- Quan điểm thứ hai cho rằng, những người thừa kế theo pháp luật không phải là người bị truất quyền hưởng di sản trong trường hợp di chúc đã định đoạt di sản cho những
2.4.1.1. Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng
Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng được Bộ luật dân sự năm 1995 quy định tại Điều 658 (Bộ luật dân sự năm 2005 quy định tại Điều 655) [6], [7].
Đây là loại di chúc mà người lập di chúc phải tự tay viết và ký vào bản di chúc. Do đó, nếu di chúc bằng văn bản không có người làm chứng, chứng nhận, chứng thực là một bản đánh máy hoặc được người lập di chúc nhờ người khác viết hộ thì di chúc đó sẽ không được thừa nhận cho dù người lập di chúc có ký vào bản di chúc. Mặt khác, nếu trường hợp bản di chúc do chính người lập di chúc viết ra nhưng người lập di chúc lại không ký vào bản di chúc thì di chúc cũng không phát sinh hiệu lực. Như vậy, theo quy định của pháp luật thì di chúc bằng văn bản không có người làm chứng phải đảm bảo được hai điều kiện, đó là: Di chúc phải được do chính người để lại di sản viết và ký.
Vậy một vấn đề đặt ra là: Tại sao các nhà làm luật lại quy định như vậy? Việc quy định đó có chặt chẽ không?
Việc quy định trên trước hết xuất phát từ tình hình thực tiễn của nước ta, đó là số người không biết chữ hiện nay chiếm tỷ lệ rất thấp, không đáng kể. Hơn nữa, số người có tài sản và có nhu cầu lập di chúc thì hầu như đều biết chữ. Mặt khác, việc lập di chúc bằng văn bản không có người làm chứng nếu không được quy định chặt chẽ thì dễ nảy sinh tranh chấp. Vì vậy, việc quy định người lập di chúc phải tự tay viết bản di chúc là cần thiết.
Tuy nhiên, đối với loại di chúc này thì nhất thiết người lập di chúc phải tự tay ký vào bản di chúc. Thực tiễn cho thấy, không phải chữ ký của bất kỳ người nào trong xã hội cũng đều được đăng ký (số người đăng ký chữ ký chỉ chiếm số ít trong xã hội vì họ giữ những vị trí nhất định). Hơn nữa, chữ ký của con người có thể khác nhau theo thời gian, sức khỏe…Vì vậy, việc xác định chữ ký của người lập di chúc là một vấn đề không đơn giản. Hơn nữa, do di chúc định đoạt phân chia di sản cho những người thừa kế có sự khác nhau, người được nhiều, người được ít (hiếm có di chúc định đoạt cho tất cả các thừa kế được hưởng di sản bằng nhau), nên những người thừa kế thường khó có thể thống nhất trong việc dễ dàng công nhận chữ ký của người lập di chúc. Do vậy, trong trường hợp các đương sự có tranh chấp về chữ ký của người lập di chúc thì việc giải quyết của Tòa án gặp nhiều khó khăn vì đại đa số loại tranh chấp này phải chờ kết quả giám định chữ ký của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Chúng tôi thấy rằng tính xác thực, chính xác của việc điểm chỉ có độ tin cậy cao hơn so với chữ ký vì điểm chỉ để lại dấu vân tay, mà dấu vân tay thì khoa học hình sự đã chứng minh được tính cá biệt của nó. Mặt khác, dấu vân tay của một người cụ thể được thể hiện trên giấy chứng minh thư nhân dân của người đó được lưu giữ ở cơ quan công an. Do vậy, nếu có tranh chấp xảy ra thì việc xác định dấu vân tay để lại trên di chúc có đúng là của người để lại di sản hay không là việc làm đơn giản hơn, chính xác hơn so với việc giám định chữ ký.
Pháp luật Nhật Bản có quy định tương đối chặt chẽ đối với di chúc bằng văn bản không có người làm chứng. Tại Điều 968 Bộ luật dân sự Nhật Bản đã quy định:
Để lập di chúc bằng một bản viết tay, thì người lập di chúc phải viết toàn bộ bằng chính bàn tay mình ngày, tháng, họ tên và đóng dấu vào đó. Bất kỳ sự bổ xung, xóa bỏ hoặc thay đổi bản viết tay bị coi là không có hiệu lực, trừ khi người lập di chúc chỉ rõ các chỗ đó, xác nhận bổ sung để cho việc thay đổi được tiến hành và đặc biệt phải ký xác nhận bổ sung và đóng dấu vào những nơi thay đổi [8].