3. Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thực hiện nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo
3.3. Về nhận thức
Thứ nhất, nâng cao nhận thức pháp luật cho nhân dân, tăng cường công
tác giáo dục và phổ biến pháp luật: đưa pháp luật vào giáo dục sớm hơn trong nhà trường từ cấp tiểu học, giáo dục pháp luật thường xuyên trên những phương
tiện thông tin đại chúng, tăng cường hơn nữa số lượng các phiên toà xét xử lưu động, tích cực xây dựng các tủ sách pháp luật phổ thông...
Thứ hai, song song với việc nâng cao năng lực chuyên môn nên giáo dục
thường xuyên về mặt nhận thức cho những người THTT: tôn trọng quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong đó có quyền và nghĩa vụ của những người tham gia TTHS; đồng thời tạo cho những người THTT quen dần với sự có mặt của người bào chữa trong các hoạt động TTHS vì đây là xu thế tất yếu của cải cách tư pháp.
KẾT LUẬN
Quyền bào chữa phát sinh trên cơ sở sự buộc tội của các cơ quan THTT đối với người bị tạm giữ, bị can, bị cáo và là quyền năng cơ bản, đặc thù chỉ thuộc về người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có thể sử dụng mọi biện pháp pháp luật quy định nhằm phủ nhận một phần hay toàn bộ sự buộc tội của các cơ quan THTT, làm giảm nhẹ hay loại trừ trách nhiệm hình sự của mình trong vụ án hình sự. Các cơ quan THTT có nhiệm vụ bảo đảm cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo thực hiện quyền bào chữa của họ.
Nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo được quy định trên cơ sở quyền con người và thực tiễn THTT. Nguyên tắc này được ghi nhận trong tất cả các bản Hiến pháp đã ban hành đồng thời nó cũng là một nguyên tắc đặc thù của luật TTHS Việt Nam. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế - xã hội và sự mở rộng dân chủ ở nước ta, nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo ngày càng phát triển và hoàn thiện hơn. Đặc biệt, Bộ luật TTHS 2003 cùng những văn bản có liên quan đã có những quy định rất đáng ghi nhận về mở rộng quyền bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can bị cáo.
Tuy nhiên, thực tiễn TTHS cho thấy, việc đảm bảo quyền bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo vẫn còn những hạn chế, vướng mắc do thiếu sót của pháp luật; do nhận thức chưa đầy đủ của những người THTT, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; do tổ chức hệ thống các cơ quan THTT còn nhiều bất cập... Vì vậy, việc nâng cao nhận thức pháp luật cho nhân dân nói chung và những người THTT, tham gia tố tụng nói riêng; việc sửa đổi bổ sung, hoàn thiện pháp luật đồng thời kiện toàn tổ chức của những cơ quan THTT là hết sức cần thiết để nâng cao hiệu quả của việc thực hiện nguyên tắc này.
Đất nước ta đang trên đà phát triển về mọi mặt, hy vọng rằng trong lĩnh vực pháp lý nói chung và trong lĩnh vực TTHS nói riêng sẽ có những bước phát triển tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo được thực hiện có hiệu quả hơn nữa trên thực tế.