Đánh giá kết quả của hoạt động tiếp xúc cử tr

Một phần của tài liệu hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội (Trang 33 - 38)

2.2.1. Mặt đạt được

- Trong những năm vừa qua, công tác TXCT của ĐBQH đã dành được sự quan tâm từ nhiều phía, đã cải tiến và bước đầu đã khắc phục được tính hình thức, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động chung của Quốc hội và được nhân dân ghi nhận. Từ hoạt động TXCT, ĐBQH đã bổ sung được nhiều kinh nghiệm thực tiễn quý báu để tham gia quyết định các vấn đề quan trọng trong chương trình nghị sự của Quốc hội. Nhiều vấn đề cử tri nêu lên đã được Quốc hội đưa ra bàn thảo công khai trước diễn đàn và được nhiều cử tri đồng tình, ủng hộ. Vị thế và uy tín của ĐBQH nói riêng và của Quốc hội nói chung ngày càng được khẳng định và nâng lên.

- Qua hoạt động TXCT, ĐBQH đã phản ánh được tâm tư nguyện vọng của cử tri đến Quốc hội, góp phần thúc đẩy Chính phủ, các cơ quan hữu quan nghiên cứu giải quyết nhiều kiến nghị của cử tri, đóng góp tích cực vào hiệu lực và hiệu quả quản lí nhà nước ở trung ương và địa phương. Do nội dung các cuộc TXCT

thường đề cập nhiều vấn đề ở địa phương nên đã góp phần thúc đẩy chính quyền địa phương giải quyết kiến nghị của cử tri, nhất là những vấn đề đang bức xúc, nổi cộm ở địa phương.

- Hoạt động TXCT của ĐBQH trong những năm gần đây đã góp phần tạo được không khí dân chủ trong xã hội, tăng cường mối quan hệ giữa ĐBQH với cử tri; giữa chính quyền với nhân dân và giữa nhân dân với Quốc hội, nâng cao năng lực đại diện cho các vị đại biểu dân cử, tạo điều kiện để cử tri tham gia quản lý nhà nước, góp phần làm sâu sắc thêm bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân, vì dân.

2.2.2. Tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác TXCT những năm qua còn nhiều bất cập, chưa thật sự đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của cử tri. Đó là:

- Nhận thức chung của xã hội đối với công tác TXCT của ĐBQH có lúc, có nơi chưa thật sự sâu sắc, nhất là tiếp xúc với cử tri nơi cư trú, nơi làm việc và tiếp xúc theo chuyên đề, lĩnh vực và tại các địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn. Một bộ phận cử tri nói chung, cử tri ở vùng sâu, vùng xa nói riêng chưa thấy hết quyền và nghĩa vụ của mình trong việc tham gia giám sát Nhà nước thông qua người mà mình đã trao quyền đại diện nên chưa thực sự quan tâm đến việc tiếp xúc với ĐBQH; quan niệm ĐBQH là người có khả năng giải quyết “mọi việc trên đời” còn khá phổ biến.

- ĐBQH chưa thật sự phát huy vai trò, trách nhiệm đối với công tác TXCT, chưa coi việc TXCT vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ của đại biểu. Nhiều đại biểu chưa thật sự đi sâu sát xuống cơ sở, chưa nắm chắc tình hình, tâm tư, nguyện vọng cử tri ở đơn vị bầu cử để thực hiện tốt chức năng đại diện cho cử tri; chưa quan tâm thường xuyên đến việc TXCT ở nơi làm việc, nơi cư trú, gặp gỡ tiếp xúc cá nhân hoặc nhóm cử tri. Hầu hết các ĐBQH chưa thực hiện trách nhiệm báo cáo với cử tri về kết quả hoạt động hàng năm và thực hiện chương trình hành động. Kết quả TXCT hàng năm đạt thấp so với khả năng thực hiện

của đại biểu; tỷ lệ cử tri được tiếp xúc với đại biểu hàng năm đạt quá thấp so với tổng số cử tri cả nước (đạt dưới 1%) nên chưa đáp ứng được nhu cầu của cử tri được tiếp xúc với ĐBQH.

- Việc triển khai thực hiện các hình thức TXCT chưa được đầy đủ theo quy định của pháp luật. Các Đoàn ĐBQH mới chủ yếu tổ chức để đại biểu thực hiện tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp, chưa thật sự chú trọng thực hiện các hình thức tiếp xúc khác. TXCT theo chuyên đề, lĩnh vực thực sự đã phát huy hiệu quả đối với việc lấy ý kiến nhân dân về các dự án luật và quyết định những vấn đề quan trọng, tuy nhiên trong quá trình làm luật, việc lấy ý kiến nhân dân lại không coi là hình thức TXCT.

- Thời gian mỗi đại biểu dành cho TXCT là quá ít. Mỗi năm Quốc hội có 2 kỳ họp. Mỗi ĐBQH do đó có 4 kỳ TXCT. Mỗi kỳ như vậy tối đa được 2 ngày (khoảng 4 buổi). Vậy, một năm mỗi đại biểu chỉ có 8 ngày với cử tri [28,tr2]. Như vậy là quá ít để đại biểu nắm bắt được hết tâm tư, nguyện vọng của cử tri.

