Những bất cập khi giải quyết vụ án đánh bạc

Một phần của tài liệu những yếu tố cơ bản của tội đánh bạc, (Trang 52 - 54)

CHƯƠNG 3: THỰC TIỄN ÁP DỤNG VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN

3.2 Những bất cập khi giải quyết vụ án đánh bạc

Trước hết chúng ta hãy bàn về Tội đánh bạc, Điều 248 Bộ luật hình sự năm 1999 để thấy rõ những điểm chưa hợp lý của Điều luật.

“Điều 248. Tội Đánh bạc

1. Người nào đánh bạc dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật có giá trị lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này và Điều 249 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì ...”

Về yếu tố tiền hay hiện vật “có giá trị lớn”, “có giá trị rất lớn hoặc đặc biệt lớn” thì đã rõ, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ căn cứ vào tình hình kinh tế xã hội của từng thời kỳ để quy định giá trị lớn, giá trị rất lớn..., ví dụ như tại điểm 6 mục I Nghị quyết số 02/2003 ngày 17 tháng 4 năm 2003 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao có quy định rất cụ thể:

“6.3.Tiền hoặc hiện vật “có giá trị lớn”, “có giá trị rất lớn hoặc đặc biệt lớn” được xác định như sau: a) Tiền hoặc hiện vật có giá trị từ một triều đồng đến dưới mười triệu đồng là có giá trị lớn; b) ...”

Điều đáng quan tâm ở đây là, nhà làm luật đã có sự nhầm lẫn về mặt ngôn ngữ khi quy định như sau: “... đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này và Điều 249 của Bộ luật này ...” . Đáng lẽ ra nhà làm luật phải sử dụng giới từ “hoặc” thay vì sử dụng giới từ “và”. Khi sử dụng giới từ “và”, ngẫu nhiên nhà làm luật đã để người đọc hiểu sai rằng: người có hành vi đánh bạc mà tiền hoặc hiện vật có giá trị nhỏ thì chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi họ đã bị xử phạt hành chính của cả hai hành vi quy định tại Điều 248 và hành vi quy định tại Điều 249. Có nghĩa là họ đã từng bị xử phạt hành chính về hành vi đánh bạc nhưng chưa bị xử phạt hành chính về hành vi tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc quy định tại Điều 249 mà tiếp đó họ lại tái phạm hành vi đánh bạc thì cũng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc.

Vấn đề thứ hai là việc áp dụng điều khoản nào cho đúng tính chất tội phạm trong một số trường hợp cụ thể. Về bản chất, tội đánh bạc, Điều 248 được hiểu là hành vi của một người bỏ ra một khoản tiền hay hiện vật để đánh bạc bằng bất cứ hình thức gì như chơi bài lá, chơi sóc đĩa, cá cược bóng đá, chọi gà ăn tiền, đánh lô đề, v.v... Mặt chủ quan của tội phạm là tìm kiếm vận may bằng hình thức đánh bạc đỏ đen mà họ là người trực tiếp nhận được hậu quả của hành vi đánh bạc đó, có thể họ được cũng có thể thua. Còn hành vi tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc là hành vi của người đứng ra tổ chức, tạo điều

kiện cho người khác và cũng có thể cả người đó cùng đánh bạc ví dụ như mở chiếu bạc, lập xới chọi gà ăn tiền, ghi số đề....

Tuy nhiên trong trường hợp cụ thể là người ghi số lô đề và người cầm bảng (chủ) lô, đề thì chúng ta cần làm rõ hành vi đó phải bị áp dụng điều khoản nào cho đúng.

Đối với hành vi của người ghi số đề, khi họ không tham gia chơi số mà họ chỉ ghi thuê cho chủ lô, đề thì sẽ phải truy tố về tội gì? Truy tố về tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc hay truy tố về tội đánh bạc với vai trò là người đồng phạm. Thông thường cơ quan tiến hành tố tụng truy tố họ về tội tổ chức đánh bạc và gá bạc (Điều 249). Tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm của các cơ quan tiến hành tố tụng vì về mặt chủ quan họ không có ý định đánh bạc để tìm vận may, thực ra họ là người kết nối những con bạc với nhau, hành vi của họ là hành vi gá bạc. Họ nhận được một khoản tiền theo thoả thuận với người chủ đề, không phụ thuộc vào kết quả thắng thua của bên tham gia đánh bạc nào.

Nhưng đối với hành vi của người chủ lô, đề hay còn gọi là người cầm bảng đề, thì việc các cơ quan tiến hành tố tụng truy tố họ về tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc đã thực sự chính xác? Xét về mặt chủ quan của tội phạm thì người chủ lô, đề là người trực tiếp tham gia đánh bạc, là trường hợp một người đánh bạc với nhiều người. Trong một số trường hợp người chủ lô, đề thu lợi bất chính rất lớn nhưng cũng không thiếu những chủ lô, đề khuynh gia bại sản sau một thời gian “ôm bảng”. Người chủ lô đề cũng chính là người tổ chức lên các bảng lô đề để chơi bạc với các con bạc khác. Họ tạo dựng lên mạng lưới người ghi thuê nhằm thu hút nhiều con bạc hơn từ đó giá trị tiền và hiện vật dùng vào việc đánh bạc tăng lên. Bản chất hành vi của người chủ đề là phạm vào cả hai tội ở Điều 248 và Điều 249. Nên chăng, phải xử lý họ về cả 2 hành vi đánh bạc và tổ chức đánh bạc. Để thống nhất cách xử lý cần có sự hướng dẫn cụ thể của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Một phần của tài liệu những yếu tố cơ bản của tội đánh bạc, (Trang 52 - 54)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(76 trang)
w