Đảm bảo quyền tự bào chữa trong giai đoạn xét xử

Một phần của tài liệu Nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo (Trang 31 - 35)

Sau khi Toà án quyết định đưa vụ án ra xét xử, bị can trở thành bị cáo và quyền bào chữa của họ tiếp tục được bảo đảm bằng các quy định của Bộ luật TTHS.

- Bị cáo có quyền được nhận quyết định đưa vụ án ra xét xử; quyết định áp dụng, thay đổi, hoặc huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn; quyết định đình chỉ vụ án; bản án, quyết định của Toà án; các quyết định tố tụng khác theo quy định của Bộ luật TTHS.

Các quyết định, các văn bản kể trên liên quan trực tiếp tới quyền lợi và nghĩa vụ của bị cáo nói chung và quyền bào chữa của bị cáo nói riêng. Nhận được đầy đủ các quyết định này nhằm tạo điều kiện cho bị cáo có thể thực hiện tốt quyền bào chữa cũng như các quyền và nghĩa vụ tố tụng khác của mình. Đồng thời quy định này cũng đòi hỏi các cơ quan THTT phải giải quyết vụ án theo đúng thủ pháp luật, các văn bản, các quyết định được ban hành phải có căn cứ và hợp pháp.

Quyền được nhận quyết định đưa vụ án ra xét xử là quyền quan trọng của bị cáo. Theo quy định tại khoản 1 Điều 182 Bộ luật TTHS, quyết định đưa vụ án ra xét xử phải được giao cho bị cáo chậm nhất là 10 ngày trước khi mở phiên toà. Quyết định đưa vụ án ra xét xử có những nội dung rất cần thiết cho bị cáo trong việc chuẩn bị bào chữa: tội danh và điều khoản của Bộ luật Hình sự mà VKS áp dụng đối với hành vi của bị cáo; ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm mở phiên toà; họ tên Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Toà án, KSV, người bào chữa,

người phiên dịch nếu có; họ tên người được triệu tập tới phiên toà để xét hỏi; vật chứng cần đưa ra xem xét tại phiên toà… (Điều 178 Bộ luật TTHS). Cùng với những điều đã biết về kết luận điều tra, các tình tiết và tài liệu vụ án nêu trong bản cáo trạng, việc nghiên cứu quyết định đưa vụ án ra xét xử cũng là cơ sở để bị cáo có thể thực hiện được các quyền của mình như quyền tham gia phiên toà, quyền đề nghị thay đổi người THTT, quyền yêu cầu xem xét thêm vật chứng mới… Quyết định đưa vụ án ra xét xử là một quyết định rất quan trọng với bị cáo nên trong trường hợp bị cáo chưa được giao nhận quyết định đưa vụ án ra xét xử trong thời hạn 10 ngày trước khi mở phiên toà và bị cáo có yêu cầu thì HĐXX phải hoãn phiên toà (Điều 201). Pháp luật cũng quy định đảm cho bị cáo được nhận các quyết định khác của Toà án theo Điều 182 Bộ luật TTHS.

- Bị cáo có quyền tham gia phiên toà.

Trong TTHS, giai đoạn xét xử là giai đoạn quan trọng nhất, trong giai đoạn này tội trạng của bị cáo sẽ được xác định một cách công khai trước phiên toà với sự tham gia của các bên tố tụng. Thay mặt Nhà nước, HĐXX sẽ quyết định những vấn đề quan trọng nhất của TTHS là xác định tội danh và quyết định hình phạt đối với bị cáo dựa trên những chứng cứ đã thu thập được tại phiên toà. Tại phiên toà, bị cáo bình đẳng với KSV và những người tham gia tố tụng khác trong việc đưa ra các chứng cứ, đồ vật, tài liệu, đưa ra yêu cầu và tranh luận dân chủ tại phiên toà… Như vậy, thực hiện quyền bào chữa tại phiên toà có thể coi là hành vi tố tụng quan trọng nhất trong các hành vi tố tụng của bị cáo. Và để bị cáo có thể thực hiện được hành vi đó pháp luật quy định tham gia phiên toà là quyền của bị cáo và Toà án chỉ được phép xét xử vắng mặt bị cáo trong những trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 187 Bộ luật TTHS còn các trường hợp khác nếu bị cáo vắng mặt đều phải hoãn phiên toà. Tham gia phiên toà cũng là nghĩa vụ của bị cáo, nếu bị cáo vắng mặt tại phiên toà mà không có lý do chính đáng thì sẽ bị áp giải.

