Quy định về hình thức đầu tư

Một phần của tài liệu Tìm hiểu pháp luật đầu tư của Việt Nam trong sự so sánh với pháp luật đầu tư của Lào (Trang 29 - 32)

3.1. Quy định về hình thức đầu tư theo pháp luật Việt Nam

Hình thức đầu tư là cách tiến hành hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư theo quy định của pháp luật. Trong điều kiện kinh tế thị trường, hình thức đầu tư kinh doanh ngày càng phong phú đa dạng; mỗi hình thức đầu tư có những đặc điểm riêng nhất định về cách thức đầu tư vốn, tính chất liên kết và phân chia kết quả kinh doanh giữa các nhà đầu tư. Căn cứ vào nhu cầu và điều kiện cụ thể của mình, các nhà đầu tư có quyền lựa chọn các hình thức đầu tư thích hợp theo quy định của pháp luật. Luật Đầu tư năm 2005 của Việt Nam phân chia các hình thức đầu tư thành 2 nhóm là: Đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp

3.1.1. Các hình thức đầu tư trực tiếp

Đầu tư trực tiếp là hình thức đầu tư mà ở đó nhà đầu tư nắm quyền quản trị kinh doanh; quyền đầu tư vốn (chủ đầu tư) đồng thời là người sử dụng vốn. Theo Luật Đầu tư 2005, các hình thức đầu tư trực tiếp bao gồm:

- Đầu tư vào tổ chức kinh tế (thành lập hoặc góp vốn)

Đầu tư vào các tổ chức kinh tế có nội dung là việc nhà đầu tư bỏ vốn thành lập mới các cơ sở kinh doanh hoặc góp vốn vào vốn điều lệ để nắm quyền

quản trị của đơn vị kinh doanh đang hoạt động. Theo quy định hiện hành, đầu tư vào tổ chức kinh tế bao gồm các nhóm hình thức đầu tư chủ yếu sau:

Thành lập tổ chức kinh tế 100% vốn của nhà đầu tư. Thuộc nhóm hình thức đầu tư này bao gồm: doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH 1 thành viên (do 1 các nhân hoặc 1 tổ chức làm chủ sở hữu), hộ kinh doanh cá thể.

Thành lập, góp vốn vào tổ chức kinh tế có sự hợp tác giữa nhiều nhà đầu tư. ở nhóm hình thức đầu tư này, nhà đầu tư có thể thành lập hoặc góp vốn vào công ty hợp danh, công ty TNHH 2 thành viên trở lên, công ty Cổ phần, tổ hợp tác, hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã.

Trong nhóm hình thức đầu tư vào tổ chức kinh tế, hoạt động kinh doanh của các nhà đầu tư được tiến hành thông qua tư cách pháp lý của các tổ chức kinh tế. Ngoài việc tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư, việc thành lập, tổ chức hoạt động của các tổ chức kinh tế còn chịu sự điều chỉnh của các quy định trong các văn bản pháp luật về hình thức tổ chức kinh doanh.

- Đầu tư theo hợp đồng

Khác với hình thức đầu tư vào tổ chức kinh tế, ở nhóm hình thức đầu tư theo hợp đồng, việc đầu tư vốn để kinh doanh của nhà đầu tư được tiến hành trên cơ sở hợp đồng được giao kết giữa các nhà đầu tư hoặc giữa nhà đầu tư với Nhà nước (các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền). Nhà đầu tư trực tiếp tiến hành hoạt động kinh doanh với tư cách pháp lý của mình phù hợp với nội dung thoả thuận trong hợp đồng. Khi nhà đầu tư lựa chọn đầu tư theo hợp đồng, ngoài việc phải tuân thủ Luật Đầu tư, việc giao kết, thực hiện hợp đồng còn phải phù hợp với các quy định chung về hợp đồng trong kinh doanh, thương mại. Theo quy định hiện hành, đầu tư theo hợp đồng bao gồm các hình thức sau:

Hợp tác kinh doanh (hợp doanh): là hình thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp đồng giao kết giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập pháp nhân.

Đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT), hợp đồng xây dựng – chuyển giao – kinh doanh (BTO), và hợp đồng xây dựng-chuyển giao (BT): BOT, BTO và BT là những hình thức đầu tư thông qua

hợp đồng được ký kết giữa cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư. Theo các hợp đồng này, nhà đầu tư bỏ vốn để xây dựng, kinh doanh các công trình kết cấu hạ tầng và chuyển giao cho Nhà nước theo những phương thức thanh toán, đền bù khác nhau.

