Tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu về pháp luật

Một phần của tài liệu Vận dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO đối với Việt Nam trong việc giải quyết tranh chấp về thương mại hàng dệt may (Trang 47 - 50)

II. Một số kiến nghị cụ thể

1. Đối với Nhà nước

1.1. Tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu về pháp luật

thương mại quốc tế nói chung và pháp luật của WTO nói riêng

Như đã phân tích ở chương 2, công tác đào tạo đội ngũ đóng vai trò hết sức quan trọng, đặc biệt đối với Việt Nam. Không chỉ thiếu kinh nghiệm trong giải quyết tranh chấp, Việt Nam hiện nay còn thiếu trầm trọng nguồn nhân lực chuyên sâu, có sự hiểu biết về pháp luật thương mại quốc tế đủ tầm để tự tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp tại WTO. Sự thiếu hụt trầm trọng này sẽ khiến cho Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong khâu chuẩn bị hồ sơ tranh tụng.

Để tăng cường công tác đào tạo, theo chúng tôi, nhà nước cần xây dựng một chiến lược đào tạo toàn diện đội ngũ chuyên gia trong nước có chất lượng cao, chuyên sâu về pháp luật thương mại quốc tế, về hệ thống các quy định của WTO và giỏi về ngoại ngữ. Chiến lược đào tạo toàn diện này cần có sự tính toán kỹ lưỡng, cần có sự kết hợp hiệu quả giữa nhiều Bộ, ngành và các cơ quan quản lý nhà nước khác nhau. Chiến lược đào tạo này cũng cần có những quy mô, thời gian đào tạo khác nhau như đào tạo ngắn hạn, trung hạn, dài hạn và đào tạo ở trong nước kết hợp đào tạo ở nước ngoài. Chiến lược đào tạo đó cũng cần hướng tới những đối tượng đào tạo cụ thể như cán bộ quản lý, cán bộ nghiên cứu, nhà quản lý hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp, các cán bộ trẻ và đặc biệt là lớp sinh viên trẻ của các trường đại học, để có thể tránh lãng phí cho ngân sách nhà nước đồng thời vẫn có được hiệu quả tối ưu cho từng đối tượng đào tạo:

1.1.1. Đào tạo ngắn hạn

Chính phủ Việt Nam cần tận dụng có hiệu quả các quy định của WTO về đối xử đặc biệt và khác biệt dành cho các nước đang và kém phát triển, theo đó các nước có trình độ phát triển cao hơn, Ban thư ký của WTO và các tổ chức quốc tế khác sẽ hỗ trợ các nước đang phát triển như Việt Nam về mặt kỹ thuật pháp lý trong WTO thông qua các chương trình, dự án phát triển đào tạo ngắn hạn của họ. Một trong những dự án như vậy đã được triển khai tại Việt Nam vào tháng 2005, 2006, 2007 là “Dự án hỗ trợ đa biên I, II” (MUTRAP I, II) dưới sự hỗ trợ tài chính của Ủy ban châu Âu. Trong chương trình của dự án có các cuộc hội thảo đào tạo ngắn hạn từ 3 dến 4 ngày về thủ tục giải quyết tranh chấp và các hiệp định của WTO có liên quan dành cho các nhà quản lý, cán bộ nghiên cứu, các lãnh đạo Hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp. Tuy nhiên, đối tượng đi học là sinh viên hầu như chưa có. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị là cần có chiến lược đào tạo ngắn hạn tổ chức vào dịp hè, để sinh viên các trường đại học có thể dễ dàng tham gia.

1.1.2. Đào tạo trung và dài hạn

Đây là hình thức đào tạo mà chính phủ cần đặc biệt quan tâm và đầu tư thích đáng để có được một đội ngũ chuyên gia trong nước có chất lượng cao đủ tầm gánh vác những nhiệm vụ mà thực tiễn thương mại thế giới nói chung và thực tiễn giải quyết tranh chấp trong WTO đòi hỏi.

- Trước tiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành khác cần rà soát những cán bộ trẻ có đủ tố chất, kiến thức cơ bản, có triển vọng, tinh thông ngoại ngữ trong bộ máy của chính Bộ Công Thương và của những trung tâm nghiên cứu, các trường đại học, và ngay lập tức có kế hoạch tài chính để gửi họ đi học dài hạn ở các nước có ngành luật phát triển như Mỹ, các nước Châu Âu và ngay tại Ban thư ký của WTO. Đây là một hướng đào tạo tốn kém tiền bạc và thời gian, nhưng là tối cần thiết để có được một đội ngũ chuyên gia “hạt nhân” chuyên sâu có chất lượng cao.