- Bị cáo có quyền được giải thích về quyền và nghĩa vụ.

Đây là quyền của bị cáo được ghi nhận trực tiếp tại điểm a, khoản 2 Điều 50 Bộ luật TTHS. Trong phần thủ tục bắt đầu phiên toà, chủ toạ phiên toà sẽ

thay mặt HĐXX giải thích quyền và nghĩa vụ cho bị cáo. Biết mình có những quyền gì và phải thực hiện những nghĩa vụ gì sẽ giúp cho bị cáo chủ động, hoà nhập tốt hơn vào diễn biến phiên toà.

- Bị cáo có quyền đề nghị thay đổi người THTT, người giám định, người phiên dịch theo quy định của Bộ luật TTHS.

Bị cáo là đối tượng bị đưa ra xét xử, là đối tượng bị buộc tội trong vụ án hình sự, việc xét xử như thế nào ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và nghĩa vụ của bị cáo, vì vậy, bị cáo có quyền được đề nghị thay đổi người THTT, người giám định, người phiên dịch khi có căn cứ rõ ràng để cho rằng họ không vô tư trong khi làm nhiệm vụ. Bị cáo có thể thực hiện quyền này trước hoặc tại phiên toà khi HĐXX hỏi. Trước khi mở phiên toà, trong thời gian chuẩn bị xét xử, nếu bị cáo yêu cầu thay đổi KSV, thành viên HĐXX, Thư ký Toà án thì Viện trưởng VKS và Chánh án Toà án xem xét giải quyết yêu cầu của bị cáo (Điều 60, 61 Bộ luật TTHS). Tại phiên toà, khi bị cáo có yêu cầu thay đổi người THTT, người giám định, người phiên dịch thì HĐXX phải xem xét quyết định.

- Bị cáo có quyền đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu.

Bị cáo có quyền đưa ra các tài liệu, đồ vật tại phiên toà xét xử. Những tài liệu, đồ vật mà bị cáo đưa ra thông thường có ý nghĩa gỡ tội cho bị cáo, chứng minh bị cáo không phạm tội hoặc chứng minh những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo… HĐXX phải kiểm tra, xác minh và đánh giá các đồ vật, tài liệu đó có phải là chứng cứ trong vụ án không và giá trị của nó trong việc xác định sự thật của vụ án.

Bị cáo có thể đưa ra những yêu cầu: yêu cầu triệu tập thêm người làm chứng; yêu cầu đưa thêm vật chứng và tài liệu ra xem xét; yêu cầu hoãn phiên toà (Điều 205); yêu cầu xem biên bản phiên toà và yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên toà và ký xác nhận (Điều 200). HĐXX xem xét và giải quyết yêu cầu của bị cáo.

Hai ngày trước khi mở phiên phúc thẩm lần 2 vụ tai nạn giao thông thảm khốc trên đường cao tốc Láng - Hoà Lạc vào ngày 25/2, TAND tối cao đã ra quyết định hoãn phiên xử. Một trong những lý do quan trọng là toà chưa gửi

giấy triệu tập được hết tới hơn 20 người làm chứng như yêu cầu của gia đình 2 nạn nhân.(1)

- Bị cáo có quyền trình bày ý kiến tranh luận tại phiên toà.

Đây là một điểm mới, một quyền mà Bộ luật TTHS năm 2003 quy định trực tiếp cho bị cáo (tại điểm g, khoản 2 Điều 50 Bộ luật TTHS) giúp bị cáo phát huy cao nhất quyền tự bào chữa của mình tại phiên toà. Bị cáo có quyền trình bày ý kiến về luận tội của KSV và đưa ra đề nghị của mình. Khi trình bày ý kiến tranh luận tại phiên toà, bị cáo bình đẳng với KSV và những người tham gia tranh luận khác. Theo nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng trước Toà án - Điều 19 Bộ luật TTHS và theo quy định tại Điều 218 Bộ luật TTHS thì Toà án, chủ toạ phiên toà có trách nhiệm tạo điều kiện cho bị cáo tranh luận, trình bày hết ý kiến nhằm làm rõ sự thật khách quan của vụ án.