- Đầu tư phát triển kinh doanh

Đầu tư phát triển kinh doanh là hình thức đầu tư theo đó, nhà đầu tư bỏ vốn để mở rộng quy mô, nâng cao năng lực hoạt động của cơ sở kinh doanh. Đầu tư phát triển kinh doanh có vai trò quan trọng trong việc phát huy hiệu quả sử dụng vốn đầu tư hiện có đồng thời bổ sung vốn đầu tư mới, tạo nền tảng cho sự tăng trưởng và phát triển bền vững của cơ sở kinh doanh. Đầu tư phát triển kinh doanh bao gồm các hình thức cụ thể là : mở rộng quy mô, nâng cao công suất, năng lực kinh doanh (thành lập chi nhánh), văn phòng đại diện, các đơn vị trực thuộc…); đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm ô nhiễm môi trường.

- Đầu tư thực hiện việc sáp nhập và mua lại doanh nghiệp, chi nhánh

doanh nghiệp.

Sáp nhập doanh nghiệp là hình thức đầu tư được thực hiện thông qua việc chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp bị sáp nhập sang doanh nghiệp nhận sáp nhập đồng thời chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp bị sáp nhập. Mua lại doanh nghiệp, chi nhánh doanh nghiệp là hình thức đầu tư theo đó nhà đầu tư nhận chuyển giao quyền sở hữu doanh nghiệp, chi nhánh doanh nghiệp có thanh toán.

3.1.2. Các hình thức đầu tư gián tiếp

Sự khác nhau cơ bản giữa các hình thức đầu tư trực tiếp và các hình thức đầu tư gián tiếp là mức độ, phạm vi quản lý và kiểm soát của chủ đầu tư đối với hoạt động kinh doanh. Trong các hình thức đầu tư gián tiếp, nhà đầu tư không trực tiếp tham gia quản lý , điều hành qúa trình thực hiện và sử dụng các nguồn lực đầu tư. Nhà đầu tư gián tiếp về cơ bản chỉ được hưởng các lợi ích kinh tế từ hoạt động đầu tư. Các hình thức đầu tư gián tiếp bao gồm những hình thức phổ biến như đầu tư thông qua mua chứng khoán (cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu và

các giấy tờ có giá khác); đầu tư thông qua quỹ đầu tư chứng khoán; đầu tư thông qua ngân hàng, doanh nghiệp bảo hiểm…

3.2. Quy định về hình thức đầu tư theo pháp luật CHDCND Lào

Theo điều 4 Luật Đầu tư nước ngoài của CHDCND Lào, nhà đầu tư nước ngoài được phép đầu tư vào CHDCND Lào theo 2 hình thức sau: liên doanh với một hoặc nhiều nhà đầu tư Lào; doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài.

Theo điều 5 Luật này, liên doanh là đầu tư nước ngoài được thành lập và đăng ký theo pháp luật của CHDCND Lào, trong đó cùng sở hữu và kinh doanh với một hoặc nhiều nhà đầu tư Lào. Việc điều hành tổ chức và hoạt động của liên doanh và mối quan hệ giữa các bên được điều chỉnh bởi hợp đồng được ký kết giữa các bên và điều lệ về liên doanh, phù hợp với pháp luật của CHDCND Lào. Cũng theo điều 6 của luật này, nhà đầu tư trong liên doanh phải góp vốn tối thiểu là 30% tổng đầu tư của liên doanh. Vốn góp của một bên nước ngoài hoặc các bên nước ngoài trong liên doanh sẽ được chuyển đổi sang tiền Lào phù hợp với pháp luật của CHDCND Lào.

Theo điều 7, doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài là đầu tư nước ngoài của một hoặc nhiều nhà đầu tư nước ngoài mà không có sự tham gia của nhà đầu tư Lào, được đăng ký theo pháp luật của CHDCND Lào. Doanh nghiệp được thành lập ở Lào có thể là một công ty mới hoặc là một chi nhánh hoặc một văn phòng đại diện của một công ty nước ngoài.

Đầu tư trong nước là hình thức đầu tư trực tiếp, đó là việc sử dụng nguồn vốn, tài sản, khoa học công nghệ và tiềm năng khác vào việc sản xuất kinh doanh trong nước (Điều 2 Luật Khuyến khích đầu tư trong nước ).

Theo Điều 4 Luật Khuyến khích đầu tư trong nước: nhà đầu tư trong nước có thể đầu tư trong mọi loại hình thức doanh nghiệp được quy định trong Luật Doanh nghiệp

Một phần của tài liệu Tìm hiểu pháp luật đầu tư của Việt Nam trong sự so sánh với pháp luật đầu tư của Lào (Trang 29 - 32)