- Công tác tổ chức để ĐBQH tiếp xúc cử tri có lúc, có nơi còn hình thức giản đơn. Người chủ trì hội nghị tiếp xúc chưa làm tốt việc định hướng nội dung cuộc tiếp xúc. Tình trạng “đại biểu cử tri”, “cử tri chuyên nghiệp, đại biểu kiêm nhiệm”...diễn ra còn khá phổ biến, nội dung tiếp xúc còn đơn điệu; thông tin chuyển tải đến cử tri chưa đáp ứng được nhu cầu của cử tri; chưa dành nhiều thời gian để cử tri phát biểu tâm tư, nguyện vọng; việc giải trình, tiếp thu, giải quyết trực tiếp ý kiến, kiến nghị của ĐBQH và cơ quan chức năng ở địa phương có lúc, có nơi còn lúng túng, hiệu quả thấp. Công tác nắm bắt thông tin ở cơ sở phục vụ ĐBQH tiếp xúc cử tri còn yếu và bất cập. Mặt khác, MTTQ ở địa phương chưa thực hiện được việc tổ chức để cử tri nhận xét, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của ĐBQH nơi cử tri bầu ra.

- Việc cử đại diện của cơ quan chức năng ở địa phương tham gia các cuộc TXCT chưa được đầy đủ, thường xuyên do phải phân tán đại diện tham dự nhiều cuộc TXCT của ĐBQH trong cùng một khoảng thời gian. Việc tổ chức nhiều cuộc TXCT của ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp tại một địa bàn, trong khoảng

thời gian ngắn cũng gây khó khăn trong việc cử đại diện tham gia của các cơ quan phối hợp và các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương. Trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương trong việc tiếp thu, giải trình kiến nghị của cử tri tại các buổi tiếp xúc có lúc, có nơi chưa cao.

- Công tác tập hợp, tổng hợp, phân loại ý kiến, kiến nghị của cử tri tuy có nhiều cố gắng, song vẫn còn hạn chế. Việc thu thập, phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri chưa được thường xuyên, mới chủ yếu thực hiện qua các đợt TXCT trước và sau kỳ họp Quốc hội.

- Công tác chuyển, theo dõi, đôn đốc cơ quan chức năng trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri làm chưa được thường xuyên, chưa quyết liệt. Công tác giám sát của các cơ quan của Quốc hội đối với việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri còn bất cập, chưa góp phần thúc đẩy trách nhiệm giải quyết ý kiến, kiến nghị đối với các cơ quan, tổ chức nên chất lượng, hiệu quả giải quyết kiến nghị của cử tri còn ở chừng mực nhất định.

2.2.3. Nguyên nhân của những hạn chế

- Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác TXCT còn hạn chế cả về hình thức và phương pháp. Nhận thức của ĐBQH, của cơ quan, tổ chức hữu quan và của cử tri về một số quy định của pháp luật về công tác TXCT cũng như về mục đích, ý nghĩa của công tác này còn khác nhau.

- Việc tổ chức TXCT còn nặng thủ tục và tính “khuôn mẫu” của hội nghị tiếp xúc nên chưa tạo được điều kiện phát huy tính chủ động và trách nhiệm của từng ĐBQH trong hoạt động TXCT.

- Đa số (70%) ĐBQH nước ta hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, một lúc gánh ít nhất hai vai, có khi phải gánh ba bốn vai, phần lớn các vai đó là các vị trí trong bộ máy hành pháp và tư pháp ở trung ương cũng như địa phương nên thời gian dành cho hoạt động đại biểu nói chung và cho công tác TXCT không nhiều. Hơn nữa kinh nghiệm TXCT còn thiếu, tính chuyên nghiệp không cao nên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, hiệu quả công tác TXCT.

- Kỹ năng TXCT của ĐBQH còn có những hạn chế nhất định nên thiếu tự tin trong quá trình TXCT và xử lý các ý kiến, kiến nghị. Đối với đại biểu cơ cấu, hoạt động kiêm nhiệm, không giữ chức vụ chủ chốt ở các cơ quan, tổ chức, do thiếu thông tin, kinh nghiệm ít, tính chuyên nghiệp không cao nên khả năng hoạt động TXCT còn nhiều hạn chế.

- Một số Đoàn ĐBQH chưa đề cao trách nhiệm trong việc phân công, đôn đốc ĐBQH thực hiện các quy định về TXCT ở nơi cư trú, nơi làm việc, theo chuyên đề, lĩnh vực và gặp gỡ, tiếp xúc với cá nhân hoặc nhóm cử tri nên việc TXCT của đại biểu còn đơn điệu, hiệu quả thấp.

- Các quy định của pháp luật về hoạt động TXCT của ĐBQH còn thiếu và nhiều quy định còn chưa thống nhất đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc thực hiện và hiệu quả hoạt động này.

- Bên cạnh đó, đội ngũ Văn phòng phục vụ Đoàn ĐBQH còn thiếu và yếu

cả về số lượng và chất lượng nên việc bố trí cán bộ phục vụ các cuộc TXCT của đại biểu còn rất hạn chế, khó khăn. Mặt khác, việc một Văn phòng phục vụ cho cả ĐBQH và đại biểu HĐND nhưng theo hai chế độ tài chính khác nhau cũng tạo ra những khó khăn nhất định trong chỉ đạo, điều hành Văn phòng giúp việc. Bên cạnh đó, các điều kiện vật chất như kinh phí, phương tiện, phòng họp…để phục vụ đại biểu tiếp xúc cử tri theo chế độ hội nghị còn chưa đáp ứng được nhu cầu của đại biểu và cử tri.

Một phần của tài liệu hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội (Trang 33 - 38)