- Thứ hai, ngoài việc gửi cán bộ đi học ở các trung tâm có ngành luật phát triển như Mỹ, các nước Châu Âu và Ban thư ký của WTO thì Việt Nam cũng cần tính đến

việc gửi sinh viên sang các nước đang phát triển có trình độ phát triển cao hơn như Ấn Độ -nước có nhiều kinh nghiệm trong vận dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO và đặc biệt chi phí sẽ rẻ hơn rất nhiều- và học ngay tại tòa án hoặc các bộ phận có liên quan đến WTO của họ. Hơn nữa, các chuyên gia luật của Ấn độ cũng có trình độ cao, đã được thế giới công nhận thông qua thực tiễn giải quyết tranh chấp trong thời gian vừa qua; điển hình trong vụ kiện đã phân tích ở trên, Ấn Độ đã theo kiện đến cùng và đã giành thắng lợi trước một trung tâm có ngành luật phát triển hàng đầu như Liên minh Châu Âu.

- Thứ ba,Bộ giáo dục và Đào tạo cần phối hợp với các Bộ ngành có liên quan, liên hệ với các chuyên gia trong nước cùng các chuyên gia nước ngoài tại các trường đại học có ngành luật phát triển để thiết kế các chương trình giảng dạy, các chuyên ngành học chuyên sâu về pháp luật thương mại quốc tế, pháp luật của WTO, cũng như đào tạo ngoại ngữ một cách chuyên nghiệp để triển khai đào tạo bậc đại học và sau đại học về lĩnh vực này tại các trường đại học của Việt Nam. Trong tương lai, khi kết hợp với các loại hình đào tạo khác chúng ta có thể hoàn thiện được hệ thống đào tạo nguồn nhân lực, có thể chủ động phát triển không phụ thuộc quá nhiều vào các chuyên gia nước ngoài.

- Cuối cùng, chính phủ cũng nên có kế hoạnh triển khai hình thức đào tạo trực tuyến qua mạng Internet khi trình độ ngoại ngữ, tin học của các cán bộ và sinh viên đã đạt đến một trình độ nhất định. Hình thức này giúp cho người học có thể theo học các cấp khác nhau tại những trung tâm đào tạo lớn nhất trên thế giới với chi phí thấp nhưng vẫn rất hiệu quả. Hơn thế nữa, đào tạo trực tuyến còn góp phần tiết kiệm chi phí đi lại cũng như ăn ở cho các nghiên cứu sinh khi học tại nước ngoài. Đó cũng là xu thế phát triển đào tạo chung của thế giới.

1.2. Thành lập bộ phận chuyên trách để đặc biệt theo dõi tiến trình về giải quyết tranh chấp trong thương mại quốc tế nói chung và thương mại hàng dệt may nói riêng

Trước thực tế tranh chấp trong thương mại hàng dệt may có thể xảy ra bất cứ lúc nào, việc thành lập một bộ phận chuyên trách để theo dõi về tranh chấp trong thương mại quốc tế nói chung và thương mại hàng dệt may nói riêng là rất cần thiết. Việt Nam vừa mới gia nhập WTO và chưa có kinh nghiệm về giải quyết tranh chấp trong WTO, vì thế vai trò đầu tiên của bộ phận này là thành lập các nhóm chuyên gia để theo dõi và thu thập thông tin về các vụ kiện diễn ra trên thế giới, đặc biệt là trong khuôn khổ WTO, tập hợp các án lệ để phân tích, lấy kinh nghiệm phục vụ cho những vụ kiện của Việt Nam sau này.

Bộ phận chuyên trách trực thuộc Bộ Công Thương này cũng có nhiệm vụ làm đầu mối khi có vụ tranh chấp liên quan đến Việt Nam xảy ra. Đây sẽ là bộ phận tập hợp các yêu cầu tham vấn từ các quốc gia thành viên khác, lập kế hoạch theo kiện và thông báo tình hình đến các doanh nghiệp, hiệp hội để chuẩn bị ứng phó với vụ kiện. Hơn nữa, bộ phận này cũng sẽ tiếp nhận các thông tin, ý kiến yêu cầu từ các doanh nghiệp, hiệp

hội trong nước để xem xét xử lý và đưa ra khuyến nghị cho các cơ quan quản lý Nhà nước để khởi kiện lên cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO nếu cần thiết. Nếu phải theo kiện, bộ phận này cũng sẽ chịu trách nhiệm chuẩn bị hồ sơ theo kiện cũng như thuê luật sư và các chuyên gia tư vấn thích hợp cho vụ kiện. Ngoài ra, bộ phận này cũng cần theo dõi sát sao quá trình diễn biến của vụ kiện để kịp thời đưa ra chiến lược tranh tụng hợp lý và có lợi cho Việt Nam.

Mặt khác, sự hiểu biết của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam về WTO và cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO còn hạn chế. Vì vậy, bộ phận chuyên trách còn phải gánh vác nhiệm vụ phổ biến những kiến thức cơ bản cho các doanh nghiệp để họ có thể tham gia vào hệ thống thương mại thế giới theo đúng khuôn khổ pháp lý của WTO, tránh xảy ra những tranh chấp không cần thiết. Ngoài ra, những kiến thức này cũng sẽ giúp các doanh nghiệp có thể ứng phó với các vụ kiện có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của họ.

Một phần của tài liệu Vận dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO đối với Việt Nam trong việc giải quyết tranh chấp về thương mại hàng dệt may (Trang 47 - 50)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(57 trang)
w