- Bị cáo có quyền nói lời sau cùng trước khi nghị án.

Sau khi HĐXX kết thúc xét hỏi và tranh luận, bị cáo được nói lời sau cùng trước khi nghị án. Pháp luật quy định quyền này là để tạo điều kiện cho bị cáo có cơ hội được trình bày thái độ, nguyện vọng của mình trước khi HĐXX đưa ra những quyết định đối với vụ án. Trong khi nói lời sau cùng, bị cáo có quyền trình bày mọi vấn đề liên quan tới vụ án, tỏ thái độ của mình đối với việc buộc tội…

Khi được nói lời sau cùng trước khi HĐXX nghị án, nguyên thứ trưởng Bộ Thương Mại Mai Văn Dâu nghẹn ngào nhắc lại khoảng thời gian 2 năm 4 tháng sống trong trại giam. Đó là những lúc "tưởng như không sống nổi" khi bệnh tật dày vò nhưng vẫn "mong chờ đến ngày ra tòa để được trình bày đúng sự thật". Đó là những lúc phải khai đại theo yêu cầu của cán bộ điều tra để mong được tại ngoại. Trong lời phát biểu của mình ông Dâu còn nhắc đến những ngày gắn bó với Bộ Thương mại. Ông nghẹn ngào: "Tôi đã có những đóng góp nhất định đối với sự phát triển của Bộ. Bộ vừa được tặng Huân chương sao vàng và tôi tự hào là có phần đóng góp của mình trong đó. Sau những việc đã xảy ra, tôi thấy mình có lỗi. Xin toàn thể cán bộ nhân viên hãy tha lỗi cho tôi. Phải đứng trước vành móng

ngựa vì những sai sót của bản thân là tôi đã mắc tội lỗi lớn. Tôi xin nhận lỗi với các bậc cha chú, anh em, con cháu..."(1)

HĐXX phải chú ý và tôn trọng quyền nói lời nói sau cùng của bị cáo trước khi nghị án. Nhiều trường hợp, khi nói lời sau cùng, bị cáo lại đưa ra những tình tiết có ý nghĩa quan trọng với vụ án, khi đó HĐXX phải quyết định trở lại việc xét hỏi.

- Bị cáo có quyền kháng cáo bản án, quyết định của Toà án.

Khi không đồng ý với toàn bộ hoặc một phần bản án hoặc quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Toà án, pháp luật quy định cho bị cáo có quyền kháng cáo bản án, quyết định này để Toà án cấp phúc thẩm xét xử lại. Bị cáo có quyền kháng cáo về tất cả các vấn đề mà bản án sơ thẩm đề cập tới như: tội danh, loại hình phạt chính, hình phạt bổ sung, mức hình phạt chính, hình phạt bổ sung… Bị cáo cũng có quyền kháng cáo quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án chưa có hiệu lực pháp luật của Toà án. Khi kháng cáo của bị cáo là hợp lệ, Toà án cấp phúc thẩm phải xem xét và giải quyết yêu cầu kháng cáo của bị cáo. Để bị cáo có thể yên tâm thực hiện quyền kháng cáo của mình, luật TTHS quy định nếu chỉ có kháng cáo của bị cáo mà không có kháng cáo, kháng nghị theo hướng tăng nặng nào khác thì Toà án cấp phúc thẩm không có quyền sửa án theo hướng bất lợi cho bị cáo.

- Bị cáo có quyền khiếu nại quyết định, hành vi của cơ quan, người có thẩm quyền THTT.

Bị cáo có quyền khiếu nại quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền THTT. Những quyết định này không thuộc đối tượng kháng cáo như quyết định áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn, quyết định hoãn phiên toà… Bị cáo cũng có quyền khiếu nại hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền THTT nếu các hành vi đó là trái pháp luật.

Một phần của tài liệu Nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo (Trang 31 - 35)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(74 trang)
w