chứng thực nêu trên, pháp luật đã dự liệu các trường hợp có thể xảy ra trong thực tiễn, đảm bảo những điều kiện thuận lợi cho người lập di chúc dù trong những hoàn cảnh đặc biệt vẫn có thể lập di chúc và di chúc của họ được đảm bảo an toàn về mặt pháp lý. Trong những trường hợp cụ thể nêu trên, di chúc mặc dù không được công chứng, chứng thực nhưng nó có giá trị pháp lý như di chúc được công chứng, chứng thực. Vì vậy, hiệu lực của di chúc này sẽ giữ nguyên giá trị, mặc dù điều kiện hoàn cảnh thực tế sau đó đã có thay đổi, người lập di chúc hoàn toàn có khả năng lập lại di chúc và yêu cầu công chứng, chứng thực. Ví dụ: Người lập di chúc khi đang đi trên tàu biển, máy bay lập di chúc có xác nhận của người chỉ huy phương tiện đó thì di chúc này có hiệu lực như di chúc được công chứng, chứng thực. Do vậy, khi đã về đến sân bay, bến cảng, về gia đình với cuộc sống bình thường thì người lập di chúc nếu không muốn thay đổi lại nội dung di chúc, người đó không phải chép lại nội dung di chúc đã lập khi đang đi trên tàu biển, máy bay để

mang đi công chứng, chứng thực bởi vì di chúc được lập trên máy bay, tàu biển có giá trị như di chúc được công chứng, chứng thực.

Tuy nhiên, để tránh những tranh chấp về việc có đúng là người lập di chúc ở vào hoàn cảnh như được quy định tại 6 khoản của Điều 663 Bộ luật dân sự năm 1995 (Điều 660 Bộ luật dân sự năm 2005) hay không thì người lập di chúc nên mang di chúc đã lập đến xin xác nhận tại cơ quan công chứng hoặc ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn. Trường hợp những người thừa kế có tranh chấp về việc có đúng là người lập di chúc ở vào những hoàn cảnh theo Điều 663 Bộ luật dân sự năm 1995 (Điều 660 Bộ luật dân sự năm 2005) hay không thì người có nghĩa vụ chứng minh là người thừa kế theo di chúc.

Theo quy định của Bộ luật dân sự Nhật Bản thì người ở địa điểm mà việc liên lạc với bên ngoài bị cắt đứt theo thủ tục hành chính do có bệnh truyền nhiễm đang diễn ra có thể lập di chúc bằng văn bản trước sự có mặt của sĩ quan cảnh sát và ít nhất một nhân chứng (Điều 977 Bộ luật dân sự Nhật Bản). Người đi trên một con tàu có thể lập di chúc bằng văn bản trước mặt của trưởng tàu hay một số các nhân viên cùng với hai người làm chứng (Điều 978 Bộ luật dân sự Nhật Bản)... Tuy nhiên, các loại di chúc này sẽ không có hiệu lực nếu người lập di chúc sống thêm 6 tháng nữa kể từ thời điểm mà người này có thể lập được di chúc dưới dạng thông thường.

Pháp luật dân sự của Cộng hòa Pháp cũng quy định tương tự như Bộ luật dân sự của Nhật Bản, nhưng thủ tục đối với các loại di chúc bằng văn bản có giá trị như di chúc được chứng nhận, chứng thực phức tạp hơn. Tuy nhiên, những di chúc này bị mất hiệu lực sau sáu tháng khi việc mất liên lạc không còn nữa hoặc đã đến một nơi mà người đó có thể tự do sử dụng các hình thức di chúc thông thường (Mục II Chương V Thiên II Bộ luật dân sự Cộng hòa Pháp).

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Các điều kiện có hiệu lực của di chúc theo quy định của Bộ luật dân sự pptx (Trang 68 - 73)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)